11:09, 29/09/2015

Du lịch Bình Ba... quá tải

Tuy chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa không khuyến khích phát triển du lịch tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) nhưng trên thực tế các hoạt động du lịch ở đây đang trở nên quá tải.

Tuy chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa không khuyến khích phát triển du lịch tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) nhưng trên thực tế các hoạt động du lịch ở đây đang trở nên quá tải.


Kỳ 1: Bát nháo “cò” du lịch


Vài năm gần đây, nhờ mạng xã hội, cái tên Bình Ba trở thành điểm đến thuộc dạng “hot” cho những ai thích vẻ đẹp hoang sơ. Du khách nườm nượp đổ về nơi được mệnh danh là “đảo tôm hùm”. Chỉ một thời gian ngắn làm du lịch, “chiếc áo” mà Bình Ba đang mặc đã quá chật chội so với sự phát triển của nó.

 

Xe điện phục vụ du khách tại Bình Ba
Xe điện phục vụ du khách tại Bình Ba


Lộn xộn nơi cầu cảng


Vào những ngày cuối tuần, Cảng cá Đá Bạc đông như nêm. Mặc kệ cái nắng nóng như thiêu, như đốt; mặc kệ việc hạn chế khách lưu trú tại Bình Ba hay sự thiếu thốn các dịch vụ nơi đây, dòng người khắp trong Nam, ngoài Bắc vẫn khoác ba lô tìm đến “đảo tôm hùm”. Trái với sự mường tượng ban đầu, nhiều du khách vừa đặt chân đến Cảng cá Đá Bạc đã vội... bịt mũi trước không gian bừa bộn, hỗn tạp. Cá tươi, nước ngọt, rau xanh... chất chồng cạnh cát, đất và một số mặt hàng dân dụng khác. Mùi tanh của cá, hôi nồng của khói máy, xăng dầu hòa lẫn với tiếng động cơ máy nổ ầm ào khiến nhiều du khách thấy nôn nao.

 

Ca nô cập Cảng cá Đá Bạc đón khách đi Bình Ba nhưng không có chỗ xuống an toàn,  khách tự bồng bế nhau, rất nguy hiểm
Ca nô cập Cảng cá Đá Bạc đón khách đi Bình Ba nhưng không có chỗ xuống an toàn, khách tự bồng bế nhau, rất nguy hiểm


Đang đứng ở cầu cảng để đưa khách xuống ca nô, anh Bình - hướng dẫn viên của Sao Việt Travel (TP. Hồ Chí Minh) lên tiếng trấn an những người thuộc đoàn của mình: “Mọi người thông cảm, bến tàu chật chội nên hơi cực, chút nữa ra đến đảo thì thoải mái ngắm cảnh, ngụp lặn dưới làn nước trong veo”. Cũng dễ hiểu thôi, bao đời nay, Cảng cá Đá Bạc vốn dĩ là bến đậu của tàu cá, tàu chở khách và hàng hóa, nay thêm hoạt động du lịch thì việc quá tải là điều khó tránh khỏi.


Du lịch Bình Ba thuộc dạng phong trào, tự phát, người dân làng chài cũng theo đó làm dịch vụ du lịch. Tất cả đều còn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Một cầu cảng chỉ dài vài chục mét nhưng nào là tàu cá, tàu khách, ca nô... đậu dày ken; trên bờ, xe đông lạnh, xe chở vật liệu xây dựng chen lấn nhau dành nơi bốc, dỡ hàng. Lâu lâu, chỉ cần một chiếc taxi đua tốc độ đón khách hay một xe du lịch tầm trung phi thẳng ra cầu tàu là mọi thứ trở nên nhốn nháo. Nhìn quang cảnh của điểm đón du khách, chị Trần Thị Thanh Tâm (du khách đến từ Hà Nội) chép miệng: “Trước khi vào đây, chỉ nghe người ta ca ngợi Bình Ba tuyệt đẹp, giờ mới đến cầu cảng đã thấy mất cảm tình. Cả ngàn khách du lịch mỗi ngày mà cảng chỉ có một quán bán nước nhỏ xíu làm trạm nghỉ chân. Tàu cá, tàu du lịch chen chúc nhau đậu lộn xộn. Dưới biển rác nổi lềnh bềnh. Chẳng biết đến bao giờ mới có cảng dành riêng cho du khách”.


