11:09, 25/09/2015

Những thợ máy không bằng cấp

Không qua trường lớp, không có bằng cấp, nhưng những người thợ sửa chữa máy tàu cá luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của ngư dân. Họ không quản ngại vất vả, chấp nhận nguy hiểm để giúp những con tàu vươn khơi bám biển.

Không qua trường lớp, không có bằng cấp, nhưng những người thợ sửa chữa máy tàu cá luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của ngư dân. Họ không quản ngại vất vả, chấp nhận nguy hiểm để giúp những con tàu vươn khơi bám biển.


Bén duyên với nghề


Khu dân cư Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) có cả chục xưởng sửa chữa máy tàu thủy lớn nhỏ. Mỗi xưởng có từ 5 đến 20 người thợ cặm cụi làm việc bên những cỗ máy nặng mùi dầu nhớt với nhiều linh kiện máy móc đủ loại. Chúng tôi ghé vào xưởng của ông Nguyễn Tường (ô 10, Hòn Rớ) - một điểm sửa chữa máy tàu thủy có tiếng ở khu vực này. Tại đây có 5 công nhân đang tất bật hoàn thiện việc bảo dưỡng một máy tàu cá có công suất 300CV. Ông Tường tâm sự: “Tôi đã gắn bó với nghề này hơn 30 năm. Gia đình khó khăn nên tôi không được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên tôi học nghề ở một xưởng sửa chữa máy tàu cá. Khi ấy vừa học vừa làm, đến khi biết việc cũng phải hơn 5 năm mới được trả lương. 15 năm làm thợ tích cóp được chút tiền và kinh nghiệm, tôi ra làm riêng. Chiếc máy tiện cũ tôi mua từ Sài Gòn với giá hơn 3,5 cây vàng là tài sản lớn lúc bấy giờ (năm 1992). Làm lần lần, có uy tín, nhiều ngư dân tìm đến sửa máy, có tiền tôi mua thêm nhiều máy móc mới nên có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

 

Ông Nguyễn Tường hướng dẫn người mới vào nghề
Ông Nguyễn Tường hướng dẫn người mới vào nghề


Hiện nay, xưởng của ông Tường có thể sửa chữa được máy tàu cá từ 50CV trở lên. Những người thợ làm tại xưởng của ông đều là tay ngang. Anh Lê Nguyễn Hoàng (Hòn Rớ) gắn bó với xưởng của ông đã 16 năm. Gia đình làm nghề đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng do không chịu được sóng gió nên anh tìm đến xưởng của ông Tường để học nghề. “Cũng như những thợ khác trong xưởng, tôi không được học hành qua trường lớp, chủ yếu là học hỏi từ những người đi trước. Vậy nhưng làm lâu cũng quen, riết rồi thành thạo, mọi linh kiện đều thuộc như lòng bàn tay. Lỗi lớn, nhỏ gì anh em chúng tôi cũng tìm cho kỳ được để sửa chữa, giúp ngư dân yên tâm ra khơi”, anh Hoàng chia sẻ.

 

Một thợ máy đang tháo, lắp máy tàu
Một thợ máy đang tháo, lắp máy tàu


Trong những xưởng sửa chữa máy tàu thủy ở Hòn Rớ, có nhiều người tận Bình Định vào học nghề. Họ sống xa nhà nên chủ yếu ăn, ở ngay tại xưởng và học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Anh Phan Xuân Tự (quê Bình Định) làm ở xưởng của ông Nguyễn Văn Quang cho biết, anh vào làm tại xưởng được hơn 9 tháng. Cũng như bao người khác, ban đầu anh chỉ làm những công việc đơn giản, sau đó dần dần tiếp cận những bộ phận khó hơn. Để thạo nghề, anh phải mất 5 đến 7 năm làm thuê.


Vươn khơi cùng ngư dân


Không chỉ sửa chữa tại xưởng, hầu hết những cơ sở sửa chữa máy tàu cá đều có những tốp thợ chuyên sửa chữa lưu động, họ có mặt khắp nơi khi tàu của ngư dân gặp sự cố. Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, ngư dân Võ Quý, chủ tàu cá mang số hiệu KH-99036TS vừa gọi về cầu cứu. Qua điện thoại ông Quý cho hay, tàu của ông đang trên đường ra Trường Sa đánh bắt thì máy tàu bị hư, anh em trên tàu đã cố gắng sửa chữa nhưng không thành công; tàu đang cách Cảng cá Hòn Rớ hơn 20 hải lý. Hỏi qua về “bệnh tình” của máy tàu, ông Quang “chẩn đoán” tàu ông Quý bị tụt côn số. Biết tốp thợ của ông Quang đang chuẩn bị lên đường đi sửa chữa, chúng tôi liền xin đi theo. Ông Quang cho biết, quá trình hoạt động rất nhiều tàu của bà con ngư dân bị hỏng hóc, có tàu đang hoạt động tận ngư trường Trường Sa, DK1... cũng gọi về cầu cứu. Mỗi lần như vậy, anh em trong xưởng đều sẵn sàng thuê tàu ra tận nơi để sửa chữa, giúp bà con tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản.

