12:10, 01/10/2015

Kỳ 2: Du lịch kiểu tự phát

Tuy Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định không phát triển du lịch ở đảo Bình Ba nhưng người dân nơi đây thời gian qua vẫn ào ạt làm theo kiểu tự phát. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài.

Tuy Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định không phát triển du lịch ở đảo Bình Ba nhưng người dân nơi đây thời gian qua vẫn ào ạt làm theo kiểu tự phát. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài.


Phá vỡ không gian làng chài


Mỗi lần đặt chân lên đảo Bình Ba, chúng tôi đều bất ngờ trước sự đổi thay ở nơi đây. Hàng loạt nhà nghỉ mọc lên thay thế cho vẻ hoang sơ, bình dị cách đây vài năm. Sự thay đổi đó là tất yếu khi du khách tìm về Bình Ba ngày một nhiều, người dân đầu tư nhà nghỉ để kinh doanh.

 

Nhà nghỉ và các dịch vụ phục vụ du khách ở Bình Ba
Nhà nghỉ và các dịch vụ phục vụ du khách ở Bình Ba


Ngồi cùng chuyến ca nô với chúng tôi đến Bình Ba một ngày cuối tháng 9, anh Trịnh Quốc Bảo (Hà Nội) cho biết, bạn anh đi Bình Ba về khen phong cảnh ở đây đẹp, hoang sơ, hải sản tươi ngon nên anh cùng gia đình quyết định thực hiện một chuyến du lịch xa. “Đoàn đi hơn 10 người, nhưng tôi không đi theo tour. Bạn tôi nói nếu khách sạn hết phòng thì thuê nhà người dân nên cũng yên tâm”, anh Bảo nói. Tuy không phải mùa cao điểm nhưng quan sát ở cầu tàu lên đảo Bình Ba vào buổi sáng, chúng tôi thấy cứ khoảng 15 phút lại có một ca nô chở gần 20 khách, khoảng 2 tiếng thì có một tàu chở gần 100 khách cập bến. Một chị bán nước ở khu vực cầu tàu cho biết: “Gần 2 năm nay, người dân Bình Ba đã quen dần với việc du khách tấp nập lên đảo. Nhiều người kiếm tiền rất khá từ dịch vụ du lịch ở đây”.

 

Nhiều bè ở Bình Ba được xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách
Nhiều bè ở Bình Ba được xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách


Anh Nguyễn Ngọc Huy, chủ nhà nghỉ Phát Đạt cho biết, nhà nghỉ của anh vừa khai trương đầu năm nay với 11 phòng, giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/phòng. “Tôi thấy khách đến đông quá nên quyết định đầu tư. Vào mùa cao điểm, nhà nghỉ không đủ phòng để đón khách. Tuy nhiên, tôi nhận thấy cách làm du lịch ở đây còn tự phát, làm theo ý thích, rất nghiệp dư”, anh Huy nói.


Theo lãnh đạo UBND xã Cam Bình, khoảng 2 năm nay, du khách đến Bình Ba tăng đột biến; đến thời điểm hiện tại đã ở mức quá tải. Thống kê của UBND xã cho thấy, toàn đảo có 23 nhà nghỉ có đăng ký, tổng số khoảng 240 phòng. Ngoài ra, có 14 bè hoạt động phục vụ du khách ăn uống. Khi chúng tôi đến Bình Ba, nhiều nhà nghỉ và bè vẫn đang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, chứng tỏ con số còn lớn hơn thống kê chính thức của xã. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000 lượt khách đến Bình Ba, lúc cao điểm vào mùa hè, mỗi ngày có thể lên đến 2.000 lượt khách. “Khách đến ngày một đông khiến địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý, nhất là những dịp nghỉ lễ hoặc thứ Bảy, Chủ nhật. Thường khách ở lại đêm tổ chức ăn nhậu trên bè, lặn ngắm san hô, đốt lửa trại ở bãi biển... Tuy nhiên, chúng tôi cấm tuyệt đối không cho du khách ngủ trên bè, hoặc tổ chức ăn nhậu ở bè xa bờ. Chính quyền địa phương cũng vận động người dân không nên xây nhà nghỉ vì hiện nay Nhà nước đã không cho phát triển du lịch ở đây”, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết.


Khan hiếm nước ngọt


Câu chuyện thiếu nước ngọt ở đảo Bình Ba đã được phản ánh từ nhiều năm nay, nhưng “khát” nhất có lẽ là mùa khô năm nay - thời điểm du khách đến đông nhất. Hầu hết các nhà nghỉ ở đây đều phải mua nước từ các giếng đào của những hộ dân, dẫn đến lượng nước ngầm sụt giảm nhanh chóng. Theo chân chị Nguyễn Thị Thu Phương (thôn Bình Ba Đông) đến giếng nước tập thể, chúng tôi chứng kiến mạch nước ngầm tại đây đã cạn kiệt. Máy bơm đặt tại giếng cũng đã ngừng hoạt động. Người dân dùng từng gàu để chắt nước, khi chắt cạn phải đợi vài tiếng sau mới có nước trở lại.

