Những ngôi nhà dài (mô phỏng nhà truyền thống của đồng bào Raglai) được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng hiện đang bị… bỏ quên vì những lý do khác nhau. Thực tế này đang diễn ra ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Những ngôi nhà dài (mô phỏng nhà truyền thống của đồng bào Raglai) được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng hiện đang bị… bỏ quên vì những lý do khác nhau. Thực tế này đang diễn ra ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Nhà dài ở thôn Tha Mang trong tình trạng bỏ hoang. |
Cách đây gần 5 năm, từ nguồn vốn Chương trình cận Tây Nguyên, huyện Khánh Sơn được cấp 1,6 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng 400 triệu đồng, huyện đã xây dựng 4 ngôi nhà dài làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho 4 thôn: A Pa 2 (xã Thành Sơn), Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) và Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc). Thế nhưng…
Lãng phí tiền tỷ
Ngôi nhà dài ở thôn A Pa 2 sau thời gian được xã trưng dụng, nay đang bỏ không. |
Nằm bên tuyến Tỉnh lộ 9, ngôi nhà dài ở thôn Tha Mang bị cỏ dại mọc um tùm từ ngoài cổng vào đến tận chân nhà. Bà Nguyễn Thị Hoàng - người dân sống cạnh nhà dài cho biết, lúc mới khánh thành, đội mã la của thôn cũng đôi ba lần ra đây sinh hoạt. Nhưng từ đó đến nay, ngôi nhà bị bỏ hoang và cũng không thấy ai lui tới. Cây cỏ mọc um tùm vì không có ai dọn dẹp. Bên trong ngôi nhà trống không, hai chiếc quạt trần lâu ngày không sử dụng nên mạng nhện, bụi bám đầy. “Trước đây, người dân còn đưa bò vào buộc ở nhà dài, nhưng thời gian này được xã nhắc nhở nên không thấy nữa. Nhà bỏ không, nhưng người dân mỗi lần họp thôn lại phải xuống nhà cộng đồng cũ để họp. Ngôi nhà đẹp thế mà để không thật phí!”, bà Hoàng chia sẻ.
Quang cảnh bên trong ngôi nhà dài thôn Tha Mang. |
Tương tự là ngôi nhà dài ở thôn Tà Gụ. “Lúc nghe xã thông báo xây nhà dài, gia đình tôi đã tình nguyện hiến đất cho xã làm. Có được một công trình phục vụ sinh hoạt của bà con trong thôn là điều rất vui. Tiếc thay, từ khi xây xong đến nay lại bỏ không”, ông Cao Lê Dân - thôn Tà Gụ cho biết. Ngôi nhà được xây dựng trên một ngọn đồi, cách xa mặt đường, dân cư thưa thớt. Xung quanh nhà chưa có hàng rào, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong ngôi nhà có vài bộ bàn ghế và một cái bảng, nhưng đều bị bụi phủ kín. Theo bà Bo Bo Thị Yến - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, sau khi ngôi nhà hoàn thành, xã bố trí cho Đội thanh niên tình nguyện lên đó ở. Nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, Đội thanh niên tình nguyện giải thể nên ngôi nhà đành để không. “Lúc xây dựng nhà dài, xã không có quỹ đất để làm nên vận động người dân hiến đất. Nhà xây xong, xã cũng không có kinh phí để làm tường rào, làm sân nên đành để vậy”, bà Bo Bo Thị Yến chia sẻ.
Cỏ dại mọc um tùm ở ngôi nhà dài thôn Tà Gụ. |
Ngôi nhà dài ở thôn A Pa 2 được xây dựng trong khuôn viên UBND xã Thành Sơn. Sau khi nhà xây xong, tuy đã được bàn giao cho thôn quản lý, sử dụng, nhưng vì xã thiếu chỗ làm việc cho các đoàn thể nên ngôi nhà dài này được trưng dụng. Mới đây, xã đã bố trí được chỗ làm việc cho các đoàn thể, nên ngôi nhà dài này lại bỏ không. “Việc sử dụng ngôi nhà làm trụ sở làm việc cho các đoàn thể là sai mục đích, nhưng lúc đó xã bí chỗ làm việc quá nên mượn tạm. Cũng nhờ thế mà nhà ít bị xuống cấp, hư hỏng”, ông Vũ Văn Thuy - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.
