11:10, 04/10/2015

Khánh Vĩnh: Ồ ạt bán rừng keo non

Tuy chưa đến chu kỳ khai thác nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu tiền trang trải cuộc sống nên nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đành bán rừng non. Hậu quả, năng suất rừng trồng thấp, đất lâm nghiệp bị bạc màu... Thế nhưng, cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Tuy chưa đến chu kỳ khai thác nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu tiền trang trải cuộc sống nên nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đành bán rừng non. Hậu quả, năng suất rừng trồng thấp, đất lâm nghiệp bị bạc màu... Thế nhưng, cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.


Rộn ràng mua bán keo non


Từ nhiều năm nay, dọc hai bên đường liên xã từ Khánh Nam đến Cầu Bà là những rừng keo xanh ngút ngàn. Thế nhưng, màu xanh tít tắp đó đang dần trở nên loang lổ, hàng chục héc-ta keo chưa đến kỳ khai thác đang bị người dân đốn hạ không thương tiếc.

 

Cây keo chưa đến tuổi đã khai thác
Cây keo chưa đến tuổi đã khai thác


Khi chúng tôi có mặt, ông Hà No (xã Cầu Bà) đang đi kiểm tra xem đầu nậu thu mua keo của gia đình đã chặt xong chưa để tính chuyện trồng lại. Ông cho biết, gia đình ông vừa bán 2ha keo gần 3 năm tuổi với giá chỉ 28 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư và công chăm sóc đã hơn 20 triệu đồng. Hỏi ông tại sao rừng keo chỉ vừa khép lá đã vội bán, ông bảo: “Do nhà tôi thiếu tiền cho con gái cưới chồng nên đành “bấm bụng” bán keo non”.

 
Theo chỉ dẫn của ông Hà No, chúng tôi tìm đến rẫy keo non đang được ông Hùng (nhà ở Diên Đồng, Diên Khánh) và người làm của ông khai thác. Ngồi trong căn chòi được dựng vội giữa rừng keo để làm nơi ăn, ở, ông Hùng kể: “Tôi làm nghề mua bán keo làm nguyên liệu giấy khoảng chục năm nay, địa bàn thu mua ở Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Ninh Hòa... và tận Đắk Lắk. Làm nghề này, cứ khai thác xong 1 đám keo (khoảng 3 - 5 ngày), tôi lại dỡ trại đi khai thác đám keo khác, vì thế thời gian chủ yếu là ở trong rừng, rẫy”.

 

Hầu hết cây keo do ông Hà No bán chỉ có đường kính khoảng 7 - 8cm
Hầu hết cây keo do ông Hà No bán chỉ có đường kính khoảng 7 - 8cm


Trò chuyện với ông Hùng, chúng tôi mới biết, ông chỉ là một trong số rất nhiều đầu nậu chuyên thu mua rừng keo non của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Vĩnh. Trong nhóm của ông, em trai ông phụ trách việc khai thác và vận chuyển keo từ rẫy ra, vợ ông lo việc cơm nước cho cả nhóm. Còn thợ cưa, thợ bóc vỏ keo thì đến địa phương nào, họ sẽ kêu người ở địa phương đó. Thấy chúng tôi tò mò vì đống cây keo quá nhỏ, chỉ mới 2,5 - 3 năm tuổi, đường kính gốc chưa đến 7cm  đã bị khai thác trắng, ông Hùng lý giải: “Việc khai thác keo non sẽ không hiệu quả, người trồng thu lợi chẳng được bao nhiêu, nhưng do nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu vẫn nhập keo nguyên liệu bất kể to nhỏ nên tôi vẫn tìm mua, rồi bán lại kiếm ít lợi nhuận. Chỉ tính riêng ở Khánh Vĩnh, năm nay tôi đã thu mua gần 100ha keo”. Cũng theo ông Hùng, trước đây, người đi mua keo còn ít thì việc mua bán keo non khá dễ dàng. Bây giờ, do có quá nhiều người mua, ông phải thông qua một số tay “cò” người địa phương mới mua được.


Xã Khánh Thượng cũng đang nhộn nhịp cảnh mua bán keo non. Hỏi chuyện những hộ dân ở khu vực Thác Hòm, chúng tôi được biết, cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã bán keo non từ nhiều năm nay.


Thiệt đơn, thiệt kép


“Ở đây, hầu hết nhà nào cũng bán keo chưa đủ tuổi khai thác. Keo được trồng khoảng 3 năm đã bán. Do bán keo còn non nên trữ lượng gỗ chưa có, nguồn thu của người dân cũng rất thấp. Gia đình tôi có 3 sào keo gần 3 năm tuổi, mới đây bán đi chỉ được 4 triệu đồng. Nếu giữ lại vài năm nữa, bán keo bì (keo có thể lấy gỗ) thì giá được gần 20 triệu đồng”, ông Pi Năng Nhiên (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng) cho hay.  

