12:07, 15/07/2015

Trưởng thành từ mái ấm tình thương

Từ mái ấm tình thương này, những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn năm nào đã tự tin bước vào đời, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều người thường xuyên quay trở lại mái ấm để tri ân những người đã từng nuôi dưỡng, bảo bọc mình và tiếp thêm niềm tin cho những trẻ cùng cảnh ngộ…

Từ mái ấm tình thương này, những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn năm nào đã tự tin bước vào đời, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều người thường xuyên quay trở lại mái ấm để tri ân những người đã từng nuôi dưỡng, bảo bọc mình và tiếp thêm niềm tin cho những trẻ cùng cảnh ngộ…


Những đứa trẻ mồ côi


Một buổi chiều hè, tại Trung tâm BTXH tỉnh, chúng tôi tình cờ gặp đôi nam, nữ mang theo nhiều túi đồ, dắt tay nhau đi thẳng đến dãy nhà Hồng Đào, nơi có những đứa trẻ mồ côi nô đùa trên tầng 1. Đến chân cầu thang, nam thanh niên cất tiếng gọi lớn: “Các em ơi, xuống xách đồ giùm anh chị nào!”. Lập tức, có tiếng trẻ đồng thanh vọng xuống: “A! anh Tưởng lại đến kìa”. Rồi 4-5 đứa trẻ cùng chạy xuống, quấn quýt xách quà bánh và dắt tay 2 người khách lên phòng.

 

Vợ chồng anh Nguyễn Tin Tưởng đến thăm các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Vợ chồng anh Nguyễn Tin Tưởng đến thăm các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Chứng kiến cuộc gặp gỡ này chúng tôi có một cảm giác ấm áp lạ thường. Phát quà cho các em xong, người thanh niên giới thiệu, anh tên là Nguyễn Tin Tưởng (trú phường Phước Long, TP. Nha Trang), từng là trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại trung tâm này. Tưởng cho biết, năm nay anh 30 tuổi, quê gốc ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi Tưởng chưa ra đời, bố anh đã đưa anh trai anh đi làm ăn xa, sau đó mất liên lạc. Từ nhỏ, anh đã theo mẹ bôn ba khắp nơi, cuối cùng chọn Nha Trang làm nơi sinh sống. Năm Tưởng 10 tuổi, mẹ anh qua đời sau một cơn bệnh nặng, để lại anh bơ vơ không nơi nương tựa. May mắn, Tưởng được người quen gửi vào Nhà Mở ở đường Trần Quý Cáp (TP. Nha Trang). Tại đây, Tưởng được chăm sóc, cho đi học.


Năm 1996, mái ấm Phước Long thành lập, Tưởng và các bạn được đưa về đây chăm sóc. Khi mái ấm Phước Long sáp nhập vào Trung tâm BTXH tỉnh,  Tưởng tiếp tục được đi học trung cấp cơ khí. Tốt nghiệp, anh được lãnh đạo trung tâm giới thiệu vào làm công nhân tại Nhà máy nước giải khát cao cấp Yến sào Khánh Hòa. Tại đây, anh gặp chị Nguyễn Ngọc Hạnh Trân (quê Ninh Hòa, mồ côi cha từ nhỏ). Sự đồng cảm đã kết duyên họ thành vợ chồng từ năm 2011. “Vợ chồng tôi làm công nhân, đời sống khá ổn định. Với một đứa trẻ mồ côi, có tuổi thơ cơ cực như tôi, cuộc sống giờ đây là hạnh phúc lớn”, Tưởng tâm sự.   

 

Cô Trịnh Thị Tường Vi dạy các trẻ khiếm thính viết chữ.
Cô Trịnh Thị Tường Vi dạy các trẻ khiếm thính viết chữ


Anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi, trú phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) cũng từng là trẻ mồ côi, trưởng thành từ Trung tâm BTXH tỉnh. Thành như muốn bật khóc khi nhắc đến tuổi thơ của mình. Cha mẹ anh ra đi biệt tích khi anh chưa tròn 5 tuổi. Ở với ông bà ngoại đến năm 9 tuổi, Thành lặn lội từ Quảng Ngãi vào Nha Trang tìm cha. “Không tìm được cha, năm 1994, tôi lang thang ở Nha Trang rồi được đưa vào Nhà Mở, sau đó chuyển đến Trung tâm BTXH tỉnh. Tôi và Tưởng bằng tuổi, hoàn cảnh cũng giống nhau, được học nghề và giờ làm cùng công ty nên tình cảm giữa chúng tôi như ruột thịt. Trung tâm BTXH tỉnh như mái nhà của chúng tôi. Vì thế, khi cưới vợ, tôi cũng tổ chức ở trung tâm và thuê nhà ở gần để tiện việc thường xuyên đến thăm các mẹ, các em”, anh Thành chia sẻ.


