12:08, 22/08/2015

Đồng Cói bỏ hoang...

Hơn 1 năm qua, ruộng ở khu Đồng Cói (thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) phải bỏ hoang vì thiếu nước. Nhiều cuộc họp, tìm hướng giải quyết đã được tổ chức, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp nào cho 40ha ruộng đang bị bỏ hoang…

Hơn 1 năm qua, ruộng ở khu Đồng Cói (thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) phải bỏ hoang vì thiếu nước. Nhiều cuộc họp, tìm hướng giải quyết đã được tổ chức, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp nào cho 40ha ruộng đang bị bỏ hoang…


Bỗng dưng... thiếu nước


Theo chân ông Nguyễn Đúng - Trưởng thôn Vĩnh Xuân, chúng tôi đến một số gia đình trong thôn. Ông Lê Đức Lượng (nhà ở đường Phong Châu) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng tiếng thở dài: “Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác có ruộng ở khu Đồng Cói nhưng không canh tác được. Ngày ngày nhìn ra thấy đồng ruộng cháy khô, xót xa lắm. Làm ruộng không mong giàu có, nhưng cũng đủ ăn quanh năm, đó cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, chỉ vì ruộng không có nước sản xuất mà chúng tôi lâm vào cảnh khốn đốn...”.

 

Ruộng lúa ở khu Đồng Cói đã trở thành nơi chăn thả trâu bò
Ruộng lúa ở khu Đồng Cói đã trở thành nơi chăn thả trâu bò


Bà Đặng Thị D. (thôn Thái Thông 2) chia sẻ: “Nhà tôi có 5 sào ruộng (1 sào = 500m2), làm cũng đủ ăn. Chúng tôi đang sản xuất bình thường thì bất ngờ mương cung cấp nước tưới lúa bị chặn dòng. Từ đó đến nay đã qua 3 vụ lúa, nhưng chưa cơ quan chức năng nào trả lời dứt khoát cho người dân tại sao lại bị như vậy. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều phản ánh, nhưng không biết được ai chịu trách nhiệm về vấn đề này cũng như những thiệt hại của chúng tôi”.


Được biết, thôn Vĩnh Xuân có 46 hộ bị ảnh hưởng từ việc chặn dòng nước tưới cho ruộng đồng ở khu Đồng Cói; thôn Thái Thông 2 có 63 hộ với hơn 300 nhân khẩu đang chịu cảnh không canh tác được vì không có nước tưới lúa. Ông Mai Lân - Trưởng thôn Thái Thông 2 cho biết: “Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần, mong các cấp chính quyền xử lý thấu đáo. Bây giờ, người dân trong thôn thất nghiệp nhiều mà đất đai lại bỏ hoang hóa, cuộc sống ngày càng vất vả. Nước sản xuất không có do các công trình thoát lũ đã phá vỡ mương dẫn nước tưới lúa”.


Người dân bị thiệt hại nặng


Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Trưởng thôn Thái Thông 2 cho biết: “Nhà tôi có 5,5 sào ruộng tại khu vực Đồng Cói, hàng năm gieo trồng 2 vụ, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 350kg/sào, gia đình tôi thu về ngót nghét 2 tấn lúa khô. Thế nhưng, 3 vụ lúa vừa qua không có nước sản xuất. Vậy mà đến nay, tôi vẫn chưa nghe ai nói gì về hướng giải quyết...”.

 

40ha đất nông nghiệp ở Đồng Cói nay đã thành đường đi
40ha đất nông nghiệp ở Đồng Cói nay đã thành đường đi


40ha lúa ở Đồng Cói, trước đây, người dân vẫn đều đặn xuống giống mỗi năm 2 vụ. Theo một số người dân, năng suất bình quân của ruộng lúa khu vực này ước đạt từ 55 đến 70 tạ/ha tùy từng vụ mùa. Đó có lẽ chưa phải là một con số ấn tượng nhưng giúp trang trải được một phần cuộc sống cho 169 hộ với 845 khẩu ở xã Vĩnh Thái. Trong số này có 135 hộ với 669 khẩu đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP và 34 hộ với 176 khẩu đang canh tác trên đất nông nghiệp thuộc quỹ đất 5% công ích của xã. Nhưng kể từ sau vụ đông xuân 2013 - 2014, người dân nơi đây đã không thể xuống giống vụ lúa tiếp theo, đất bỏ hoang từ đó cho đến nay.


Những người dân này cho hay, nguồn cung cấp nước bị mất là do việc thi công dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu cầu Sông Tắc (TP. Nha Trang). Trong quá trình thi công, một công trình do Ban quản lý dự án (QLDA) các công trình giao thông và thủy lợi Khánh Hòa làm chủ đầu tư đã ngăn mương nước tưới tại khu vực thôn Thủy Tú. Con mương này là nguồn dẫn nước sản xuất 40ha lúa 2 vụ tại khu vực Đồng Cói. Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thái: “Việc ngăn mương nước tưới tại khu vực thôn Thủy Tú không chỉ gây khó khăn chung trong sản xuất tại địa phương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, thu nhập của người dân, gây bức xúc trong nhân dân”.

