06:07, 11/07/2015

Lập nghiệp ở Hóc Chim

Cách đây 40 năm, nhiều người dân đã đến chân núi Hóc Chim (thôn Tân Phú, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) để khai hoang lập nghiệp. Dần dà, chốn sơn lâm một thuở đã trở thành đất lành đối với hàng chục hộ dân.

Cách đây 40 năm, nhiều người dân đã đến chân núi Hóc Chim (thôn Tân Phú, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) để khai hoang lập nghiệp. Dần dà, chốn sơn lâm một thuở đã trở thành đất lành đối với hàng chục hộ dân.


Đất lành chim đậu


Dưới tiết trời nắng hạ oi bức, chúng tôi tìm đến khu dân cư dưới chân núi Hóc Chim. Hỏi người dân nơi đây về quá trình lập làng, dựng rẫy, chúng tôi được chỉ dẫn tới gặp bà Nguyễn Thị Hộ (tên thường gọi là bà Hai Hớt). “Tính đến nay, gia đình tôi đã có 3 thế hệ sinh sống và làm ăn ở vùng đất này. Năm nay, tôi đã 73 tuổi, cũng có thể coi như gần cả một đời gắn bó với nơi đây”, bà Hai Hớt mở đầu câu chuyện. Vợ chồng bà vốn là người ở xã Vạn Thắng. Hơn 40 năm trước, vì cuộc sống khó khăn, đất đai sản xuất, nhà cửa không có nên hai ông bà đã bàn tính tìm đến vùng đất mới. “Trong những chuyến đi rừng để tìm kế sinh nhai, ông nhà tôi có qua vùng đất này và nhận thấy nơi đây có thể khai hoang lập nghiệp được. Vậy là vợ chồng con cái dắt díu nhau đến đây…”, bà Hai Hớt nhớ lại. Vào thời điểm đó, cùng với gia đình bà còn có gia đình ông Minh, ông Lãm đến lập nghiệp.

 

Căn nhà mới xây của bà Nguyễn Thị Lý.
Căn nhà mới xây của bà Nguyễn Thị Lý


Ngoài các hộ đi tiên phong kể trên, vùng đất Hóc Chim đã thu hút nhiều người dân đến khai khẩn vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong ký ức của nhiều người, lúc đó, dòng người đưa nhau lên Hóc Chim khai hoang làm rẫy rất rầm rộ. Có mặt trong đoàn người đi tìm đất ấy, tính đến nay, ông Võ Phụng Anh (nhà ở dưới thôn Mỹ Đồng, xã Vạn Lương) cũng gắn bó với nơi đây được 21 năm. Hiện tại, ông có hơn 2,2ha đất rẫy. Nói về cơ duyên đến vùng đất này, ông Anh kể: “Trước kia, cuộc sống của gia đình tôi trông chờ vào nghề đi rừng. Khi đến khu vực này, thấy đất đai bằng phẳng, có thể trồng lúa được nên tôi về bàn với mọi người trong nhà đến đây khai hoang. Khi chúng tôi đến, cả vùng này mới chỉ có 7 hộ”. Tuy rẫy của nhà ông Anh diện tích không lớn so với các hộ khác trong vùng, nhưng bù lại, ông biết cách chọn cây trồng phù hợp nên hàng năm cho thu nhập tương đối khá. Ngoài điều là cây trồng chính, ông còn trồng thêm các loại cây ăn trái khác như: mít, mãng cầu. Người đàn ông có quá nửa đời gắn bó với ruộng rẫy nơi này suy tính, sắp tới, ông sẽ trồng thử nghiệm cam, bưởi; nếu thành công có thể mở ra hướng chuyển dịch cây trồng.

 

1
Ông Võ Phụng Anh (phải) chăm sóc những cây mãng cầu trong rẫy của mình


Gần nhà ông Anh có rẫy của gia đình bà Nguyễn Thị Lý. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 70m2 vừa mới xây xong, bà Lý chia sẻ: “Vợ chồng tôi lên lập trại ở đây cũng đã được 19 năm. Đến bây giờ, tôi mới cất được căn nhà tạm gọi là khang trang để ở”. Trước đây, gia đình bà Lý sống ở thôn Phú Cang 2 (xã Vạn Phú), nhưng cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên lên vùng Hóc Chim để tìm kế mưu sinh. Thành quả cho những ngày tháng lao động vất vả là khoảnh rẫy gần 3ha với hơn 500 gốc điều cho thu hoạch đều đặn hàng năm. Ngoài ra, gia đình bà còn chăn nuôi bò, gà, làm ruộng để có thêm nguồn thu lấy ngắn nuôi dài. Nhìn lại thời gian đã qua, bà Lý vui mừng vì nhờ lên đây làm kinh tế mà vợ chồng bà thoát được cảnh đói nghèo, có điều kiện để cho các con ăn học đến nơi đến chốn.


