06:01, 17/01/2015

Hồn người Ê-đê

Tôi quen anh Y Hy, người Ê-đê, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) từ ngày mới bước chân vào làm báo. Mỗi lần trong buôn làng tổ chức lễ hội, hay nhà có chuyện vui anh đều gọi tôi về chung vui với dân làng.

Tôi quen anh Y Hy, người Ê-đê, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) từ ngày mới bước chân vào làm báo. Mỗi lần trong buôn làng tổ chức lễ hội, hay nhà có chuyện vui anh đều gọi tôi về chung vui với dân làng. Trong những lần như thế, bên ché rượu cần do gia đình tự ủ, tôi được Y Hy và các già làng kể về những nét văn hóa, các tập tục độc đáo của người Ê-đê.

 

Các thiếu nữ Ê-đê giã gạo.
Các thiếu nữ Ê-đê giã gạo


Người Ê-đê và những nét văn hóa độc đáo


Chuyện rằng, đồng bào người Ê-đê di dân từ Đắk Lắk xuống sinh sống ở Ninh Tây từ những năm đầu của thế kỷ XX. Ban đầu, cộng đồng người Ê-đê sinh sống ở thôn Buôn Đung, lâu dần phát triển và hình thành thêm 3 thôn là Buôn Sim, Buôn Lác và Buôn Tương. Hiện xã Ninh Tây có dân số gần 5.300 người với 1.112 hộ, sinh sống ở 7 thôn, trong đó đồng bào Ê-đê có gần 2.700 người, chiếm trên 50% dân số. Theo các già làng, vùng đất Ninh Tây và huyện M’Đrăk (Đắk Lắk) trước đây thuộc huyện Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa, sau năm 1975, M’Đrăk mới sáp nhập với tỉnh Đắk Lắk. Vì thế, đồng bào Ê-đê ở xã Ninh Tây vẫn mang đậm nét văn hóa của người Tây Nguyên.


Anh Y Hy luôn tự hào người Ê-đê có nền văn hóa dân gian phong phú, giàu bản sắc, đáng kể nhất là kho tàng sử thi được lưu truyền trong các buôn làng với mục đích ca ngợi những vị anh hùng như: Đăm San, Đăm Đi, Khing Jú, Dăm Tiông, Xing Nhã... Sử thi Ê-đê là bức tranh sinh động phản ánh lịch sử của người Ê-đê nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, núi rừng và chống kẻ thù xâm lược. “Người Ê-đê quan niệm rằng, mọi vật, hiện tượng trong cuộc sống đều có thần linh. Thế giới thần linh mà người Ê-đê quan niệm được chia làm 2 loại thần thiện và thần ác. Thần thiện luôn giúp đỡ con người nên được mọi người yêu quý, còn thần ác chuyên làm mất mùa, bệnh tật... gây hại cho con người nên bị mọi người xua đuổi” -  Y Hy chia sẻ.

 

Các ché rượu cần của một gia đình đồng bào Êđê. Ảnh Nhân Tâm.
Các ché rượu cần của một gia đình đồng bào Êđê.


Theo già làng Y Lác, ở thôn Buôn Tương, người Ê-đê theo tín ngưỡng đa thần, không thờ vật tổ như các dân tộc khác, nên trong các lễ hội dân gian họ chỉ quan tâm đến phần lễ (nghi thức lễ cúng thần linh) là chính. Các nghi lễ này thường kèm theo các vật hiến tế thần linh như: trâu, bò, heo, gà, rượu cần và diễn tấu cồng chiêng để gọi Yang (trời), với sự tham gia đông đủ của già, trẻ, gái, trai trong cộng đồng, tạo cho nghi lễ rộn ràng, sôi nổi như ngày hội. Hàng năm, lễ cúng thần diễn ra từ tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 năm mới. Dân làng làm lễ cúng cơm mới, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng bến nước và các nghi lễ khác liên quan đến vòng đời con người..., cầu mùa màng tốt tươi, buôn làng yên lành, gia súc đầy đàn. Khi bắt đầu mùa gieo trỉa, nhà nhà cúng thần gió Kăm Agin cầu mong trời yên gió lặng, lúa màu phát triển. Khi lúa bắt đầu xanh nương, cúng thần Aê Diê cầu mong không bị thần ác và thú rừng, chim chuột, sâu bọ tàn phá mùa màng... Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác như: lễ cúng thần lúa, thần đất, cầu mưa... Và đặc biệt, trong các nghi lễ, lễ hội của người Ê-đê, rượu cần là thứ không thể thiếu, là nét văn hóa đặc trưng lưu truyền từ đời này qua đời khác.


Chuyện quanh ché rượu cần


Không biết từ bao giờ, rượu cần là thức uống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Ê-đê ở xã Ninh Tây. Ở đâu có lễ hội, cưới hỏi, mừng thọ, tang ma, khách khứa, bầu bạn... ở đó có rượu cần. Vì thế, dù được mùa hay mất mùa, đồng bào Ê-đê vẫn dành hết phân nửa số lúa thu hoạch được trong năm để làm rượu dù cho họ không mấy dư dả.