Trong số 4 ngôi nhà dài kể trên, chỉ có ngôi nhà dài ở thôn Tà Lương là phát huy được hiệu quả. Ngôi nhà được xây dựng ngay trên vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng cũ, lại được thị trấn Tô Hạp đầu tư xây dựng sân, tường rào khá khang trang. Khi chúng tôi đến, trên tường của ngôi nhà dài còn dán danh sách những người để bầu vào vị trí trưởng thôn. Theo ông Mấu Ngách - Trưởng thôn Tà Lương, từ khi có ngôi nhà dài này, cứ định kỳ 3 tháng 1 lần, thôn lại tổ chức họp dân. Chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, Mặt trận cũng định kỳ tổ chức họp ở đây. Thỉnh thoảng, thị trấn lại vào mượn địa điểm tổ chức các hoạt động văn nghệ phục vụ bà con trong thôn.
Ngôi nhà dài ở thôn Tà Lương là trường hợp duy nhất đang được sử dụng đúng mục đích. |
Làm gì để phát huy?
Khi tìm hiểu về số phận của những ngôi nhà dài ở Khánh Sơn, chúng tôi luôn băn khoăn đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng các ngôi nhà dài chưa phát huy được hiệu quả? Đó có thể là do việc chọn vị trí xây dựng nhà chưa phù hợp; do cơ chế quản lý, sử dụng nhà còn bất cập; hay do sự lúng túng trong việc định ra các hoạt động cụ thể được tổ chức trong nhà dài... Đem những băn khoăn đó trao đổi với ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi nhận được những chia sẻ rất chân tình: “Khi xây dựng phương án xin kinh phí để xây dựng nhà dài, mong muốn của huyện là mang về cho cơ sở một công trình hữu ích đối với nhân dân. Tuy nhiên, khi giao về cho xã, xã giao lại cho thôn nên đến nay hầu hết các ngôi nhà dài đều đang bị rơi vào quên lãng. Tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này, bởi Khánh Sơn là một huyện nghèo mà lại có những công trình không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí”.
Cũng theo ông Mấu Thái Cư, trong câu chuyện về việc sử dụng những ngôi nhà dài này, đáng lẽ Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở, huyện cần có sự chung tay vào cuộc. Ở những địa phương có nhà dài, các chương trình sinh hoạt, tập huấn, văn hóa văn nghệ… cần ưu tiên đưa vào nhà dài để thực hiện. Phía xã, thôn cũng cần quan tâm đến việc sử dụng công năng của nhà dài vào các hoạt động mang tính chất cộng đồng. “Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát lại và đề nghị xã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể tổ chức, sử dụng nhà dài. Định hướng cho các ngành của huyện chủ động quan tâm khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ được ưu tiên tổ chức tại nhà dài”, ông Mấu Thái Cư cho biết thêm.
Trước thực trạng hiu hắt của những ngôi nhà dài, một số xã cũng đã có ý tưởng để phát huy giá trị của nhà dài. Theo ông Vũ Văn Thuy, lãnh đạo xã Thành Sơn đã nghĩ tới việc sưu tầm các hiện vật như gùi, nỏ, đàn đá, đàn chapi, mã la, các loại công cụ sản xuất, bếp lửa truyền thống của người Raglai… để dựng lại mô hình nhà ở của đồng bào Raglai. Sau này, khi trụ sở xã chuyển về chỗ mới, nơi đây sẽ trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa của người dân thôn A Pa 2 nói riêng và của người dân toàn xã nói chung.
Xã Sơn Hiệp cũng có ý tưởng biến ngôi nhà dài này thành một điểm tham quan và là nơi tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch khi đến tham quan danh thắng thác Tà Gụ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng san đất làm sân sạch sẽ ở khu vực nhà dài. Xã cũng sẽ thành lập đội văn nghệ, đội mã la và đưa họ đến tập luyện, biểu diễn ở đây. Trước mắt là để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân, sau này sẽ biểu diễn phục vụ khách du lịch”, bà Bo Bo Thị Yến chia sẻ.
Những ý tưởng về việc sử dụng, phát huy giá trị của nhà dài có thể sẽ thành hiện thực trong thời gian tới nếu các cấp, ngành quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt, những xã, thôn có nhà dài cần cắt cử người đến dọn dẹp, phát quang cỏ dại, sắp xếp lại đồ đạc cho ngôi nhà được sạch sẽ. Nếu cứ để tình trạng nhếch nhác như hiện nay thì sẽ khó nói đến chuyện phát huy.
NHÂN TÂM