06:06, 27/06/2015

Nữ thạc sĩ đầu tiên của đồng bào Raglai

Ở thôn Nước Nhỉ, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), có một gia đình người Raglai luôn đầy ắp tiếng cười vui hạnh phúc...

Ở thôn Nước Nhỉ, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), có một gia đình người Raglai luôn đầy ắp tiếng cười vui hạnh phúc. Đó không chỉ là một gia đình văn hóa tiêu biểu của toàn quốc, một gia đình làm kinh tế giỏi của tỉnh, mà trong gia đình ấy còn có cô con gái là thạc sĩ người Raglai đầu tiên của Khánh Hòa.


Vượt khó


Cách đây hơn 10 năm, cô gái trẻ Cao Thị Bích Ngọc vỡ òa vui sướng khi nhận giấy báo nhập học tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của cô tân sinh viên người Raglai ở Khánh Phú, mà còn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Nhưng rồi, niềm hân hoan ấy sớm nhường chỗ cho những lo toan. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các anh chị em cũng đang tuổi ăn tuổi học, nên Ngọc tự nhủ mình phải cố gắng học thật giỏi, đồng thời phải đi làm thêm kiếm tiền để giảm gánh nặng cho cha mẹ. “Giữa năm nhất đại học, tình cờ thấy những mẩu giấy tuyển gia sư bỏ trong các giỏ xe ở nhà xe sinh viên, tôi đã rất vui khi thấy có nhiều lớp mình có thể dạy được. Nhưng vì từ trường học đến những nơi có thể làm gia sư khá xa và đồi dốc, phải có xe máy mới kịp buổi đi học, đi làm nên tôi rất lo lắng. Bố mẹ biết tin chỉ trầm ngâm, im lặng. Nhưng rồi sau đó, bố mẹ quyết định bán bò mua xe cho tôi”, Bích Ngọc tâm sự.

 

Thạc sĩ Cao Thị Bích Ngọc ngày đêm miệt mài bên trang giáo án.
Thạc sĩ Cao Thị Bích Ngọc ngày đêm miệt mài bên trang giáo án


Nhớ như in những vết chân chim trên đôi mắt cha, những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ đã đổ trên nương rẫy, Ngọc luôn nỗ lực trở thành sinh viên giỏi để đáp lại phần nào công ơn của cha mẹ. Mỗi ngày, cứ sớm tinh mơ, khi bạn bè đồng môn đang còn say giấc, Ngọc đã phải đi lấy xôi hộp về gõ cửa từng phòng ký túc xá mời mua. Cả ngày dành thời gian cho việc học, buổi tối Ngọc lại đi làm gia sư. Khi thấy một gia đình làm nghề buôn trái cây, Ngọc đã mạnh dạn xin lấy trái cây bán trước rồi gửi tiền vốn sau. Từ tiền lãi bán trái cây, cô còn bán thêm bắp luộc, bắp nướng mỡ hành. “Thấm thoát bốn năm trôi qua, góc tường nhỏ bên ngoài ký túc xá nơi tôi bán buôn ấy là một nơi đong đầy kỷ niệm không thể nào quên”, Ngọc nói.


Tất tả lo toan cái ăn, cái mặc, chi phí học hành, nhưng kết quả học tập của Ngọc khiến ai cũng phải khâm phục. Kể từ học kỳ 2 năm nhất cho đến hết quãng đời sinh viên, Ngọc đều đạt danh hiệu sinh viên giỏi, nhận được học bổng hàng tháng. Bên cạnh đó, Ngọc còn thường xuyên được các bạn trong lớp bầu chọn tham dự các cuộc thi do Khoa tổ chức để mang giải thưởng về. Cô bồi hồi nhớ lại: “Lúc ra trường, khi đang ngồi bán trái cây, 1 bạn sinh viên học khóa dưới thông báo tôi có tên trong danh sách các sinh viên xuất sắc toàn khóa. Quá bất ngờ, tôi tức tốc chạy tới trường để xem và cảm xúc dâng tràn khi thấy tên mình”. Để đạt được danh hiệu này, các sinh viên phải trải qua 4 năm học không thi lại bất cứ môn nào và điểm trung bình của các học kỳ phải trên 7 điểm. Đó hẳn là một điều rất đáng tự hào, và quan trọng hơn, kết quả ấy đã khiến các bạn cùng trường nể phục cô gái người dân tộc thiểu số.


