Một thời, làng gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) rất phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, làng gốm này đã suy tàn và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Một thời, làng gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) rất phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, làng gốm này đã suy tàn và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Dấu xưa...
Một ngày đầu tháng 6, tôi cùng nghệ sĩ điêu khắc gốm Đoàn Xuân Hùng về với làng gốm Lư Cấm. Làng gốm xưa từng một thời tấp nập ghe thuyền vào ra, nay đã dần nên phố, vì vậy, nghề xưa cũng đã suy vi, nhưng dấu tích về một làng nghề hơn 200 năm tuổi vẫn hiện hữu qua những gò Gốm, xóm Gốm, nhất là đình làng Lư Cấm.
Lò nung gốm của hộ ông Hồ Nhỏ im lìm |
Hôm về làng gốm, chúng tôi may mắn gặp được ông Trần Văn Chi - Trưởng Ban quản lý đình Lư Cấm, người từng một thời làm nghề gốm. Theo ông Chi, nghề gốm ở Lư Cấm có từ đầu thế kỷ XIX. Để nhớ công ơn của tiền nhân, người dân làng gốm đã chọn khu đất đẹp xây miếu thờ tổ nghề gốm của làng với tên gọi miếu Đào Nghệ. Đến năm Tự Đức thứ 27 (1874), trên khu đất này, người trong làng đã xây dựng đình Lư Cấm để làm nơi hội họp, thờ phụng những người có công ơn. Hiện tại, ở đình vẫn còn bảng ghi công ơn 18 chức sắc và bá hộ cùng 34 người dân đã có công lao xây dựng làng gốm. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 3 sắc phong của vua triều Nguyễn cho ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm. Cụ thể năm 1903, vua Thành Thái ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần; 6 năm sau (1909), vua Duy Tân lại ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần; năm 1924, vua Khải Định ban sắc phong Đào Nghệ Tôn Thần. Nhắc đến những sắc phong này, mắt ông Chi ánh lên niềm tự hào. Đến bây giờ, người làng gốm Lư Cấm vẫn giữ tục cúng khai mỏ (như mở hàng của người buôn bán) vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm cũng như nhiều tục lệ riêng biệt khác.
Hỏi chuyện, ông Chi mở nhà kho của đình giới thiệu với chúng tôi những mặt hàng mà người làng gốm Lư Cấm từng sản xuất. Nhìn những ghè xây tường, lu nước, ngói âm dương, gạch lược hình công để xây giếng, nồi đất, lư hương, bếp lò, chõ đồ xôi... có thể hình dung được phần nào sản phẩm của làng gốm. Theo anh Đoàn Xuân Hùng, gốm Lư Cấm tuy thô ráp nhưng rất chắc chắn, nên được người Nha Trang cũng như các vùng phụ cận ưa chuộng. Khi đường bộ còn chưa phát triển, gốm từ Lư Cấm ngược sông Cái lên Diên Khánh hoặc ra cửa biển Cù Huân tỏa đi các nơi. Câu ca xưa: Cầu Thành ghe gốm lên rồi/Sao không đi chợ còn ngồi chi đây chính là nói đến gốm Lư Cấm. Những bậc cao niên ở Lư Cấm kể rằng, nghề gốm ở làng đã từng đem lại cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây. Mỗi lần cúng đình làng, xuân thu nhị kỳ đều có hát bội, Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) đều có tổ chức hội đua thuyền buồm ở sông Cái. “Khoảng giữa thế kỷ XX, thời làng nghề còn thịnh, cả làng có đến 30 lò gốm, người theo làm rất đông. Ngoài người trong làng, dân các làng lân cận cũng đến làm công. Làng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người nhồi đất, người nặn gốm, phơi gốm. Gốm hư hỏng, người dân đổ dọc hai bờ sông, theo năm tháng đã lấn ra cửa sông cả 30m...”, ông Lê Sương - người làm gốm nhớ lại.
... còn lại chút này
Theo thống kê của phường Ngọc Hiệp, năm 2010, làng còn 6 hộ làm nghề. Đến nay, làng chỉ còn 2 lò gốm hoạt động, đó là lò gốm của anh em ông Lê Sương và gia đình ông Hồ Nhỏ. Ngày chúng tôi đến, lò gốm của gia đình ông Nhỏ vắng lặng đìu hiu, vài chục bếp lò được ai đó làm xong nhưng chưa buồn nung, đống đất sét làm gốm đã để khô từ khá lâu càng gợi lên sự thoi thóp của làng nghề. Hỏi chuyện, người nhà ông Nhỏ cho biết, lò gốm rất ít hoạt động vì hàng bán không chạy, những người làm gốm chuyển sang đi phụ hồ, mở quán nước...
Tìm đến lò gốm của ông Lê Sương (gia đình có 4 đời làm gốm), chúng tôi thấy ông đang cho gốm vào lò để chuẩn bị nung, còn em trai ông đang làm bếp lò. So với lò gốm của gia đình ông Nhỏ, lò gốm của anh em ông Sương có vẻ bề thế hơn, sản phẩm cũng nhiều hơn. Theo ông Sương, hiện tại, anh em ông cũng chỉ làm bếp lò để bán cho các đại lý ở trong tỉnh và tỉnh Ninh Thuận, lượng sản phẩm chỉ bằng một phần nhỏ so với ngày trước. “Khoảng những năm 60, khi đồ dùng bằng nhôm, tôn được sản xuất ngày càng nhiều, các đồ dùng bằng gốm không còn đắt hàng như trước. Nghề gốm ở Lư Cấm bắt đầu đi xuống từ đó. Đến khoảng cuối thập niên 80, làng gốm Lư Cấm chỉ còn làm bếp lò”, ông Sương kể.