 

Bên phải là kè thoát lũ. Bên trái là mương nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã bị chặn dòng.
Bên phải là kè thoát lũ. Bên trái là mương nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã bị chặn dòng.


Sự việc đã được các cơ quan chức năng phản ánh lên UBND tỉnh. Sau cuộc họp vào giữa tháng 4-2014 về vấn đề này, UBND tỉnh kết luận: “Đối với phần diện tích 40ha tưới Đồng Cói, giao Ban QLDA các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi toàn bộ diện tích đất để bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý theo quy định”. Trước mắt, để tạo điều kiện cho người dân có nước sản xuất nông nghiệp trong thời gian chờ thực hiện, Ban QLDA các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh có phương án bổ sung kênh đào để cấp nước tưới tạm thời phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 40ha khu Đồng Cói. Nhưng tháng 7-2014, UBND tỉnh chỉ đạo: “Đối với 40ha khu tưới Đồng Cói, xã Vĩnh Thái, đồng ý chủ trương đưa vào dự án Trung tâm Hành chính mới của tỉnh và giao Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bãi bỏ các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành trước đây, trái với nội dung chỉ đạo tại văn bản này); không đồng ý việc bổ sung kênh đào từ nhánh Gò Ké - Trùng Địa để cấp nước cho khu Đồng Cói”.


Như vậy, phương án bổ sung kênh đào không được chấp thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh) chỉ mới dừng lại ở công tác thống kê đất đai, tài sản gắn liền với đất thuộc diện thu hồi, bồi thường.


Chờ cơ quan chức năng


Trước những bức xúc của người dân, từ tháng 6-2014 đến nay, UBND xã Vĩnh Thái, UBND TP. Nha Trang và các phòng, ban chức năng đã có nhiều cuộc họp nhằm tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, làm sao để hỗ trợ hợp tình cho người dân và không trái với các quy định hiện hành lại không hề đơn giản. Lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho rằng, theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của xã Vĩnh Thái, xã này không có diện tích được quy hoạch là đất trồng lúa nên không thể sử dụng các chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định. Bên cạnh đó, khi rà soát lại các văn bản pháp luật hiện hành, việc hỗ trợ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp chỉ quy định hỗ trợ trong các tình huống bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng..., chưa có quy định cụ thể trong việc hỗ trợ thiệt hại khi phải dừng sản xuất, bỏ hoang đất canh tác do ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng.

 

Theo kết quả điều tra từ Chi cục Thống kê TP. Nha Trang, tổng giá trị sản phẩm người dân nơi đây thu được khoảng 34 triệu đồng/ha/vụ, trong đó chi phí sản xuất chiếm 50%. Cứ mỗi mùa vụ bị dừng sản xuất, người dân mất đi khoản lãi ròng 17 triệu đồng/ha. 3 vụ lúa trôi qua, ước thiệt hại của người dân khoảng 200 triệu đồng.

Trong khi đó, Ban QLDA các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh phúc đáp công văn đề nghị hỗ trợ của UBND xã Vĩnh Thái rằng: 40ha đất Đồng Cói đã được đưa vào dự án Trung tâm Hành chính mới của tỉnh. Dự án này do Ban QLDA các công trình trọng điểm thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đề nghị UBND xã Vĩnh Thái làm việc với đơn vị này để có hướng giải quyết. Ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét và có phương án hỗ trợ nhằm giải quyết dứt điểm những bức xúc kéo dài trong nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, việc có hỗ trợ hay không, đơn vị nào chịu trách nhiệm hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể như thế nào vẫn chưa có câu trả lời”.


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Vừa qua, UBND TP. Nha Trang có văn bản đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người dân theo hướng tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với các hộ sử dụng đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP hỗ trợ 3 vụ; đối với các hộ canh tác trên đất nông nghiệp thuộc quỹ đất 5% công ích của UBND xã Vĩnh Thái, chỉ hỗ trợ 1 vụ hè thu 2014, các vụ sau đó những hộ này không còn hợp đồng thuê đất nên không hỗ trợ. Mức hỗ trợ được áp dụng dựa vào kết quả thống kê của Chi cục Thống kê TP. Nha Trang. Bên cạnh đó, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án Trung tâm Hành chính tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong vùng dự án. Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh”.


Như vậy, 169 hộ dân có đất trồng lúa ở khu Đồng Cói vẫn phải tiếp tục chờ đợi.



Hồng Đăng