09:09, 28/09/2014

Phá rừng căm xe để… trồng mía

Tuy chủ rừng và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp bảo vệ nhưng từ nhiều năm nay, rừng tự nhiên căm xe hàng chục năm tuổi ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn bị tàn phá tan hoang.

Tuy chủ rừng và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp bảo vệ nhưng từ nhiều năm nay, rừng tự nhiên căm xe hàng chục năm tuổi ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn bị tàn phá tan hoang. Điều đáng nói, tình trạng phá rừng xảy ra đã lâu, song chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng vẫn đang lúng túng trong việc xử lý... 


Rừng bị “gặm” dần


Rừng tự nhiên căm xe ở xã Ninh Tây mùa này xanh tốt. Nhưng ở ven rừng hoặc những nơi sát rẫy mía của người dân, hàng loạt cây căm xe cao lớn trơ trụi lá, chết đứng và mục dần theo thời gian. Từ trên cao nhìn xuống, rừng căm xe đang bị xâm hại nặng nề, những ruộng mía xen lẫn với rừng cây loang lổ từng mảng như da beo. Thật khó để thống kê đầy đủ về số lượng cây căm xe bị chết, bởi chúng không bị phá hàng loạt mà phần lớn bị xâm hại theo kiểu “chết dần chết mòn”.

 

Hàng loạt cây căm xe trong rẫy mía bị chết.
Đường vào vùng lõi rừng căm xe


Trên dọc con đường đi vào vùng lõi rừng, chúng tôi bắt gặp la liệt những thân cây bị băm vằm sát gốc. Có cây còn bị đốt gốc, cháy nham nhở và chết đứng từ bao giờ. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, rừng căm xe Ninh Tây bị phá không phải để lấy gỗ, mà nhằm mục đích chiếm đất làm rẫy, trồng mía. Len lỏi trong rừng, không khó để chúng tôi bắt gặp những rẫy mía của người dân. Hỏi thăm một người dân đang trên đường đi lên rẫy, anh cho biết: “Những rẫy mía đó là của người dân ở xã Ninh Tây. Ban đầu chỉ có vài sào, sau cứ mở rộng dần lên đến vài héc-ta. Người ta lấy đất rừng để trồng mía, bởi đất trong rừng căm xe rất tốt. Trong rừng căm xe phải có hơn chục rẫy mía. Muốn hỏi về những rẫy mía ấy, tìm gặp thằng Cao Sao, Cao Dương mà hỏi”.


Thật vậy, không như mía được trồng ở vùng lân cận, các rẫy mía ở trong rừng căm xe phát triển xanh tốt, nhờ đất ở đây khá phì nhiêu. Cũng chính vì đất tốt cộng với việc mía được giá (những năm 2010 - 2011) nên người dân Ninh Tây đổ xô vào rừng căm xe để phá rừng, chiếm đất trồng mía. Diện tích mía được mở rộng tới đâu là cây căm xe bị “bức tử” đến đó. Ở bên cạnh tất cả các rẫy mía, nơi nào cũng có vài cây căm xe đang trút lá, trơ đét thân đứng phơi giữa trời, chờ ngày mục đổ.

 

1
Hàng loạt cây căm xe trong rẫy mía bị chết.


Chúng tôi tìm đến nhà Cao Sao ở thôn Buôn Tương trong vai những người tìm mua đất trồng mía. Ban đầu, anh ta tỏ vẻ thăm dò, nhưng khi biết chúng tôi không phải là người của cơ quan chức năng nên chia sẻ: “Rẫy mía rộng 0,8ha ở giữa rừng căm xe kia là của gia đình tôi. Tôi trồng mía ở đó được 3 năm rồi. Ban đầu diện tích chỉ 0,6ha thôi, sau cây căm xe bị chết nên diện tích cứ rộng dần ra”. Chúng tôi thắc mắc: “Cây căm xe sống dai, rất khó chết khô, sao nhiều cây ven rẫy mía bị chết như vậy?”. Cao Sao giải thích: “Thực ra, căm xe đâu dễ chết như vậy, ở các rẫy mía giữa rừng, diện tích cứ lớn dần là do người ta ken gốc cho cây chết dần, phần để mở rộng thêm diện tích, phần để mía phát triển. Cây khi bị ken gốc không chết ngay mà vài tuần sau lá mới bắt đầu khô và chết. Một lần chỉ làm vài cây thôi, nếu mình ken nhiều sẽ gây chú ý; còn nếu mang máy cưa vào hạ cây, họ (lực lượng bảo vệ rừng - PV) sẽ biết và tìm đến ngay”. Cao Sao còn bật mí thêm: “Đất ở đây, lúc đầu đều là của người đồng bào địa phương, nhưng giờ đây phần lớn đã được người Kinh mua lại”. Cao Sao bảo chúng tôi, nhà anh ta chỉ còn ít đất nên không thể bán được, rồi chỉ cho chúng tôi sang nhà Cao Dương ở cùng thôn để hỏi.

