05:08, 26/08/2015

Trao đi những yêu thương

Phát thuốc, chăm sóc vết thương, ân cần dặn dò bệnh nhân cách tự chăm sóc mình; tích cực xuống cộng đồng để khám, phát hiện bệnh nhân phong mới… là những công việc thường ngày của những người làm công tác phòng, chống phong tại cộng đồng của Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa.

Phát thuốc, chăm sóc vết thương, ân cần dặn dò bệnh nhân (BN) cách tự chăm sóc mình; tích cực xuống cộng đồng để khám, phát hiện BN phong mới… là những công việc thường ngày của những người làm công tác phòng, chống phong tại cộng đồng của Bệnh viện (BV) Da liễu tỉnh Khánh Hòa.


Tìm đến người bệnh


Một ngày giữa tuần, chúng tôi theo chân y sĩ Huỳnh Phúc Thịnh - thành viên Phòng Chỉ đạo tuyến, BV Da liễu tỉnh và anh Ngô Hữu Sào - cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống phong huyện Khánh Vĩnh đi công tác giám sát phong tại cộng đồng.

 

1
Nhờ hiệu quả của công tác phòng, chống phong, nhiều trẻ em ở làng Phong Láng Chai hoàn toàn khỏe mạnh


Đường vào nhà ông Pi Năng Là Hơn (tổ 1, thôn Bến Khế, xã Khánh Bình) vừa xa lại đầy bùn nên chúng tôi khá vất vả. Gặp y sĩ Thịnh và anh Sào, khuôn mặt gầy sọp vì tuổi tác của ông Là Hơn ánh lên niềm vui. Ông bảo: “Mấy hôm nay, cái chân lại bị trầy, chảy máu trở lại. Già hết thuốc uống rồi”. Vừa lắng nghe ông nói, y sĩ Thịnh và anh Sào vừa tranh thủ khám thương tật ở tay chân, phát thuốc, dặn dò, hướng dẫn ông cách uống, bôi thuốc. Mang vào chân ông đôi giày mới - loại giày chuyên biệt dành cho BN phong bị lỗ đáo, y sĩ Thịnh cho biết: “Những người bệnh phong đa số nghèo, ít học. Di chứng của bệnh này làm bàn tay, bàn chân của họ mất hết cảm giác đau nên nhiều khi đi rẫy, bị cây rừng đâm vào gây thương tích, chảy máu họ cũng không biết. Do không thấy đau nên họ để vết loét bị nhiễm trùng làm cho bệnh nặng thêm. Vì thế mỗi lần khám, chúng tôi phải dặn đi, dặn lại...”.

 

Y sĩ Thịnh đang phát thuốc cho bệnh nhân tại cộng đồng
Y sĩ Thịnh đang phát thuốc cho bệnh nhân tại cộng đồng


Tại nhà bà Cao Thị Mà Lóng (hơn 70 tuổi, thôn Bến Khế, xã Khánh Bình), y sĩ Thịnh gỡ từng lớp vải bọc 2 bàn chân bị cụt hết 8 ngón của bà để khám và cho biết, bà Mà Lóng mắc bệnh phong hơn 40 năm nay. Do câm điếc, lại sợ mọi người xa lánh nên bà giấu bệnh, không cho ai biết, sống lủi thủi trong nhà, không con, không chồng. Đến khi phát hiện thì thương tật của bà đã nặng, 2 bàn chân, một số ngón tay bị cụt, co cứng.


Theo chân anh Bùi Thanh Hồng - thành viên Phòng Chỉ đạo tuyến, BV Da liễu tỉnh đến làng phong Láng Chai, thuộc tổ 4 thôn Văn Sơn (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) để thực hiện công tác khám, chăm sóc, giám sát bệnh phong tại đây, hình ảnh chúng tôi nhớ mãi là những nụ cười thân thiện, những lời thăm hỏi ân cần của người bị bệnh phong dành cho y sĩ Hồng. Y sĩ Hồng cũng tận tình khám bệnh, ân cần dặn dò, chỉ dẫn người bệnh cách phòng ngừa bệnh.

 

Bệnh nhân phong đang được điều trị vết thương tại Bệnh viện Da liễu tỉnh
Bệnh nhân phong đang được điều trị vết thương tại Bệnh viện Da liễu tỉnh


Ông Cao Văn Điêu - người mắc bệnh phong ở làng cho biết, làng phong Láng Chai có hơn 110 khẩu và hầu hết đều là người mắc bệnh phong. Nhờ chương trình phòng, chống phong của Nhà nước, nhiều hộ gia đình đã được chữa khỏi bệnh, chăm chỉ làm ăn nên đời sống ổn định hơn trước, có nhà sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh. “Góp phần không nhỏ vào sự thay đổi đó là nhờ những người làm công tác phòng, chống phong tại cộng đồng. Họ thường xuyên đến tận nơi khám, điều trị, vận động và đưa chúng tôi đến BV Da liễu tỉnh điều trị. Gần 10 năm trở lại đây, làng phong Láng Chai không có người mắc bệnh phong mới. Cả làng chỉ còn 12 người bị cụt tay, cụt chân do di chứng của bệnh phong” - ông Điêu nói.

