07:05, 29/05/2015

Nhọc nhằn bóc tách đất rừng

Thực hiện chủ trương bóc tách, giao đất rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất thuộc 4 địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa...

Thực hiện chủ trương bóc tách, giao đất rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất thuộc 4 địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Lâm), đến nay, mới chỉ có các hộ ở huyện Khánh Sơn hưởng niềm vui được giao đất mới. Ở 3 địa phương còn lại, việc bóc tách, giao đất cho người dân vẫn còn lắm nhọc nhằn.
 
Kỳ 1: Niềm vui đất mới
 
 
Cây keo là đối tượng được lựa chọn của nhiều hộ mới nhận đất.
Cây keo được nhiều hộ chọn trồng khi mới nhận đất.
 
 
Cơ hội mới
 
Cầm quyết định giao đất trong tay, ông Bo Bo Xuân Hiệp (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) cũng như nhiều hộ ĐBDTTS khác ở huyện Khánh Sơn rất vui mừng: “Bao năm sống vất vả vì không có đất sản xuất, nay nhà mình đã được cấp đất canh tác, mình sẽ cố gắng sản xuất để cuộc sống ngày càng ấm no hơn...”. Vừa nhận được đất, ông Bo Bo Xuân Hiệp đã tranh thủ phát dọn phần đất mới để kịp cho mùa rẫy. Tâm sự với chúng tôi, ông kể về nỗi khổ kéo dài của gia đình mình thời gian qua. Trước đây, nhà ông có 0,5ha đất, do vợ chồng bị mù lòa nên không canh tác được. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông đành phải vay mượn của thương lái để lo thuốc thang và cái ăn qua ngày. Lâu dần, không trả được nợ, đất cũng phải bán. “Mới đây, vợ chồng tôi được Nhà nước đưa đi mổ mắt nên mắt đã sáng lại. Thấy nhà nghèo, không có đất sản xuất nên Nhà nước giao cho gần 1ha đất để canh tác. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước”.
 
Trên đường cùng chúng tôi đi thăm các hộ ĐBDTTS vừa được giao đất canh tác, ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Toàn xã có 17 hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, đây là những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì không có đất sản xuất nên những người còn trẻ phải lên những triền núi cao để phát rẫy làm nương, xâm canh trên đất của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện, người già yếu thì ở lại làng để chờ ai thuê gì làm nấy. Cái nghèo khó cứ đeo bám họ mãi. Bây giờ, được Nhà nước giao đất, đời sống của những hộ này chắc chắn sẽ sang trang...”. 
 
Tương tự, nhiều hộ đồng bào Raglai nghèo thiếu đất sản xuất ở xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) cũng vui mừng khi được Nhà nước giao đất. Ông Cao Văn Tam (thôn Cô Róa) cũng đang vạch ra những dự định của gia đình. “Trên phần đất mới này, mình sẽ đăng ký giống để trồng keo vì keo bây giờ đang được giá. 1ha trồng khoảng 5 - 6 năm là thu hoạch, bán được 70 - 80 triệu đồng. 3 năm đầu khi cây keo chưa lớn, mình sẽ trồng xen thêm bắp, mì để lo cho cuộc sống trước mắt. Có đất rồi, mình sẽ chăm chỉ làm ăn để no cái bụng, các con được đến trường...”, ông Tam tính toán. Được biết, do thiếu đất sản xuất, trước đây vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn để đắp đổi qua ngày. Nhờ Đảng, Nhà nước có chủ trương bóc tách đất giao cho ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, gia đình ông đã nhận được hơn 1,1ha.
 
Nhiều sự hỗ trợ
 
Niềm vui có đất mới của ông Tam cũng là hạnh phúc chung của hàng chục hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất ở huyện Khánh Sơn khi được Nhà nước cấp đất. Qua rà soát, bình xét từ các địa phương, toàn huyện có 49 hộ ĐBDTTS nghèo không có hoặc thiếu đất sản xuất được cấp tổng cộng 57ha đất (trung bình 1,16ha/hộ). Phần lớn diện tích cấp được bóc tách từ phần đất do Ban quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn quản lý, chủ yếu là đất rừng lâu nay chưa được khai thác hợp lý, thường xuyên bị lấn chiếm, xâm canh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc cấp đất này đã tạo ra “cần câu” cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, giúp họ có đất canh tác, ổn định cuộc sống, khai thác được tiềm năng đất đai, đồng thời hạn chế tình trạng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng...
 
Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp chia sẻ: “Sau khi người dân có đất sản xuất, địa phương sẽ vận dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện để họ nhanh chóng tổ chức sản xuất, ổn định đời sống...”. Được biết, địa phương đang hướng đến hỗ trợ giống keo theo Chương trình 147 để người dân trồng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất, vốn, tập huấn kỹ thuật canh tác... theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hay Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi cũng sẽ được địa phương ưu tiên hỗ trợ cho các hộ này. 
 
Không riêng xã Sơn Hiệp, các địa phương khác như: Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc, Sơn Bình... cũng có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ cho các hộ mới được giao đất sản xuất.
 
Giữ đất cho đồng bào
 
Ông Hiệp tâm sự: “Cuộc đời của tôi đã trải qua nhiều khốn khó cũng chỉ vì không có đất sản xuất. Bây giờ, được Nhà nước giao đất, gia đình phải cố gắng làm ăn để không còn cảnh túng thiếu nữa. Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng không bán đất mà giữ lại cho con cháu canh tác sau này...”. Còn ông Tam cho biết: “1ha đất có bán đi cũng chỉ được 20 - 30 triệu đồng. Nếu giữ lại để trồng chuối, bắp thì 1 năm cũng được nhiều hơn số đó; đó là chưa kể nếu trồng keo, bắp, mì xen canh thì hiệu quả còn cao hơn nhiều. Tôi đã từng chật vật vì không có đất sản xuất; phần đất được giao là cơ hội để thay đổi cuộc sống gia đình nên không bao giờ bán đi...”.   
 
 
 Ông Bo Bo Xuân Hiệp phát dọn phần đất mới được giao để kịp mùa rẫy.
Ông Bo Bo Xuân Hiệp phát dọn phần đất mới được giao để kịp mùa rẫy.
Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: UBND tỉnh giao cho huyện 503ha đất bóc tách từ Ban quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn, trong đó có 418ha đất đã có người sử dụng. Hiện nay đã giao xong 57ha đất cho 49 hộ thuộc đối tượng ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất (giao đất sạch cho 23 hộ, hợp thức hóa đất đã sử dụng cho 26 hộ). Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện không còn hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, huyện còn 67 hộ ĐBDTTS cận nghèo thiếu đất sản xuất, đang canh tác trên tổng diện tích 89ha đã bóc tách. Nếu thu hồi diện tích này, các hộ sẽ trở thành hộ nghèo; vì vậy, UBND huyện kiến nghị tỉnh giao diện tích này cho các hộ cận nghèo trên cơ sở hợp thức hóa các thửa đất họ đã sử dụng. Đối với các hộ không thuộc đối tượng được giao đất, nhưng đang sản xuất trên phần đất đã bóc tách, đề nghị tỉnh cho phép người dân tạm thời thuê đất có thời hạn, đến hết chu kỳ canh tác sẽ tiến hành thu hồi.  

 

Qua nhiều lần tìm hiểu thực tế tại huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, trước đây nhiều hộ ĐBDTTS có đất sản xuất, thậm chí có hộ sở hữu cả 3 - 4ha đất, nhưng vì khó khăn nên đành phải bán đất... Chính tình trạng này đã khiến nhiều hộ mất đất, làm gia tăng tình trạng thiếu đất sản xuất trong ĐBDTTS. Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo các địa phương ở huyện Khánh Sơn. Ông Mấu Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm nói: “Để hạn chế tình trạng này, trước khi giao đất, các địa phương đã đề nghị hộ ĐBDTTS nghèo cam kết giữ đất để sản xuất, không chuyển nhượng, cho thuê đất. Với việc ưu tiên hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác... cho các hộ mới được nhận đất, chúng tôi hy vọng người dân sẽ sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: “Để ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho ĐBDTTS, huyện Khánh Sơn xác định phải làm mọi cách để giữ đất sản xuất cho ĐBDTTS nghèo. Trong quyết định giao đất, chúng tôi ghi rõ: Người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất. Ngoài ra, UBND huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra tình hình hộ ĐBDTTS có khó khăn đột xuất để kịp thời hỗ trợ; nắm bắt các đối tượng đầu cơ, thu gom đất để có biện pháp xử lý...”.
 
Rời Khánh Sơn, chúng tôi cũng vui lây với niềm vui có đất của các hộ ĐBDTTS nghèo nơi đây. Tương lai không xa, cuộc sống của họ sẽ sang trang mới vì trong tay đã có tư liệu sản xuất. 
 
 
HẢI LĂNG - NAM ANH