10:10, 14/10/2014

Còn đâu rừng ngập mặn?

Rừng ngập mặn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được xem là khu rừng bần cổ thụ quý nhất Việt Nam. Thế nhưng, chỉ vì lợi ích trước mắt mà hàng chục héc-ta rừng đang bị người dân chặt phá để xây nhà, làm đìa nuôi tôm.

Rừng ngập mặn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được xem là khu rừng bần cổ thụ quý nhất Việt Nam. Thế nhưng, chỉ vì lợi ích trước mắt mà hàng chục héc-ta rừng đang bị người dân chặt phá để xây nhà, làm đìa nuôi tôm.


Nhà dân, đìa tôm lấn rừng

 

Thôn Tuần Lễ không chỉ nổi tiếng với đặc sản dừa, nơi đây còn có khu rừng ngập mặn với những cây bần hàng trăm năm tuổi, thân cây to 2 người ôm không xuể. Những cây bần ở đây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, do chính những người dân địa phương chặt phá. Dọc tuyến đường dài 3km dẫn vào thôn, bên diện tích đất rừng ngập mặn có hàng trăm ngôi nhà dân được xây kiên cố. Cùng với đó là những con đường ngang băng qua đìa tôm đang lấn dần vào rừng, làm cho diện tích rừng vốn đã nhỏ nay lại càng bị teo tóp.

 

1

Những cây bần cổ thụ bị người dân đổ đất, cát lấn át trồng dừa.

 


Ông Lê Công Đường (thôn Tuần Lễ) cho biết, gia đình ông từ tỉnh Hà Nam vào đây sinh sống đã gần 30 năm. Trước đây, khu này bạt ngàn những cây bần xum xuê, tươi tốt mọc dày đặc. Từ ngày chính quyền địa phương cấp đất cho người dân làm đìa nuôi tôm thì hoạt động khai phá, xâm lấn rừng ngập mặn diễn ra thường xuyên, công khai. Gia đình ông cũng như bao hộ khác theo đó lấn dần vào đất rừng để mở mang diện tích. “Thấy nhà hàng xóm lấn được, gia đình tôi cũng thuê xe chở đất, cát lấn đôi chút để xây nhà, làm vườn. Đến nay, diện tích đất của gia đình tôi khoảng 500m2”, ông Đường nói.


Không chỉ lấn chiếm để dựng nhà, người dân còn chặt phá rừng ngập mặn để trồng dừa, do những năm gần đây, dừa Tuần Lễ nổi tiếng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Thâm nhập những khu vườn dừa, chúng tôi thấy hàng chục cây bần cổ thụ nằm xen lẫn với những cây dừa mới trồng. Thiếu nước nên những cây bần cổ thụ này đều bị rỗng ruột, đang chết dần từng ngày. “Tôi thấy, những cây ngập mặn này không đem lại lợi nhuận gì thì để cho người dân chặt bỏ để trồng dừa còn có lợi hơn. Nhà tôi đã trồng được hơn 50 cây dừa và đang cho thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng” - ông Đường cho hay.

 

Đìa nuôi tôm đang lấn vào rừng ngập mặn.
Đìa nuôi tôm đang lấn vào rừng ngập mặn.


Cùng với đó, các đìa tôm được mở rộng và lấn vào rừng ngập mặn. Những con rạch đưa nước từ biển vào rừng giờ ngày một thu hẹp. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, phong trào nuôi tôm trên bạt phát triển mạnh, những đồi cát bên kia đường được người dân ngày đêm đào, múc để san lấp rừng ngập mặn, cải tạo những đìa tôm cũ. Sau đó, chính nước thải từ những đìa tôm này xả trực tiếp ra khu rừng ngập mặn, làm cho cây rừng bị chết khô. Chỉ tay về phía khu đìa nuôi tôm, bà Lê Thị Ngọc Diễm (thôn Tuần Lễ) ngao ngán: “Trước đây rừng ngập mặn phát triển um tùm, nguồn lợi hải sản và các loại chim, cò về đây sinh sống, trú ngụ đông đúc. Nhưng từ ngày phong trào nuôi tôm phát triển thì khu rừng bị xâm chiếm với tốc độ chóng mặt. Nước thải từ hoạt động nuôi tôm làm cho môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giờ đây, mở cửa nhà để hóng gió biển thì lại hứng trọn mùi hôi thối từ các đìa tôm xộc vào”.