Năm 2011, sau 2 năm ra trường và làm giáo viên tại một trường THPT ở Diên Khánh, Ngọc đã đưa ra một quyết định khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Đó là đi học cao học. Một lựa chọn gian khó và nằm ngoài suy nghĩ của gia đình, đồng nghiệp, bè bạn và bà con xóm giềng. Điều quan trọng là nó nằm ngoài khả năng tài chính của Ngọc cũng như của bố mẹ. Nhưng rồi có bao nhiêu trâu, bò, lợn, gà trong nhà bố mẹ Ngọc đều bán hết, với sự trợ giúp đắc lực của anh chị em trong gia đình, cùng với ý chí bản thân.... Ngọc đã chinh phục tất cả, để đến cuối tháng 1-2015, cô gái sinh năm 1985 này đã được nhận tấm bằng thạc sĩ văn học Việt Nam trong niềm hạnh phúc của bản thân, của gia đình và bè bạn. Chia sẻ với chúng tôi, Ngọc hồn hậu: “Em muốn chứng minh cho các em học sinh dân tộc thiểu số rằng: nếu bản thân cố gắng, tự tin thì vẫn có thể học giỏi, học cao để biết nhiều hiểu rộng, từ đó có điều kiện giúp đỡ đồng bào mình có cuộc sống tốt đẹp hơn”.


Điểm tựa gia đình, xã hội


Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang ở thôn Nước Nhỉ, xã Khánh Phú là ông Cao Là Nia - bố của Bích Ngọc - một người đàn ông rắn rỏi, có nụ cười rất đỗi hiền lành. Gia đình ông từng được bầu đi dự hội nghị tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu ở Trung ương. Để có được thành quả như ngày hôm nay, cần phải quay về thời điểm của hơn 35 năm trước, khi đôi vợ chồng trẻ Cao Là Nia cùng với một số gia đình khác xin chính quyền xã cho phép ra khu vực thôn Nước Nhỉ sinh sống, khai khẩn đất đai. Lúc bấy giờ, đó là một vùng đất hoang vu, cằn cỗi. Nhưng đôi vợ chồng trẻ ấy bằng biết bao công sức, mồ hôi và cả những giọt nước mắt đã tạo dựng được cơ nghiệp. Cần cù, chịu thương chịu khó chăm chỉ làm ăn, gia đình ông không chỉ vươn lên thoát nghèo, trở thành niềm tự hào của vùng núi rừng Khánh Vĩnh, mà còn xây dựng được một gia đình văn hóa tiêu biểu, con cái ngoan hiền, hiếu thảo và học hành đỗ đạt.


Ông dắt chúng tôi dạo quanh khu vườn rộng 8 sào trồng rất nhiều loại cây. “Cây ăn trái chủ yếu phục vụ gia đình, cho các cháu mỗi lần tới thăm ông bà và có chỗ vui chơi. Vườn rau phục vụ ăn uống hàng ngày. 3.000m2 trồng keo cho mát vườn. Còn ao cá rộng chừng 1.000m2 thả cá chép, cá trắm và rô phi... Trong chuồng có 4 con bò, 4 con trâu và 2 con heo mẹ đẻ nhiều con lắm; gà thì chạy khắp vườn” - nói rồi ông Cao Là Nia chỉ qua phía bên kia đường: “Bên ấy nhà mình có 9 sào điều đang cho thu hoạch, xa hơn nữa có 3ha mía, 2ha keo và một số hecta trồng mì, bắp, chỗ có nước thì trồng lúa”. Lý giải cho việc có nhiều đất đai và nhiều loại cây trồng, ông cho biết: “Xưa kia nhà nào ở đây cũng nhiều đất. Nhưng lâu dần họ bán hết, chỉ còn lại một ít. Nhà mình không bán mà để đất sản xuất kiếm tiền nuôi con ăn học. Vườn rẫy trồng nhiều loại cây nhằm mục đích đa canh, lấy ngắn nuôi dài. Sắp tới, khi đã già, mình sẽ chuyển dần sang các loại cây lâu năm vì sức khỏe không cho phép chăm sóc thường xuyên các loại cây ngắn ngày”.

