11:07, 03/07/2015

Mong ước ở Suối Phèn

Cách trung tâm xã Khánh Bình không xa nhưng mấy chục năm nay, đời sống của 33 hộ dân ở tổ Suối Phèn (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn hết sức khó khăn. Niềm mong ước lớn nhất của người dân nơi đây là có điện và nước sinh hoạt.

Cách trung tâm xã Khánh Bình không xa nhưng mấy chục năm nay, đời sống của 33 hộ dân ở tổ Suối Phèn (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn hết sức khó khăn. Niềm mong ước lớn nhất của người dân nơi đây là có điện và nước sinh hoạt. 

 
Thiếu thốn đủ bề


Một chiều cuối tháng 6, khi dừng chân trên cầu tràn sông Chò (thôn Bến Khế), chúng tôi thấy hàng chục người dân kéo nhau ra sông Chò tắm, giặt; có người còn mang theo những chiếc can nhựa lớn để lấy nước về dùng. Thấy chúng tôi tò mò, anh Cao Văn Kiệt, một người dân ở tổ Suối Phèn cho biết: “Cứ sau 17 giờ, khi mọi người đi làm về, bến sông này tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Không chỉ những hộ ở cạnh sông, những hộ ở cách xa 2 - 3km, tận Suối Phèn cũng ra đây tắm giặt và chở nước về dùng”. Hỏi chuyện anh Kiệt mới biết, cứ đến mùa khô, xóm Suối Phèn lại thiếu nước. Không chỉ nước sinh hoạt, người dân còn thiếu nhiều thứ lắm!

 

Người dân Bến Khế ra sông Chò tắm, giặt khi chiều về.
Người dân Bến Khế ra sông Chò tắm, giặt khi chiều về


Chúng tôi vội đến Suối Phèn. Lúc này, chị Cao Thị Lan - một hộ dân trong tổ cũng vừa đi rẫy về, tranh thủ nấu cơm nhưng nước trong thùng đã hết, chị bảo đứa con nhỏ chạy sang nhà hàng xóm xin ít nước về nấu ăn. Chị Lan cho hay: “Ngày xưa, sông Chò còn sạch thì bà con có nước để nấu ăn; bây giờ nước sông đục ngầu, chỉ có thể tắm giặt thôi”. Theo lời chị Lan, mấy chục nhà ở Suối Phèn lâu nay vẫn dùng chung 4 cái giếng do UBND xã và Hội Chữ thập đỏ đầu tư, nhưng mùa mưa giếng mới có nước, còn mùa nắng 3 giếng cạn trơ đáy, chỉ còn 1 cái ở cuối xóm là có ít nước. Đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 22 giờ đến 3, 4 giờ sáng hôm sau, cả xóm lại đổ xô ra cái giếng còn nước để múc từng gàu về dùng”.

 

Đêm đã về khuya, nhiều người dân Suối Phèn tranh thủ ra giếng lấy nước.
Đêm đã về khuya, nhiều người dân Suối Phèn tranh thủ ra giếng lấy nước


Câu chuyện với chị Lan vừa dứt cũng đã gần 19 giờ. Lác đác ở một vài nhà, mấy chiếc bóng đèn nối vào bình ắc quy bắt đầu mở, phát ra một thứ ánh sáng yếu ớt. Quanh đó, những ánh đèn dầu ở những hộ khó khăn hơn cũng được thắp lên. Đến thăm gia đình anh Cao Văn Lực khi vợ chồng anh đang chuẩn bị ăn cơm tối, chúng tôi thấy căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng anh càng trở nên hiu hắt dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu. Anh Lực tâm sự: “Các thôn xóm khác ở Khánh Bình và những xã lân cận đều đã có điện cách đây mười mấy năm nhưng người dân Suối Phèn vẫn chưa 1 ngày được hưởng niềm vui có điện lưới quốc gia”.

 

Gia đình anh Cao Văn Lực bên mâm cơm dưới ánh đèn dầu.
Gia đình anh Cao Văn Lực bên mâm cơm dưới ánh đèn dầu.


Đêm hè oi bức, bữa cơm của gia đình anh Lực càng trở nên ngột ngạt hơn. Thấy các cháu mình vẫn chưa chịu ăn, bà Cao Thị Lim (mẹ anh Lực) ra điều kiện: “Đứa nào ăn xong thì được đi xem ti vi”. Cơm nước xong xuôi, mấy đứa con anh Lực giục bà Lim đưa sang nhà bà Trần Thị Hoa để xem ti vi. Khi chúng tôi đến, hơn chục người dân trong xóm đã ngồi chật nhà, mắt không rời chiếc ti vi cũ chạy bằng bình ắc quy, hình ảnh chập chờn lúc có lúc không. Bà Lim cho chúng tôi biết: “Cả xóm chỉ có 2 cái ti vi, do không có điện nên chủ nhà chỉ cho xem 1 giờ đồng hồ thôi. Mấy chục đứa trẻ con ở xóm này đứa nào cũng thích xem ti vi”.