 

1
Rừng căm xe bị “giết” mòn bằng cách này.


Sang nhà Cao Dương, chúng tôi mới biết do kẹt tiền nên anh ta vừa bán 1,5ha đất trồng mía trong rừng với giá chưa đến 10 triệu đồng; bây giờ anh chỉ còn lại đám rẫy với diện tích nhỏ để làm chứ không bán nữa. Nói về rẫy mía vừa bán, Cao Dương tiếc nuối: “Nếu không kẹt tiền tôi sẽ không bán đất ấy đâu. Bởi trồng mía trong rừng căm xe năng suất rất cao. Chỉ cần phát dọn, cuốc đất trồng mía xuống, chẳng bỏ công chăm sóc mà năng suất cũng đạt đến 80 tấn/ha; còn trồng mía ở những vùng khác thì phải đầu tư nhiều mới đạt được con số này”. Hỏi Cao Dương có biết hộ nào muốn bán đất mía hay hợp tác cùng trồng mía trong rừng, anh ta lắc đầu bảo: “Trong rừng có mía của nhiều hộ nhưng tôi nghĩ không đến lượt các anh đâu; còn hợp tác để trồng mía thì người Kinh và người Raglai mình làm mấy năm nay rồi, muốn mua hay hợp tác trồng thì phải đợi thêm một thời gian nữa”.


Vào những hộ dân khác ở các thôn Buôn Tương, Suối Mít... để hỏi mua đất rẫy trong rừng căm xe, đến đâu chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Người dân cho biết, tất cả đất rẫy trong rừng căm xe hoặc đã bán hoặc họ dành lại để canh tác. Hiện vẫn còn một số người có đất đã “dọn” hết căm xe nhưng vì chính quyền làm căng nên phải lén lút phát dọn, một thời gian nữa mới trồng mía được.


Chưa có biện pháp đủ mạnh


Rừng căm xe đang bị “gặm nhấm” từng ngày. Nếu không có biện pháp bảo vệ thì chỉ vài năm nữa, quần thể rừng tự nhiên căm xe ở Ninh Tây sẽ biến mất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi biện pháp đưa ra đều chưa mang lại hiệu quả.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa (chủ rừng căm xe) cho biết: “Tình trạng người dân xã Ninh Tây phá rừng căm xe để lấy đất sản xuất diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Sở dĩ tình trạng kéo dài là do chưa có biện pháp đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm. Từ năm 2012 đến nay, số tiền phạt đối với những người xâm hại rừng đã lên đến 300 triệu đồng, song vẫn chưa thu được đồng nào. Còn các quyết định xử lý hành chính thì đã hết hiệu lực. Đã vậy, một số đối tượng vi phạm nặng và có dấu hiệu hình sự thì đến nay vẫn chưa thể khởi tố. Thực tế, để bảo vệ rừng căm xe không thể chỉ dựa vào chủ rừng mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành”. Ông Hà đề xuất: “Đối với những trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng cần phải cưỡng chế thi hành đối với các đối tượng vi phạm hành chính; tiến hành khởi tố, xét xử lưu động các đối tượng vi phạm hình sự để răn đe kẻ khác”.


Những trăn trở và đề xuất mà ông Nguyễn Công Hà đưa ra thực chất không phải là mới. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa đã nhiều lần tìm cách giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đưa ra, nhiều lần xử phạt, rừng căm xe vẫn bị “chết” dần theo thời gian. Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho hay: “Tình hình xâm lấn rừng căm xe đến nay đã giảm, song vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những người phá rừng căm xe chủ yếu là các hộ dân ở ven bìa rừng. Trong số các hộ dân này, không có một hộ nào thiếu đất theo quy định”. Ngoài ra, hầu hết rừng căm xe phân bố trên địa hình đất bằng phẳng, gần khu dân cư, giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ. Hiện nay, lợi ích từ cây mía mang lại rất lớn, do đó, không ít hộ dân đã xâm lấn đất rừng để trồng mía. Ngoài ra, do căm xe là gỗ quý nên thời gian gần đây, nhiều người đã vào rừng đốn hạ. “Tuy 600 hộ dân trong xã đã ký cam kết không chặt phá, lấn chiếm đất rừng, nhưng nhiều hộ vẫn tiếp tục vi phạm. Giờ cũng không biết phải làm thế nào để có thể xử lý dứt điểm tình hình này. Đã có nhiều phương án đưa ra, song hiện vẫn chưa có phương án tối ưu”, ông Tuyên nói.


Có ý kiến cho rằng, sở dĩ việc phá rừng căm xe kéo dài suốt một thời gian dài là do người dân thiếu đất sản xuất. Vậy nhưng, theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa: “Các hộ phá rừng, lấn chiếm đất rừng căm xe không có hộ nào thiếu đất sản xuất. Hiện trên địa bàn xã Ninh Tây chỉ có 36 hộ dân thiếu đất sản xuất. Thị xã đã lập phương án để bố trí đất sản xuất cho các hộ dân này tại khu vực Thùng Cửa Sổ với diện tích 18ha, dự kiến những hộ thiếu đất sẽ được bố trí 0,5ha/hộ đất sản xuất”.


Từ 600ha, nay rừng căm xe chỉ còn khoảng 300ha, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp mạnh tay thì rừng căm xe bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian.


Đình Lâm - Bích La



Ông Nguyễn Khương - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho hay: Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng của chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa - PV). Trước mắt, phải thống kê toàn bộ diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa việc vận động người dân không tiếp tục phá rừng căm xe. Về phía Chi cục Kiểm lâm, chúng tôi đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa phải phối hợp chặt chẽ với chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng căm xe. Để bảo vệ được rừng căm xe, cần phải có biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất; trước mắt cần khởi tố, đưa ra xét xử 4 trường hợp vi phạm vượt khung xử lý vi phạm hành chính.