12:08, 29/08/2015

Vùng cao đón năm học mới

Thời điểm này, tiếng ve đã thôi râm ran, cái nắng chói chang cũng dần nhường chỗ cho mùa thu dịu dàng. Đi khắp các nẻo đường ở miền cao Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp khung cảnh rộn ràng của thầy và trò các trường chuẩn bị bước vào năm học mới. 

Thời điểm này, tiếng ve đã thôi râm ran, cái nắng chói chang cũng dần nhường chỗ cho mùa thu dịu dàng. Đi khắp các nẻo đường ở miền cao Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp khung cảnh rộn ràng của thầy và trò các trường chuẩn bị bước vào năm học mới.  


Trường đã gần hơn


Chúng tôi đến thăm điểm trường Cà Giàng (thuộc Trường Tiểu học Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) khi thầy và trò đang cùng nhau quét dọn trường lớp, trồng thêm cây xanh trong sân trường. Đang cùng học trò trồng thêm mấy cây bàng nơi góc trường, thầy Mang Ham - giáo viên lớp 3, phụ trách điểm trường Cà Giàng (thôn Xóm Cỏ) cho biết: “Địa bàn Xóm Cỏ rộng, lại xa trung tâm xã nên trước đây, học sinh (HS) trong thôn đi học rất khó khăn, có em phải đi tận 7km mới đến được trường. Bây giờ, trường học đã về gần nhà. Điểm trường chúng tôi được cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp, trường lớp được xây dựng lại khá khang trang, bàn ghế thay mới hoàn toàn nên việc dạy và học thuận lợi hơn nhiều”.

 

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Bình (Khánh Sơn)  tựu trường sẵn sàng cho năm học mới
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Bình (Khánh Sơn) tựu trường sẵn sàng cho năm học mới


Ở miền núi, điều kiện kinh tế của các gia đình còn nhiều khó khăn, các em đến trường chủ yếu là đi bộ; vì vậy, nếu trường cách xa nhà thì xảy ra tình trạng HS bỏ học sau mỗi dịp hè. Việc mở thêm các điểm trường ở những thôn xa trung tâm đã giúp HS gắn bó hơn với con chữ. Cũng chính vì vậy, lãnh đạo Trường Tiểu học Sơn Bình đã dành nhiều sự quan tâm cho thầy và trò ở các điểm trường xa như: Cầu Gỗ, CoLak...


Không riêng xã Sơn Bình, ở các xã khác, việc đầu tư cơ sở vật chất, mở thêm điểm trường tiểu học ở những khu dân cư xa trung tâm xã cũng được chú trọng. Ngoài ra, HS bậc THCS ở các địa phương như: Thành Sơn, Ba Cụm Nam cũng có điều kiện học hành thuận lợi khi mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học được thành lập...

 

Học sinh điểm trường Cà Giàng (thuộc Trường Tiểu học Sơn Bình, Khánh Sơn) lao động dọn vệ sinh  chuẩn bị chào đón năm học mới
Học sinh điểm trường Cà Giàng (thuộc Trường Tiểu học Sơn Bình, Khánh Sơn) lao động dọn vệ sinh chuẩn bị chào đón năm học mới


Đến huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), chúng tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện vui của phụ huynh khi việc học hành của con em đã bớt phần vất vả so với trước đây. Ông Cao Diên - phụ huynh em Cao Thị Huyền (HS Trường THCS Cao Văn Bé - xã Khánh Phú) vui mừng nói: “Trước khi Trường THCS Cao Văn Bé được thành lập tại xã Khánh Phú, con em trong vùng đều phải đến thị trấn Khánh Vĩnh để theo học cấp 2. Việc học hành, đi lại rất khó khăn, nhiều em đã phải nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn, đi học xa nhà đến 17 - 18km. Cách đây 1 năm, trường được xây dựng gần nhà, phụ huynh ai nấy đều vui mừng, HS đi học chuyên cần hơn trước”. Tiếp thêm câu chuyện, em Cao Thị Huyền kể: “Anh chị của em trước kia học cấp 2 phải đi bộ hoặc xin đi nhờ xe đến thị trấn, rất vất vả. Vì đi học xa, điều kiện gia đình khó khăn nên anh của em đã nghỉ học. Bây giờ, trường ở ngay cạnh nhà, em phải chuyên cần học tập để tiếp thu thật nhiều kiến thức bổ ích...”.

 

Giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thái (Khánh Vĩnh)  bọc sách vở cho các em học sinh
Giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thái (Khánh Vĩnh) bọc sách vở cho các em học sinh


Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Ngoài Trường THCS Cao Văn Bé, trong năm học trước, Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp) cũng đã được thành lập trên cơ sở các lớp nhô. Các trường này đã nâng bước cho HS vùng sâu, vùng xa ở Khánh Vĩnh tiếp tục đến trường. Năm học này, chúng tôi tiếp tục tham mưu lãnh đạo cho phép thành lập thêm 2 trường ở xã Khánh Phú - nơi có địa bàn rộng (gồm: Trường Mầm non Ngọc Lan và Trường Tiểu học Khánh Phú 1) để các em đi học thuận lợi hơn. Ngoài ra, ngành được đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa phòng học, trường học; mua sắm trang thiết bị cho các trường...”. Còn theo thầy Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn, không chỉ đưa trường học về gần nhà, trong năm học này, Khánh Sơn còn dành nhiều sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa, xây dựng trường học, phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường. Kinh phí dành cho công tác này gần 3 tỷ đồng...