Phập phồng đi, ở...


Đến thời điểm này, dưới chân núi Hóc Chim có khoảng 70 hộ dân. Trong đó, nhánh dọc theo sông Hầu lên suối Trầu có khoảng 40 hộ, số còn lại nằm sát đường lên núi Hóc Chim. Trao đổi với ông Ngô Hữu Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú, chúng tôi được biết, vùng đất dưới chân núi Hóc Chim là khu vực rẫy sản xuất của người dân địa phương và một số xã lân cận. Khu vực này được khai phá từ mấy chục năm trước, mang tính tự phát, xã chưa có kế hoạch gì, chủ yếu là giữ nguyên hiện trạng…

 

Điều là cây trồng chính ở khu vực Hóc Chim.
Điều là cây trồng chính ở khu vực Hóc Chim.


Vì chưa nằm trong quy hoạch phát triển của địa phương nên khu vực này hầu như không được đầu tư công trình dân sinh thiết yếu nào. Đường sá đi lại chỉ là những lối mòn, điện lưới chưa có, nước tưới, nước sinh hoạt đều phụ thuộc vào tự nhiên. Đường điện duy nhất được kéo vào nhà bà Hai Hớt, sau đó chia ra cho khoảng 10 hộ khác cùng sử dụng. “Nhà tôi tháng nào cũng chịu đóng tiền phạt cho điện lực, vì chỉ số điện vượt quá mức cho phép đối với một hộ”, bà Hai Hớt nói. Một vài hộ đã thử nghiệm việc làm thủy điện nhỏ, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, niềm mong mỏi bao năm qua của người dân nơi đây về một cây cầu bắc qua dòng sông Hầu vẫn chưa thành hiện thực. “Dòng nước sông Hầu mùa khô trông rất hiền, vào mùa mưa lũ thì rất dữ; gần như năm nào cũng có người bị nước cuốn trôi khi đi qua sông này khi nước lớn…”, bà Hai Hớt tâm sự.


 Cách đây mấy năm, nhận thấy tiềm năng về cây điều trên vùng đất Hóc Chim, Công ty Giống cây trồng miền Trung đã đầu tư trồng thử nghiệm 10ha giống điều cao sản, thế nhưng kết quả không như mong đợi. “Năm nay, cây điều mất mùa, sản lượng thấp, nhưng bù lại giá bán hạt điều cao (30.000 đồng/kg) nên thu nhập của những hộ dân nơi đây tương đối ổn định. Tuy nhiên, để làm giàu được từ cây điều rất khó. Địa phương vẫn khuyến khích người dân tìm tòi trồng thử nghiệm những loại cây trồng mới để cho thu nhập cao hơn”, ông Nghiệp nói.


Vùng Hóc Chim chỉ mới chú trọng phát triển cây điều, ở đây chưa có hộ nào đầu tư theo kiểu trang trại, cũng chưa trồng được những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao để địa phương có thể định hướng phát triển. Một trong những nguyên nhân khiến người dân Hóc Chim không dám đầu tư cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao chính là nỗi băn khoăn về quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Đồng Điền. Bởi theo thiết kế của dự án hồ chứa nước Đồng Điền thì cả vùng này nằm trong khu vực xả lũ. Nhưng hiện tại, dự án hồ Đồng Điền vẫn còn nằm trên giấy và chưa biết bao giờ triển khai. “Chúng tôi hiện đang rơi vào cảnh làm thì lỡ mà để cũng chẳng đành. Chúng tôi đã nhiều lần hỏi chính quyền địa phương, nhưng địa phương cũng không có câu trả lời chính xác”, ông Anh bày tỏ. Còn ông Nghiệp chia sẻ: “Từ lúc nghe có dự án hồ Đồng Điền, cả chính quyền địa phương lẫn người dân đều mong muốn dự án này sớm được khởi công. Như thế, chúng tôi mới có định hướng phát triển cụ thể”.


Sự “án binh bất động” của dự án hồ Đồng Điền đã để lại những câu hỏi trong lòng người dân Hóc Chim về tương lai của mình. Vậy là sau mấy chục năm chọn Hóc Chim làm nơi lập nghiệp, họ đang đứng trước khả năng phải rời khỏi vùng đất này; thế nhưng bao giờ đi và đi như thế nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác.


Giang Đình - Bích La