 

Nhà nghỉ Phát Đạt thuê thợ khoan giếng sâu 100m  để tìm nguồn nước ngọt
Nhà nghỉ Phát Đạt thuê thợ khoan giếng sâu 100m để tìm nguồn nước ngọt


Do địa chất ở đảo đặc thù khoan giếng ở đây rất tốn kém. Phát Đạt là nhà nghỉ tiên phong ở Bình Ba khi thuê thợ từ Đắk Lắk đến khoan giếng sâu 100m để tìm nước với giá 100 triệu đồng. Các nhà nghỉ khác hiện vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước giếng đào trên đảo. Mới đây, có đơn vị đầu tư tàu chở nước ngọt ra đảo bán với giá 100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, tàu này chỉ có thể bơm cho các hộ gia đình và nhà nghỉ ở gần cảng, vì đường ống không thể kéo đi xa. Ông Nguyễn Văn Na có nhà nghỉ 26 phòng cho biết, do đảo ít mưa nên luôn trong tình trạng thiếu nước; trung bình một ngày nhà nghỉ của ông dùng hết gần 10m3 nước nên ông phải đi khắp đảo để mua nước với giá 50.000 đồng/m3.


Ông Trần Văn Hóa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình thừa nhận: “Nếu không có du khách thì người dân ở đây vẫn đảm bảo được lượng nước sinh hoạt ở mức vừa phải”. Trước tình trạng du khách quá đông, xã đã thành lập tổ liên ngành tập trung kiểm tra giao thông đường thủy nội địa, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và môi trường. “Hiện nay, việc phát triển du lịch ở đây theo kiểu có cầu ắt có cung nên xã rất mong cấp trên có định hướng cụ thể để thuận tiện trong việc quản lý”, ông Hóa nói.


Chưa nghĩ tới hướng chuyển đổi


Còn nhớ năm 2010, khi lần đầu tiên đến đảo Bình Ba, chúng tôi phải ngủ nhờ nhà người dân vì trên đảo không có nhà nghỉ. Nay nhiều du khách cũng ngủ ở nhà dân nhưng phải thuê, vì nhiều người kinh doanh theo cách này.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 44/2015 ban hành Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh. Tại Mục 4 Điều 37 của Quy chế này quy định: UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận bảo đảm các hoạt động kinh tế trong khu vực bảo vệ và vành đai an toàn không làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận liên quan đến Căn cứ quân sự phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng khu vực Mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành phát triển các loại hình du lịch. Quy định này có hiệu lực từ ngày 6-11-2015.

Dọc theo những con hẻm ngoằn ngoèo ở thôn Bình Ba Đông, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một gia đình có treo ngoài cổng chiếc bảng cho thuê phòng nghỉ. Đó có thể là phòng xây thêm, hoặc phòng có sẵn được cải tạo lại để cho khách thuê. Anh Ngũ Quốc Tuấn chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi có 3 phòng ngủ. Từ khi du lịch ở đây phát triển, cả gia đình dồn lại sinh hoạt ở 2 phòng, còn 1 phòng lắp thêm máy lạnh để kinh doanh”. Trong khi đó, nhà anh Nguyễn Luân cải tạo 2 phòng, xây thêm 2 phòng phía sau nhà với diện tích khoảng 16 - 20m2/phòng. Anh Tuấn cho biết, nếu phòng ở 4 người thì lấy 100.000 đồng/người, còn 2 người thì lấy 300.000 đồng/phòng. Ở đây nước ngọt rất hiếm nên anh phải mua nước từ đất liền chở qua với giá 100.000 đồng/m3. Nếu tính tiền điện, tiền nước thì cho thuê phòng không lời bao nhiêu. Chị Nguyễn Thị Bốn có 2 căn nhà, một căn cho con trai mới cưới vợ. Tuy nhiên, từ ngày du khách đến đông, vợ chồng con trai dọn về nhà mẹ, để nguyên căn nhà rộng hơn 100m2 cho khách thuê.

 

Trong khi ở Bình Ba, nhà nhà đang xây phòng nghỉ, đầu tư tiền để làm các dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương đang khá lúng túng trong việc quản lý và định hướng thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế đảm bảo an ninh,  an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh. Trong đó không cho phép phát triển các loại hình du lịch ở Bình Ba. Trước thông tin này, những hộ đã bỏ tiền ra xây dựng nhà nghỉ như ngồi trên đống lửa. Ông Hồ Văn Na (chủ nhà nghỉ Bảy Hộ) lo lắng: “Hôm nay chúng tôi mới biết Nhà nước không cho phép phát triển du lịch ở Bình Ba. Toàn bộ vốn liếng bỏ hết vào xây dựng nhà nghỉ, giờ không cho làm du lịch nữa không biết phải làm sao”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Quy chế này mới ban hành nên UBND TP. Cam Ranh chưa có phương án giải quyết. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ họp bàn và xin ý kiến của tỉnh về việc không cho phát triển du lịch ở Bình Ba nhằm tìm những giải pháp, tháo gỡ khó khăn trước mắt”.


VĂN KỲ - ĐÌNH LÂM


 

 Kỳ 1: Bát nháo “cò” du lịch