11:06, 17/06/2015

Kỳ 2: Bát nháo... sang nhượng đất

Kể từ khi có thông tin quy hoạch từ các dự án, giới đầu nậu và "cò" đất đã ráo riết lùng sục khắp nơi để thu gom đất nông nghiệp. Những người này đua nhau san lấp mặt bằng, phân lô bán đất nền mà không gặp trở ngại nào...

Kể từ khi có thông tin quy hoạch từ các dự án, giới đầu nậu và “cò” đất đã ráo riết lùng sục khắp nơi để thu gom đất nông nghiệp. Những người này đua nhau san lấp mặt bằng, phân lô bán đất nền mà không gặp trở ngại nào...


Biến đất đìa thành đất ở


Những tưởng khi UBND TP. Nha Trang cương quyết xử lý 143 căn nhà xây dựng trái phép tại khu vực Đồng Rọ, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái thì việc mua bán đất trong dự án sẽ tạm lắng xuống. Thế nhưng, các đầu nậu chuyên buôn bán đất vẫn tiếp tục san lấp mặt bằng để phân lô, bán nền. Tại khu Đồng Rọ, những đoàn xe tải vẫn nối đuôi nhau đưa đất về san lấp các đìa tôm bỏ hoang trước đây. Tại nhà ông Hứa Thanh Vy, 2 chiếc máy ủi phục vụ cho việc san nền còn nằm ngay tại “công trường” đang thi công dang dở. Chỉ tay ra vùng đìa rộng lớn, ông Vy khoe: “Tôi gom đất đìa từ nhiều người dân có giấy khai hoang san lấp rồi phân lô. Bán được khoảng 200 lô rồi nhưng còn nhiều người hỏi nên tôi tiếp tục san lấp thêm để bán”. Thấy chúng tôi có vẻ do dự, ông Vy lớn tiếng trấn an: “Đất ở quanh đây toàn là đất đìa, nhà mọc lên san sát cả, có sao đâu. Sau này Nhà nước lấy thì phải đền bù, tái định cư, lo gì!”.

 

Một lô đất vừa sang nhượng trái phép đã tiến hành xây dựng.
Một lô đất vừa sang nhượng trái phép đã tiến hành xây dựng


Qua điều tra, cả trăm căn nhà ở Đồng Rọ chủ yếu là đất 5% của xã Vĩnh Thái. Qua một người quen giới thiệu, chúng tôi gặp Hùng “cò”. Khi đề cập đến chuyện đất đìa mua bán liệu có vấn đề gì không, Hùng “cò” vừa cười vừa nói đầy bí hiểm: “Chú cứ lo xa, đất này tuy nằm trong Dự án Trung tâm hành chính tỉnh nhưng biết khi nào họ mới thu hồi. Cả xã Vĩnh Thái này có hàng trăm hecta đất đìa nay đã trở thành đất ở rồi. Mình mua bán có giấy tờ, tuy là giấy tờ tay thôi nhưng yên tâm đi, có bảo kê hết. Để mua bán được đất này, bọn anh cũng phải lót tay đầy đủ...”.


