09:09, 19/09/2015

Ngắm Nha Trang từ đỉnh núi

Nói đến Nha Trang - mọi người thường nói về một thiên đường của biển. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhắc tới biển mà quên rằng, xung quanh Nha Trang còn có những ngọn núi đủ sức làm đắm say bất cứ ai yêu thích du lịch khám phá.

Nói đến Nha Trang - mọi người thường nói về một thiên đường của biển. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhắc tới biển mà quên rằng, xung quanh Nha Trang còn có những ngọn núi đủ sức làm đắm say bất cứ ai yêu thích du lịch khám phá.


Leo núi - hành trình thú vị


Lâu lâu, Phú - ông bạn kỹ sư cầu đường của tôi lại khoe một bộ ảnh mới chụp được về cảnh sắc thiên nhiên Nha Trang. Là dân đo vẽ, nhưng Phú rất mê chụp hình. Trong các tấm ảnh, tôi cũng như đám bạn của mình đặc biệt ấn tượng với những hình ảnh ghi lại toàn cảnh Nha Trang về đêm. Phú giải thích: “Nha Trang về đêm giống như con chim phượng hoàng đang tung đôi cánh”. Nghe Phú nói có lý, cả đám quyết định sẽ tận mắt đi xem phượng hoàng thay vì chỉ nhìn qua ảnh.

 

Các bạn trẻ trên đường chinh phục các đỉnh núi
Các bạn trẻ trên đường chinh phục các đỉnh núi


Để có thể nhìn được một cách bao quát TP. Nha Trang, các “phượt thủ” phải chinh phục đỉnh Cô Tiên, một dãy núi nằm ở phía tây bắc thành phố. Nếu đi trên đường Phạm Văn Đồng, đến khu vực Đường Đệ, mọi người đều có thể thấy dãy núi Cô Tiên được tạo thành từ ba đỉnh núi liên kết lại với nhau trông giống như một phụ nữ đang nằm xõa tóc, đỉnh 1 là mặt, đầu và tóc cô Tiên xõa dài tận biển, đỉnh giữa là ngực và đỉnh cao nhất là tư thế của một người nằm ngửa tréo chân. Có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, có một đạo quân đóng trại ở đây, vị chủ tướng thường xuyên ra trận đánh giặc nên thường để người vợ trẻ ở nhà. Một ngày nọ, người vợ ở nhà bị quân lính của ông toan làm nhục. Để giữ tiết hạnh, người vợ đã tự vẫn và nằm trên ngọn núi, thân xác hóa thành dãy núi có 3 ngọn mang hình dáng của nàng.


Từ chân núi, hành trình leo trèo của chúng tôi bắt đầu. Ba lô mang theo là một ít thức ăn, rất nhiều nước và bạt nhựa, chăn mỏng, áo ấm. “Trên này không có suối nên phải mang mỗi người chừng 5 lít nước mới đủ. Ban đêm hơi lạnh nên phải có áo ấm. Hộp y tế cho cả đoàn đã chuẩn bị rồi” - người dẫn đường giải thích. Hành trình lên núi Cô Tiên dường như muốn thách thức các “tay mơ” như chúng tôi. Bởi theo những người đã có kinh nghiệm đi trước, từ chân núi lên đỉnh 1 là con đường dài và gian khó nhất. Nếu đủ sức khỏe và kinh nghiệm có thể leo núi liên tục trong khoảng 40 phút là đến nơi. Nhưng nhiều người phải mất gần 2 giờ vì phải nghỉ nhiều do đường lên rất vất vả.

 

Từ đỉnh 2 núi Cô Tiên, Nha Trang giống như một con chim phượng hoàng đang tung cánh
Từ đỉnh 2 núi Cô Tiên, Nha Trang giống như một con chim phượng hoàng đang tung cánh


Bỏ lại sau lưng những háo hức ban đầu, nhóm chúng tôi phải đối mặt với từng con dốc cao, khá trơn trượt. Và rồi sau một hồi hì hục, đỉnh 1 cũng hiện ra trước mắt chúng tôi với những làn gió mát lành thổi từ biển vào, sự mệt mỏi như vơi đi phân nửa. Trên đỉnh 1 là những bãi đất khá rộng rãi, bằng phẳng, nhiều người hạ trại ngay tại đỉnh này nhưng với “máu me” chinh phục, chúng tôi tiếp tục leo qua đỉnh 2. Đường lên đỉnh 2 tuy ngắn nhưng gần như dựng đứng. Nhiều người phải đi bằng cách... bò. Còn từ đỉnh 2 qua đỉnh 3 đường khá bằng phẳng, trông như một thảo nguyên ngợp gió và đó cũng là chặng cuối của hành trình chinh phục núi Cô Tiên.


Ở Nha Trang, có lẽ núi Sạn là nơi gần nhất để leo núi. Đây cũng là một điểm chinh phục đầy hấp dẫn. Hành trình leo lên núi Sạn bắt đầu bằng những bậc tam cấp là các tảng đá được ghép nối với nhau, vượt qua khoảng 500 bậc như thế, tịnh thất của sư thầy và mỏm đá lớn hiện ra. Tại đây nhóm phượt có thể dừng chân ngắm cảnh, chụp hình rồi về trong ngày, không tổ chức cắm trại ăn uống.

