12:07, 25/07/2015

Ký ức thời hoa lửa

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn mãi trong tâm trí các cựu tù chính trị. Họ là những nhân chứng sống kiên cường ở nơi từng được gọi là "địa ngục trần gian".
 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn mãi trong tâm trí các cựu tù chính trị. Họ là những nhân chứng sống kiên cường ở nơi từng được gọi là “địa ngục trần gian”. Hòa bình lập lại, với nhiệt huyết cách mạng, những cựu tù chính trị vẫn hăng say tham gia nhiều hoạt động để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

Ông Dương Chí  kể về những kỷ niệm  thời chiến đấu cho các cháu.
Ông Dương Chí kể về những kỷ niệm thời chiến đấu cho các cháu
 
Đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ
 

Năm 1959, ông Phạm Minh Thành (quê gốc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), xung phong vào đội du kích địa phương lúc 18 tuổi. Ông được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của kẻ thù, đào hầm bí mật, rải truyền đơn và chỉ điểm địch cho bộ đội ta tiêu diệt. Là người có tố chất nhanh nhẹn, tinh nhuệ trong mỗi trận đánh nên năm 1962, ông được cấp trên điều đi học lớp trinh sát. Sau 1 năm học tập, ông được điều về làm Tiểu đội trưởng Đại đội trinh sát 32, sau đó làm Trung đội phó Tiểu đoàn 83, hoạt động bí mật trong lòng địch tại quê nhà. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, năm 1964, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1966, ông được cử đi học đặc công. Ra trường, ông được điều về làm Đại đội trưởng Đặc công C21. Ông Thành nhớ lại: “Nếu như việc tôi được kết nạp Đảng là một vinh dự lớn thì trận đánh vào khu huấn luyện của Mỹ ở Quảng Ngãi là một ngã rẽ của cuộc đời tôi. Thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi lẻn vào đặt khối thuốc nổ tại góc tòa nhà này. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay, bộ đội ta có cơ hội tiến vào tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ. Sau trận đánh này, Mỹ bất ngờ mở cuộc truy quét lớn để trả thù. Tôi bị thương ở đùi phải và bị bắt. Từ đó, tôi phải chịu những trận đòn tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù suốt 6 năm tại nhà tù Phú Quốc...”.

 

Ông Phạm Minh Thành (thứ nhất, hàng đầu, bên phải)  và ông Dương Chí (thứ 5, hàng đầu, bên phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ông Phạm Minh Thành (thứ nhất, hàng đầu, bên phải) và ông Dương Chí (thứ 5, hàng đầu, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước

 

Năm 1945, ông Dương Chí (sinh năm 1931, quê gốc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở tổ dân phố 3, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh), tham gia đội du kích địa phương, xung phong mở đường, đào hầm, tiếp tế lương thực cho bộ đội ta chiến đấu. Năm 1950, ông đi dân công hỏa tuyến rồi nhập ngũ vào Đại đội 224 chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Bình Định. Tại đây, ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công và được kết nạp Đảng. Năm 1953, trong một trận đánh lớn tại Quảng Nam, ông bị thương rồi được tập kết ra Bắc điều dưỡng. Sau 1 năm điều trị, ông xung phong vào Nam chiến đấu và được điều về làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại huyện Diên Khánh. Nhận nhiệm vụ mới, ông bám sát địa bàn, cơ sở để vận động, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Ông Chí kể: “Năm 1967, trên đường xuống xã Diên Phú làm nhiệm vụ vận động, xây dựng đội tuyên truyền vũ trang, tôi bị một tốp địch vây bắt. Từ đó, tôi phải chịu những trận đòn roi, tra tấn khắc nghiệt của kè thù”... 
 
Nơi “địa ngục trần gian”
 
Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.000 đối tượng bị địch bắt tù đày. Thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ, từ năm 2013 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ra quyết định cho gần 200 người hưởng trợ cấp 1 lần và hơn 810 người hưởng trợ cấp hàng tháng.   
Sau khi bị bắt và tra tấn để lấy lời khai nhưng không thành, kẻ thù đã đưa ông Chí và ông Thành về giam ở nhà tù Phú Quốc. Ông Thành kể: “Hàng ngày, chúng tôi hết bị đánh đập, đổ nước xà bông vào miệng, treo ngược lên trần nhà lại bị xiềng chân, bỏ đói...”. Trong phòng giam chuồng cọp u ám, oi bức, chật chội, những chiến sĩ cách mạng nằm co quắp, thao thức trong tư thế cả tay và chân đều bị xiềng xích. Trong màn đêm tĩnh lặng, chỉ có những tiếng thở nặng nề, tiếng rên và những lời ú ớ mê sảng của các tù nhân sau một ngày bị hành hạ. Lâu lâu, cánh cửa sắt lại kêu lên ken két khi có thêm một tù nhân nữa bị ném vào phòng sau đòn tra tấn. 