Tạo điều kiện để trẻ đến trường


Để bắt đầu năm học mới, một trong những mục tiêu quan trọng của các trường vùng cao là huy động 100% HS đến lớp. Đây là điều không đơn giản đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa - nơi thường có tỷ lệ HS bỏ học sau mỗi dịp hè cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thầy cô giáo và các cấp chính quyền địa phương, đến thời điểm này, việc huy động HS đến trường tại các huyện miền núi trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Trò chuyện với thầy Mang Ham khi đi vận động HS ở điểm trường Cà Giàng ra lớp, thầy chia sẻ: “Cứ vào mỗi dịp hè, các em lại theo bố mẹ lên rẫy xa để thu hoạch hoặc trồng nông sản. Cả gia đình ở lại rẫy có khi cả tuần, cả tháng mới về. Vì vậy, việc vận động HS ra lớp vào đầu mỗi năm học luôn khó khăn. Để các em không bỏ học sau hè, chúng tôi có khi phải lên tận rẫy để vận động phụ huynh cho con về làng đi học. Hiện nay, điểm trường Cà Giàng chỉ còn 1 HS lớp 3 trong tổng số 43 HS chưa đến lớp. Chúng tôi đã tiếp cận được phụ huynh của em này để vận động, sang đầu tuần em sẽ đến trường...”.

 

Lớp dạy tập nói tiếng Việt cho các em học sinh  người dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Sơn Lâm (Khánh Sơn)
Lớp dạy tập nói tiếng Việt cho các em học sinh người dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Sơn Lâm (Khánh Sơn)


Đối với cô giáo Nguyễn Khánh Trang (Trường Tiểu học Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh), vào đầu năm học cô thường lập sơ đồ gia đình của các HS trong lớp để vận động đến trường. Cô Trang cho hay: “Trong khi đi vận động các em đến trường, chúng tôi phải nắm rõ hoàn cảnh từng em để kịp thời giúp đỡ, động viên. Việc vận động HS ra lớp là việc làm thường xuyên của giáo viên miền núi, không chỉ đầu mỗi năm học mà xuyên suốt cả năm”.


Vận động được HS ra lớp đã khó, để các em chuyên cần càng khó hơn. Muốn thực hiện được điều này, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy học, những năm qua, các trường mầm non, tiểu học ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đều duy trì tốt việc tổ chức bán trú và tập nói tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số. Ngoài ra, một số trường còn chuẩn bị tốt cho việc triển khai mô hình trường học mới VNEN... Thầy Đinh Như Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thái cho biết: “Trường chúng tôi phần lớn HS là người dân tộc thiểu số. Để các em gắn bó với trường lớp, việc tổ chức bán trú được trường hết sức chú trọng. Cùng với việc mở rộng nhà ăn, trường còn tiến hành kiểm tra lại nhà bếp, thay thế các dụng cụ hư hỏng... Ngoài ra, để các em HS lớp 1 thuận lợi trong việc tiếp thu bài học, trong hè, trường đã tổ chức dạy tập nói tiếng Việt cho 46 HS”. Tương tự, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Năm học này, toàn trường có hơn 360 HS thuộc các cấp học, trong đó 2/3 HS là người dân tộc thiểu số. Năm nay, trường áp dụng mô hình trường học mới VNEN nên bên cạnh việc vận động HS ra lớp, tuyên truyền để bố mẹ các em hiểu, nhà trường còn tổ chức cho đội ngũ quản lý, giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức cho các em làm quen với mô hình lớp học mới, tiếp nhận, triển khai về các lớp những tài liệu được cấp trên hỗ trợ... Bên cạnh đó, trường còn chú trọng việc tổ chức bán trú cho HS dân tộc thiểu số và dạy tiếng Việt cho HS vào lớp 1. Qua 1 tháng triển khai tập nói tiếng Việt, các em đã dạn dĩ hơn, biết chia sẻ với bạn bè và tiếp thu cũng nhanh hơn...”.


Năm học 2015 - 2016, huyện Khánh Sơn có khoảng 6.700 HS ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Đến thời điểm này, hơn 98% HS đã đến lớp trong tuần lễ làm quen. Còn tại huyện Khánh Vĩnh, hơn 98% HS thuộc các cấp học đã tựu trường. Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở các huyện vùng cao đã cơ bản hoàn tất. Một năm học mới sắp bắt đầu, hy vọng, với sự chuẩn bị tích cực, công tác giáo dục ở các huyện miền núi của tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành công.


HẢI LĂNG - GIANG ĐÌNH