01:09, 22/09/2015

Ninh Vân chuyển mình

Ninh Vân - vùng quê cách mạng kiên trung nhưng suốt mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, vẫn như một ốc đảo cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên những năm gần đây, vùng đất này đang từng ngày đổi thay, chuyển mình theo kịp sự phát triển chung của tỉnh.

Ninh Vân - vùng quê cách mạng kiên trung nhưng suốt mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, vẫn như một ốc đảo cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên những năm gần đây, vùng đất này đang từng ngày đổi thay, chuyển mình theo kịp sự phát triển chung của tỉnh.


Một thời gian khó


Ninh Vân (trước 1975 được gọi là Đầm Vân) - vùng đất hẻo lánh nằm khuất dưới chân dãy Hòn Hèo từng là căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I năm 1950 đã diễn ra tại chiến khu Hòn Hèo. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Ninh Vân và Ninh Phước đã can trường bám đất, một lòng theo kháng chiến. Những người già ở Ninh Vân như bà Võ Thị Khù, Võ Thị Phải, Trịnh Thị Quýt vẫn chưa quên những năm kháng chiến gian khó, ác liệt. Khi Mỹ Ngụy thực hiện chính sách dồn dân lập ấp năm 1962, 5 gia đình ở Ninh Vân (trong đó có gia đình bà Phải, bà Quýt, bà Khù) đã lên núi Hòn Hèo một lòng theo cách mạng. Khi đường Hồ Chí Minh trên biển được mở ra để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, bến Ninh Vân được chọn làm một trong những điểm tiếp nhận vũ khí. Trong lộ trình từ hải phận quốc tế vào Hòn Hèo, tàu C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đã bị lộ. Đêm 29-2 rạng sáng 1-3-1968, tại vùng biển Hòn Hèo đã diễn ra trận chiến bi tráng của tàu 235 với lực lượng Mỹ, Ngụy. Để xóa dấu vết giữ bí mật, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã cho nổ bộc phá hủy tàu. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã anh dũng hy sinh. “Sau vụ nổ tàu C235,  địch càn quét ghê lắm. Mấy lần chúng tôi suýt bị bắt khi địch cho trực thăng đổ quân xuống Hòn Hèo càn quét, lùng sục lực lượng cách mạng”, bà Võ Thị Phải nhớ lại.  

 

Xã Ninh Vân nhìn từ núi Hòn Hèo
Xã Ninh Vân nhìn từ núi Hòn Hèo


Sau ngày miền Nam giải phóng, người dân trở về sinh sống đông hơn nhưng Ninh Vân vẫn gần như là một ốc đảo cách biệt với thế giới bên ngoài. Sau lưng là núi đá hiểm trở, trước mặt là biển nên muốn ra vào Ninh Vân phải đi bằng thuyền. “Lúc còn chèo thuyền bằng tay phải đi từ 7 giờ tối hôm trước đến 12 giờ ngày hôm sau mới vào đến Nha Trang. Sau này có ghe máy thì đỡ hơn, nhưng 2 giờ sáng đã phải xuống bến để đi, đến gần trưa mới vào đến cầu Bóng. Đường sá cách trở nên cá tôm đánh bắt được chỉ để ăn chứ không biết bán cho ai, trong khi người dân lại thiếu thốn lương thực, đời sống rất khó khăn”, bà Khù kể.

 

Bia lưu niệm tàu C235 tại chân núi Hòn Hèo
Bia lưu niệm tàu C235 tại chân núi Hòn Hèo


Suốt mấy chục năm liền, người dân Ninh Vân phải chịu nghèo đói về vật chất lẫn tinh thần. Nhà nào khá giả lắm mới sắm được chiếc cassette chạy bằng bình ắc quy. Mỗi lần có đội chiếu bóng lưu động về phục vụ, cả xã kéo nhau đi xem như trẩy hội. Việc học hành của con em trong xã cũng không được thuận lợi, bởi xã chỉ có trường học ghép chung cấp 1 với cấp 2. Muốn học cấp 3, học sinh phải vào Nha Trang ở trọ để đi học, mà điều này thường quá khả năng của những người dân nghèo ở xã. “Khi tôi đến công tác ở đây vào những năm đầu thập niên 80, trường học ghép chung cấp 1 với cấp 2, cơ sở vật chất nghèo nàn, giáo viên được phân công về Ninh Vân cứ khóc hết nước mắt, nhiều cô giáo bỏ trường lớp vì sợ mất hết tuổi xuân ở vùng đất heo hút này”, thầy Nguyễn Văn Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Phan Vinh nhớ lại. Sự cách trở xa xôi đã khiến việc học hành của nhiều thế hệ con em Ninh Vân rất khó khăn. Mãi đến năm 1989, xã Ninh Vân mới có 3 học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT sau mấy năm ở trọ ăn học ở Nha Trang.