 

Dọc hai bên đường liên xã Khánh Nam - Cầu Bà có nhiều đống keo non vừa mới khai thác
Dọc hai bên đường liên xã Khánh Nam - Cầu Bà có nhiều đống keo non vừa mới khai thác


Theo tính toán của ông Nhiên, với 3 sào đất, ông trồng gần 1.500 cây keo nhưng chỉ bán được 4 triệu đồng, vị chi mỗi cây keo non trị giá chỉ hơn 2.600 đồng. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Gấm, người làm công cho ông Hùng cho biết, mỗi cây keo lột vỏ chị được trả 500 đồng, mỗi ngày công chị làm được từ 180.000 - 200.000 đồng.


Việc khai thác rừng non dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp đối với người trực tiếp trồng rừng là điều ai cũng biết. Khi trồng keo, người dân chủ yếu chăm sóc khoảng 2 năm đầu, chi phí đầu tư khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha (4.500 cây), tùy thuộc địa hình gần hay xa. Từ năm thứ 3 trở đi, chi phí sẽ thấp dần (chủ yếu là công phát dọn), trong khi cây trồng tăng trưởng nhanh hơn về mặt sinh khối, đến năm thứ 5 - 6 khai thác thì năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng cao hơn rất nhiều (khoảng 70 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, hầu hết những hộ bán keo non ở Khánh Vĩnh chủ yếu do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống. Ông Hà No tâm sự: “Nếu gia đình có tiền cho con gái bắt chồng thì tôi không bán keo non đâu. Bán 2ha keo trồng 3 năm mà lợi nhuận chỉ được 8 triệu đồng. Nếu để lại, đến khoảng 5 - 6 năm thì 2ha keo ấy trị giá ít nhất cũng được hơn 100 triệu đồng”. Ông Pi Năng Nhiên cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bản thân ông lại bị bệnh tật nên phải bán keo non.


Tình trạng khai thác rừng keo non vừa khiến hiệu quả trồng rừng đạt thấp, vừa làm mất đi nguồn nguyên liệu lớn phục vụ ngành chế biến lâm sản. Tuy nhiên, việc khuyến khích người trồng kéo dài chu kỳ khai thác rừng trồng nhằm tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế vẫn rất nan giải. Ông Pi Năng Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: “Hiện nay, xã có khoảng 200ha keo, trong đó keo cho thu hoạch khoảng 50ha. Thời gian qua, trên địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng người dân bán keo non. Tuy chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền nhưng việc này rất khó quản lý, bởi đây là rừng do người dân tự bỏ vốn đầu tư”.  


Giữ rừng cho dân


Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, xuất khẩu dăm gỗ sẽ được hạn chế dần với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Vì vậy, hạn chế việc mua bán keo non, giữ lại rừng keo cho người dân là điều hết sức cần thiết.

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, địa phương phát triển được 2.700ha keo lai giâm hom. Kế hoạch trong năm 2015, huyện sẽ phát triển thêm khoảng 600ha; trong đó, diện tích trồng keo theo Chương trình 147 khoảng 80ha, số còn lại do người dân tự đầu tư. Hiện nay, có khoảng 60% số hộ trên địa bàn huyện lựa chọn cây keo để trồng.

Theo ông Lưu Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, việc phát triển cây keo lai được địa phương rất chú trọng, theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa tạo công việc ổn định cho người dân địa phương. Hiện nay, cây keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ 2 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, khi đó có thể cây keo sẽ mất giá, việc bỏ keo để chạy theo cây trồng khác rất dễ xảy ra. “Để phát triển cây keo một cách bền vững, huyện đã đề nghị các công ty thu mua nguyên liệu có chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ rừng trồng. Mặt khác, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đến Khánh Vĩnh đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu để nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng”, ông Nguyên nói.


Ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, để tránh tình trạng người dân bán keo non gây thiệt hại về mặt kinh tế, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt thòi khi bán rừng trồng không đủ tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, người dân tự bỏ vốn để trồng rừng nên các cơ quan chức năng không có quyền can thiệp việc họ bán keo non.


Để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng keo non như hiện nay, chính quyền các xã trên địa bàn Khánh Vĩnh cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng trồng theo đúng quy trình, quy phạm, tránh tình trạng khai thác trắng, chỉ cho tỉa thưa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị kinh tế. Qua đó, góp phần làm cho nghề rừng trên địa bàn phát triển bền vững.


AN KHÁNH - BÍCH LA