10:09, 30/09/2014

Teo tóp đất rừng Ninh Tây...

Chỉ trong vòng nửa tháng, hơn 50ha đất rừng sản xuất của Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa bị 53 hộ dân ở buôn Lác, buôn Sim (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chiếm dụng. Hiện nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...

Chỉ trong vòng nửa tháng, hơn 50ha đất rừng sản xuất của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa bị 53 hộ dân ở buôn Lác, buôn Sim (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chiếm dụng. Hiện nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại...


Ngang nhiên chiếm đất


Dọc theo triền núi Chơ Hích ở buôn Lác, gần 200ha rừng keo mới được thu hoạch, phần đất này vừa được phát dọn các loại thực bì nên lộ ra những khoảnh đất màu mỡ. Tuy ai cũng biết đây là đất của BQLRPH Ninh Hòa, nhưng hàng chục hộ dân của buôn Lác, buôn Sim vẫn đến chiếm những vạt đất đẹp ở đây để trỉa bắp. Mỗi hộ tự tạo mốc giới, chiếm dụng đất bất hợp pháp.

 

1
Việc chiếm đất vẫn chưa dừng lại.


Men theo con đường mòn đến những khu vực rừng bị chiếm đầu tiên, chúng tôi bắt gặp gia đình bà H’ Biên (người Ê Đê) đang nhổ cỏ cho vạt bắp đã mọc lên khoảng 1 gang tay. Thấy người lạ, bà H’ Biên đảo mắt nhìn, rồi nói: “Ơ, đất nhà mình trồng bắp, đến đây làm gì? Đi chỗ khác để cho mình còn làm”. Nói đoạn, bà H’ Biên tiếp tục vung dao chặt những chồi keo đang nhú lên trên vạt bắp, nhưng mắt vẫn nhìn với vẻ đầy nghi ngại. Khi được hỏi, đất của BQLRPH sao lại chiếm, bà H’ Biên nói những lời bất cần: “Đất lâm trường (ý nói đất của BQLRPH) thì kệ. Hồi trước, mấy ông trồng keo, nay keo chặt rồi thì mình trồng bắp. Phải làm vậy mới có ăn, chứ lâu nay làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Khu này, nhà mình mới làm được 2,6ha, đợi vài ngày nữa có bắp sẽ trỉa tiếp”.


Trò chuyện với ông Nguyễn Kỷ - nhân viên của BQLRPH Ninh Hòa, người đi cùng chúng tôi, ông cho biết: “Trường hợp như gia đình bà H’ Biên không phải là cá biệt. Hiện nay, cả khu vực này đã có tới 53 hộ chiếm đất rừng phòng hộ. Chỉ trong vòng nửa tháng, hơn 50ha đất rừng keo vừa thu hoạch đã bị người dân buôn Lác và buôn Sim chiếm dụng”. Chỉ tay về phía bạt ngàn đất rừng đã bị chiếm, ông Kỷ nói thêm: “Trước năm 2000, khu vực này lô nhô đá, cỏ tranh khắp nơi. Khi UBND tỉnh giao cho BQLRPH Ninh Hòa, ít ai nghĩ khu vực này sẽ thành rừng, có cho chắc cũng không người dân nào dám làm. Sau nhiều cố gắng của BQLRPH, toàn bộ gần 200ha đất rừng đã được cây keo bao phủ. Đầu năm 2014, cây keo cho thu hoạch; sau đó, BQLRPH đã cho phát đốt để chuẩn bị trồng lại vụ keo mới trên toàn bộ diện tích này. Vậy mà...”. Nói đến đây, ông Kỷ thở dài ngao ngán. Bởi giờ đây, làm sao có thể trồng được rừng khi những nơi đẹp nhất đã bị người dân chiếm hết. Số diện tích đất rừng bị chiếm dụng nằm xen trong khoảng 90ha đất trồng rừng, tạo thành những vệt loang lỗ da beo. Nếu bây giờ trồng keo chắc chắn sẽ bị người dân lén nhổ bỏ đi. Thậm chí, nếu không có sự chuẩn bị, rất dễ xảy ra xung đột giữa người chiếm đất với công nhân trồng rừng.