 

Con đường nối Ninh Phước - Ninh Vân đã đánh thức tiềm năng du lịch của Ninh Vân
Con đường nối Ninh Phước - Ninh Vân đã đánh thức tiềm năng du lịch của Ninh Vân


Xã đảo đổi thay


Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, lần đầu tiên đến công tác ở Ninh Vân, chúng tôi cũng phải đi bằng thuyền. Lúc đó cả xã chỉ có vài chiếc xe máy chạy loanh quanh trong làng, nhiều hộ dân còn thắp đèn dầu. Chủ tịch UBND xã Ninh Vân khi ấy là ông Trà Thái Lâm vẫn ao ước về một con đường để làm đổi thay xã đảo. Giờ đây, ước mơ của ông cựu chủ tịch xã đã thành hiện thực. Tuyến đường dài 11km, rộng 3,5m (khởi công năm 2007) nối liền Ninh Vân với xã Ninh Phước đã hoàn thành vào đầu năm 2011, góp phần làm thay đổi cả một vùng đất.

 

Học sinh trường THCS Nguyễn Phan Vinh
Học sinh trường THCS Nguyễn Phan Vinh


Về Ninh Vân bây giờ không ai còn nhận ra một xã đảo nghèo khó từng được xem là ốc đảo dưới chân núi Hòn Hèo. Từ trên dốc cao nhìn xuống, Ninh Vân yên bình với những mái ngói đỏ tươi, nhiều nhà được xây 2 tầng kiên cố, đường làng được lát bê tông thẳng tắp. Chị Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, hiện xã có 539 hộ gia đình với 1.950 người (trong đó có 30 hộ với 75 nhân khẩu tạm trú từ Lý Sơn vào thuê đất trồng tỏi). Đến nay, 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, gần 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,06%, thấp hơn mức trung bình của thị xã Ninh Hòa. “Cùng với việc đánh bắt hải sản, những năm gần đây chính quyền xã đã khuyến khích người dân tìm những hướng làm ăn mới như: trồng tỏi, chăn nuôi bò thịt... nên đời sống ngày càng được nâng lên”, chị Sen cho biết.  


Đến nay, toàn xã Ninh Vân có 50ha tỏi, nhiều hộ gia đình trồng tỏi có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ông Văn Anh (thôn Đông), một trong những hộ làm giàu từ nghề trồng tỏi cho biết: “Gia đình tôi vừa xuống giống hơn 5 sào tỏi, năm vừa rồi nhờ tỏi gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng. Nhờ tỏi nên bây giờ nhiều gia đình có của ăn của để, sắm được nhiều vật dụng đắt tiền”.


Cùng với sự đi lên của đời sống người dân, bộ mặt của xã Ninh Vân đã có nhiều thay đổi. Đến nay, điện, đường, trường, trạm ở xã được đầu tư khang trang. Từ nguồn vốn nông thôn mới, xã đang đầu tư xây dựng chợ mới với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Từ năm 2008, Ninh Vân đã có trường THCS mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh (trước đó là Trường PTCS Ninh Vân gộp chung cả cấp 1 và cấp 2). Trường nằm sát mép biển, nhìn thẳng qua bến Hòn Hèo. Hôm tôi đến, thầy trò nhà trường đang bắt đầu năm học mới. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghiệp bày tỏ: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua cả thầy và trò đều nỗ lực giảng dạy, học tập để xứng đáng với người anh hùng Nguyễn Phan Vinh, cũng là tạo tiền đề để con em của xã có thể học lên cao, góp phần xây dựng quê hương sau này”. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều học sinh vào học ở các trường cao đẳng và đại học. Đó là niềm tự hào và hy vọng của người dân xã đảo về một lớp trẻ sẽ góp phần làm giàu cho quê hương.

 

Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất từ ngày 10 đến 17-3-1950, với hơn 100 đại biểu thay mặt cho 2.949 đảng viên trong toàn tỉnh về dự đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 13 đồng chí; Ban Thường vụ 5 đồng chí;  đồng chí Tôn Thất Vỹ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Theo chị Trà Thị Bông Sen, hướng phát triển kinh tế của xã là nông nghiệp và du lịch. Con đường nối liền Ninh Phước đến Ninh Vân không chỉ tạo điều kiện giao thông thuận lợi mà còn đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất hoang sơ này. Những năm gần đây, nhiều đoàn khách đã tìm về thăm địa điểm lưu niệm tàu C235 (di tích lịch sử quốc gia)... Trên địa bàn xã có 6 dự án du lịch, trong đó 2 khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay và An Lam Ninh Van Bay Villas đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, tạo được ấn tượng tốt với du khách. 4 dự án còn lại đang được triển khai, trong đó lớn nhất là dự án khu nghỉ dưỡng Eden Resort  của Công ty Cổ phần Du lịch vịnh Nha Phu với diện tích 70ha đất liền và 30ha mặt nước ở khu vực Hòn Cỏ. “Ngoài các dự án này, nhiều nhà đầu tư cũng đã đến tìm hiểu, mong muốn đầu tư các dự án du lịch trên địa  bàn xã. Để đón đầu các dự án, chúng tôi đã vận động con em trong xã theo học các ngành liên quan đến du lịch để sau này có thể làm việc ngay tại các khu du lịch trên địa bàn”, chị Sen bày tỏ.


Trên đường rời xã Ninh Vân, tôi chạy xe ngang qua trường mầm non thôn Đông, nghe tiếng trẻ nhỏ ê a học bài mà lòng dâng lên niềm vui. Vùng đất can trường trong những năm chiến tranh ấy chắc chắn sẽ còn có những bước phát triển mới.


XUÂN THÀNH