Sang nhượng tràn lan


Được các tay “cò” đất đưa đi mục sở thị, chúng tôi mới thấy hết sức nóng của việc buôn bán đất trong các khu quy hoạch. Nhan nhản khắp nơi biển rao bán đất, bán nhà. Khi hỏi mua, tất cả đều giao dịch bằng giấy tay. Tìm hiểu kỹ mới biết, tất cả đất trong các khu vực quy hoạch đều là đất nông nghiệp, thậm chí còn là đất do UBND xã, phường quản lý. Không biết việc quản lý đất đai của chính quyền địa phương như thế nào mà việc san lấp đìa như một đại công trường không hề gặp bất cứ sự can thiệp nào. Chính vì thế, vài tháng trở lại đây, hàng trăm lô đất nông nghiệp được sang nhượng công khai. Qua điều tra được biết, người đứng ra môi giới mua bán đất trong Dự án Trung tâm hành chính tỉnh chính là vợ chồng bà Lê Thị Na (trú đường Cửu Long, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang). Bằng những thủ thuật của mình, vợ chồng bà Na đã môi giới thành công rất nhiều vụ mua bán đất. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga mới được xem là “bà chúa đất” ở khu vực này. Số lượng đất mà bà Nga sang nhượng phải tính hàng trăm lô. Gặp chúng tôi, bà nói chắc nịch: “Mua đi con, cô để rẻ cho, 75 triệu đồng/lô 100m2. Giờ đang có động chưa xây được, nhưng để vài tháng nữa là xây thoải mái. Cứ yên tâm, khoản xây dựng cô sẽ giúp cho. Việc mắc điện nước cũng không vấn đề”. Nói đoạn, bà Nga dẫn chúng tôi đi một vòng quanh những căn nhà mới xây dựng xong để chứng minh mình cũng “không phải dạng vừa đâu”.  

 

Phần đất đìa mới được san lấp.
Phần đất đìa mới được san lấp

 
Tại dự án Khu dân cư Đất Lành, thấy một lô đất vừa được san lấp, phân lô bằng những hàng cọc bê tông thẳng tắp, chúng tôi ghé vào hỏi mua. Người đàn ông tên Đức nhanh nhảu: “Em định mua bao nhiêu mét vuông? Ở đây anh vừa san lấp được 3.000m2, muốn mua ở vị trí nào cũng có”. Để tạo thêm lòng tin, Đức vẽ ra không biết bao nhiêu viễn cảnh về một khu dân cư hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên, đến khi hỏi về nguồn gốc đất, Đức gãi đầu: “Đất này là đất nông nghiệp nhưng em yên tâm, bọn anh đã lo được giấy chứng nhận khai hoang rồi. Cứ làm nhà lên là ở được thôi. Mà giá ở đây có 1,3 triệu đồng/m2 thì lấy đâu ra sổ đỏ”.  


Ai tiếp tay cho đầu nậu bán đất?


Tại sao những đầu nậu đất lại có thể công khai san lấp, phân lô sang nhượng như vậy? Theo tiết lộ của một số “cò đất chuyên nghiệp”, tất cả đều có đường dây, móc nối với nhau. Chính người đàn ông tên Đức đã nói thẳng: “Bọn anh ở đây đều có chung chi hết. Tất nhiên người đứng đầu chính quyền địa phương không đứng ra nhận tiền trực tiếp mà để việc đó cho cấp dưới làm. Bọn anh có bán đất cho em, cũng phải “lại quả” cho họ chứ sao nuốt trôi. Mình làm công khai như thế này ai chẳng biết”. Đức còn “bật mí”: “Bữa rồi mấy anh mới gọi điện xuống báo đợt này tạm dừng việc xây dựng nhà cửa lại vì đang có động. Đợi mấy tháng nữa tình hình lắng xuống thì mới tiếp tục làm. Nếu em mua đất của anh thì đợi thêm một thời gian nữa hãy làm nhà. Lúc đó anh lo cho, làm được hết”.

 

1
Đất đìa nay đã thành đất ở


Để cho các đối tượng có thể dễ dàng bán đất nằm trong các dự án một cách bất hợp pháp, ngoài việc có người “bao thầu” chuyện xây dựng, thì vấn đề hộ khẩu, tạm trú, rồi điện nước cũng cần có một hệ thống phụ trợ. Điều tra thực tế cho thấy, tính riêng ở khu Đồng Rọ, hiện Công an xã Vĩnh Thái đã cấp 73 sổ tạm trú cho những người dân sinh sống trái phép trên đất Dự án Trung tâm hành chính tỉnh. Điều đáng nói, trong 73 trường hợp này, Công an xã lại “vô tình” bỏ quên 22 trường hợp không đưa vào hồ sơ lưu trữ. Các trường hợp còn lại phần lớn đều không thực hiện đúng quy trình, không có giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Sự tắc trách này đã và đang là tấm “bùa hộ mệnh” cho những trường hợp xây dựng bất hợp pháp tồn tại trong đất dự án.


