10:08, 14/08/2015

Khổ vì mỏ đá...

Nhiều năm nay, hai mỏ khai thác đá đứng chân trên địa bàn xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) gây nhiều bức xúc cho người dân trong khu vực bởi những hệ lụy tới môi trường...

Nhiều năm nay, hai mỏ khai thác đá đứng chân trên địa bàn xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) gây nhiều bức xúc cho người dân trong khu vực bởi những hệ lụy tới môi trường...


Người dân bức xúc


Căn nhà cấp 4 của vợ chồng ông Nguyễn Quang Trung (thôn Tân Hiệp) nằm sát tuyến đường vận chuyển đá và cách không xa mỏ đá Hóa An 1. Đưa chúng tôi đi xem các vết nứt, ông Trung bức xúc: “Nhà tôi xây năm 2007. Lúc đó, mỏ đá Hóa An 1 chưa có. Đến năm 2011, mỏ đá đi vào hoạt động. Kể từ đó, căn nhà bỗng xuất hiện nhiều vết nứt và ngày càng lộ rõ, buộc chúng tôi phải đưa đơn kiện...”. Tuy nhiên, khi ông đưa chuyện này ra xã, đơn vị khai thác đá lại phớt lờ. “Khi gọi đến tổng giám đốc công ty (trụ sở ở tỉnh Đồng Nai), vị lãnh đạo này lại đổ lỗi cho đơn vị bắn mìn, mọi việc cứ đùn qua đẩy lại, không ai chịu bồi thường cho người dân...” - ông Trung nói. Còn bà Nguyễn Thị Hương - vợ ông Trung nói: “Họ bắn đá rầm rầm cả ngày, chẳng cho ai ngủ, nghỉ, bảo sao không nứt nhà?”.

 

Xe tải vào mỏ Phước Thành lấy đá làm phát sinh bụi
Xe tải vào mỏ Phước Thành lấy đá làm phát sinh bụi


Không chỉ có chuyện bắn đá, người dân còn khổ sở khi sống chung với bụi. Ông Trung cho biết, có thời điểm nhiều xe tải 25 - 30 tấn cùng chạy, bụi tung mù mịt. Người dân phản ứng thì công ty giảm chỉ còn xe tải 20 tấn hoạt động, số lượng cũng ít hơn. “Suốt ngày sống trong bụi, ăn cũng bụi, thở cũng bụi, làm sao chúng tôi sống nổi, nhà lúc nào cũng phải đóng cửa...” - ông Trung than. Cũng chính vì bụi quá nhiều khiến cây trồng không phát triển được, làm sản lượng thất thu. “Vườn của tôi vừa xoài, vừa mít 100 cây, vậy mà 2 năm nay thất thu. Cây ra hoa bị thối nụ, không đậu được trái. Tất cả đều do bụi từ vận chuyển, khai thác đá mà ra...” - ông Trung khẳng định.

 

Hiện trường khai thác đá của Công ty TNHH Đá Hóa An 1
Hiện trường khai thác đá của Công ty TNHH Đá Hóa An 1


Gần đó, nhà ông Nguyễn Tấn Lộc (thôn Tân Hiệp) cũng chịu cảnh tương tự. Vườn điều nhà ông trước mặt mỏ đá Hóa An 1, bụi bám chặt lá điều làm cây xơ xác dưới trời nắng gắt. Khu vườn điều 2ha cho thu hoạch bình quân 30 - 40 triệu đồng/năm, vậy mà 2 năm nay chẳng thu được quả nào. Vào trong nhà, cảnh tượng còn ảm đạm hơn, trên bàn thờ, giường tủ, đâu đâu cũng bám đầy bụi dù đã đóng chặt cửa...

 

Hàng chục dây chuyền nghiền đá của doanh nghiệp Phước Thành hoạt động hết công suất.
Hàng chục dây chuyền nghiền đá của doanh nghiệp Phước Thành hoạt động hết công suất.


Chúng tôi đến xóm nhỏ gần khu vực hoạt động của mỏ đá Phước Thành (thôn Giải Phóng). Nơi đây, cảnh tượng cũng diễn ra tương tự. Chị Mấu Thị Kiều (thôn Giải Phóng) phàn nàn: “Hôm qua, gió nam thổi làm bụi đất bay mù mịt, không ai dám mở cửa, ngồi trong nhà còn thấy ngộp; huống hồ ở ngoài...”. Không chỉ có bụi, mà tiếng ồn do nghiền, xay đá ở mỏ đá Phước Thành còn làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Chị Kiều cho hay, mỏ đá hoạt động tới 12 giờ trưa, nghỉ một lát rồi hoạt động trở lại tới 10 giờ đêm, 2 - 3 giờ sáng lại hoạt động tiếp khiến cho trẻ con giật mình, người lớn khó ngủ... Còn bà Mấu Thị Kiến - nhà cách mỏ đá không xa cũng bực dọc: “Hàng ngày, xe tải chở đá tung bụi mù mịt, nhưng tưới nước chống bụi rất sơ sài, chẳng thấm vào đâu. Bức xúc quá nên người dân chặn xe, khi đó họ mới tưới thêm nước. Trời nắng thế này, chỉ 2 - 3 xe chạy qua thì đường đã đầy bụi trở lại...”.