 

1
Cây bắp trên đất rừng đã lên xanh tốt.


Được biết, tình trạng người dân chiếm đất bắt đầu vào cuối tháng 8. Khi đó, chỉ có vài gia đình nên chủ rừng còn vận động được. Nhưng từ đầu tháng 9, mấy chục hộ dân cùng tràn vào chiếm đất, trỉa bắp. Tính đến ngày 29-9, BQLRPH thống kê được 53 hộ dân chiếm đất rừng. Tuy nhiên, có mặt tại thực địa, chúng tôi nhận thấy tình trạng chiếm đất rừng chưa có dấu hiệu dừng lại.


Những lý lẽ khó chấp nhận


Dọc khu vực suối Dẽ, vòng qua núi Ông Cai, giữa bạt ngàn đất rừng của Tiểu khu 64, đi tới đâu cũng có sự hiện diện của người dân buôn Lác, buôn Sim ngang nhiên chiếm đất rừng. Phía dưới những gốc keo còn sót lại lô nhô trên đất, những vạt bắp đã bắt đầu vươn cao. Bên cạnh những khoảng đất đã trỉa bắp, người dân tiếp tục chiếm thêm những khoảnh đất khác cũng trong phạm vi đất rừng của BQLRPH Ninh Hòa. Thấy người này làm được, người khác cũng làm theo. Rừng phát quang đến đâu, người dân ra chiếm đến đó.


Thấy một tốp người đang nghỉ ngơi sau khi tạo đường ranh để chiếm đất trỉa bắp, chúng tôi ghé vào tìm hiểu. Y Bùi (ở buôn Sim) người còn đẫm mồ hôi tỏ ra khó chịu: “Hỏi làm gì, người ta làm được thì mình làm được. Anh em mình làm 5ha rồi. Nhà nước đã thu hoạch keo nên mình lấy đất để trồng bắp, làm mía…”. Anh trai Y Bùi là Y Tới cũng nói chen vào: “Lâm trường ăn một vụ keo rồi, giờ để bọn mình làm. Xã đã họp tuyên truyền không được chiếm đất rừng, nhưng bọn mình không đồng ý”.


Trong số hơn 10 hộ được hỏi, hộ nào cũng nói “đây là đất của cha ông mình”; có khi, họ lại nói không có đất sản xuất thì lấy đất rừng làm rẫy, lâm trường làm được thì người dân làm được… Đem chuyện này trao đổi với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã khẳng định: “Diện tích đất này đã được UBND tỉnh ra quyết định giao cho BQLRPH Ninh Hòa từ năm 1998 và cấp quyền sử dụng đất năm 1999. Chúng tôi đã đề nghị người dân phải dừng mọi hoạt động phát dọn, sản xuất trong khu vực đất do BQLRPH quản lý”. Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND thị xã đã thành lập tổ công tác đến hiện trường tìm hiểu sự việc, đồng thời mời các hộ dân lên UBND xã Ninh Tây để tuyên truyền, vận động; thế nhưng, người dân vẫn không chấp nhận, tiếp tục lấn chiếm trái phép. Khi đoàn công tác đến vận động, họ đưa ra những lý lẽ rất khó chấp nhận và không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí, đoàn công tác còn bị những người chiếm đất ngăn cản, mắng chửi khi khảo sát thực địa.

 

Keo của Ban quản lý Rừng phòng hộ mua về nhưng không còn đất để trồng.
Keo của Ban quản lý Rừng phòng hộ mua về nhưng không còn đất để trồng.


Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây không đồng tình với ý kiến người dân cho rằng vì thiếu đất nên họ chiếm đất: “Hiện nay, có 53 hộ đã trỉa bắp trên đất của BQLRPH Ninh Hòa quản lý. Trong số đó, chỉ có 8 hộ cận nghèo, còn lại là các hộ có cuộc sống trung bình và khá. Tất cả các hộ này không thiếu đất sản xuất. Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, dừng mọi hoạt động đốt, phát dọn trên phần đất BQLRPH Ninh Hòa quản lý. Hiện nay, địa phương chỉ có 36 hộ thiếu đất sản xuất. UBND thị xã đã lên phương án thu hồi đất tại khu vực thùng Cửa Sổ với tổng diện tích 18ha để giao cho 36 hộ này”.


