11:05, 21/05/2015

Kỳ cuối: Chung tấm lòng hướng về đảo xa

Huyện đảo Trường Sa phát triển vững mạnh như ngày hôm nay là nhờ sự chung tay, góp sức của hàng triệu người dân Việt Nam và cả kiều bào ở nước ngoài. Trường Sa chính là nơi hội tụ của những tấm lòng hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Huyện đảo Trường Sa phát triển vững mạnh như ngày hôm nay là nhờ sự chung tay, góp sức của hàng triệu người dân Việt Nam và cả kiều bào ở nước ngoài. Trường Sa chính là nơi hội tụ của những tấm lòng hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Chiến sĩ trực canh  trên ngọn  Hải đăng  đảo Sinh Tồn.
Chiến sĩ trực canh trên ngọn Hải đăng đảo Sinh Tồn


Tất cả hướng về Trường Sa


Từ nhiều năm nay, Quân chủng Hải quân luôn tạo điều kiện cho các đoàn công tác trong cả nước ra thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, làm việc, sinh sống trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Hiện nay, trung bình mỗi năm có gần 20 chuyến tàu ra thăm với hàng nghìn lượt người, từ các lãnh đạo cấp cao cho đến những sinh viên ưu tú.

 

Đoàn công tác đến thăm đảo chìm Len Đao.
Đoàn công tác đến thăm đảo chìm Len Đao.


Đoàn công tác số 7 của chúng tôi ra thăm Trường Sa vào cuối tháng 4 vừa qua, do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa làm Trưởng đoàn. Trong đoàn, ngoài thành viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Khánh Hòa, còn có các tỉnh: Nam Định, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An... Mỗi tỉnh, mỗi đơn vị đều chuẩn bị những phần quà tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, cùng với đó là những lời động viên, chia sẻ. Đặc biệt, chuyến đi này có nhiều sinh viên xuất sắc được các trường ưu tiên cử theo đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bạn Nguyễn Công Thanh (sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương) chia sẻ: “Là sinh viên đầu tiên của trường đi thăm Trường Sa, tôi rất vinh dự và tự hào. Được trải nghiệm một hải trình dài, tận mắt cảm nhận cuộc sống của quân và dân nơi hải đảo, tôi càng thấy khâm phục những người lính Hải quân. Về đất liền, tôi sẽ vận động các bạn trong Đoàn Thanh niên của trường tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về Trường Sa thân yêu”.

 

Vận chuyển quà lên đảo Sinh Tồn.
Vận chuyển quà lên đảo Sinh Tồn


Khi đến đảo Đá Tây A, hàng trăm người cảm thấy xúc động trước dòng chữ: “Công trình góp đá xây Trường Sa - Công trình của triệu tấm lòng”. Đây là 1 trong 2 công trình do Báo Tuổi Trẻ phát động (đảo Đá Tây A và đảo Đá Tây C). Mới đây, ngày 13-5, Báo Tuổi Trẻ cũng đã phối hợp với Bệnh viện 175 tổ chức lễ khởi công nâng cấp Bệnh xá thị trấn Trường Sa. Công trình này do Báo Tuổi Trẻ phát động từ tháng 5-2011 đến tháng 5-2014 với số tiền tiếp nhận được gần 54 tỷ đồng.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tặng quà cho quân, dân trên đảo Trường Sa.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tặng quà cho quân, dân trên đảo Trường Sa


Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tuy huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhưng thật may mắn có được sự quan tâm của đông đảo nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Trường Sa tiếp tục được xây dựng, phát triển vững chắc, góp phần để những người đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc yên tâm làm nhiệm vụ”.


Vững chắc nơi đầu sóng   


Theo lãnh đạo UBND huyện đảo Trường Sa, từ ngày được giải phóng đến nay, diện mạo của huyện đảo được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn. Nhiều công trình đa chức năng như: cầu cảng, sân bay, âu tàu, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh... đã được xây dựng. Các công trình không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân huyện đảo, ngư dân các địa phương phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, những công trình như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà khách thủ đô; chùa Trường Sa, Song Tử, Sinh Tồn; Nhà văn hóa đảo Nam Yết, đảo Song Tử; Nhà cộng đồng đảo Đá Tây... là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân và dân huyện đảo, góp phần làm cho huyện đảo như gần hơn với đất liền.

 

Đại tá Lê Xuân Bạ - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, nguyên Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa, người đã từng có 24 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa tâm sự: “Những năm 1980 - 1990 là giai đoạn Quân chủng Hải quân dồn lực xây dựng các đảo. Lúc đó, đảo chìm chỉ là một ụ san hô, khi nước xuống thì chòi ra, nước lên thì chìm xuống. Hoạt động xây dựng lúc bấy giờ không có tàu lớn, không có máy móc hiện đại như bây giờ, điều kiện khó khăn… Vậy mà chúng ta đã yêu thương, đoàn kết, xây dựng được nền tảng để Trường Sa tiếp tục phát triển hùng mạnh như ngày hôm nay. Nghĩ lại để thấy một thời gian khó nhưng hào hùng”.

Ông Nguyễn Viết Thuân - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, bên cạnh những thành tích xuất sắc về công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, quân và dân huyện đảo Trường Sa còn làm tốt công tác dân vận, tìm kiếm cứu nạn, thực sự là địa chỉ an toàn, chỗ dựa tin cậy cho ngư dân ra đánh bắt, khai thác hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa. 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, huyện đảo có được sự khởi sắc như hôm nay là nhờ sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương; sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước. Đó là nguồn động viên to lớn, trực tiếp góp phần giúp quân và dân huyện đảo luôn trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Năm 2015, tình hình chính trị - xã hội nước ta tiếp tục ổn định, kinh tế đang khôi phục và có bước tăng trưởng, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trên Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đang đặt ra cho quân và dân huyện đảo những yêu cầu mới. “Thời gian tới, quân và dân huyện đảo cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng đấu tranh, chống xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo được đảm nhiệm. Lực lượng Hải quân cần tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Thuân nói.


VĂN KỲ

 

Kỳ 1: Làng quê yên bình nơi đảo xa

Kỳ 2: Đổi thay trên đảo