08:05, 31/05/2015

Kỳ 2: Còn lắm gian nan

Tuy đã triển khai từ tháng 4-2014 nhưng đến nay, tiến độ giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất ở Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Lâm vẫn còn rất chậm và lúng túng.

Tuy đã triển khai từ tháng 4-2014 nhưng đến nay, tiến độ giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất ở Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Lâm vẫn còn rất chậm và lúng túng. Do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.


Chậm tiến độ


Ngồi lặng lẽ trong góc nhà lẩy từng hạt bắp vừa thu hoạch về, vợ chồng ông Cao Xu Ngân và bà Ca Thị Nháp (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) nặng trĩu lòng vì chưa được Nhà nước giao đất để sản xuất. “Mình có 0,5ha đất trồng mì, bắp xâm canh bên xã Khánh Thượng và cũng chừng đó diện tích ở Đá Tây (xã Giang Ly). Nếu được mùa thì thu khoảng 30 - 40 giạ bắp, nhưng năm nay trời nắng hạn nên bắp teo tóp, mất mùa. Vả lại, đất xâm canh bên xã Khánh Thượng đang bị chủ cũ đòi lấy lại; vì vậy, diện tích đất của gia đình còn ít, không đủ cho cả nhà sản xuất...”, ông Cao Xu Ngân bộc bạch. Không có đất, cả gia đình ông phải đi làm thuê kiếm sống, cuộc sống rất bấp bênh.

 

Nhiều hộ đồng bào nghèo đang mong chờ được giao đất để sản xuất.
Nhiều hộ đồng bào nghèo đang mong chờ được giao đất để sản xuất


Qua thống kê, xã Giang Ly có 113 hộ nghèo, trong đó có 16 hộ thực sự thiếu đất sản xuất, phải làm rẫy tại các xã: Khánh Thượng, Sơn Thái, nhưng diện tích này là đất đã có chủ. Thời gian qua, công tác bóc tách đất rừng gặp nhiều trắc trở, đất rừng chưa thực sự giao đúng đối tượng. Bà Cà Lang - Chủ tịch UBND xã Giang Ly thừa nhận: “Trước đây, xã đã từng phối hợp với lâm trường bóc tách đất, nhưng không hiểu sao đất bóc tách xong không giao cho dân mà lại cho trồng rừng nên người dân bị thiệt thòi. Hiện nay, huyện có chủ trương bóc tách đất rừng tại khu vực Gia Lố với hơn 80ha, giao cho 16 hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Xã đang phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) bóc tách diện tích này để giao lại cho dân...”.


Đến nay, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa giao được đất cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Xã đã thống kê, lập danh sách 36 hộ thuộc diện này. Tuy nhiên, trong số hơn 300ha bóc tách từ đất rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa, người dân đều đã sử dụng, canh tác, chủ yếu là trồng mía, áp giá đền bù 80 triệu đồng/ha. “Trong số 36 hộ thiếu đất, dự kiến sẽ được cấp tổng cộng 18ha (0,5ha/hộ). Tuy nhiên, số diện tích này cũng đã bị người khác xâm chiếm, sử dụng từ nhiều năm nay. Xã đang đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để bồi thường số hoa màu, cây cối trên đất. Nếu kinh phí cấp phát chậm sẽ phát sinh nhiều bất cập, không chỉ giá bồi thường “đội” lên mà việc bình chọn hộ nghèo hàng năm cũng phát sinh nhiều rắc rối...”, ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây chia sẻ.


Nhiều vướng mắc


Trong quá trình thu thập thông tin, chúng tôi nghe phản ánh còn nhiều vấn đề liên quan đến việc tranh chấp đất rừng và sự trì hoãn của các lâm trường. Điều này khiến việc bóc tách đất chậm tiến độ. Có thể nói, hiện tại, không có đất rừng nào là “đất sạch”, hầu hết các diện tích đều có chủ. Một thời gian dài, do việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đất rừng từ các đơn vị lâm trường; việc xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép của người dân; tổ chức sản xuất, kinh doanh của các lâm trường... nên đất rừng luôn bị biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, các lâm trường luôn muốn dành đất tốt, đất màu mỡ giao cho cán bộ, công nhân viên, còn bàn giao cho địa phương chỉ toàn “xương xẩu”. Tuy nhiên, các lâm trường không đồng tình.

 

Vợ chồng ông Cao Xu Ngân - Ca Thị Nháp thu nhập bấp bênh  do có ít đất sản xuất.
Vợ chồng ông Cao Xu Ngân - Ca Thị Nháp thu nhập bấp bênh do có ít đất sản xuất


Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa phản ánh: Công ty luôn thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh về bóc tách đất lâm nghiệp giao cho ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Qua 2 đợt triển khai (năm 2006 và 2013), đơn vị đã bàn giao hơn 3.700ha đất rừng cho các địa phương. Hiện nay, huyện đang tiếp tục bóc tách đợt 3. Lý giải về việc người dân không muốn nhận đất, ông Tân cho rằng, do tập quán du cư của ĐBDTTS nên đất rừng luôn bị xé lẻ, tranh chấp. Thực tế, ĐBDTTS không thiếu đất, nhưng do trước đây đã chuyển nhượng cho người khác nên nay không còn đất sản xuất. Ông Tân nói: Nếu muốn có “đất sạch”, Nhà nước nên thu hồi diện tích RPH trước đây giao cho các lâm trường quốc doanh, hiện đang nằm rải rác trong khu dân cư nên lâm trường rất khó quản lý.


