"Lấy chồng từ thuở mười ba. Đến năm mười tám thiếp đà năm con…" - chuyện tưởng chừng chỉ có trong ca dao ấy đang diễn ra ở xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong 2 năm (2013 - 2014) xã có 46 trường hợp tảo hôn, trong đó có những trường hợp lấy chồng khi mới 10, 13 tuổi...
“Lấy chồng từ thuở mười ba. Đến năm mười tám thiếp đà năm con…” - chuyện tưởng chừng chỉ có trong ca dao ấy đang diễn ra ở xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong 2 năm (2013 - 2014) xã có 46 trường hợp tảo hôn, trong đó có những trường hợp lấy chồng khi mới 10, 13 tuổi...
Thực trạng tảo hôn ở xã Cam Thịnh Tây đang diễn biến phức tạp. |
Vợ chồng trẻ con
Câu chuyện tưởng như đùa nhưng có thật vừa xảy ra ở xã Cam Thịnh Tây. Khoảng giữa tháng 8, đám cưới của hai gia đình chú rể Mang Cướng (sinh năm 1996, 15 tuổi) và cô dâu Thị Liêng (sinh năm 2004, 10 tuổi) ở thôn Sông Cạn Trung đã khiến chính quyền xã hết sức bất ngờ và đau đầu. Tuy chính quyền, đoàn thể xã đã đến tận nơi tuyên truyền, vận động… nhưng đám cưới vẫn được tiến hành.
Tuy được tuyên truyền vận động nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở xã Cam Thịnh Tây. |
Nửa tháng sau khi đám cưới diễn ra, chúng tôi đến nơi ở của cặp vợ chồng nhí này. Trong căn nhà của ba mẹ Thị Liêng, dòng chữ “Trăm năm hạnh phúc” dán trên tường vẫn còn mới tinh nhưng cặp vợ chồng này đã theo ba mẹ lên rẫy cả tuần chưa về. Già làng Bo Bo Thê Nai (thôn Sông Cạn Trung), cho biết: “Già ở gần gia đình Thị Liêng, trước khi đám cưới diễn ra già có đến nhà chỉ ra cái dở của việc tảo hôn với cha mẹ con bé. Nhưng họ không nghe, họ nói tụi nó thương nhau thì cho cưới thôi. Già giận lắm! Con bé còn nhỏ, như cái cây mới nhú cành, làm sao làm vợ, làm mẹ được?”. Còn ông Nguyễn Hữu Tọa, Bí thư xã Cam Thịnh Tây nói: “Khi tôi biết thì chuyện đã xảy ra rồi. Bây giờ chỉ còn biết vận động hai cháu sau khi cưới đến trạm xá để được tư vấn phòng tránh thai, đợi khi đủ tuổi sinh nở mới có con để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Khi các bạn cùng tuổi cắp sách tới trường thì Thị Hải phải ở nhà chăn dê, chăm con do tảo hôn sớm |
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà em Mấu Thị Kim Phượng (14 tuổi, ở thôn Thịnh Sơn). Kim Phượng lấy chồng năm 13 tuổi, giờ là mẹ của đứa con 3 tháng tuổi. Lúc chúng tôi đến, Phượng đang nằm võng hát đưa con ngủ bằng tiếng Raglai. Thấy có khách, Phượng lật đật ngồi dậy cột lại mớ tóc rối. Đứa trẻ bị đặt xuống đột ngột nên khóc thét, đôi bàn tay trẻ con của Phượng luống cuống ẵm con, vụng về cho con bú. Do không biết cách ẵm, cách cho bú nên đứa trẻ cứ ằng ặc khóc, Phượng đành đưa mắt cầu cứu bà ngoại. Nằm trên đôi tay, nghe tiếng hát ru của bà, đứa trẻ mới thôi khóc. Khuôn mặt vẫn còn đầy nét trẻ con, Phượng hồn nhiên cho biết, em không nhớ đám cưới mình tổ chức tháng nào, chỉ nhớ năm ngoái khi đang học dở lớp 8 thì em nghỉ học để lấy chồng. “Chồng em là Mang Sưa năm nay 19 tuổi ở thôn Sông Cạn Trung. Gặp nhau vài lần, ưng bụng nên tụi em xin ba mẹ cho cưới. Cưới xong, chồng theo ba mẹ lên rừng phát rẫy trồng bắp, khi nào con lớn, em cũng theo chồng lên rẫy làm”, Phượng nói.
Do cưới trước tuổi quy định nên các cặp vợ chồng trẻ con này vẫn chưa thể làm giấy đăng ký kết hôn, dù có cặp đã sinh con.
Chồng đi rẫy, con còn nhỏ nên Thị Kim Thủy phải ở nhà trông con và cháu. |
Làm mẹ khi chưa đến tuổi vị thành niên
Lấy chồng sớm, không biết cách phòng tránh thai, nên hầu hết các cặp tảo hôn ở xã Cam Thịnh Tây đều có con khi chưa đến tuổi vị thành niên.
