06:10, 08/10/2014

Quay quắt mùa mía

Khoảng 2 tháng nữa, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ bước vào ép mía niên vụ 2014 - 2015. Thế nhưng, hiện nay, hàng ngàn héc-ta mía của vùng mía thị xã Ninh Hòa phát triển èo uột, còi cọc. Người nông dân nơi đây đang phải đối mặt với một mùa vụ thất bát.

Khoảng 2 tháng nữa, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ bước vào ép mía niên vụ 2014 - 2015. Thế nhưng, hiện nay, hàng ngàn héc-ta mía của vùng mía thị xã Ninh Hòa phát triển èo uột, còi cọc. Người nông dân nơi đây đang phải đối mặt với một mùa vụ thất bát.

 


Èo uột ruộng mía


Về vùng mía Ninh Hòa, đi giữa bạt ngàn những cánh đồng mía đường, đâu đâu cũng bắt gặp những ruộng mía vàng khè, xém lá. Sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng không hiểu sao ruộng mía nào cũng thấp lè tè, thân cao chưa quá vài lóng. Dọc tuyến đường liên xã qua vùng mía Ninh Thượng, những ruộng mía còi cọc liên tiếp hiện ra. Gặp ông Nguyễn Văn Thùy (thôn Tân Hiệp, xã Ninh Thượng) được biết, gia đình ông hiện có 5ha mía 9 tháng tuổi, nếu theo lịch còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch, nhưng toàn bộ diện tích đều không phát triển được. Mọi năm vào thời điểm này, thân mía đã cao khoảng 1m, nhưng năm nay cây nào cao nhất chỉ mới được 3 lóng (khoảng 0,3m). Chỉ tay vào vạt mía đang xém lá, ông Thùy than vãn: “Mía cứ như thế này thì năm nay lỗ thê thảm. Cũng chăm bón như vụ trước, nhưng cây nào cũng teo tóp, vàng úa không lên được. Nếu cứ như thế này, cuối vụ chắc chỉ thu được cỡ 30 tấn/ha. Mùa trước đã lỗ, mùa này chắc lỗ gấp đôi. Tiền thuê nhân công, hơn trăm triệu tiền đầu tư của nhà máy không biết lấy gì để trả”.

 

Người dân đứng ngồi không yên vì mía vàng úa, chậm phát triển.
Người dân đứng ngồi không yên vì mía vàng úa, chậm phát triển.


Tình trạng mía còi cọc chậm phát triển diễn ra hầu hết ở những vùng mía của thị xã Ninh Hòa. Đi qua các xã Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Thượng... nơi đâu người nông dân cũng bồn chồn lo lắng. Thời điểm thu hoạch mía đã cận kề, nhưng cây mía phát triển èo uột, những vạt mía cứ úa vàng, chết dần chết mòn. Nhiều ruộng mía đã chết gần 50% diện tích. Bà Phạm Thị Chút (thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim) cuốc bỏ những phần mía chết trên diện tích 5ha, nói: “Vụ trước gia đình tôi làm 10ha, nhưng lỗ quá nên vụ này chỉ làm 5ha. Tưởng đâu vụ này kiếm ít tiền để trả nợ, nhưng 6 tháng rồi mà cây mía không phát triển được, nơi thì vàng úa, chỗ thì chết. Những chỗ mía chết nhiều, gia đình đã phá bỏ để trồng đậu, may còn vớt vát được chút đỉnh. Năm nay chắc chắn sẽ thua lỗ hơn năm trước. Kiểu này rồi cũng phải bán bớt đất mía thì mới có tiền trả nợ”.  


Đâu là nguyên nhân?


Nếu như những năm trước, giờ này bà con đã thôi chăm sóc thì năm nay, nhiều người vẫn còn phải lăn lộn ngoài đồng “tiếp sức” cho mía với hy vọng có thể nâng cao được phần nào năng suất. Qua trao đổi với nhiều hộ dân trồng mía, họ khẳng định năng suất, sản lượng mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa niên vụ 2014 - 2015 sẽ giảm mạnh.


Lý giải về nguyên nhân mía chậm lớn và bị chết, anh Trần Xuân Thiện (thôn Bắc, xã Ninh Tân) cho rằng, mía tại thị xã Ninh Hòa chủ yếu được trồng trên vùng bán sơn địa. Cây mía phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời, rất ít diện tích chủ động được nguồn nước tưới. Năm nay, thời điểm cây mía trổ chồi, đẻ nhánh, vươn lóng đều gặp thời tiết nắng hạn khiến cây không phát triển được. Bên cạnh đó, do trời không mưa nên việc chăm sóc, bón phân cho mía cũng không thực hiện được. Vì vậy, tuy nhiều ruộng mía chỉ còn 2 tháng nữa là thu hoạch, nhưng cây chỉ phát triển được 5 - 7 lóng thay vì 15 - 17 lóng như trước. Được biết, năm nay, gia đình anh Thiện trồng 6ha mía, hầu hết đều đã trồng được 7 - 8 tháng, nhưng đi khắp ruộng không có cây mía nào cao quá ngực. Viễn cảnh một niên vụ mía nữa thất bại đang đến rất gần. “Phá mía bây giờ không được mà để thì cầm chắc lỗ vốn. Thôi thì vớt vát được đồng nào hay đồng nấy, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chắc sang năm tôi phải tính chuyện trồng cây khác để kiếm tiền trả nợ”, anh Thiện tâm sự.

