Từ lâu, khu vực biển trước cảng Hòn Khói và Khu du lịch Dốc Lết (thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là ngư trường quen thuộc để hàng chục thợ lặn mưu sinh mỗi đêm. Ra biển một chuyến cùng các thợ lặn đêm, chúng tôi hiểu thêm về cái nghề nhiều vất vả này.
Từ lâu, khu vực biển trước cảng Hòn Khói và Khu du lịch Dốc Lết (thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là ngư trường quen thuộc để hàng chục thợ lặn mưu sinh mỗi đêm. Ra biển một chuyến cùng các thợ lặn đêm, chúng tôi hiểu thêm về cái nghề nhiều vất vả này.
Mưu sinh dưới đáy biển
7 giờ tối chuyến lặn mới bắt đầu, nhưng từ chiều, việc kiểm tra các dụng cụ như bình ắc quy, máy và ống dẫn khí, bộ đồ nhái, dây điện, đèn pin… đã được anh Nguyễn Minh Thuận (tổ 6 Bình Tây, phường Ninh Hải) cùng 2 người anh rể Trần Văn Mai, Trương Văn Đạt hoàn tất một cách rất cẩn trọng. Bởi theo họ, chỉ một trong những dụng cụ này trục trặc trên biển là coi như chuyến lặn đêm bị “đứt gánh giữa đường”.
Anh Phương (41 tuổi) đã theo nghề lặn đêm ngót 23 năm |
Khi trời vừa nhá nhem tối, 3 anh em nhà anh Thuận tất tả mang vác mớ dụng cụ lặn biển của riêng mình đặt xuống 3 chiếc xuồng nhỏ neo phía sau nhà anh Mai để chuẩn bị xuất phát. Chị Trần Thị Minh Châu, vợ anh Mai cũng không quên đưa cho chồng và 2 người em 3 gói xôi và chả lụa để họ ăn khuya trên biển. “Hôm nay phải đi sớm hơn vì trăng sáng nên sẽ có nhiều người không đi đánh ghe mà chuyển qua đi lặn”, anh Mai nói. Rồi họ nổ máy thẳng ra khu vực trước cảng Hòn Khói. Cùng lúc, chiếc ghe của anh Huỳnh Ngọc Lợi chở chúng tôi cũng nổ máy bám theo cánh thợ lặn. Trên đường ra cảng Hòn Khói, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xuồng nhỏ, thúng chai có gắn động cơ chạy cùng hướng. Anh Lợi cho biết, những chiếc thuyền, thúng chai này cũng đều hành nghề lặn đêm.
Người thợ lặn này không thể lặn vì máy tạo ôxy bị hỏng |
Đến khu vực gần cảng Hòn Khói, họ tắt máy xuồng ở những vị trí có độ sâu khoảng 5-6 mét, cách nhau chừng vài trăm mét. Cũng giống như 2 người em, anh Mai nối điện từ bình ắc quy sang máy tạo ôxy, đèn pin và đeo vòng chì, vợt, cây kẹp quanh người, ngậm ống dưỡng khí, rồi nhảy xuống biển.
Sau gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mỏi mắt trông chờ, cuối cùng anh Thuận cũng ngoi lên đầu tiên, mang theo mấy con ghẹ nho nhỏ và 2 con mực nang. “Nãy giờ tôi đi bộ dưới đó cũng phải cả cây số mà chỉ kiếm được bằng này. Chắc hôm nay lặn ở đây thất thu rồi!”, anh Thuận tỏ ra khá thất vọng! Tương tự, “chiến lợi phẩm” mà anh Mai và anh Đạt thu được sau hàng giờ ngâm mình dưới đáy biển cũng rất ít khiến các anh quyết định quay về. Riêng anh Thuận vẫn kiên trì bám trụ nhưng lần này anh chuyển từ kiểu lặn đi bộ, dùng kẹp, vợt để bắt ghẹ sang kiểu lặn bơi nhái để bắn cá và địa điểm sẽ là khu vực biển Dốc Lết.
