12:09, 23/09/2015

Khánh Đông ngày mới...

Căn cứ cách mạng Hòn Dữ, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là hậu cứ vững chắc của quân và dân Khánh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến. Hòa bình lập lại, vùng căn cứ cách mạng đã và đang đổi thay rất nhiều, cuộc sống mới no ấm đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.

Căn cứ cách mạng Hòn Dữ, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là hậu cứ vững chắc của quân và dân Khánh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến. Hòa bình lập lại, vùng căn cứ cách mạng đã và đang đổi thay rất nhiều, cuộc sống mới no ấm đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.


Hòn Dữ kiên trung


Trong những ngày mùa thu tháng 9, chúng tôi tìm về căn cứ cách mạng Hòn Dữ để gặp lại những nhân chứng lịch sử, những người từng có một thời tuổi trẻ hoạt động sôi nổi, nằm gai nếm mật tham gia kháng chiến.

 

Ở Khánh Đông có nhiều vị trí giới thiệu về căn cứ cách mạng Hòn Dữ
Ở Khánh Đông có nhiều vị trí giới thiệu về căn cứ cách mạng Hòn Dữ


Trong căn nhà nhỏ của mình, bà Cao Thị Đơn (70 tuổi), người từng có 14 năm đi gùi lương, tải đạn cho bộ đội ở chiến khu Hòn Dữ vẫn còn nhớ rõ về những ngày tháng gian lao mà anh dũng. Năm 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, bà Đơn đã tình nguyện tham gia lực lượng du kích xã. Suốt từ năm 1961 đến ngày giải phóng, bà cùng với nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số khác trong vùng không quản ngại gian khổ để đi gùi từng bao gạo, từng khẩu súng, viên đạn về cho bộ đội đánh Mỹ. “Hồi đó, chúng tôi ngoài những chuyến xuống đồng bằng để vận chuyển vũ khí, lương thực, những lúc ở căn cứ lại trồng bắp, trồng mì. Ban ngày thì vót tên, làm bẫy chông để bảo vệ căn cứ, ban đêm lại thay phiên nhau cảnh giới. Chúng tôi còn dẫn đường cho bộ đội đi xuống đánh giặc ở dưới đồng bằng”, bà Đơn nhớ lại.


Còn bà Cao Thị Lánh (61 tuổi) không thể nào quên những lần tham gia vận chuyển thóc gạo, súng đạn từ Đắk Lắk, Phú Yên về căn cứ Hòn Dữ. “Có lần, đoàn chúng tôi đi 20 người lên huyện miền núi Sông Hinh của tỉnh Phú Yên để tải đạn về thì bị địch phục kích. Đội hình của đoàn có người hy sinh, có người bị lạc, phải mất cả tháng sau mới tìm về lại được căn cứ. Lần khác, khi xuống Diên Khánh để lấy gạo thì bị địch phục kích ở khu vực Nước Nhĩ, tôi phải lặn xuống sông mới thoát được”, bà Lánh kể. Dù phải đối mặt với hiểm nguy như thế, những người con của đồng bào Raglai không quản gian khó, vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để góp công, góp sức mình cho ngày toàn thắng của dân tộc.

 

Ngày càng có nhiều vườn cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao  ở xã Khánh Đông
Ngày càng có nhiều vườn cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao ở xã Khánh Đông


Theo ông Hoàng Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hòn Dữ đã được lựa chọn làm nơi xây dựng hậu cứ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Khánh Hòa. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chuẩn bị hoạt động trong tình hình mới, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị vào tháng 12-1954 tại Suối Cau, do đồng chí Lê Thanh Liêm - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị đã đề ra một số biện pháp để củng cố tổ chức, tư tưởng nhằm đẩy mạnh đấu tranh trong toàn tỉnh. Tháng 7-1963, một cánh quân của địch từ Diên Khánh lên đánh vào các cơ quan tỉnh ở Hòn Dữ. Do ta đã lường trước được trận càn trên của địch, nên kịp thời chuẩn bị tổ chức chống càn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và của, đồng thời lập nhiều chiến công. Mùa khô 1966 - 1967, quân Mỹ và Nam Triều Tiên tiến hành nhiều cuộc tấn công lớn vào Hòn Dữ. Nhưng với ý chí, quyết tâm, mưu trí trong chiến đấu nên những cuộc tấn công trên đều bị đẩy lùi. “Có một chi tiết rất hay ở vùng căn cứ cách mạng Hòn Dữ là trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nơi đây vẫn mở được những lớp dạy chữ. Chính vì thế, có nhiều người Raglai lúc bấy giờ đã được bộ đội, cán bộ người Kinh dạy chữ viết”, ông Quý chia sẻ.