Và những người mẹ đặc biệt  

 
Cô Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1965) là mẹ nuôi của 15 em nhỏ tại nhà Hồng Đào, người đã có 17 năm công tác tại Trung tâm BTXH tỉnh. Cô Huệ cho biết, với sự chăm sóc và tình thương yêu của cô, hơn 20 trẻ mồ côi, khuyết tật đã trưởng thành và tái hòa nhập cộng đồng. Làm nhiều nghề khác nhau, nhưng những đứa con của cô luôn nhớ đến nơi mình được nuôi dưỡng, trưởng thành và thường quay lại thăm các em nhỏ cùng cảnh ngộ. “Tuy không dứt ruột sinh ra nhưng tôi rất thương các cháu. Mỗi khi có cháu nào trưởng thành, rời trung tâm, tôi đều rất mừng và dõi theo bước đường của các cháu...” - cô Huệ bộc bạch.

 

Các trẻ bị khuyết tật  được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Các trẻ bị khuyết tật được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

 
Cũng như cô Huệ, cô Nguyễn Thị Kim Thu (sinh năm 1969, làm ở trung tâm từ năm 1996), phụ trách nhà Hồng Chuyên, hiện chăm sóc 14 em nhỏ, trong đó có 8 em khuyết tật, 2 trẻ sơ sinh. Vì thế, mỗi ngày cô luôn tất bật từ sáng sớm đến tối mịt, từ việc vệ sinh và cho các cháu sơ sinh ăn, chuẩn bị đồ ăn cho các cháu lớn đến chăm sóc cho các cháu khuyết tật. Có đêm, cô vẫn loay hoay chăm sóc các cháu sơ sinh khóc, quấy.


Còn cô Trịnh Thị Tường Vi, giáo viên tại Trung tâm BTXH và Công tác xã hội thị xã Ninh Hòa vừa phải chăm sóc, vừa phải dạy cho các cháu biết đọc, biết viết, bởi những đứa con của cô là các trẻ khiếm thính, không nói được. Cô giáo trẻ sinh năm 1987 tâm sự: “Hồi mới vào nghề, nhiều lúc tôi cảm thấy nhụt chí vì các cháu có tâm lý khá đặc biệt. Nhưng vì thương các cháu nên tôi luôn cố gắng để hiểu, dạy các cháu cách đọc, viết, hòa nhập cộng đồng. Những lúc mệt mỏi, gia đình riêng là chỗ dựa tinh thần cho tôi, giúp tôi có thêm động lực chăm sóc các cháu”.


Hạnh phúc đời thường


Trong câu chuyện với chúng tôi, những người mẹ đặc biệt đều cho biết, hạnh phúc của họ đơn giản là nhìn những đứa con của mình ngày càng khôn lớn, trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân. Vừa phát quà của anh Tưởng cho các em, cô Huệ vừa chia sẻ: “Hạnh phúc là có những đứa con trưởng thành vẫn luôn trở về thăm mẹ, thăm các em”. Còn cô Thu thì bộc bạch: “Lâu lâu ngồi ngóng mấy đứa con quay lại chơi với các em, tôi lại thấy vui. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng thế, cứ hỏi mấy anh chị khi nào về. Khi tụi nhỏ về chơi, cả nhà tôi vui như Tết”.

 

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 200 đối tượng. Trong đó có 31 trẻ mồ côi, 30 người khuyết tật. Những năm qua, trung tâm luôn làm tốt công tác xã hội, giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết, những trẻ em được nuôi dưỡng và chăm sóc tại trung tâm đều có tuổi thơ thiệt thòi hơn những bạn đồng trang lứa. Vì thế, trung tâm luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập, trưởng thành và tái hòa nhập cộng đồng. “Đối với những người làm công tác xã hội như chúng tôi, niềm động viên lớn nhất chính là nhìn những đứa con được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm tái hòa nhập cộng đồng thành công, có thể tự lo cho bản thân, đóng góp sức lao động cho xã hội” - ông Công bộc bạch.


Với cha mẹ của những trẻ khuyết tật, trưởng thành từ các trung tâm BTXH, niềm vui cũng khó kể xiết. “Con gái lớn của tôi bị câm điếc. Sau khi được học tại Trung tâm BTXH và Công tác xã hội thị xã Ninh Hòa, cháu không còn mặc cảm như trước mà còn đi học nghề và nay đã trở thành thợ làm tóc, trang điểm. Tôi mở tiệm cho cháu tại nhà, bình quân mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng. Với gia đình tôi, hạnh phúc nhất là khi thấy con tự tin hòa nhập, có kỹ năng sống và khả năng tự lập”, ông Huỳnh Ngọc Thành (tổ dân phố Phú Thọ 2, phường Ninh Diêm, Ninh Hòa) chia sẻ.



NAM ANH – VĨNH THÀNH