Chung những ước mong


Tổ Suối Phèn hình thành đã gần 40 năm nay, phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc Raglai. Hiện trong tổ có 33 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Theo ông Cao Văn Vương - Tổ phó tổ Suối Phèn, đời sống của người dân trong tổ rất khó khăn, chỉ có đường sá đi lại thuận tiện, còn những thứ khác đều thiếu. “Tôi làm tổ phó đã lâu, trong các cuộc họp của xã, những lần tiếp xúc cử tri, tôi đều kiến nghị địa phương sớm quan tâm kéo điện, khoan giếng nước cho người dân Suối Phèn nhưng mọi việc vẫn chưa có kết quả”, ông Vương nói.


Trong câu chuyện với những người dân Suối Phèn, chúng tôi cảm nhận rõ họ đều chung một ước mong là sớm có điện để cuộc sống bớt vất vả. Anh Cao Ninh Nịnh - một người dân Suối Phèn cho hay: “Mình chỉ mong có điện để sạc cái điện thoại cho dễ dàng, chứ bây giờ muốn sạc pin cũng phải ra trung tâm xã sạc nhờ”. Bà Lim thì mong: “Tôi đã gần 70 tuổi rồi, cả đời sống trong cảnh đèn dầu, chỉ mong có điện để con, cháu bớt khổ; trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn”. Còn với em Cao Thị Nguyệt (con gái chị Lan, học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình), tuy còn nhỏ nhưng em cũng đã cảm nhận được sự thua thiệt so với bạn bè: “Trong lớp chỉ có nhà em không có điện. Nhiều khi em muốn xem ti vi để biết thêm nhiều điều nhưng đành chịu”.

 

Ông Nguyễn Đức Trí - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình: Muốn đảm bảo đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân Suối Phèn, cần phải khoan 3 - 4 giếng nước có độ sâu tối thiểu 30m. Do địa phương không có kinh phí để đầu tư nên chúng tôi rất mong huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí.

Ông Trần Đăng Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: Hiện nay, Công ty đang khảo sát, lập dự án đầu tư cải tạo, hoàn thiện lưới điện nông thôn ở các địa phương; trong đó có khu vực Suối Phèn (xã Khánh Bình). Việc đầu tư lưới điện tại đây không chỉ mang điện lưới quốc gia về đến các hộ dân mà còn đảm bảo tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi khảo sát, lập dự án xong, công ty sẽ tìm nguồn vốn để đầu tư ngay dự án này.

Không chỉ mong có điện, nhiều hộ dân ở Suối Phèn còn mong được Nhà nước đầu tư cho vài cái giếng khoan đủ độ sâu để có nước sinh hoạt. Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi ước gì sau mỗi ngày đi làm về đều có nước sạch để nấu cơm, chứ chạy nước từng bữa như thế này khổ lắm. Nói thật là nhìn nước sông Chò bẩn đục chẳng ai muốn tắm, giặt nhưng không có nước thì cũng đành chịu”. Ngoài ra, các hộ gia đình ở Suối Phèn còn mong có một lớp nhô tại chỗ để con em trong tổ đi học thuận lợi hơn. Theo ông Vương, trong thôn có mấy chục trẻ đang độ tuổi đi học, những cháu lớn đi học xa thì không sao nhưng những đứa trẻ độ tuổi tiểu học phải đi bộ ra tận trung tâm xã để học thì vất vả quá. “Nếu có một lớp nhô được mở ở Suối Phèn, tôi tin sẽ không có cháu nào bỏ học”, ông Vương nói.  


Mang theo những ước mong của bà con tổ Suối Phèn, chúng tôi đến gặp lãnh đạo địa phương. Ông Nguyễn Đức Trí - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết: Đã mấy chục năm nay, người dân Suối Phèn vẫn chịu cảnh không điện, thiếu nước, xa trường, xa trạm (người dân ở đây vẫn gọi là cảnh 4 không - PV). Đây là một trong những khu vực khó khăn nhất của huyện từ trước đến nay. Nhà ở của người dân hầu hết do Nhà nước xây, nhưng đất là của lâm trường nên các hộ không có sổ đỏ hay giấy tờ đất nào khác. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại đây, địa phương và các tổ chức xã hội đã đào 4 cái giếng, nhưng mùa khô thì cạn vì độ sâu chưa đến mức có mạch nước ngầm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị kéo điện đến Suối Phèn, nhưng đến nay điện vẫn chưa về.


 Chúng tôi rời Suối Phèn khi đêm đã khuya. Lúc này, thay vì đi ngủ thì nhiều người dân nơi đây lại chuẩn bị đèn pin, can nước để đi canh múc nước sinh hoạt. Hướng ánh nhìn về phía trung tâm xã Khánh Bình đang rực sáng ánh điện, chúng tôi thầm hy vọng trong tương lai không xa, Suối Phèn sẽ có điện, có nước, người dân nơi đây sẽ có một cuộc sống tươi sáng hơn...


HẢI LĂNG - NAM ANH