Diện mạo mới


Hòa bình lập lại, vùng căn cứ cách mạng đã và đang đổi thay rất nhiều, cuộc sống mới no ấm, đầy đủ đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.

 

Bà Tô Thị Thanh Tâm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Đông cho hay, hiện nay, diện tích cây keo đã phủ xanh hơn 85% diện tích tự nhiên toàn xã. Ngoài giá trị về môi trường sinh thái, loại cây trồng này đã mang lại cho người dân địa phương nguồn thu khá lớn (khoảng 70 triệu đồng/ha). Địa phương còn mạnh dạn thử nghiệm và đưa vào phát triển nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ... Nhờ vậy, những năm qua, số hộ nghèo tại địa phương đã giảm rõ rệt, từ 176 hộ năm 2011 (chiếm 18,5% số hộ toàn xã) xuống còn 34 hộ năm 2015 (chiếm 9,4% số hộ toàn xã). Thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đạt 23 triệu đồng/năm.

 

Những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường  bê tông kiên cố mang đến diện mạo mới cho Khánh Đông
Những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường bê tông kiên cố mang đến diện mạo mới cho Khánh Đông


Quả thực, không khó để tìm gặp những hộ gia đình khá giả ở Khánh Đông. Nền tảng của sự vươn lên mạnh mẽ trong kinh tế hộ ở Khánh Đông một phần có được từ sự hỗ trợ của Nhà nước, một phần nhờ sự cần mẫn của người dân nơi đây. Đến thăm trang trại trồng bưởi da xanh của gia đình ông Nguyễn Xuân Long (thôn Suối Thơm), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khu vườn với hàng trăm cây bưởi da xanh ngay hàng thẳng lối. Ông Long cho biết, vườn cây này được ông bắt tay xây dựng vào năm 2012. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích 2ha, ông trồng xen các loại cây dài ngày với các loại cây ngắn ngày như: đu đủ, chuối, sầu riêng, bưởi da xanh. Không chỉ vậy, gia đình ông còn phát triển vườn rừng với hơn 6ha keo đã được 3 năm tuổi. Ông Long tâm sự: “Là đảng viên, tôi luôn cố gắng tìm tòi cách thức để phát triển kinh tế gia đình. Bởi mình có làm tốt, khi nói và hướng dẫn thì người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số mới tin và làm theo. Không riêng trang trại của gia đình tôi, Khánh Đông bây giờ đang có hàng chục hộ phát triển kinh tế trang trại”.

 

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh: Tháng 2-1965, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tiến hành Đại hội lần thứ IV tại căn cứ cách mạng Hòn Dữ. Hơn 100 đại biểu của các huyện, thị và các ban ngành trong tỉnh đã về dự. Đại hội đã nhận định tình hình, xác định thắng lợi giành được là đã giải phóng một số vùng nông thôn đồng bằng cả nam, bắc Khánh Hòa. Nhân dân giữ vững quyền làm chủ, chính quyền cách mạng bước đầu thực hiện một số chính sách đưa lại quyền lợi cho người dân...

Trong câu chuyện về cuộc sống hôm nay, những người từng tham gia kháng chiến hiện đang ở làng Suối Ốc không giấu niềm vui. “Ở Suối Ốc bây giờ không thiếu thứ gì, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã dùng điện lưới quốc gia. Trong làng đã có mấy chục chiếc xe máy, ti vi thì nhà nào cũng có, có nhà còn mua được cả tủ lạnh nữa. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao”, bà Cao Thị Đơn chia sẻ. Một niềm vui khác đến với người dân nơi đây khi cầu treo Suối Ốc nối làng Suối Ốc với trung tâm thôn, xã được hoàn thành trong năm 2014. Từ đây, trẻ con trong làng yên tâm qua cầu đi học mỗi khi mưa lũ; người lớn thì có thể chở bắp, chuối ra chợ xã để bán; người già ốm đau được đưa đi trạm xá kịp thời.   


Ở Khánh Đông bây giờ, những con đường từ trung tâm xã đến các thôn đã được bê tông hóa, trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang, các trường học được đầu tư kiên cố, 98% hộ dân trong xã đã dùng điện lưới quốc gia, gần 80% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Xã còn có nhiều công trình xây dựng cơ bản đã được đầu tư, qua đó góp phần phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết: “Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm khá thấp. Nhưng đến nay, Khánh Đông đã đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.


Rời vùng căn cứ cách mạng oanh liệt năm xưa, nay đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng câu hát của bà Cao Thị Lánh Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi...


Nhân Tâm - Thanh Long