Còn ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa khẳng định: “Đất là do Nhà nước quản lý, trước đây giao thì chúng tôi nhận, nay yêu cầu trả chúng tôi không giữ. BQLRPH Ninh Hòa đã bàn giao xong đất rừng cho các địa phương. Tất cả trình tự, thủ tục làm theo yêu cầu của tỉnh, chúng tôi không thể giao đất xấu cho người dân...”. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Long - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) lại có ý kiến khác: “Số diện tích mà BQLRPH Ninh Hòa giao xã Ninh Sơn chỉ có 160ha là “đất sạch” (100% vốn Nhà nước), còn lại là đất “ăn chia” giữa BQLRPH với cá nhân theo tỷ lệ 7:3 hay 8:2, đang vướng hoa màu, cây trái liên quan quyền lợi của người dân với lâm trường nên chúng tôi không thể giải quyết. Hiện nay, BQLRPH đang đưa các vụ tranh chấp ra Tòa án để xử lý...”.


Tăng cường các biện pháp


Tuy một thời gian dài, UBND tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đã có nhiều cố gắng giải quyết vấn đề này, nhưng thực tế không đơn giản. Việc bóc tách đất rừng từ các lâm trường và BQLRPH vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu phát sinh từ việc xâm chiếm đất rừng phi pháp của các hộ dân do sự quản lý lỏng lẻo của các lâm trường. Ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho hay, trong quá trình khảo sát, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị được giao nhiệm vụ bóc tách không tiến hành rà soát kỹ, chỉ tham khảo ý kiến của các lâm trường bóc tách diện tích ở núi cao và đất các hộ dân đang lấn chiếm, nên việc giao đất của các cấp chính quyền gặp khó khăn...


Tương tự, thị xã Ninh Hòa cũng rất lúng túng trong công tác chỉ đạo giao đất. Ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã kiến nghị tỉnh thu hồi diện tích do BQLRPH đang trực tiếp quản lý, tránh tình trạng giao đất rừng còn “vướng” các hộ dân đang canh tác; đồng thời hỗ trợ kinh phí để thị xã bồi thường diện tích cây trái, hoa màu trên đất... Còn ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, đối tượng được giao đất trên địa bàn huyện là ĐBDTTS nghèo, chủ yếu tại xã Cam Phước Tây. Trước mắt, huyện sẽ triển khai phương án giao 144ha “đất sạch” cho 148 hộ nghèo thiếu đất sản xuất trên địa bàn xã này, sau đó tiến hành bồi thường, hỗ trợ, thu hồi 168ha người dân lấn chiếm giao xã quản lý. Ngoài ra, sẽ tiếp nhận 92ha đất khó canh tác, cải tạo ở xa khu dân cư giao cho xã quản lý để phục hồi đất rừng thoái hóa.


Theo ông Vũ Xuân Thiềng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, khi bóc tách đất, các bên liên quan cần nghiên cứu về diện tích, nguồn nước, khả năng trồng trọt; đồng thời điều tra hiện trạng hộ sử dụng, lấn chiếm, từ đó có kế hoạch bóc tách phù hợp. Còn ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngoài trình tự, thủ tục thì việc bóc tách đất chậm còn do công tác phối hợp yếu, cần thành lập tổ công tác tham mưu cho các huyện, thị xã vấn đề này...


Mới đây, chỉ đạo công tác bóc tách đất rừng, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các huyện thành lập ngay tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng; tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể người sử dụng đất và quá trình sử dụng đất để đề xuất phương án thu hồi, muộn nhất đến ngày 30-7 xong công tác kiểm kê, xác định danh sách; ngày 30-9 tiến hành bàn giao đất. Kinh phí đề xuất tỉnh xét cấp theo phương án được duyệt.   

 


PHÚ LÂM

 


- Thị xã Ninh Hòa: tỉnh giao 1.076ha đất từ BQLRPH Ninh Hòa. Trong đó, xác định có 784ha bị người dân chiếm hữu (trong đó có 500ha chuyển đổi sang đất trồng mía); 132ha BQLRPH ăn chia với dân; 160ha “đất sạch” bàn giao cho xã Ninh Sơn quản lý. Riêng hơn 17ha tại xã Ninh Tây sẽ giao cho 36 hộ tại Ninh Tây thiếu đất sản xuất.


- Huyện Cam Lâm được giao bóc tách 418ha: xác định “đất sạch” 144ha sẽ giao cho các hộ thiếu đất sản xuất; thu hồi 167ha dân lấn chiếm; 92ha đất rừng khó canh tác sẽ phục hồi cải tạo.


- Huyện Khánh Vĩnh được giao 1.355ha. Trong đó, đất trống 393ha, đất có chủ sử dụng 955ha. Đã giao 11ha cho 22 hộ nghèo thiếu đất sản xuất tại xã Khánh Nam, số còn lại đang cắm mốc để giao 171ha cho 342 hộ nghèo; còn lại đất bị xâm chiếm, xem xét giao cho 371 hộ thiếu đất sản xuất, sử dụng ổn định với diện tích 696ha... 


 

Kỳ 1: Niềm vui đất mới