 

Ông Phạm Minh Thành cùng vợ xem lại những tư liệu còn lưu giữ
Ông Phạm Minh Thành cùng vợ xem lại những tư liệu còn lưu giữ
 
Có thời kỳ các khu chuồng cọp nhốt hàng ngàn người. Cứ 5 người bị nhốt một chuồng bề ngang rộng khoảng 1,45m, dài 2,5m. Ăn, ngủ, tiểu tiện chung một chỗ. Chúng cho tù nhân ăn cơm sống với mắm thúi mặn đắng, đầy bọ, nhưng lại không cho nước uống. Chính những ngày tháng bị giam cầm ở đây đã thể hiện tinh thần quật cường, lòng trung thành với cách mạng của người chiến sĩ. Vượt lên tất cả, họ vẫn sống, chiến đấu và luôn tin tưởng cách mạng sẽ thành công. “Càng gian khổ, chúng tôi càng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi người đều coi đấu tranh trong tù cũng là một mặt trận, không ai được phép gục ngã cho dù có phải hy sinh tính mạng của mình. Chính vì chống đối nên tôi bị lính Mỹ dùng kìm bẻ hết hai hàm răng”, ông Dương Chí kể.   
 
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, lúc này các bên thực hiện trao trả tù binh. “Được cởi bỏ xiềng xích là niềm vui sướng tột cùng của đời tôi. Trở về từ cõi chết, tôi gặp lại gia đình, bà con láng giềng trong niềm vui sướng nghẹn ngào...” - ông Thành chia sẻ. Ra khỏi nhà tù, ông Chí và ông Thành đều nhanh chóng gia nhập quân đội chiến đấu cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Riêng ông Thành còn tiếp tục tình nguyện tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
 
Tích cực tham gia công tác địa phương 
 
Sau ngày đất nước giải phóng, cả ông Dương Chí và ông Phạm Minh Thành đều chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ 2 của mình. “Khánh Hòa là cái nôi cách mạng đã nuôi nấng, che chở, đùm bọc chúng tôi rất nhiều trong những năm tháng chiến đấu. Vì thế, sau ngày giải phóng tôi đã chọn nơi đây để sinh sống”, ông Dương Chí chia sẻ. 
 
Bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Ông Phạm Minh Thành và ông Dương Chí đều là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu tù chính trị. Hai ông là tấm gương tiêu biểu trong số hàng ngàn đối tượng bị địch bắt tù đày, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được bầu chọn tham dự các hội nghị do Trung ương tổ chức. Trong cuộc sống đời thường, hai ông đều tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người có công trong việc làm hồ sơ hưởng chế độ, xây nhà tình nghĩa… 
Giờ đây, bước chân đã chậm, mắt không còn sáng rõ, nhưng nhiệt huyết cách mạng của những cựu tù chính trị vẫn mãnh liệt. Họ tích cực tham gia đảm trách nhiều công việc ở địa phương. Hiện ông Phạm Minh Thành là Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Tân (xã phước Đồng, TP. Nha Trang). Trên các mặt công tác, ông luôn xông xáo, làm việc hết mình. Là người có uy tín, ông chủ động đến từng hộ dân trong thôn vận động bà con đóng góp được hơn 400 triệu đồng, cùng với chính quyền địa phương bê tông hóa hơn 1.600m đường. Không những vậy, ông còn thường xuyên vận động bà con đoàn kết, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn. Nhờ đó, đến nay thôn có trên 98% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100% gia đình có người chết không rải vàng mã, có tổ thu gom rác tự quản. 
 
Ông Dương Chí cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương, hiện ông là Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước huyện Diên Khánh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước huyện, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí huyện. Tất cả những công việc đảm trách, ông đều hoàn thành xuất sắc. Ông cùng với các đoàn thể trong thị trấn tích cực vận động quyên góp được hàng trăm triệu đồng hỗ trợ xây hơn 26 căn nhà cho người nghèo. Bên cạnh đó, hàng tháng ông đều tham gia hoạt động kể chuyện, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn. Ông Chí chia sẻ: “Còn sống được ngày nào tôi sẽ không ngừng tham gia các hoạt động của địa phương ngày ấy để góp phần xây dựng quê hương Diên Khánh ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn”.
 
VĂN GIANG