Anh Phương với thành quả sau lượt lặn đầu |
Khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi tiếp tục bám theo xuồng của anh Thuận sang khu vực biển Dốc Lết. Nơi đây, dưới ánh trăng vằng vặc, chúng tôi nhận thấy nhiều thúng chai dập dềnh trên mặt biển nhưng đều không có bóng người. Anh Lợi cho biết, mỗi chiếc thúng chai đều đang kết nối với 1 thợ lặn dưới đáy biển bằng đường ống dẫn khí; họ đang bơi nhái dưới đáy biển quanh thúng chai của mình trong bán kính tối đa bằng độ dài của ống dẫn khí. Khoảng 1 giờ sau, anh Nguyễn Phương (tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) ngoi lên mặt nước và bơi đến chiếc thúng chai gần nơi chúng tôi. “Bữa nay khá may mắn. Tôi bắt đầu lặn từ 6 giờ tối, giờ mới lên lần đầu, đã kiếm được vài kg cá, ghẹ cùng 2 con mực nang khá lớn”, anh Phương khoe. Cách đó không xa, anh Trần Công Đoàn, bạn lặn với anh Phương, cũng ngoi lên mặt nước và có vẻ phấn khởi khi chúng tôi hỏi thăm về kết quả anh thu được sau 5 giờ đồng hồ ngâm mình dưới đáy biển. Các anh này cho biết, ở khu vực biển Dốc Lết từ phía ngoài có mực nước sâu 5-6m trở vào bờ luôn có hàng chục thợ lặn mưu sinh hàng đêm, con số này sẽ đông hơn vào thời điểm giữa tháng âm lịch. Cánh thợ lặn đêm bắt đầu chuyến lặn từ lúc trời sẫm tối và sẽ kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng hôm sau. Và thông thường, trong khoảng thời gian đó họ chỉ ngoi lên 2 lần để cất những gì thu được vào thúng chai, ăn khuya, nghỉ lấy sức trong chốc lát, rồi lại tiếp tục ngâm mình dưới đáy biển cho đến kết thúc chuyến lặn.
Bấp bênh và lo lắng
Theo những thợ lặn đêm mà chúng tôi tiếp xúc, nghề này không có gì nguy hiểm bởi họ được hỗ trợ của máy tạo ôxy, hơn nữa độ sâu hoạt động cũng chỉ khoảng 5-6m nên nếu chẳng may hệ thống cung cấp dưỡng khí có vấn đề thì họ vẫn nhanh chóng ngoi lên an toàn. Tuy nhiên, sự vất vả cực nhọc thì thật khó nói hết khi phải ngâm mình dưới đáy biển suốt nhiều giờ liền. “Người làm nghề này lấy đêm làm ngày, xem đáy biển là nhà, bình quân lặn dưới biển từ 8-10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, đã thế khi bơi hoặc đi dưới đó còn phải mang nhiều dụng cụ nên sau mỗi chuyến lặn, hầu như ai cũng thấy kiệt sức. Tôi làm nghề này hơn 20 năm nhưng đã bỏ hẳn từ năm ngoái vì sức khoẻ không được tốt”, anh Lợi chia sẻ. Còn theo anh Thuận, ngoài những vất vả đặc trưng của nghề, những thợ lặn đêm ở khu vực biển Dốc Lết còn rất lo lắng khi thời gian gần đây tái diễn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng chất nổ. “Hoàn cảnh của tôi rất khó khăn. Vợ mất, nếu tôi không liều thì ngày mai lấy gì nuôi con?! Chứ lặn ở đây, mỗi khi họ đánh mìn ngoài xa, tôi cảm nhận rất rõ. Nếu chẳng may họ theo luồng cá vào gần nơi chúng tôi lặn mà đánh mìn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Thuận nói.
Cũng như nhiều địa phương ven biển, nghề lặn đêm ở Ninh Thủy và Ninh Hải đã xuất hiện từ lâu và thu hút rất nhiều ngư dân. Trước đây, khi nguồn lợi thủy sản còn dồi dào, mỗi thợ lặn dù làm cách nhật cũng có thể nuôi sống cả gia đình. Nhưng hiện nay, nghề này đã trở nên bấp bênh trước tình trạng đánh bắt thủy sản gần bờ theo nhiều phương thức mang tính tận diệt như lờ dây, giã cào đáy, giã cào bay... “Trước đây, nghề này sống rất khoẻ nên có rất nhiều người theo, nhưng giờ thì đêm trúng nhất cũng chỉ được 400.000 đồng đổ lại. Bình quân mỗi chuyến lặn, 1 thợ lặn chỉ bỏ ra chi phí khoảng 1 lít xăng để chạy xuồng hoặc thúng máy và vài chục nghìn đồng cho bữa ăn khuya trên biển, vậy mà vẫn có chuyến phải chịu cảnh lỗ vốn, như tôi hôm nay chẳng hạn”, anh Mai nói. Chính vì thế, trước đây, trên địa bàn phường Ninh Hải có hàng trăm ngư dân làm nghề lặn đêm, nhưng nay chỉ còn khoảng vài chục người bám nghề này, chủ yếu tập trung ở tổ 6 và tổ 7 Bình Tây.
Gần trắng đêm trên biển, chúng tôi trở vào bờ lúc cánh thợ lặn vừa bắt đầu lượt lặn thứ 2. Phía sau chúng tôi, bóng những chiếc xuồng, thúng chai vẫn dập dềnh. Dưới đáy biển, nhiều thợ lặn vẫn căng mắt kiếm tìm…
N.A - B.L