 

Anh Y Hy mời bạn bè thưởng thức rượu cần của gia đình.
Anh Y Hy mời bạn bè thưởng thức rượu cần của gia đình.


Những ngày đầu năm mới, tôi về thăm Y Hy, để được thưởng thức và thấm thía hết chất men say của núi rừng qua ché rượu cần của đồng bào dân tộc nơi đây. Y Hy bảo: “Người Ê-đê mình cho rằng, rượu là do Giàng bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, phải như thế thì lời cầu nguyện của mình mới linh nghiệm. Chính vì sự thiêng liêng đó, nên rượu cần được làm khá công phu”.


Theo già làng Y Tài, thôn Buôn Đung, từ xa xưa trong các Trường ca, Anh hùng ca (sử thi) như: Đam San, Xinh Nhã, Đăm Đi... rượu cần đã từng được nhắc đến khi tổ chức hội hè để mừng chiến công. Người Ê-đê hiện vẫn còn lưu truyền 2 câu thơ: Có rượu cần mới biết được việc/Có thuốc lá mới hỏi được câu để nói lên tầm quan trọng của rượu cần trong cuộc sống hàng ngày. “Buôn tôi hầu như nhà nào cũng có rượu cần, rượu cần mà ngon là phải chôn dưới đất cả năm trời, ít nhất cũng khoảng 2 đến 3 tháng thì mới dùng được. Rượu cần đối với người đồng bào Ê-đê chúng tôi quan trọng lắm! Không thể thiếu được!” - già làng Y Tài bộc bạch.


Trong một năm, đồng bào Ê-đê có khá nhiều lễ hội. Vì vậy, người Ê-đê luôn làm rượu cần chưng cất trong nhà, chờ đến mùa lễ hội để mang ra sử dụng. Gia đình nào cũng phải có, ít thì vài ché, nhiều thì hàng chục ché là chuyện bình thường. Cách uống rượu cần của người Ê-đê cũng có nhiều nét hay trong việc dùng nó. Không phải uống sao cũng được, nếu có khách đến nhà thì vấn đề “uống” là cả một nghi thức rườm rà... Anh Nguyễn Minh Trí, cán bộ phụ trách văn hóa xã Ninh Tây cho biết, điều đặc biệt ở đồng bào Ê-đê là họ chỉ dùng duy nhất một ống trúc thông ruột, chiều dài khoảng 1m để uống rượu cần. Khi uống, gia chủ mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước vào ché. Nước đổ vào ché là thứ nước suối trong veo, ngọt sắc, cực kỳ mát lành được lấy từ dòng nước đầu nguồn của buôn làng. Sau khi đọc lời cầu khấn thần (Yang) mong muốn thần mang đến sức khỏe, may mắn, tốt lành. Nữ gia chủ là người uống đầu tiên, sau đó đưa cần trao cho khách. Cần rượu cứ thế được chuyền từ tay người này đến người khác, cho đến khi tàn cuộc vui. “Sở dĩ người Ê-đê chỉ dùng một cần trúc khi uống là thể hiện sự thân mật, gần gũi. Điều đó cho thấy không hề có nghi vấn về bùa ngải, thuốc độc có trong rượu, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho mọi người khi uống rượu. Người Ê-đê rất kiêng cữ khi uống rượu cần mà thả cần giữa chừng, điều đó là mất lịch sự” - anh Trí chia sẻ.


Do đồng bào Ê-đê theo chế độ mẫu hệ nên nghề làm rượu cần chỉ được truyền cho con gái và con dâu, còn đàn ông chỉ biết thưởng thức. Chị H Ri, một người làm rượu cần nổi tiếng ở Ninh Tây chia sẻ, các chất liệu làm nên rượu cần của người Ê-đê đều là sản vật của đất và nước, núi và rừng. Đó là nếp, gạo, bắp, mì, khoai... hòa quyện với chất men được làm từ một số lá cây, rễ cây rừng quý. Người Ê-đê gọi rễ cây đó là Hiam. Rễ cây này cùng với gừng, riềng, ớt... được giã nhỏ, trộn với bột gạo rồi viên thành viên nhỏ để làm men. Sau khi nấu cơm phơi ra nia, men được giả nhỏ rồi trộn đều với cơm và trấu, dàn mỏng rồi đem hong 1 ngày đêm. Sau đó đổ vào ché, lấy lá chuối khô ủ kín, được hạ thổ, ủ càng lâu càng thơm ngon. Lúc nào uống, chỉ cần đổ thêm nước lã chứ không cần chưng cất như rượu đế.


Không ngoa khi nói rằng, ở đâu có rượu cần là ở đó có niềm vui, có tiếng cười và sự giao lưu thân ái. Đồng bào Ê-đê đã coi rượu cần như một biểu tượng của niềm vui, tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày nay, rượu cần ngày càng được nhiều người Việt Nam, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến để thưởng thức, khám phá nét văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn của núi rừng. Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có lẽ chỉ sau cây lúa - biểu tượng cho nền văn hóa nông nghiệp, rượu cần là đặc sản phổ biến thứ hai trong cuộc sống của các dân tộc Việt Nam.


Anh Tuấn