06:10, 22/10/2014

Truyền lửa 23 tháng 10

Những ngày cuối tháng 10, Nha Trang rực rỡ màu cờ đỏ kỷ niệm 69 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 - 23-10-2014). Hôm nay, những cựu binh của mặt trận 23 tháng 10 đang cần mẫn truyền lại nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để tinh thần 23 tháng 10 bất diệt.

Những ngày cuối tháng 10, Nha Trang rực rỡ màu cờ đỏ kỷ niệm 69 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 - 23-10-2014). Hôm nay, những cựu binh của mặt trận 23 tháng 10 đang cần mẫn truyền lại nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để tinh thần 23 tháng 10 bất diệt.


Truyền lửa cho thế hệ trẻ

 

Sáng 20-10, ông Trần Tô - Trưởng Ban liên lạc 23 tháng 10 dậy sớm hơn thường lệ. Hôm đó, ông có buổi nói chuyện về lịch sử chiến dịch 23-10-1945 cho các giáo viên, cán bộ đoàn... tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Thành ủy Nha Trang. Mỗi lần nói chuyện, ông như được sống lại thời khắc lịch sử ấy. Cùng ngày, tại Trường THCS Võ Văn Ký - ngôi trường mang tên liệt sĩ đầu tiên của mặt trận 23 tháng 10 - hàng trăm học sinh và giáo viên đã được “sống lại” không khí hào hùng của những ngày đầu Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến. Đó là buổi ôn lại lịch sử trong lễ chào cờ đầu tuần mà người nói chuyện là nhân chứng sống trong chiến dịch lịch sử - ông Hoàng Thanh Liêm, Phó Ban liên lạc 23 tháng 10.

 

 Ông Hoàng Thanh Liêm nói chuyện về ý nghĩa lịch sử chiến dịch 23-10-1945 cho  học sinh Trường THCS Võ Văn Ký sáng 20-10.
Kể chuyện lịch sử dưới chân tượng đài 23 tháng 10.


“Rạng sáng 23-10-1945, các chiến sĩ của ta chủ động tấn công vào tất cả các vị trí đóng quân của địch như nhà ga xe lửa, nhà đèn (trụ sở điện lực), khu Bình Tân... Tại ga Nha Trang, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký đã anh dũng hy sinh...”, giọng ông Liêm sang sảng kể về chiến dịch. Dưới sân trường, hàng trăm học sinh chăm chú lắng nghe. “Chúng ta kiên cường vây hãm quân địch trong thị xã Nha Trang bằng cách lập các phòng tuyến Chợ Mới - Ngã ba đường sắt (còn gọi là Chợ Mới - Brơ-ten), Cây Da - Quán Giếng... 101 ngày đêm chiến đấu là một chiến công lớn trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững giao thông chi viện cho Nam bộ kháng chiến, làm thất bại ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của địch”, ông Liêm nói tiếp về ý nghĩa mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.

 

Chiến sĩ mặt trận 23-10 cùng nhau ôn lại truyền thống.
Chiến sĩ mặt trận 23-10 cùng nhau ôn lại truyền thống.


Gặp chúng tôi sau buổi nói chuyện, ông Liêm cho biết: “Quá khứ hào hùng của dân tộc là điểm tựa tinh thần để chúng ta vượt qua những lúc khó khăn. Thế hệ trẻ bây giờ nhiều người không biết lịch sử ngày 23 tháng 10, không hiểu đó là ngày gì mà lại có con đường mang tên 23 tháng 10. Nhiệm vụ của chúng tôi, những nhân chứng lịch sử, là phải truyền đạt lại những kiến thức lịch sử hào hùng của địa phương đến thế hệ trẻ. Thấy các cháu tập trung lắng nghe, tôi thực sự cảm động và lấy đó làm động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”. Không chỉ ngày lễ, ngày bình thường ông Liêm cũng thường đến các trường THCS như Trưng Vương, Nguyễn Hiền, gặp gỡ thanh niên các phường trong thành phố để nói chuyện về lịch sử ngày 23 tháng 10, về mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Ông Liêm luôn coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng nhằm giúp thế hệ mai sau luôn tự hào về thế hệ cha ông, từ đó phấn đấu xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.


Theo ông Trần Tô, từ nhiều năm nay, Ban liên lạc 23 tháng 10 đều cử người đến các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang để tuyên truyền cho các thế hệ học sinh thấm nhuần tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc. Đến trường học nào, Ban liên lạc 23 tháng 10 cũng đều tặng cho trường các bộ sách, tài liệu lịch sử về mặt trận 23 tháng 10, tặng bức trướng trích thư Bác Hồ khen ngợi các chiến sĩ miền Nam, chiến sĩ Nha Trang. Đặc biệt, Ban liên lạc còn ký giao ước với các trường về việc phát huy truyền thống cách mạng 23 tháng 10. đến nay, Ban liên lạc 23 tháng 10 đã kết nghĩa với 24 trường THCS, 6 trường THPT và 6 trường tiểu học. “Hiện nay, chúng tôi đều đã tuổi cao sức yếu. Để ngày truyền thống 23 tháng 10 được lưu truyền đến các thế hệ mai sau, chúng tôi phải dựa vào các cấp ủy đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp bồi dưỡng giáo dục học sinh lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược của ông cha”, ông Tô nói.