 

. Ông Cao Là Nia chăm sóc vườn cây của gia đình mình.
 Ông Cao Là Nia chăm sóc vườn cây của gia đình mình


Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình ông Cao Là Nia còn là gia đình hiếu học tiêu biểu ở địa phương. Được biết, 4 người con của ông đều đã thành đạt. Con trai cả hiện là đại úy, sĩ quan chỉ huy ở Huyện đội Diên Khánh; con trai thứ 2 hiện đang là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Khánh Phú; cô con gái út hiện đang làm nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Khánh Phú.


Chúng tôi đến nhà ông Cao Là Nia vào một ngày cuối tuần, ngoại trừ người anh cả phải trực tại đơn vị, 3 người con của ông đều dắt cháu về thăm ông bà. Hiện các gia đình đều sống quây quần ở thôn Nước Nhỉ, xã Khánh Phú. Cả gia đình cùng dắt nhau ra vườn, bắt con gà, con cá, hái rau rồi sum vầy bên mâm cơm toàn “của nhà trồng được” giữa đầy ắp tiếng cười vui, hạnh phúc. Ngọc kể: Trong quãng thời gian học hành, khi cần tiền đi thi đại học, chị dâu đã giúi cho tôi ít tiền, xem như là cho mượn. Gia đình anh ba cho tôi mượn một con bò để bán lấy tiền trang trải việc học. Còn gia đình em gái út thường quan tâm bằng rất nhiều việc làm tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Tôi tự hào và vô cùng hạnh phúc khi có được một gia đình luôn yêu thương, lo lắng, hy sinh cho nhau.


Trong niềm vui sum vầy, thành đạt, Thạc sĩ Cao Thị Bích Ngọc có một ước mơ cháy bỏng, đó là ngày càng có nhiều em học sinh người dân tộc Raglai được gia đình tạo điều kiện cho đi học đến nơi đến chốn. “Ngày trước, em mang trong mình nhiều tự ti, mặc cảm. Nhưng ước mơ trở thành cô giáo lớn hơn nên dễ dàng lấn át được nỗi lo lắng ấy. Quá trình trau dồi kiến thức, em luôn khắc ghi câu nói của cô giáo người Ê đê - Tuyết Nhung Buôn Krông: “Tôi tự hào là người dân tộc thứ hai trên cả nước có bằng tiến sĩ”. Niềm tự hào của cô đã khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của bản thân em, tin rằng người Raglai của mình cũng sẽ làm được điều đó”.


Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhiều gia đình người dân tộc Raglai ở Khánh Hòa không phải là không đủ điều kiện cho con cái đi học đại học hoặc cao hơn. Nhưng đâu đó vẫn còn không ít người chưa coi trọng việc học hành, cùng với chút tự ti, thiếu phấn đấu nên con đường học vấn của nhiều thế hệ trẻ bị bỏ dở. Bởi vậy, cô gái Raglai đầu tiên ở Khánh Hòa đạt được trình độ thạc sĩ là thành quả ngọt ngào sau nhiều năm tháng gian truân, kết quả tất yếu của một quá trình phấn đấu trên cả sức mình, cùng với sự trợ giúp từ gia đình, xã hội. Nhưng mặt khác, điều đó cũng chứng minh rằng, dù xuất phát điểm ở đâu, dù là người dân tộc nào, chỉ có con đường cố gắng, nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.


Hồng Đăng