 

1
Nghề thợ máy vất vả nhưng thu nhập khá ổn định

 
Tiếp cận được tàu của ông Quý, những người thợ máy nhanh chóng bắt tay vào việc. Dưới hầm máy nóng bức, nồng nặc mùi dầu nhớt, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, lấm lem dầu mỡ. Do sửa chữa máy tàu ngay trên biển nên việc rã từng chi tiết máy đều phải dùng sức người, không có sự hỗ trợ từ thiết bị máy móc hiện đại. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, chỉ sau 2 giờ đồng hồ, tốp thợ đã hoàn thành việc sửa chữa máy tàu cho ông Quý để ông tiếp tục hành trình ra Trường Sa đánh bắt cá.


Ông Quý chia sẻ: “Gần 40 năm gắn bó với nghề đi biển, chúng tôi chỉ có kinh nghiệm đánh bắt cá chứ về máy móc tàu thì không rành. Nếu không có những người thợ chuyên sửa chữa máy tàu kịp thời ứng cứu thì hải trình của chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Tàu hoạt động hư hỏng ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi điện thoại là được sửa chữa. Những việc làm này góp phần giúp chúng tôi an tâm bám biển, đồng thời giảm chi phí”. Đưa vạt áo lau những giọt mồ hôi, ông Nguyễn Văn Sơn (một thợ sửa máy tàu thủy có gần 20 năm trong nghề) cho biết: “Làm nghề này vất vả lắm, nhưng mỗi khi giúp bà con ngư dân sửa chữa xong máy tàu để tiếp tục vươn khơi, chúng tôi cảm thấy rất vui. Cái bắt tay thật chặt, lời cảm ơn chân thành của bà con là sự động viên, an ủi chúng tôi cố gắng bám trụ lấy nghề”.  

       
Trong ký ức những người thợ, đáng nhớ nhất là những chuyến đi sửa chữa máy tàu cá cho ngư dân ở Trường Sa, rồi các tỉnh như: Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ông Nguyễn Tường tâm sự: “Tùy theo mức độ hỏng của từng máy tàu cá, có chiếc chỉ sửa trong vài giờ đồng hồ, nhưng cũng có chiếc mất nửa tháng trời. Có chuyến đi nhờ tàu cá của ngư dân ra tận Trường Sa sửa chữa, sửa xong không có tàu về đành ở lại đánh bắt cá cùng bà con hơn 1 tháng mới về nhà”.


Ông Nguyễn Ngọc Vỹ (Hòn Rớ) bày tỏ: “Nghề sửa chữa máy tàu cá là công việc vất vả, nặng nhọc. Ngoài kinh nghiệm nghề nghiệp, chỉ những người có sức vóc, kiên trì mới làm được. Đổi lại, thu nhập tương đối khá. Như tôi, hơn 20 năm trong nghề, thuộc loại thợ dày dặn kinh nghiệm, mỗi tháng cũng kiếm được 7 đến 8 triệu đồng”.

 

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000 tàu cá các loại, với hơn 30.000 lao động, tập trung chủ yếu ở những địa phương ven biển như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và Nha Trang. Trong đó, có khoảng 1.200 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại đánh bắt gần bờ.

Nghề sửa máy tàu chẳng khác mấy so với với nghề sửa xe máy, ô tô, sửa xong tùy theo mức độ hư hỏng và phụ tùng thay thế để tính công. Do có thợ đến tận nơi để sửa nên chủ tàu tiết kiệm được một phần chi phí đi lại. Ông Quang cho biết, tuy không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng mấy chục năm đi sửa máy tàu, chưa lần nào ông mâu thuẫn với chủ tàu. Theo cái nghiệp này là “rước” vất vả vào thân. Mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 35 - 400C nhưng cũng phải chui vào hầm máy nóng như đổ lửa để tháo, lắp máy tàu. Có những bộ phận máy nặng hàng tạ cũng phải căng sức để khuân, vác. Có những lần sơ suất để sắt đè vào tay, chân dẫn đến bị xây xát, bong gân. Chưa kể người thợ còn thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, bụi kim loại lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng hiện nay những người thợ sửa chữa máy tàu cá không có chế độ bồi dưỡng, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ hay được trang bị trang phục bảo hộ lao động đúng kỹ thuật... Chính vì vậy, đây cũng là vấn đề cần được các xưởng tàu, các cấp, ngành, địa phương quan tâm.


Chia tay những người thợ sửa chữa máy tàu cá cho ngư dân, chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần làm việc chăm chỉ và quyết tâm vượt khó của họ. Trong trang phục lấm lem dầu nhớt, họ miệt mài với công việc, đem lại sức sống cho những con tàu, giúp ngư dân an tâm bám biển...


VĂN GIANG - MẠNH HÙNG