Chung tay giữ lửa

 

Ngay từ khi thành lập, Ban liên lạc 23 tháng 10 đã kết nối hội viên trong và ngoài tỉnh. Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan xuất bản được 5 tập hồi ký và tư liệu, xây dựng được 11 tấm bia chiến tích - lưu niệm tại Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Ban liên lạc 23 tháng 10 đã tự vận động kinh phí làm bộ phim tư liệu về mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa để lưu giữ cho con cháu sau này... Tất cả cố gắng của những cựu binh là để ngày 23 tháng 10 sống mãi trong lòng các thế hệ trẻ, để tinh thần ngày 23 tháng 10 bất diệt.

 

 Ông Hoàng Thanh Liêm nói chuyện về ý nghĩa lịch sử chiến dịch 23-10-1945 cho  học sinh Trường THCS Võ Văn Ký sáng 20-10.
Ông Hoàng Thanh Liêm nói chuyện về ý nghĩa lịch sử chiến dịch 3-10-1945 cho học sinh Trường THCS Võ Văn Ký sáng 20-10.


Trong hoạt động giữ lửa truyền thống cách mạng 23 tháng 10, Ban liên lạc mặt trận đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Năm 1986, Thành ủy Nha Trang đã cho xuất bản tập sách Nha Trang 23-10-1945. Tập sách gần như là bộ sử đầy đủ làm cơ sở cho việc khai thác tư liệu và các sự kiện. 25 năm sau khi cuốn sách ra đời, Ban liên lạc 23 tháng 10 đã thu thập ý kiến, kiểm tra thêm tài liệu và kiến nghị Thành ủy Nha Trang tái bản cuốn sách để bổ sung, đính chính một số nội dung chưa chính xác. Hiện nay, cuốn sách Nha Trang 23-10-1945 tái bản năm 2011 được coi là bộ chính sử về sự kiện này. Ban liên lạc cũng cung cấp tư liệu để Sở Giáo dục và Đào tạo xuất bản cuốn lịch sử địa phương, trong đó có phần nói về chiến dịch 23 tháng 10. Với đề xuất của Ban liên lạc 23 tháng 10, năm 2005, Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo: Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, Nam Trung bộ hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1947).  


Ngoài những đợt kỷ niệm lớn do tỉnh tổ chức, hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, UBND phường Phương Sài đều phối hợp với Ban liên lạc mặt trận 23 tháng 10 TP. Nha Trang dâng hoa tại tượng đài 23 tháng 10, thăm hỏi các chiến sĩ mặt trận 23 tháng 10. Ông Hoàng Chữ - Chủ tịch UBND phường Phương Sài cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi trên địa bàn phường có công viên 23 tháng 10 lưu dấu sự kiện ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến. Ngoài những ngày lễ, mỗi khi có dịp, chúng tôi đều nhắc nhở thế hệ trẻ phải giữ ngọn lửa truyền thống cách mạng...”.


Cùng với phường Phương Sài, Trường THCS Võ Văn Ký cũng làm tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cô Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký cho biết, thầy và trò nhà trường luôn cảm thấy tự hào khi được dạy và học trong ngôi trường mang tên anh hùng Võ Văn Ký. Hàng năm, trường đều tổ chức kỷ niệm ngày 23 tháng 10, mời đại diện Ban liên lạc 23 tháng 10 đến nói chuyện với giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cho học sinh làm vệ sinh, dâng hương ở công viên và tượng đài 23 tháng 10; cử đại diện ban giám hiệu, hội phụ huynh và học sinh đi viếng mộ liệt sĩ Võ Văn Ký tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thăm và tặng quà những chiến sĩ 23 tháng 10 nay đã già yếu... Vài năm trở lại đây, thầy trò nhà trường còn tổ chức đi thăm gia đình anh hùng Võ Văn Ký ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa. “Trách nhiệm của thầy cô là thông qua các tiết học, truyền đạt được sự kiện và ý nghĩa lịch sử ngày 23-10-1945, sự hy sinh anh dũng của anh hùng Võ Văn Ký đến các thế hệ học trò, để các em hiểu và tự hào về thế hệ cha ông. Trách nhiệm đó không phải đến ngày 23 tháng 10 hàng năm chúng tôi mới làm mà được thực hiện thường xuyên, có hệ thống”, cô Thủy chia sẻ.


VĂN KỲ - XUÂN THÀNH