Khách du lịch tham quan nghề làm gốm ở Lư Cấm |
Ông Lê Văn Chương (em trai ông Sương) cho biết, ngày trước để sản xuất các mặt hàng như: lu, vại, nồi đất..., người làm gốm thường dùng lò úp (còn gọi là lò tròn) để nung gốm, mỗi lần nung có thể chất đến cả 2 - 3 vạn gạch ngói trong lò và các sản phẩm khác. Còn bây giờ, do sản lượng không nhiều nên người làm gốm Lư Cấm đã chuyển sang dùng lò ngửa (xây theo hình thang cân) để nung gốm. Mỗi ngày, một thợ lành nghề làm được khoảng 30 bếp lò; với giá 25.000 đồng/cái, trừ đi chi phí, mỗi người thu nhập cũng được khoảng 4 triệu đồng/tháng. “Có lẽ anh em tôi sẽ là thế hệ cuối cùng theo đuổi nghề gốm. Con cháu trong nhà không ai chịu theo nghề, bởi vừa cực mà thu nhập không cao, hàng bán ra ngày càng ế ẩm”, ông Chương nói mà mặt buồn rười rượi. Trong câu chuyện về nghề, anh em ông Sương đều tiếc rẻ về một thời...
Tìm hướng đi cho gốm Lư Cấm
Với thực trạng hiện nay, nguy cơ gốm Lư Cấm bị xóa sổ không còn xa. Nghệ sĩ Đoàn Xuân Hùng nhận định, với gốm Lư Cấm bây giờ chỉ có hướng đi kết hợp với du lịch mới có thể hồi sinh. “Hãy tạo ra những sản phẩm văn hóa mang tính bản địa, giới thiệu với du khách những nét đẹp của văn hóa, nghề gốm thủ công của Lư Cấm. Làng gốm Thanh Hà ở Hội An cũng từng rơi vào tình trạng như gốm Lư Cấm, nhưng những người tâm huyết đã vực dậy làng gốm bằng việc sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ và vật liệu xây dựng như: ngói âm dương, ngói ống phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo di tích cổ. Theo tôi, gốm Lư Cấm có thể chuyển sang làm đồ lưu niệm để bán cho khách du lịch, sản xuất các mặt hàng trang trí như: đèn vườn, lu đựng nước...”, ông Hùng bày tỏ.
Bếp lò là sản phẩm duy nhất mà người làm gốm ở Lư Cấm đang làm |
Khi đề cập đến chuyện phục vụ du lịch, những người làm gốm ở Lư Cấm cho biết, họ chỉ là những người làm nghề bình thường, thị trường cần hàng gì thì sẽ làm sản phẩm đó. “Chúng tôi đâu biết khách du lịch thích những sản phẩm gì. Nếu có các đơn vị du lịch hợp tác đầu tư thì chúng tôi mới có thể chuyển hướng sang làm sản phẩm du lịch”, ông Chương cho biết. Những năm qua, nhiều công ty du lịch đã đưa khách đến tham quan nghề gốm ở Lư Cấm. Tuy nhiên, dường như các đơn vị du lịch chỉ “ăn sẵn” cái đã có, không ai mặn mà suy tính đến việc phối hợp với những người làm gốm để tạo nên một điểm tham quan hấp dẫn, bán sản phẩm lưu niệm. Điều đơn giản nhất như sưu tập, làm kệ trưng bày sản phẩm của gốm Lư Cấm để giới thiệu du khách, các doanh nghiệp du lịch cũng không làm. Còn nhớ, có lần theo chân đoàn du lịch đi tour tham quan, khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử làng nghề, khách du lịch nước ngoài ngỏ ý muốn xem các sản phẩm truyền thống trước đây thì hướng dẫn viên đành lắc đầu. “Mỗi khi có tour, công ty du lịch điện thoại trước để hôm đó chúng tôi làm gốm cho khách xem, họ trả cho chúng tôi mỗi khách 10.000 đồng. Tuy nhiên, thi thoảng mới có đoàn khách tham quan”, ông Chương cho biết.
Những năm qua, chính quyền địa phương và các ngành Công Thương, Du lịch đã tính đến việc phục hồi làng gốm Lư Cấm để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, những hoạt động du lịch này chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đem lại thu nhập không đáng kể cho các thợ gốm. Hiện nay, việc bảo tồn làng nghề Lư Cấm chỉ mới dừng lại ở các nghiên cứu, chưa nhận được những dự án hỗ trợ thiết thực. “Theo tôi, để bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống cần sự chung tay của cộng đồng. Cơ quan chức năng nên khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đứng ra đầu tư điểm du lịch về gốm Lư Cấm, tuyến tham quan làng nghề có thu phí để hỗ trợ người làm gốm” - ông Hoa nói. Hướng duy nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của gốm Lư Cấm chính là hướng đến phục vụ du lịch. Hơn ai hết, những người làng gốm Lư Cấm phải thay đổi tư duy sản xuất của chính mình hơn là chỉ chờ đợi vào những gói hỗ trợ của các cơ quan chức năng hay đơn vị du lịch.
Rời làng gốm Lư Cấm, tôi cứ ưu tư với suy nghĩ: Liệu người Lư Cấm sẽ còn giữ được nghề gốm truyền thống của mình như câu đối của tiền nhân ở đình Lư Cấm: Đào luyện thành nhân tổ nghiệp vĩnh lưu phương thế/Nghệ năng chế khí sư ân hằng hưởng phúc tiền nhân (tạm dịch: Nung đúc nên người cơ nghiệp tổ tông mãi lưu truyền hậu thế/Tài nghệ chế khí, công ơn thầy dạy lâu bền hưởng phúc tiền nhân)!
XUÂN THÀNH