11:10, 03/10/2014

Dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm sú giống: Đầu tư... từ đâu?

Dự án xây dựng vùng sản xuất và kiểm định tôm sú giống tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa có quy mô khá hoành tráng, rộng trên 64 ha, mang theo bao kỳ vọng cho người dân địa phương. Nhưng sau hơn 10 năm có quyết định đầu tư, qua một lần di dời địa điểm, đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" chờ đầu tư.

Dự án xây dựng vùng sản xuất và kiểm định tôm sú giống tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa có quy mô khá hoành tráng, rộng trên 64 ha, mang theo bao kỳ vọng cho người dân địa phương. Nhưng sau hơn 10 năm có quyết định đầu tư, qua một lần di dời địa điểm, đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” chờ đầu tư.


Dự án tiền tỷ


Năm 2003, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) quyết định đầu tư 15,7 tỷ đồng xây dựng “Dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm sú giống” phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng tại xã Cam Lập, thị xã Cam Ranh trên diện tích 50ha, giao cho Sở Thủy sản Khánh Hòa (nay là Sở NN-PTNT) làm chủ đầu tư.

 

3. Dự án tiền tỷ nay làm nơi chăn bò.
Dự án tiền tỷ nay làm nơi chăn bò.


Mục đích của dự án là xây dựng một khu sản xuất tôm sú giống chất lượng cao và xây dựng khu kiểm dịch tôm bố mẹ, tôm sú giống trước khi bán ra thị trường. Theo đó, mỗi năm khu sản xuất này sẽ cung cấp cho thị trường 8 - 10 tỷ con tôm sú giống; tổ chức quản lý, lưu giữ, nghiên cứu công nghệ giống bố mẹ, tái sản xuất các giống gốc, giống thuần chủng cho các trại giống cấp tỉnh, huyện và các cơ sở sản xuất giống phục vụ những người nuôi tôm. Thời điểm đó, phong trào nuôi tôm sú tại Khánh Hòa và cả nước đang phát triển rầm rộ, nhu cầu con giống chất lượng cao, sạch bệnh rất bức thiết. Vì thế, dự án được đánh giá là một quyết định có tầm chiến lược, được các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa ủng hộ rất cao.


Năm 2004, do vùng ven biển xã Cam Lập bị thay đổi quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Thủy sản, thống nhất di dời dự án đến xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Ngoài việc thỏa thuận nâng tổng diện tích dự án lên 64ha, UBND tỉnh còn quyết định sẽ đầu tư xây dựng đường giao thông nối từ xã Ninh Phước sang xã Ninh Vân để triển khai thuận lợi. Năm 2005, công tác quy hoạch thực hiện xong, nhưng mãi đến năm 2009 công tác đền bù hỗ trợ cho 195 hộ dân trong vùng dự án mới hoàn tất.


Tuy mang đến bao kỳ vọng cho người dân địa phương nhưng, đáp lại sự kỳ vọng đó là hình ảnh bất động của dự án, “đắp chiếu” chờ đầu tư. Trong khi 64ha đất sản xuất lúa của người dân bị bỏ hoang, hàng trăm hộ dân ở xã Ninh Vân không có đất sản xuất.


Mỏi cổ chờ dự án “treo”


Nhắc tới dự án, người dân trong xã ai cũng lắc đầu ngao ngán. Ông Võ Mừng, một người dân ở thôn Đông nói: “Khi dự án triển khai, thú thật người dân trong vùng không ai mặn mà lắm. Bởi vùng đất 64ha bị thu hồi là toàn bộ diện tích trồng lúa của cả xã. Cánh đồng này thời kháng chiến là nơi sản xuất lương thực để nuôi cách mạng; vì dự án phải giao đất nhưng chúng tôi cũng xót lắm! Song, nghĩ cho sự phát triển của địa phương, tương lai con cháu sau này nên người dân chấp nhận giao đất. Tưởng đâu địa phương sẽ sớm có một khu sản xuất tôm giống bề thế, ai ngờ giờ vẫn chỉ là một khu vực hoang hóa”.


Theo ông Trà Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân, toàn xã có 495 hộ với gần 2.000 nhân khẩu nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 47ha đất sản xuất. Hiện 195 hộ bị thu hồi đất sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn vì  không có đất sản xuất trong khi đất bị thu hồi lại bỏ hoang nhiều năm. Trước tình hình đó, UBND xã đã nhiều lần xin phép cho người dân mượn đất dự án để sản xuất nhưng Sở NN-PTNT không chấp nhận. Điều này khiến người dân không đồng tình, họ phản ứng rất gay gắt trong những lần đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri. Bà Võ Thị Khu (ở thôn Đông) bức xúc: “Gia đình tôi bây giờ chẳng còn tấc đất để làm ăn. Không biết mấy ổng làm ăn kiểu gì, đất thu rồi lại bỏ hoang, trong khi người dân mượn đất sản xuất thì không đồng ý. Mỗi lần họp cử tri, chúng tôi đều kiến nghị lên thị xã, lên tỉnh, rồi sau đó nhận được trả lời dự án gần triển khai. Từ khi thu hồi đến giờ, nếu để cho người dân chúng tôi mượn tạm đất thì làm ra không biết bao nhiêu lúa gạo rồi”.


Tan hoang dự án


Trước khi bị thu hồi, 64ha đất nông nghiệp dành cho dự án có địa hình khá bằng phẳng, nhưng do chậm triển khai, không ai quản lý nên giờ đây trở nên hoang tàn, nham nhở.

 

Bãi cát ven biển bị người dân đào nham nhở.
Bãi cát ven biển bị người dân đào nham nhở.