Trách nhiệm của chính quyền địa phương?


Trao đổi về thực trạng xây dựng nhà ở trái phép trên địa bàn Vĩnh Xuân, ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Mục đích người dân xây dựng nhà ở trái phép thực chất là hy vọng được cấp đất tái định cư khi bị thu hồi đất. Từ khi thành lập tổ công tác liên ngành, tất cả những trường hợp xây dựng trái phép đều bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu”.


Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép ồ ạt trước đó, ông Tuấn cho rằng người dân làm lén lút vào ban đêm và ngày thứ bảy, chủ nhật; địa điểm xây dựng trái phép nằm ở góc khuất nên khó phát hiện, cán bộ xây dựng kiểm tra không kỹ và báo cáo không đầy đủ...(?) Đầu tháng 5-2014, cán bộ xây dựng của xã đã bị đình chỉ công tác vì để người dân xây dựng trái phép.


Về vấn đề sang nhượng đất, ông Tuấn nói thẳng: “Người dân mua bán đất đã có quy hoạch bằng giấy tay nên chúng tôi không quản lý được. Ai mua, mất tiền ráng chịu!”. Về vấn đề hộ khẩu, ông Ngô Văn Đến - Trưởng Công an xã Vĩnh Thái thừa nhận: “Tôi có trách nhiệm quản lý chung về lĩnh vực an ninh, nhưng riêng mảng hộ khẩu tôi giao cho Phó Công an xã. Thẩm quyền ký sổ tạm trú là của Trưởng Công an xã nhưng có một số trường hợp, đồng chí Phó Công an xã ký. Chúng tôi nghĩ cấp sổ tạm trú là để quản lý về mặt nhân khẩu, nhưng do anh em công an viên xác minh không kỹ về địa điểm đăng ký tạm trú, tình trạng đất người dân xây dựng nhà... nên đã dẫn đến việc cấp nhiều sổ tạm trú và xác nhận để Công an TP. Nha Trang cấp nhiều sổ hộ khẩu không đúng quy định cho các hộ dân xây dựng nhà ở trái phép tại tại thôn Vĩnh Xuân. Đồng thời, cũng do sơ suất của anh em công an viên nên hồ sơ nhiều trường hợp cấp sổ tạm trú trong số đó bị thất lạc, không lưu vào sổ bộ để quản lý”.


Trong quá trình điều tra, có một câu nói mà chúng tôi nhớ mãi: “Tiền các ông đưa, chúng tôi cũng có nuốt trọn được đâu? Nếu ăn một mình, thử hỏi việc buôn bán cũng như xây dựng nhà cửa liệu có trót lọt được không? Chẳng có việc gì mà qua được mắt chính quyền”. Không biết có phải vì thế mà Vĩnh Thái trở thành điểm nóng về san lấp, sang nhượng, xây dựng trái phép? Giờ đây, UBND thành phố sẽ tốn không ít công sức để giải quyết tình trạng này. Các cá nhân có liên quan sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những ai “đặt cửa” vào việc xây dựng trái phép đã thua trong “canh bạc” tái định cư...


Tổ PV

 



Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, các hộ dân tự ý sang nhượng, mua bán đất đai không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức xây dựng trên đất không được phép xây dựng là không đúng quy định pháp luật. UBND thành phố đã giao cho Phòng Quản lý đô thị tăng cường công tác kiểm tra, quản lý trật tự để không phát sinh thêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các trường hợp sai phạm cụ thể và đề xuất hướng xử lý; giao cho Công an thành phố chỉ đạo Công an xã Vĩnh Thái phối hợp với UBND xã Vĩnh Thái rà soát lại tất cả các hộ khẩu thường trú, tạm trú tại khu vực, tiến hành thu hồi các sổ cấp không đúng quy định.
 


 

Kỳ 1: Lần theo đường dây xây nhà trái phép