11:05, 22/05/2015

Làm lại cuộc đời

Họ là những người ngày trước từng lao vào "cơm đen", ''cái chết trắng'', giờ đây đã là thợ sắt, thợ sơn, lái xe, chủ quán ăn, ngư dân… Cuộc sống của họ bình dị nhưng có ích cho đời.

Họ là những người ngày trước từng lao vào “cơm đen”, ‘’cái chết trắng’’, giờ đây đã là thợ sắt, thợ sơn, lái xe, chủ quán ăn, ngư dân… Cuộc sống của họ bình dị nhưng có ích cho đời.


Quyết tâm đứng dậy


Đường dẫn vào xóm nhà anh Võ Văn C. (45 tuổi, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) không khó đi, nhưng chúng tôi vẫn phải loay hoay tìm kiếm vì dọc đường không gặp người dân nào để hỏi thăm. Vợ anh C. bảo, xóm này toàn dân lao động, ban ngày đi biển, làm thuê đến tối mịt mới về. Vì vậy, anh C. quyết định chuyển từ phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh) về đây làm lại cuộc đời, tránh xa những bạn nghiện cũ. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh có tiếng bi bô của một em bé hơn 2 tuổi mà hàng xóm tin tưởng gửi trông hộ...


Hỏi chuyện, vợ chồng anh C. rùng mình nhớ lại quãng thời gian cách đây 25 năm, khi anh chìm trong ma túy. 9 năm nghiện ngập ở Canada, anh C. bị trục xuất năm 1997. Anh về Việt Nam lấy vợ. Cắt thuốc được 1 năm, anh tái nghiện. Anh C. kể, hồi đó, anh là dạng có “số má” trong làng chơi ma túy. Khi dân chơi còn chưa biết heroin là gì thì ở Canada anh đã sử dụng. Cũng vì thế, anh phải vật vã đối đầu và chịu đựng cắt cơn. Khi vợ sinh con thứ hai, anh nghiện nặng. Tuy vợ phải đi gánh cá thuê kiếm vài chục ngàn đồng/buổi, nhưng cô ấy không một lời kêu ca hay oán hận mà thủ thỉ về tương lai của các con, về việc cần một bờ vai để dựa những khi mệt mỏi, về trách nhiệm của người con đối với cha mẹ. Điều đó khiến anh tự nhủ phải thoát ra khỏi ma túy. Năm 2004, anh C. viết đơn xin tự nguyện cai nghiện, được đơn vị chức năng yêu cầu cai nghiện 24 tháng. Do chấp hành tốt, anh đã về sớm 3 tháng. Người đàn ông có vẻ ngoài hầm hố bảo, mỗi khi nhắc lại những ngày tháng ấy, anh vẫn thấy sợ hãi và ám ảnh. Cái thứ bột trắng chết người ấy đã tàn phá cơ thể, khiến đến giờ đầu óc anh vẫn lúc nhớ lúc quên, thị lực giảm sút.

 

Một buổi lao động của học viên  tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh .  Ảnh: V.G
Một buổi lao động của học viên tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh


Trở về địa phương, gia đình anh C. được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng theo Nghị quyết (NQ) 25 ngày 15-12-2009 của HĐND tỉnh về cho vay vốn đối với hộ gia đình có người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Có tiền, vợ chồng anh C. đầu tư nuôi tôm hùm. Tuy vụ tôm thất bát, nhưng anh chị vẫn cố gắng trả nợ đúng kỳ và được vay tiếp 20 triệu đồng để nuôi cá chẻm. Đầu năm 2014, gia đình anh C. được xét cho vay vốn hộ cận nghèo, vợ chồng anh quyết định sắm chiếc thuyền câu nhỏ để anh theo nghề biển của cha.


Bây giờ, ngày ngày, anh đi biển cùng bạn thuyền từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới về. Những ngày có trăng, anh lại dong thuyền đi câu. Cuộc sống tuy chưa sung túc nhưng yên bình. Ông Trần Quốc Đạt - Bí thư Đảng ủy phường Ba Ngòi (trước là Bí thư Chi bộ tổ dân phố nơi anh C. sinh sống) chia sẻ, có lần cùng ông Huỳnh Tấn Tiến - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường tới nhà động viên, anh C. đã thốt lên: “Ngần này tuổi mà còn nghiện ngập, tui nhục lắm!”. Nghe câu đó, hai ông tin sẽ có ngày anh C. đứng dậy được. Quả vậy, bây giờ, anh C. không chỉ chí thú làm ăn, mà còn chủ động giúp đỡ, động viên người nghiện trên địa bàn đi cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng...


Sống có ích


Nhìn dáng vẻ khỏe khoắn, chững chạc của anh Trần Nhật T. (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang), chúng tôi chẳng thể nào nhận ra được người đã từng nghiện ngập 7 năm trời (từ năm 1999), từng suýt chết vì dùng ma túy quá liều, khiến cha và anh chị em phải khốn khổ.