Chưa có phương án khả thi


Mấy tuần qua, BQLRPH Ninh Hòa như ngồi trên đống lửa. Theo kế hoạch, có gần 200ha đất chuẩn bị trồng rừng, nhưng do người dân chiếm đất nên có đến 120ha không thể thực hiện. Được biết, số tiền đầu tư để phát dọn, mua cây giống khoảng hơn 9 triệu đồng/ha. Nếu không xuống giống được trên diện tích này thì thiệt hại sẽ lên đến hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa bức xúc: “Phần đất bị người dân lấn chiếm là phần đất UBND tỉnh giao, cấp sổ cho BQLRPH. Vì vậy, không thể coi đây là phần diện tích đất đang tranh chấp giữa Ban với các hộ dân được. Chúng tôi kiến nghị cấp trên có chủ trương xử lý rõ ràng. Để triển khai trồng rừng trên diện tích đã trồng bắp, cần vận động người dân trả lại đất để Ban trồng rừng; hoặc người dân phải ký cam kết để Ban trồng rừng xen với phần trồng bắp, đến khi thu hoạch bắp xong, người dân phải trả lại diện tích đất này để chúng tôi chăm sóc rừng trồng”. Theo ông Hà, trong trường hợp các hộ này thực sự thiếu đất sản xuất, UBND thị xã Ninh Hòa cần kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương thu hồi đất của Ban, lập phương án phân chia đất sản xuất cho các hộ thiếu đất. “Tình trạng người dân lấn chiếm đất của BQLRPH ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi không loại trừ khả năng có kẻ xấu đứng sau xúi giục người dân những việc làm sai trái. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, cơ quan chức năng cần phải điều tra nhằm ổn định tình hình” - ông Hà nói.

 

Lán trại của người dân  nằm ngay trong phần đất của Ban quản lý Rừng phòng hộ.
Lán trại của người dân nằm ngay trong phần đất của Ban quản lý Rừng phòng hộ.

 

Ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Trước mắt, UBND thị xã chỉ đạo xã Ninh Tây phối hợp với BQLRPH Ninh Hòa giải quyết sự việc này một cách hài hòa theo hướng: chủ rừng tiếp tục đầu tư trồng rừng trên diện tích này để đảm bảo tiến độ trồng rừng và giảm thiệt hại; đối với diện tích bắp người dân đã lỡ trồng thì tiếp tục để chăm sóc cho đến khi thu hoạch xong. Sau đó, nếu người dân có nhu cầu về đất sản xuất, UBND thị xã sẽ trình UBND tỉnh xem xét.

Được biết, mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa đã tổ chức họp các ban, ngành liên quan để tìm phương án tháo gỡ. UBND thị xã chọn 2 phương án: Phương án thứ nhất là yêu cầu người dân trả lại đất để BQLRPH tiếp tục trồng rừng; phương án thứ hai là vẫn để người dân trỉa bắp và chủ rừng vẫn trồng rừng theo thiết kế, đồng thời thuê người dân chăm sóc diện tích keo này, khi keo lớn, người dân trả lại đất cho chủ rừng.

 

Tuy nhiên, trong số những hộ dân mà chúng tôi gặp, dường như không ai đồng ý với các phương án mà UBND thị xã đưa ra. Bởi thực tế, những hộ này không thiếu đất sản xuất. Khi chiếm đất, họ đã nghĩ tới giá trị mấy chục triệu đồng/ha đất hơn là việc trồng trọt trên mảnh đất ấy…  


Chưa bao giờ tình trạng người dân ngang nhiên chiếm đất rừng ở Ninh Tây lại trở nên nóng như lúc này. Nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, không chỉ rừng sản xuất, mà ngay cả rừng nguyên sinh cũng sẽ bị xâm chiếm. Việc dùng dằng trong cách giải quyết sẽ tạo ra những hệ lụy vô cùng lớn.



Đình Lâm - Bích La