 

1
Rừng ngập mặn Tuần Lễ đang chết dần, chết mòn do tình trạng lấn đất rừng.


Chính quyền buông lỏng quản lý


Để bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ, năm 2001, UBND tỉnh đã có văn bản giao trách nhiệm cho huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thọ tiến hành trồng và bảo vệ khu rừng. UBND huyện Vạn Ninh cũng đã lập bản đồ quy hoạch 20ha, phân vùng, kiểm kê số cây còn sống và treo bảng để quản lý. Biện pháp trước mắt là tháo các đường ngang cho nước thủy triều vào trong rừng, giao cho các hộ dân trong thôn quản lý rừng dưới hình thức mỗi hộ 0,5ha với mức hỗ trợ chăm sóc là 40.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, những việc làm này của chính quyền địa phương chỉ duy trì được vài năm. Hậu quả là, từ một khu rừng có khoảng 450 cây bần cổ thụ hơn trăm năm tuổi, đến nay chỉ còn vài chục cây và hầu hết đều bị rỗng ruột, đang chết dần, chết mòn.


Theo báo cáo của xã Vạn Thọ, hiện trong khu rừng ngập mặn Tuần Lễ có hơn 50 hộ dân lấn rừng để xây nhà, trồng dừa và làm đìa nuôi tôm. Một người dân cho biết: “Biết lấn rừng ngập mặn là sai quy định, nhưng thấy ai cũng lấn nên gia đình tôi làm theo để lấy đất xây nhà. Bao nhiêu năm làm ăn, tích cóp được chút ít nên gia đình tôi quyết định xây nhà kiên cố và khi xây, tôi không xin phép chính quyền địa phương”.


Khi chúng tôi hỏi có biện pháp nào xử lý đối với những hộ dân lấn đất rừng, ông Nguyễn Ngọc Thông, cán bộ địa chính xã Vạn Thọ cho biết: “Chúng tôi có biết người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất để làm nhà, trồng dừa nhưng bất lực. Bởi mỗi ngày họ đổ 1 thúng đất, lâu dần thành một diện tích rộng khó có thể kiểm soát được. Khi đã có đất, lúc đầu họ chỉ dựng tạm lều, sau một thời gian có điều kiện và lợi dụng chính quyền sơ hở thì họ làm nhà kiên cố. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã lập biên bản xử lý 7 hộ xây nhà trái phép, nhưng không yêu cầu họ ngừng xây, tháo dỡ mà vẫn tạo điều kiện cho họ cất nhà ở”. Ngay cả những hộ mở đường ngang qua rừng ngập mặn đi ra đìa tôm, chính quyền địa phương cũng không quản lý chặt chẽ mà để mặc cho người dân chặt cây, đắp đường. “Xã cấp đìa cho 88 hộ nuôi tôm nhưng lại không làm đường ra đìa, không có đường thì chúng tôi phải chặt cây mở đường, đây là lỗi của địa phương”, ông Đường nói.


Được biết, để bảo vệ rừng ngập mặn, chính quyền xã Vạn Thọ đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người (chủ yếu là người dân). Đồng thời, hàng năm cấp 18 triệu đồng làm kinh phí cho các tổ hoạt động. Không biết hoạt động của 6 tổ bảo vệ này hiệu quả đến đâu, nhưng nhìn vào thực tế thì diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp. Một người dân ở đây cho biết, chính một số thành viên tổ bảo vệ rừng lại là người chặt cây, lấn rừng!


Ông Võ Thành Chi, cán bộ lâm nghiệp xã Vạn Thọ cho biết: “Tình trạng người dân lấn rừng đã diễn ra nhiều năm nay. Là cán bộ chuyên môn, tôi cũng chỉ biết tham mưu các biện pháp bảo vệ, xử lý tình trạng người dân lấn rừng, còn quyết định là do lãnh đạo địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này, chẳng lẽ chúng tôi phải ra đó ôm từng gốc cây để trông coi, bảo vệ?”.


Khẩn cấp bảo vệ rừng

 

Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Rừng ngập mặn Tuần Lễ là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là rừng bần cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Chính vì vậy, trước thực trạng rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn cấp có phương án bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ

Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, rừng ngập mặn Tuần Lễ có vai trò rất quan trọng. Ngoài chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng, gió bão, đây còn là cái nôi để cho các loại thủy sinh trú ngụ sinh sản. Thế nhưng, áp lực từ sinh kế của người dân khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Không những thế, hậu quả của việc nuôi tôm trên bạt còn làm ô nhiễm môi trường, khiến hàng trăm cây bần cổ thụ, cây đước chết dần, chết mòn.


Ông Lê Văn Khả, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: “Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ là của chính quyền xã Vạn Thọ. Theo tôi, để bảo vệ khu rừng này, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu quy hoạch một khu tái định cư để di dời số hộ dân này đến nơi ở mới. Có như vậy, may ra rừng ngập mặn Tuần Lễ mới tránh được tình trạng bị lấn chiếm, hủy hoại”.


Giờ đây, những ai đi qua khu rừng ngập mặn Tuần Lễ cũng đều cảm thấy xót xa trước cảnh người dân chặt phá rừng một cách công khai. Rừng ngập mặn Tuần Lễ liệu còn tồn tại được bao lâu? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng.


VĂN GIANG - MẠNH HÙNG