 

Vết nứt trên tường nhà ông Trung ngày một lớn.
Vết nứt trên tường nhà ông Trung ngày một lớn


Chủ các mỏ đá nói gì?


Tiếp cận mỏ đá Hóa An 1, tại khu vực máy nghiền đang hoạt động, chúng tôi thấy lượng bụi không nhiều do công ty thường xuyên bổ sung nước tưới trong quá trình xay, nghiền đá. Tuy nhiên, trên đồi cao, nơi máy xúc, máy ủi đang hoạt động phát sinh nhiều bụi. Ông Nguyễn Văn Hải - quản lý của Công ty TNHH Đá Hóa An 1 Chi nhánh Cam Ranh cho biết, công suất của máy móc, thiết bị có thể đạt 1.000m3/ngày. Tuy nhiên hiện nay, đơn vị chỉ sản xuất ở mức 500 - 700m3/ngày. Trong quá trình sản xuất, công ty duy trì tưới nước cho máy nghiền để giảm bụi. Nước lấy từ 2 giếng khoan trong khu vực, ngoài ra còn mua nước từ Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh. Về bụi đường, công ty thường xuyên tưới nước 7 - 8 chuyến/ngày, nhưng vì thời tiết nắng gắt nên không thể nào giảm hết lượng bụi. Cây trồng của người dân thất thu là do nhiều yếu tố, khô hạn cũng có thể gây rụng trái. “Chúng tôi thuê Công ty Hóa chất mỏ Nam Trung Bộ (đơn vị được cấp giấy phép bắn phá mìn) thực hiện việc nổ mìn. Nếu đơn vị này không thực hiện đúng kỹ thuật, đúng quy trình thì phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho chúng tôi...” - ông Hải nói. Tuy nhiên, với trách nhiệm của đơn vị khai thác đá nằm gần khu vực dân cư, ông Hải hứa sẽ bàn bạc với người dân để tìm tiếng nói chung.

 

Ông Trần Tính - Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Cam Ranh: Thực tế kiểm tra, ngành chức năng thấy có bụi phát sinh, trong điều kiện khô hạn kéo dài sẽ khó lòng hạn chế bụi. Phòng đã chủ động kiểm tra ngay từ đầu năm và có văn bản yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, phòng không có thiết bị đo độ bụi nên phải nhờ các đơn vị thuộc Sở TN-MT hỗ trợ. Sắp tới, Sở TN-MT sẽ thanh tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản của 11 doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Trong đó, có Công ty TNHH Đá Hóa An 1.

Được biết, mỏ đá Phước Thành hoạt động từ năm 2005. Gần đây, đơn đặt hàng nhiều nên mỏ đá hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Đứng bên ngoài mỏ đá, chúng tôi thấy bụi bốc lên mù mịt. Vào bên trong, cảnh tượng còn dữ dội hơn. Trên núi, dưới bằng, đâu đâu cũng bụi, cả chục băng chuyền đang chạy hết công suất, xe tải tấp nập ra vào lấy đá... khiến cho bụi càng đậm đặc.


Ông Nguyễn Duy Châu - Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành thừa nhận, do tăng cường cung cấp vật liệu cho nhiều dự án cùng lúc trên địa bàn, đặc biệt là thi công tuyến Quốc lộ 1A và Cảng Cam Ranh nên hoạt động của công ty được đẩy mạnh (công suất hơn 1.000m3/ngày). Tuy nhiên, thời tiết khô hạn cả năm nay khiến mực nước ngầm cạn kiệt, việc xử lý bụi gặp nhiều khó khăn. Đơn vị đã phải khoan giếng ngầm nhưng cũng không có nước. Về bụi đường, công ty có đầu tư xe bồn tưới nước nên lượng bụi đã giảm tại khu dân cư cách mỏ gần 1km.


Tăng cường kiểm tra, xử lý


Ông Nguyễn Tấn Lộc - Trưởng thôn Tân Hiệp cho hay, trước bức xúc của người dân, thôn đã có ý kiến để xã giải quyết; đơn vị khai thác đá cũng đã có nhiều cố gắng khắc phục như: tăng cường tưới nước vào băng chuyền nghiền đá, đầu tư xe bồn tưới đường 4 lần/ngày... nên đã giảm bớt lượng bụi. Tuy nhiên, do nắng hạn lâu ngày, lượng nước khó khăn và cũng dễ phát sinh bụi do hoạt động của xe tải. Vấn đề nổ mìn cũng đã cải thiện, nổ đúng giờ giấc...


Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, vừa qua, do có đơn kiến nghị nên Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Cam Ranh, Cảnh sát môi trường đã đến kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu 2 doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Mới đây, đại diện Công ty TNHH Đá Hóa An 1 đã thông báo cho xã phối hợp gặp gỡ người dân để có phương án bồi thường về việc nứt nhà dân và cây trồng bị ảnh hưởng.


P.L