Mấu Thị Kim Phượng lấy chồng ở tuổi 13. |
Mới 35 tuổi nhưng anh Măng Khem - thôn Thịnh Sơn đã có đứa cháu ngoại 5 tháng tuổi. Ẵm cháu trên tay, anh than: “Năm ngoái, đang học lớp 8, con gái mình nghỉ học đòi lấy chồng. Mình cũng rầy la dữ lắm vì nó mới có 15 tuổi, chồng 18 tuổi nhưng tụi nó nói ưng nhau hung rồi. Thôi thì trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, mình cũng đành cho chúng nó lấy nhau. Vợ chồng nó còn nhỏ đâu biết làm gì, mình phải dẫn thằng rể lên rừng phát rẫy trồng bắp. Bây giờ 6 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào bắp, tiền làm thuê hàng ngày của mình. Khổ lắm!”. Nói rồi, anh gọi đứa con gái về giữ con. Làm mẹ ở tuổi 15 nên Mang Thị Kim Lạnh trông già hơn so với các bạn cùng lứa, hỏi Lạnh có buồn khi giờ này các bạn cắp sách đến trường, còn mình ở nhà trông con… Lạnh cười hồn nhiên cho biết, em không buồn vì không thích đi học, còn chăm em bé thì nhờ mẹ, nhờ dì gần nhà. Nói rồi, cô bé địu con sang nhà hàng xóm chơi với mấy người bạn.
16 tuổi, Mang Thị Kim Lạnh đã là mẹ của đứa con 5 tháng tuổi. |
Lấy chồng và làm mẹ năm 16 tuổi, Thị Hải - thôn Sông Cạn Trung trông nhỏ hơn so với tuổi của mình. Hôm chúng tôi đến nhà, vợ chồng Thị Hải và Măng Ngường (20 tuổi) vừa ăn cơm xong, đứa con được người dì đưa võng ru ngủ trước hiên nhà. Thị Hải cho hay, gặp nhau được 3 tháng, thương nhau nên cuối năm 2013, hai đứa xin bố mẹ cho cưới. Cưới nhau, không tiền, không của cải, 2 vợ chồng phải ở nhờ nhà bố mẹ. Để có cái ăn, hàng ngày chồng Hải đi làm thuê, làm mướn, bữa nào nghỉ làm thì lên rẫy tỉa bắp cùng ba mẹ, riêng Hải thì sáng, chiều đi chăn bê của gia đình. Đứa con lúc thì Hải địu đi chăn cùng, có khi gửi mẹ, dì chăm giúp. Nhìn khuôn mặt còn vương nhiều nét trẻ con, ít ai nghĩ Hải đã là mẹ của đứa trẻ 8 tháng tuổi.
Trong căn nhà cấp 4 trống trải, Thị Kim Thủy (18 tuổi, thôn Sông Cạn Trung) đang chăm đứa con 11 tháng tuổi của mình, bên cạnh là đứa cháu 17 tháng tuổi của người chị sinh ba cùng tuổi. Nhìn Thủy đùa với con, với cháu cứ tưởng đó là người chị đang chăm 2 em của mình. Đôi mắt buồn, Thủy cho biết, 2 chị em lấy chồng năm 17 tuổi và làm mẹ cùng năm. Do nhà thiếu ăn nên chồng của em và vợ chồng người chị theo cha lên rẫy tỉa bắp chiều tối mới về, còn em do con còn nhỏ nên ở nhà chăm con. Bữa cơm trưa của em là tô cơm ăn kèm với vài lát đu đủ luộc. Hỏi ăn như thế lấy sữa đâu cho con bú, Thủy cúi mặt, không trả lời.
Ông Nguyễn Hữu Tọa cho biết, các gia đình nói trên đều là người đồng bào Raglai, nhận thức về vấn đề hôn nhân còn hạn chế, cô dâu chú rể không được học hành đến nơi đến chốn. Theo ông Tọa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở xã là do tập quán, phong tục đã ăn sâu vào đời sống người Raglai. Đồng bào vẫn giữ quan niệm trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng và sinh con sớm để có thêm lao động chứ không quan tâm đến việc tảo hôn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, công tác giáo dục của gia đình, quản lý của các tổ chức, đoàn thể chính quyền địa phương chưa thật sâu sát đã khiến các gia đình trẻ con “ra đời” và hướng xử lý chỉ là giải quyết hậu quả.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành
Hiện xã Cam Thịnh Tây có hơn 5.600 dân, trong đó 98,9% là người đồng bào Raglai. Phần lớn người dân sống bằng nghề chăn nuôi, làm nương rẫy… nên đời sống còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của xã, 2 năm trở lại đây, toàn xã có 46 trường hợp tảo hôn đều là người Raglai. Điều này cho thấy, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Cam Thịnh Tây đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, chị Cao Thị Kim Dung, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã cho biết, hiện nay, công tác tuyên truyền vận động đồng bào Raglai về vấn đề tảo hôn đang gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, địa phương mở 1 đợt tuyên truyền về dân số. Đối với các hoạt động của chi hội phụ nữ xã thì 3 tháng tổ chức 1 lần, nhưng do nhận thức của người dân còn kém nên không có hiệu quả. Khi sự việc tảo hôn xảy ra, việc phát hiện đều rất muộn. Trong khi đó, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức hội… từ xã đến thôn, bản vẫn còn hời hợt, ngại va chạm. Chính vì vậy, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đang là mối lo của chính quyền địa phương.
Ông Tọa thừa nhận: “Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương chưa cao. Để giảm bớt tình trạng tảo hôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thành phố trong việc đào tạo cán bộ phụ trách các mảng dân số, phụ nữ, trẻ em và phải có những hình thức tuyên truyền thực tế… nhằm nâng cao nhận thức của người dân”.
Chứng kiến cuộc sống của những cặp vợ chồng tảo hôn, nghe các em hồn nhiên cho biết không nhớ ngày, tháng đám cưới của mình, nhìn các em vụng về chăm con, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đến nay, những đứa trẻ này vẫn chưa được đăng ký giấy khai sinh do việc tảo hôn của bố mẹ, không biết tương lai của chúng sau này rồi sẽ ra sao?
HIẾU NGHĨA