“Cò” tàu tràn lan


Khi mặt trời tròn bóng cũng là lúc dòng người hối hả dồn về Cảng cá Đá Bạc đông nhất. Các xe đến từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang... đều vội vã đưa khách ra bến cảng để kịp giờ đi tàu sang Bình Ba. Một chiếc xe 16 chỗ ngồi vừa đỗ lại, 3 - 4 thanh niên nháo nhác chạy ra án ngữ ngay cửa xe. Du khách chưa kịp lấy hành lý, các thanh niên miệng chào, tay kéo: “Đi tàu siêu tốc, giá vé chỉ 100.000 đồng thôi anh chị ơi. Nhanh chân lên để tàu chạy, chứ giờ này mà đi tàu khách thì phải 3 tiếng nữa mới đi được”. Chẳng cần khách đồng ý, đám thanh niên đã vội kéo xềnh xệch hành lý về phía mấy chiếc tàu siêu tốc đợi dưới bến. Thấy khách bị lôi kéo, hướng dẫn viên của đoàn khách định ngăn cản, ngay lập tức nhận được những lời đe dọa: “Để bọn tao làm ăn nghe mày. Sáng giờ mới được mấy tua, kiếm chưa đủ sở hụi. Muốn làm ăn ở đây lâu dài thì việc ai nấy làm”. Nghe tới đây, hướng dẫn viên đành ngậm ngùi nhìn đoàn khách của mình bị dẫn đi mà không dám phản ứng gì.

 

“Cò” du lịch ở Cảng cá Đá Bạc
“Cò” du lịch ở Cảng cá Đá Bạc


Dò hỏi những người địa phương được biết, từ ngày khách đến Bình Ba nhiều, Cảng cá Đá Bạc bắt đầu xuất hiện đội quân “cò” tàu du lịch. Đám thanh niên này lúc nào cũng túc trực ngay cổng ra vào cảng, có xe chở khách đến là lập tức quây kín để chèo kéo khách đi tàu cao tốc. Nói về những tay “cò” này, bà Tám (chuyên bán nước mía dạo ở cảng) e dè: “Ở đây, không ai dám nói gì bọn chúng hết. Kể cả chủ tàu, muốn đón khách cũng không được. Tất cả phải thông qua đám người đó. Mỗi khách đi tàu, chủ tàu phải trả cho “cò” 20.000 đồng, nếu không hợp tác thì chỉ có nước tàu nằm bờ, đói khách. Khách muốn đi đò thì chúng nói hết chuyến. Mấy hướng dẫn viên muốn đi tàu quen cũng khó. Tất cả việc đi tàu siêu tốc dường như đều do đám “cò” này sắp đặt”.


Đúng như lời bà Tám, chỉ ngồi ở cảng cá khoảng hơn 1 giờ, song chúng tôi nhận thấy dường như việc đi lại của du khách đều phải qua tay những tay “cò” tàu. Chủ tàu chỉ có nhiệm vụ đứng nhận khách ở ngay phương tiện của mình. Tuy ở cảng cũng có một phòng bán vé, nhưng khó có khách nào vào mua vé bởi vừa đặt chân xuống cầu tàu đã bị “cò” chèo kéo, đưa thẳng xuống tàu siêu tốc. Các chủ tàu chỉ biết đếm khách, lấy tiền và cuối buổi trích lại 20% số khách mà “cò” dẫn tới.


Ông Trần Văn H. (chủ tàu du lịch) bức xúc: “Thấy người ta làm ăn được, tôi cũng bỏ tiền sắm tàu chạy, nhưng muốn có khách thì phải chấp nhận chi tiền hoa hồng cho đám “cò”. Có hôm, đoàn khách 10 người ở Hà Nội vào muốn bao tàu đi, mấy tay dắt khách lấy họ 2 triệu đồng, nhưng khi thanh toán lại cho tôi, chúng chỉ đưa 1,2 triệu đồng. Tuy bị người ta ngang nhiên ăn tiền trắng trợn nhưng chẳng làm được gì. Thôi đành chịu thiệt để còn đường làm ăn”.


Có một điều lạ, tuy đội ngũ “cò” nhan nhản nhưng không thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng. Việc khách đi bằng cách nào ra đảo đều do chủ tàu sắp xếp. Chủ tàu chỉ xin được lệnh xuất bến là có thể thoải mái đón khách. Quan sát việc đi lại, chúng tôi thấy việc quản lý ở Cảng cá Đá Bạc khá lỏng lẻo. Khách đi tàu cũng không hề có vé, cứ bước xuống phương tiện vận chuyển đều thanh toán bằng tiền mặt. Nếu khách nào yêu cầu lấy vé để sau này thanh toán thì chỉ nhận được một tấm vé tự in, không phải mẫu của cơ quan thuế. Giá vé đi tàu cũng coi như thả nổi. Mỗi khách phải trả bao nhiêu tiền cho một lượt ra Bình Ba đều là sự thỏa thuận giữa du khách và chủ tàu.   