 

1
Những ruộng mía đã 6 tháng tuổi nhưng cứ oặt ẹo không phát triển


Góp thêm câu chuyện về nắng hạn khiến cây mía chết, anh Nguyễn Ngọc Dũng (thôn Trung, xã Ninh Tân) cho chúng tôi biết, hơn 1,5ha mía lưu gốc của gia đình anh đã chăm sóc được hơn 6 tháng nhưng chỉ cao chưa đến 0,5m. Không chỉ do nắng hạn, diện tích mía của gia đình anh còn bị sùng đất phá hoại đến 80% diện tích. Cây mía bị sùng đất cắn rễ, nguồn dinh dưỡng từ đất bị cắt nên lá vàng và khô dần, mía chết lúc nào không hay. “Ban đầu, tôi cứ nghĩ do hạn hán, mía thiếu nước nên như thế chứ đâu ngờ còn sinh thêm dịch bệnh khiến diện tích bị thiệt hại càng lớn hơn” - anh Dũng nói.


Ngoài sùng đất còn phát sinh các loại dịch bệnh khác. Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh trắng lá mía, do Phytolasma là tác nhân gây bệnh; hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, những diện tích bị nhiễm loại bệnh này chỉ còn nước cày bỏ để tránh lây lan. Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho biết: “Qua khảo sát thực tế, bệnh phát sinh ở hầu hết các giống mía; mạnh nhất trong điều kiện nắng nóng kéo dài, trên những vùng đất khô cằn, thiếu nước, bón phân không đầy đủ, chế độ chăm sóc không đảm bảo. Đến nay, có 1.000ha trong tổng số 8.800ha mía nguyên liệu của Công ty tại Khánh Hòa bị nhiễm bệnh trắng lá mía. Theo dự tính, năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu của Công ty năm nay chắc chắn sẽ thấp”. 

   
Mong được trợ lực


Theo ông Đỗ Duy Phê, cán bộ phụ trách nông nghiệp của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trong số 11.800ha mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa thì có đến khoảng 2.000ha bị thiệt hại do sâu bệnh, nghiêm trọng nhất là bệnh trắng lá mía. Hầu hết diện tích còn lại do nắng hạn nên cây mía chậm phát triển. “Niên vụ mía này, ngoài 1.000ha mía ở gần các ao hồ, sông, suối chủ động được nguồn nước tưới có thể duy trì được năng suất hơn 53 tấn/ha như năm trước. Những diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước trời chắc chắn năng suất sẽ giảm khoảng 25 - 30%, những diện tích bị bệnh trắng lá năng suất còn thấp hơn nữa. Niên vụ 2014 - 2015, được dự báo tiếp tục là một niên vụ hết sức khó khăn đối với người nông dân trồng mía. Vì vậy, ngoài các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do bệnh trắng lá mía (4 triệu đồng/ha mía bị thiệt hại hơn 70% diện tích, 2 triệu đồng/ha mía bị thiệt hại 30 - 70% diện tích) thì các nhà máy đường cũng nên có sự chia sẻ, hỗ trợ cho người nông dân để ổn định vùng nguyên liệu”, ông Phê nói.

 

Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho biết: Công ty đang xây dựng kế hoạch để đầu vụ ép mía tập trung thu mua mía nguyên liệu từ vùng mía Đắk Lắk trước, vùng mía thị xã Ninh Hòa sẽ thu mua sau để bà con có thêm thời gian chăm sóc mía nhằm nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, Công ty còn hỗ trợ thêm cho bà con về phân bón, công lao động. Không chỉ vậy, Công ty còn có chính sách bảo hiểm chữ đường, trợ giá mua mía đầu vụ để người trồng mía giảm bớt thiệt hại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, hầu hết các hộ trồng mía ở Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Thượng... đều cho rằng niên vụ mía sắp tới, nông dân trồng mía sẽ từ hòa đến lỗ vốn. Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Toàn (xã Ninh Thượng), với những diện tích mía lưu gốc, số tiền đầu tư mất khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha, mía tơ tiền đầu tư khoảng 50 - 55 triệu đồng/ha; bây giờ năng suất chỉ còn khoảng 30 - 35 tấn/ha, giá bán mía khoảng 860.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường thì thua lỗ là đã rõ. Vì vậy, các hộ trồng mía rất mong được Nhà nước hỗ trợ, được các nhà máy đường chia sẻ khó khăn. “Điều khiến tôi lo lắng nhất là đã nhận đầu tư của Nhà máy Đường Ninh Hòa cho 6ha mía với hơn 120 triệu đồng, tới đây mía không đạt sản lượng sẽ lấy gì để bù vào? Chắc phải tính đến chuyện bán bớt đất mía để trả nợ rồi chuyển diện tích còn lại sang trồng cây khác có lợi hơn” - anh Toàn tâm sự.


Để xử lý diện tích mía bị bệnh trắng lá, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa đã có thông báo về việc xử lý diện tích mía bị bệnh, trong đó khuyến cáo bà con tuyệt đối không sử dụng giống của những ruộng mía bị bệnh để trồng; riêng những diện tích bị thiệt hại dưới 50% nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân bổ sung, tưới nước kịp thời; diện tích bị thiệt hại hơn 50% nên cày phá bỏ ngay, luân canh một vụ cây họ đậu để cải tạo đất, trồng lại mía tơ vào cuối năm và có chính sách khuyến khích bằng tiền mặt, giảm lãi suất để bà con thực hiện.


Đi giữa vùng mía Ninh Hòa, nhìn những vạt mía đang úa tàn theo thời gian, chúng tôi hiểu người nông dân nơi đây đang phải đối mặt với một mùa vụ thất bát. Dù chính quyền thị xã và doanh nghiệp đang tìm mọi cách để trợ lực cho người dân, song tương lai về vụ mía 2014 - 2015 khá ảm đạm.


Bích La - Đình Lâm