 

 Toàn cảnh TP. Nha Trang nhìn từ núi Phượng Hoàng
Toàn cảnh TP. Nha Trang nhìn từ núi Phượng Hoàng


Cũng giống như núi Cô Tiên, núi Sạn có 3 ngọn với cao độ khác nhau. Nhưng khác ở chỗ, núi Sạn tăng dần độ khó khi con đường ngày một hiểm trở. Chỉ cần vượt qua hơn 1km đường dốc, mọi người đã hoàn tất chinh phục đỉnh 1. Nhưng cũng từ đó, từng vách đá cheo leo, từng khe đá chỉ một người qua lọt xuất hiện, thách thức đối với bất cứ phượt thủ nào. Có lúc bạn phải đu dây như... Tarzan mới có thể vượt qua được những tảng đá lớn chắn ngang lối đi. Phần thưởng dành cho hành trình leo núi khoảng 2 tiếng này là một bãi đất rộng chừng 30m2 trên đỉnh núi và từng mỏm đá khá bằng phẳng, có thể ngắm nhìn toàn cảnh TP. Nha Trang.


Không xa lắm, trên con đường của những người thích dịch chuyển, chúng tôi lại “tay xách nách mang” chinh phục ngọn núi có tên Phượng Hoàng thuộc địa phận xã Vĩnh Phương. Từ Quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Như Xuân, chúng tôi rẽ về phía nghĩa trang Vĩnh Phương đi thêm một khúc là chuẩn bị leo đèo. Phải mất gần 20 phút “cảm giác mạnh” theo từng khúc cua đèo dốc, chúng tôi mới đến được ngôi chùa tục gọi là chùa Suối Ngổ vì con suối phía sau chùa này mọc rất nhiều cây rau ngổ, còn tên đúng của ngôi chùa này là Sắc tứ Chí Linh Sơn Tự. Tại đây, các bạn sẽ được nghe người trông coi ngôi chùa kể về sự tích của công trình này.


Sau khi vãn cảnh chùa, mọi người tiếp tục hành trình chưa đầy 1km nữa để đến được khu rừng nguyên sinh tràn đầy nhựa sống. Nơi đây có con suối nhỏ ngày đêm róc rách, cánh rừng già lảnh lót tiếng chim. Bạn cũng sẽ hiểu thêm từ “thâm sơn cùng cốc” bởi nơi đây có các cốc nằm len lỏi dưới tán cây rừng là nơi một số người tìm về chốn thanh vắng, sống một mình, ẩn cư trong một chòi nhỏ để tịnh tu.


Thành phố nhìn từ núi


Trong những hành trình chinh phục đỉnh núi, điều giúp chúng tôi vượt qua được khá nhiều gian truân đó chính là những điều thú vị được khám phá. Mỗi đỉnh núi cho ta cái nhìn khác nhau về nơi ta đang sống và làm việc. Ở độ cao chừng 200m, từ đỉnh núi Sạn nhìn về phía dưới là lát cắt đầy nghệ thuật bắt đầu từ dòng sông Cái uốn lượn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất giữa bức tranh TP. Nha Trang khi nhìn từ góc độ này chính là khu du lịch ChamPa Island thơ mộng đến lạ kỳ, trông như một chú cá heo đang quẫy ra biển khơi. Xa hơn chút là một góc Tháp Bà nghiêng mình bên dòng sông Cái, 2 chiếc cầu Xóm Bóng - Trần Phú song đôi soi mình xuống cửa biển. Xa xa là cáp treo Vinpearl như tận phía chân trời khóa tầm mắt bao bọc bởi vịnh Nha Trang xanh ngắt.


Còn ở đỉnh Cô Tiên, từ đỉnh 2 nhìn ngược về thành phố là đẹp nhất. Mọi thứ hầu như khác đi khi thành phố lên đèn, đủ thứ hình thù được kết thành bởi triệu triệu ánh đèn mà chúng tôi có thể tưởng tượng ra, nhưng rõ ràng hơn cả, không hiểu do vô tình hay hữu ý, toàn thành phố trông như một chú chim phượng hoàng rực rỡ sắc màu mà trong đó màu vàng ánh kim là chủ đạo. Đã hơn 10 năm gắn bó với thành phố này, vậy mà cho đến bây giờ, tôi mới có thể có được cái nhìn mới, góc nhìn khác về nơi mình sinh sống và làm việc. Tất nhiên nó rất khác so với cách ta nhìn thành phố từ trong lòng nó, hoặc nếu có leo lên một tòa nhà cao tầng, hẳn cũng sẽ không có được cái nhìn toàn cảnh giống như cách nhìn từ một đỉnh núi nằm cạnh thành phố.


Với núi Phượng Hoàng, thực ra không cần đi đến đỉnh là đã có thể đắm mình trong thổn thức bởi từ góc nhìn này, từng cánh đồng lúa mỡ màng, xanh ngắt là thứ đầu tiên đập vào mắt, cạnh đó là dòng sông Cái như thể cuộn tròn ôm trọn thành phố. Những tòa nhà cao tầng nổi bật trên nền vịnh xanh thẳm, cả thành phố du lịch nổi tiếng thu gọn vào tầm mắt.


Cả nhóm chúng tôi mỗi người một nghề, độ tuổi cũng khác nhau. Nhưng đều có chung “cái tật” là không ngồi yên một chỗ được lâu. Để rồi khi mà thời gian là thứ không có nhiều, tiền bạc cũng chẳng phải rủng rẻng trong túi, cứ vào mỗi dịp cuối tuần, cả nhóm lại “xách ba lô lên và đi”. Điểm đến thường là nơi có cảnh đẹp, tránh xa ồn ào của phố thị và cùng với một chút xíu mạo hiểm như là gia vị cho thêm phần hấp dẫn, leo lên từng ngọn núi ngay cạnh TP. Nha Trang đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đó.


Hồng Đăng