 

Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc BV Da liễu tỉnh: Tỉnh Khánh Hòa đã được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ lưu hành BN phong/10.000 dân là 0,048; tỷ lệ phát hiện BN phong mới/100.000 dân là 0,32. Tỉnh đang tiến tới thực hiện loại trừ bệnh phong cấp huyện.

Cùng đi và nhìn cách những người làm công tác phòng, chống phong tận tình chăm sóc BN, cách họ nhớ và kể vanh vách tên, tuổi, bệnh án của từng BN do họ phụ trách, chúng tôi mới hiểu vì sao BN phong khi gặp người lạ thường xa lánh, nhưng khi gặp những người làm công tác này thì họ tay bắt, mặt mừng như gặp người thân.


Làm việc bằng cái tâm


Tháng 11-2011, tỉnh Khánh Hòa được công nhận thực hiện thành công loại trừ bệnh phong cấp tỉnh. Góp phần  tạo nên thành công đó có sự góp sức không nhỏ của các thành viên làm công tác phòng, chống phong tại cộng đồng thuộc Phòng Chỉ đạo tuyến, BV Da liễu tỉnh. Hiện nay, phòng có 9 người, làm công tác quản lý, chăm sóc tàn tật cho 343 BN phong tại cộng đồng và lồng ghép công tác tuyên truyền về căn bệnh này trên toàn tỉnh.

 

Y sĩ Hoa khám cho bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu
Y sĩ Hoa khám cho bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu


Hơn 20 năm làm công tác này, chị Nguyễn Thị Kim Hoa - thành viên Phòng Chỉ đạo tuyến không thể nào quên lần đầu tiên xuống cộng đồng chăm sóc BN phong ở Nha Trang. “Hồi đó, tôi đang mang bầu đứa con thứ 2, tuy đã được học 6 tháng về da liễu và bệnh phong nhưng gặp BN, tôi không khỏi rùng mình. Hỏi ra mới biết, do sợ mọi người kỳ thị nên họ giấu bệnh. Nhìn khuôn mặt muốn khóc của BN khi kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của mình, tôi mới thấy thương họ nhiều hơn”.

 

Để duy trì kết quả đạt được và tiến tới loại trừ bệnh phong cấp huyện, BV Da liễu tỉnh vẫn duy trì hoạt động của các Ban chỉ đạo chương trình loại trừ phong cấp huyện và xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh phong trong trường học và cộng đồng; đưa chương trình khám, phát hiện BN phong mới lồng ghép vào các hoạt động chuyên khoa khác; duy trì khám tiếp xúc ở nhóm BN phong mới và BN đang giám sát; tiếp tục quản lý và điều trị bệnh phong ở cộng đồng. Bên cạnh đó, phục hồi chức năng cho BN phong tàn tật thông qua chương trình chăm sóc lỗ đáo tại nhà và chuyển về BV những ca nặng cần phẫu thuật; xã hội hóa thuốc điều trị và giày dép cho BN phong tàn tật thông qua bảo hiểm y tế người nghèo; phục hồi kinh tế - xã hội cho BN phong thông qua quỹ tín dụng nhỏ….

Vào nghề cũng hơn 20 năm, y sĩ Hồng nhớ như in những lần thực hiện công tác khám, chăm sóc BN phong ở làng phong Láng Chai. “Làng tập trung hầu hết những người bị bệnh phong đến sinh sống. Khi lần đầu tiên đến khám, nhìn họ bị lỗ đáo đầy chân, bàn tay thì co cứng, nhiều người muốn chết để khỏi trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi không cầm được nước mắt. Đối với những người bệnh nhẹ, tôi cố gắng kết hợp điều trị, hướng dẫn họ cách tự chăm sóc; đối với BN nặng, tôi hướng dẫn đưa họ về BV để điều trị. Nhiều BN khi hết bệnh về phụ giúp gia đình kiếm sống. Khi quay lại khám, thấy cuộc sống của họ ổn định, có người cưới vợ, sinh con, tôi càng thấy yêu hơn công việc của mình” - y sĩ Hồng chia sẻ.


Đi nhiều, chứng kiến cuộc sống khổ cực của BN phong, các thành viên trong Phòng Chỉ đạo tuyến BV Da liễu tỉnh còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, gạo, áo quần cho BN. Trong các đợt đi công tác, họ thường tích cực lồng ghép công tác truyền thông về bệnh phong trong cộng đồng, tại trường học để người dân hiểu, giảm bớt sự kỳ thị và cũng là cách để mọi người tự phát hiện sớm bệnh phong, điều trị sớm, tránh những biến chứng không đáng có.   


Hỏi chuyện, các thành viên không nói nhiều về sự vất vả của mình khi làm công tác này. Phần lớn họ đều chia sẻ niềm vui khi chứng kiến BN phong lành bệnh, hòa nhập cuộc sống. Niềm vui với họ còn là khi nhiều người thông qua công tác tuyên truyền đã tự phát hiện bệnh và tìm đến với họ khi bệnh mới khởi phát; là những đợt đi khám tại cộng đồng không phát hiện BN phong mới, nhất là ở những cụm dân cư có người bị bệnh phong...


Đi cùng họ, chúng tôi mới thấu hiểu được rằng, những người làm công tác phòng, chống phong tại cộng đồng đến với người bị bệnh phong không chỉ là trách nhiệm với công việc mà còn là cả tấm lòng, cái tâm sáng của những người làm nghề y.


T.L