      
Đủ chiêu làm giá


Trong vai người đi nghiên cứu để thiết kế tour, chúng tôi được bà Đỗ Thị Như Hoa (chủ quán Bé Thưng ở đảo Bình Ba) tiếp đón vồn vã. Bà Hoa giới thiệu mình là người chuyên lo trọn gói cho nhiều hãng lữ hành khi đưa khách tới Bình Ba. Sau một hồi chào giá, thấy chúng tôi còn lưỡng lự, bà nói nhỏ: “Yên tâm đi, làm ăn với chị không lo bị thiệt đâu. Các em cứ đưa khách sang đến đảo, phần còn lại chị sẽ lo trọn gói. Từ phòng nghỉ, tới tắm biển, ăn uống, mỗi khâu như thế, các em đều được trích hoa hồng. Các dịch vụ khác cũng đều có tiền lại quả hết”. Để làm tin, bà Hoa lấy bảng giá của một hãng lữ hành cho chúng tôi xem rồi giải thích cặn kẽ: “Ở đây, giá một bữa ăn hải sản tới 200.000 đồng, nhưng thực chất hướng dẫn viên chỉ đặt 120.000 đồng. Vậy là hướng dẫn viên nghiễm nhiên bỏ túi 80.000 đồng/khách”. Theo bà Hoa, tất cả các hướng dẫn viên khi đưa khách ra đây đều có đủ chiêu làm giá, như: lấy hoa hồng từ người làm dịch vụ ở địa phương, đặt món ăn thấp hơn với giá niêm yết của hãng để kiếm thêm lợi nhuận. Đang dở câu chuyện, ông Nguyễn Thành Duy (chủ ca nô vận chuyển khách) xen ngang vào: “Thời gian gần đây, các hãng lữ hành và hướng dẫn viên làm giá đủ đường. Đến ca nô cũng phải chi hoa hồng. Cứ đoàn đi 10 người thì 10%, 20 người 20% và từ 30 khách trở lên thì 30%”.

Ngày 16-7-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng chủ trì cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Cam Ranh báo cáo về hoạt động du lịch tại Bình Ba. Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Chiến Thắng kết luận: “Thời gian qua, hoạt động du lịch đã hình thành tại đảo Bình Ba. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, các cơ sở lưu trú, dịch vụ công cộng còn thiếu và yếu, hầu hết các cơ sở ăn uống chưa đăng ký kinh doanh và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Ông Nguyễn Chiến Thắng chỉ đạo UBND TP. Cam Ranh hạn chế việc đưa khách ra đảo Bình Ba; nghiêm cấm việc đưa khách nước ngoài ra đảo Bình Ba; kiểm tra chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng trên địa bàn.


Có thể nói, hầu như tất cả các dịch vụ ở Bình Ba đều bị làm giá. Chính vì vậy, một tour trọn gói bây giờ đã bị đội giá lên rất nhiều, vì ép giá phục vụ nên chất lượng nhiều khi không đảm bảo. Từ TP. Hồ Chí Minh, nếu muốn đi du lịch Bình Ba ở 2 ngày 1 đêm trên đảo, du khách phải bỏ ra 2 triệu đồng. Với kiểu mạnh ai nấy làm như thế này, không hiểu rồi vài năm nữa, du lịch Bình Ba sẽ ra sao?


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh thừa nhận, du khách đến Bình Ba quá đông, dẫn đến những hệ lụy như: thiếu nước ngọt, quá tải rác thải, “cò” du lịch, nhếch nhác ở Cảng cá Đá Bạc do tàu cá và tàu chở khách vào chung một cảng. Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh đầu tư xây dựng mới bến tàu du lịch. Cuối năm nay, khi bến tàu đi vào hoạt động, UBND TP. Cam Ranh sẽ chuyển toàn bộ tàu, ca nô chở khách về Cảng Cam Ranh để chấm dứt tình trạng nhếch nhác cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.


ĐÌNH LÂM - VĂN KỲ

 


Kỳ 2: Du lịch kiểu tự phát