Đi giữa bạt ngàn đất dự án bỏ hoang, chúng tôi không còn nhận ra những cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu năm xưa. Đất bị đào bới khắp nơi, chi chít những ao, hồ, hố lớn, hố nhỏ. Trong vòng 2 năm trở lại đây, việc khai thác đất trong khu vực dự án diễn ra tự phát và nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương. Tại khu vực đồng Lớn, đồng Bé, đất nông nghiệp bị khai thác nham nhở. Hàng ngàn mét khối đất đã bị người dân sử dụng phương tiện thô sơ và cơ giới lấy đi nhằm phục vụ cho việc cải tạo đất để trồng tỏi. Gặp ông Trần Anh Vũ (người dân thôn Đông) khi ông đang đi tìm địa điểm lấy đất chuẩn bị cho vụ tỏi mới, ông thật thà chia sẻ: “Do đất nông nghiệp ở Ninh Vân quá thiếu và xấu nên chúng tôi phải cải tạo những khu đất hoang hóa trước đây để trồng tỏi. Muốn trồng được loại cây này, người dân phải cải tạo bằng cách nâng nền đất. Biết là đất dự án, nhưng không ai quản lý, nên người trong làng vô tư ra đây lấy đất”.

 

Đất dự án bị người dân khai thác tan hoang.
Đất dự án bị người dân khai thác tan hoang.


Chính vì nhu cầu sản xuất nên người dân ở đây đang khai thác đất vô tội vạ, dẫn đến đất bị biến dạng và xâm phạm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, để trồng tỏi, người dân còn lấy cả cát dọc bãi biển ở xóm Cây Bàng (cũng nằm trong dự án) về phục vụ cho việc cải tạo đất sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, hàng ngàn mét khối cát ở khu vực này đã bị người dân lấy đi. Nguy hiểm hơn, toàn bộ diện tích cát bị khai thác nằm sát bờ biển nên nguy cơ bị biển xâm thực và nhiễm mặn cho khu vực đất ở phía trong rất cao. Ông Trần Văn Tuấn, người dân thôn Tây bức xúc: “Thấy người ta dùng máy múc cát một cách ngang nhiên, chúng tôi ngăn chặn thì họ nói đất dự án ai có quyền cấm; báo chính quyền thì cũng chỉ được vài hôm họ lại tiếp tục khai thác”.


Có điều lạ, mặc dù đất của dự án bị cày xới khắp nơi, song dường như suốt một thời gian dài chủ đầu tư không hề có phương án để bảo vệ. Chính vì buông lỏng quản lý nên chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, đất của dự án trở nên tan hoang. Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân thừa nhận: “Việc người dân lén lút khai thác đất, cát trái phép chúng tôi biết, song đây là khu vực do Sở NN-PTNT quản lý nên chúng tôi rất khó xử lý. Chúng tôi cũng đã báo cáo vấn đề này với Sở NN-PTNT. Do nhu cầu sản xuất nên tình trạng khai thác đất, cát chưa thể xử lý dứt điểm. Hiện địa phương đã có thông báo nghiêm cấm tất cả các phương tiện khai thác đất, cát trên địa bàn xã, song xử lý tận gốc thì trách nhiệm thuộc về chủ dự án”.

 

Nhiều người dân tự ý rào đất dự án để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Nhiều người dân tự ý rào đất dự án để sử dụng vào mục đích cá nhân.


“Khoác áo mới” cho dự án


Ông Quách Thanh Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi thủy sản ven bờ và Sự phát triển bền vững cho biết, Dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm sú giống hiện nay được chuyển sang tiểu dự án của Dự án Nguồn lợi thủy sản ven bờ và Sự phát triển bền vững. Trước đây, dự án này thuộc ngân sách Nhà nước đầu tư, nay chuyển sang dùng vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới. Do vay vốn của Ngân hàng Thế giới nên họ có một số tiêu chí riêng, buộc mình phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Theo đó, dự án này có số vốn đầu tư 90 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Mỗi khu trại có diện tích khoảng 2ha, thay vì 300 - 600m2 như trước kia. Khi làm xong cơ sở hạ tầng, sẽ tuyển chọn những cá nhân, doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư sản xuất. Riêng phần nhà xưởng và đầu tư con giống do các cá nhân, doanh nghiệp tự lo, còn Nhà nước có bộ phận kiểm định chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra của con giống.


Cũng theo ông Sơn, thời gian vừa qua dự án bị chậm là do không có vốn; nay đã vay được vốn của Ngân hàng Thế giới, đang tiến hành điều chỉnh, khi nào xong sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến cuối năm 2014 sẽ cho mở thầu xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Việc dự án bị người dân xâm chiếm, khai thác đất, ông Sơn cho biết: “Sở có nắm được vấn đề này nhưng do không đủ người để bám trụ ngoài Ninh Vân để giữ đất nên việc ngăn chặn không hiệu quả. Vừa qua, Sở đã có văn bản nhờ UBND xã Ninh Vân giúp đỡ giám sát, ngăn chặn người dân địa phương khai thác đất trái phép và họ đồng ý. Thời gian tới, khi dự án xây dựng, có tường rào bao lại, chắc chắn tình trạng này sẽ chấm dứt”.


Tuy đã được “khoác chiếc áo mới”, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào dự án không hề dễ dàng. Bởi bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu quá lớn, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp đang lao đao với nghề sản xuất tôm sú giống. Dự án này sẽ ra sao, hiệu quả như thế nào thì câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Anh Tuấn - Đình Lâm