08:01, 16/01/2015

Mưu sinh mùa gió chướng

Vào mùa gió chướng, sống của những gia đình miền biển thường gặp nhiều khó khăn vì không thể ra khơi. Lúc này, các cơ sở sơ chế hải sản, đan lưới… chính là nơi tạo sinh kế cho nhiều người trong giai đoạn tàu nằm bờ.

Vào mùa gió chướng, sống của những gia đình miền biển thường gặp nhiều khó khăn vì không thể ra khơi. Lúc này, các cơ sở sơ chế hải sản, đan lưới… chính là nơi tạo sinh kế cho nhiều người trong giai đoạn tàu nằm bờ.

 

Công việc sơ chế hải sản đang giúp nhiều chị em miền biển bớt khó khăn.
Công việc sơ chế hải sản đang giúp nhiều chị em miền biển bớt khó khăn.


Cảng cá đìu hiu


Về cảng cá Vĩnh Lương (thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) mùa này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tàu nằm bờ. Cảng cá vắng hoe, thỉnh thoảng có một vài người ra vào cảng để vận chuyển ngư lưới cụ.


Theo người dân địa phương, mùa gió chướng (hay còn gọi là gió Đông - Bắc) thường bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Thông thường, vào khoảng các tháng 10, 11 là thời điểm biển động nhất nên đa số các phương tiện đều nằm bờ, ít ra khơi. Chị Nguyễn Hồng Thanh (thôn Lương Sơn) cho biết: “Cứ vào thời gian này, việc kiếm sống gặp khó khăn hơn. Tôi vốn làm nghề chọn lựa cá ở cảng này, giờ tàu nào cũng nằm bờ nên chẳng có việc làm. Chắc vài bữa nữa tôi theo mấy chị em trong xóm đi tìm việc ở các cơ sở sơ chế hải sản để có thu nhập”.

 
Cảng cá Vĩnh Lương là nơi cập cảng của hàng trăm tàu thuyền mỗi ngày. Ngoài việc giải quyết việc làm cho các ngư dân, cảng cá này còn là nơi kiếm sống cho cả trăm người dân Vĩnh Lương với những công việc liên quan đến vận chuyển cá. Năm nay, biển động kéo dài, cộng thêm với việc sản lượng sụt giảm, hàng loạt tàu thuyền nằm bờ nhiều ngày qua khiến cho nhiều lao động trên cảng cá mất việc, cuộc sống gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Ban quản lý cảng cá Vĩnh Lương cho biết: “Trước đây, mỗi ngày cả trăm chuyến tàu cập cảng, đưa hải sản vào bờ tiêu thụ nên giải quyết được một lượng lao động khá lớn cho địa phương. Giờ đây, mỗi ngày chỉ một, hai chuyến tàu đánh bắt hải sản gần bờ, công việc vận chuyển cá cũng do người thân các chủ tàu tự làm, do đó những người lâu nay mưu sinh trên cảng thất nghiệp. Trong giai đoạn này, người lao động thường tìm việc ở các cơ sở sơ chế hải sản hoặc vá lưới thuê cho các chủ tàu”.


Đắp đổi qua ngày


Ghé qua các cơ sở sơ chế hải sản ở xã Vĩnh Lương, không khí nhộn nhịp hẳn, ở đâu cũng bắt gặp cảnh phụ nữ tất bật bóc mực, xẻ thịt cá đuối... Dù công việc không mang lại thu nhập cao, song với số tiền 70.000 đồng đến 80.000 đồng/ngày cũng đủ để họ trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn.


Bà Trần Thị An (tổ 3 thôn Lương Sơn) cho biết: “5 phụ nữ trong gia đình tôi đều làm việc tại các cơ sở sơ chế hải sản. Mình già rồi, tìm việc gì cũng khó. Giờ chồng, con không đi biển được thì phụ nữ phải tìm việc để phụ giúp cuộc sống gia đình, đỡ được tiền chợ, tiền tiêu vặt”. Còn chị Lê Thị Thu (thôn Văn Đăng 2) nói: “Vợ chồng tôi có 2 cháu nhỏ đang đi học. Mùa này biển động, chồng không ra khơi được nên mọi chi tiêu trong nhà mình phải lo xoay xở. Nhờ có công việc ở mấy cơ sở sơ chế hải sản nên phụ nữ Vĩnh Lương bớt được gánh nặng. Tháng làm đủ công cũng kiếm được khoảng 2,5 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng lo được cuộc sống gia đình”.


Ngoài đi sơ chế hải sản, phụ nữ ở Vĩnh Lương còn đi vá lưới thuê cho các chủ tàu, với tiền công khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng mỗi ngày. Chị Trần Thị Kim Quyên (thôn Cát Lợi) chia sẻ: “Mấy năm trước, vào mùa biển động, chồng không đi biển là cả gia đình thiếu trước, hụt sau. Bây giờ, mẹ con tôi tranh thủ mùa biển động, nhàn rỗi đan lưới thuê cho các tàu cá lớn. Mỗi ngày làm như vậy cũng kiếm được khoảng 70.000 đồng/người. Một tháng 2 mẹ con kiếm hơn 4 triệu đồng, gia đình bớt khó khăn”.


Vào những ngày biển lặng, đàn ông ra biển, đàn bà ở nhà nấu ăn, chăm con. Giờ biển động, các ngư phủ không thể ra khơi, những người mẹ, người vợ đã biết tìm công việc, thay chồng lo toan cuộc sống gia đình. Theo bà Phạm Thu Cúc - chủ cơ sở sơ chế hải sản Thu Cúc, cơ sở của bà không lớn, song mỗi ngày cũng giải quyết được việc làm cho khoảng hơn 50 lao động miền biển.


Hạ Linh - Bích La