 

Bây giờ, anh C. chỉ muốn chuyên tâm đi biển, lo kinh tế cho gia đình
Bây giờ, anh C. chỉ muốn chuyên tâm đi biển, lo kinh tế cho gia đình


Cũng chính lúc đó, anh T. mới nhận ra mình chưa từng sống cho ra sống. Anh đã quyết tâm cai nghiện, rồi học thêm buổi tối để lấy bằng trung cấp kế toán. Năm 2010, gia đình anh T. được hỗ trợ vay 20 triệu đồng theo NQ 25 để thả nuôi 100 con tôm hùm. 2 năm sau, anh T. đã tăng số vốn lên gấp đôi, trả hết vốn vay rồi vay thêm để mở quán ăn. Anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn kiêm Tổ phó tổ dân phố, Đội phó Đội Công tác xã hội tình nguyện của phường. Thời gian qua, Đội đã phối hợp với tổ dân phố, cảnh sát khu vực, hội phụ nữ, ban công tác Mặt trận phát tờ rơi, thu nhặt bơm kim tiêm, tư vấn, động viên người nghiện đi cai và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Qua đó, Đội của anh T. đã vận động được 12 người đi cai nghiện và tiếp tục giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Năm vừa qua, anh T. đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ông Trình Xuân Minh Thế - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ nhìn nhận, Đội Công tác xã hội tình nguyện của phường hoạt động khá hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện hút trên địa bàn. Riêng anh T. không chỉ có nghị lực từ bỏ được ma túy, mà còn hoàn thành trách nhiệm được giao, là tấm gương cho thanh niên trên địa bàn học tập. Anh T. đã được Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh chọn báo cáo điển hình hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch 24 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức năm 2014.


Cần cả xã hội chung tay


Lau nước mắt, bà Đinh Thị O. (mẹ anh Trần Minh P., thị trấn Diên Khánh) nhớ lại những ngày “trần ai” cai nghiện cho anh P. Phát hiện con trai nghiện ma túy khi đang học lớp 10, bà chủ động gửi con đi cai nghiện khắp nơi, mỗi lần từ 6 tháng đến 1 năm. Gần chục lần cai nghiện rồi tái nghiện, anh P. đã khiến gia đình đổ nợ, người cha cũng héo hon, đau bệnh mà ra đi, chỉ còn bà O. kiên trì cảm hóa con bằng tình mẫu tử. Lần cuối cùng trước khi anh đi cai nghiện ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh), bà O. nói: “Nếu lần này con không bỏ được ma túy, mẹ sẽ không đón con về nữa. Thà để con ở lại còn hơn cho về nhà mà không sống nên người, mẹ con đều bị xa lánh”. Những lời gan ruột của mẹ khiến anh P. bừng tỉnh.


Kể chuyện hiện tại, bà O. khóc vì hạnh phúc. Bà khoe, anh P. đã cai nghiện được 3 - 4 năm nay, đang làm phụ lái xe tải nhẹ với người cậu. “Bây giờ, tôi như được hồi sinh. Bà con lối xóm thấy nó đã từ bỏ được ma túy cũng mừng cho gia đình tôi”, bà O. nói. Vừa qua, gia đình bà được hỗ trợ vay 20 triệu đồng theo NQ 25. Với thu nhập từ sạp bán bánh tráng khoảng 2 triệu đồng/tháng, cộng với tiền công của P., hai mẹ con vừa trang trải sinh hoạt, vừa dành dụm để lo trả nợ. “Tôi và con sẽ cố gắng hoàn vốn đúng thời hạn. Gia đình tôi cũng mong được tiếp tục vay vốn để sắm phương tiện cho cháu làm ăn độc lập”, bà O. nói.

 

Một người nghiện ma túy hoàn lương vay vốn mở xưởng cơ khí
Một người nghiện ma túy hoàn lương vay vốn mở xưởng cơ khí


Còn với tài xế D.L (ở TP. Nha Trang), anh không muốn nhắc tới những ngày đen tối trước đây. Anh không muốn mọi người biết về quá khứ u ám của mình, bởi xã hội còn nhiều kỳ thị với những người đã từng sử dụng chất gây nghiện. Bây giờ, anh L. chỉ tâm niệm cố gắng hoàn thành tốt công việc, giữ uy tín với khách hàng...


Ông Trần Quốc Thông - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, tính đến ngày 31-12-2014, trong số 1.028 người nghiện trên địa bàn tỉnh mà trung tâm quản lý, đã có 136 người cai nghiện thành công và có việc làm ổn định. Tỷ lệ này khá khiêm tốn, nhưng nó chứng minh rằng, người nghiện có thể cai nghiện thành công, trở thành người có ích cho xã hội nếu họ thực sự bản lĩnh và được xã hội giang tay giúp đỡ. “Một trong những nguyên nhân tái nghiện chính là người cai nghiện khi trở về cộng đồng không có việc làm ổn định. Trong hành trình trở về, người đã cai nghiện cần được nâng đỡ để họ cảm thấy không ở bên lề xã hội, từ đó sống có ích cho cộng đồng”, ông Thông nói.


H.Q - N.V


 



Ông Trần Quốc Thông - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh: Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên trong cả nước có nghị quyết của HĐND tỉnh về cho vay vốn đối với hộ gia đình có người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi NQ 25 được thực hiện, đã có 32 gia đình có người nghiện và 21 đối tượng mại dâm được vay vốn tạo việc làm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, không có trường hợp tái nghiện.