06:09, 17/09/2014

Giữ gìn con đê xanh cho đầm

Gắn bó với đầm Thủy Triều hơn 30 năm, ông Trần Xuân Bửu (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang tự nguyện trồng và bảo vệ khu rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ con đê xanh của đầm.

Gắn bó với đầm Thủy Triều hơn 30 năm, ông Trần Xuân Bửu (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang tự nguyện trồng và bảo vệ khu rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ con đê xanh của đầm.

                             
Cần mẫn gây rừng

 

Gần 10 năm qua, người dân ở khu vực đầm Thủy Triều đã quen với hình ảnh người đàn ông rắn rỏi trong bộ quần áo lao động bạc màu, ngày 2 buổi đạp chiếc xe cọc cạch ra đầm. Không giống những người dân khác ra đầm bắt tôm, cá, sò, ốc, ông Trần Xuân Bửu (sinh năm 1965) ra đầm để trồng rừng ngập mặn.

 

 Khi người dân khai thác hải sản xong, ông Bửu lại mò mẫm vun lại gốc cây.
Khi người dân khai thác hải sản xong, ông Bửu lại mò mẫm vun lại gốc cây.

 

Khi mới là cậu bé hơn 10 tuổi, ông Bửu đã theo cha mẹ ra đầm đánh bắt tôm, cá trong các khu rừng ngập mặn. Nhờ nguồn lợi tự nhiên này, cha mẹ đã nuôi anh em ông khôn lớn, rồi vợ chồng ông cũng dựa vào đó nuôi 3 con ăn học nên người. Vì vậy, ông hiểu được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đó là nơi để người dân kiếm kế sinh nhai; là nơi ghe, thuyền tránh trú mỗi khi có giông bão, chống xâm nhập mặn; là “ngôi nhà chung” để chim, cò trú ngụ. Gắn bó với đầm Thủy Triều bao nhiêu năm, ông cũng chứng kiến bấy nhiêu thay đổi của khu rừng ngập mặn nơi đây. Ông Bửu kể lại: “Khoảng từ năm 1980 trở lại, rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều bắt đầu suy giảm do người dân vào rừng chặt cây lấy củi. Đến những năm 90, diện tích rừng ngập mặn ở đầm càng thu hẹp dần do người dân đào ao, đìa nuôi trồng thủy sản. Từ đây, đầm Thủy Triều dần vắng bóng chim, cò; tôm, cá cũng ít dần vì mất nơi trú ngụ”.

 

Ông Bửu trồng dặm trái đước vào những nơi cây đã bị chết.
Ông Bửu trồng dặm trái đước vào những nơi cây đã bị chết.


Tuy không còn dựa vào nguồn lợi biển để mưu sinh nhưng nhận thấy diện tích rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều có thể bị hủy diệt nếu không có người bảo vệ và trồng mới, ông Bửu đã lặng lẽ tìm giống đưa về trồng. Hàng ngày, ông lặn lội đến các khu rừng ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hòa... để tìm trái đước, trái mắm. Nơi nào thuận lợi đường sá thì ông đi xe đạp, xe máy, nơi nào khó khăn thì ông đi bằng ghe. Theo ông Bửu, từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái đước, trái mắm chín, rụng và đây cũng là thời gian thuận lợi nhất để trồng; bước qua tháng 9 là mùa nước lớn, sóng to nên không thể trồng được. Cứ vậy, năm này qua năm khác, không kể trời nắng hay mưa, ông Bửu nhặt nhạnh từng trái đước, trái mắm đưa về cần mẫn trồng tại đầm Thủy Triều. Đã bao lần, ông vừa trồng xong ngày hôm trước, hôm sau ra đầm đã thấy sóng đánh mạnh làm trái đước, trái mắm trôi lênh bênh... Đến nay, ông Bửu không còn nhớ rõ mình đã tìm và trồng bao nhiêu cây đước, cây mắm. Chỉ biết rằng, diện tích gần 2ha rừng ngập mặn đang được phục hồi hiện nay là do một tay ông trồng được.


Đơn độc giữ rừng


Chỉ tay về phía rừng ngập mặn với những cây đước, cây mắm đủ kích thước lớn nhỏ, ông Bửu chia sẻ: “Người dân ở đây thường nói tôi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc ai nói cứ nói, việc tôi thấy đúng, tôi vẫn làm”. Không phải ngẫu nhiên mà người dân nơi đây lại nói như vậy. Bởi sau khi cất công tìm và trồng được những cây ngập mặn, ông Bửu thường xuyên ra đầm để bảo vệ cây khỏi những tác động của thiên nhiên cũng như con người. Mỗi lần ra đầm, ông Bửu luôn mang theo các dụng cụ để cắt, dọn các loại rác thải như dây dù, bao nilon, củi khô, lá cây, rong rêu... quấn xung quanh cây đước, cây mắm. Nhìn ông cần mẫn cắt và kéo rác ra khỏi từng gốc cây đước, cây mắm mới biết ông dành tâm huyết cho công việc này như thế nào. Những hôm mưa to, sóng lớn, ở nhà, ông lo lắng không biết có cây nào bị gãy hay bật gốc không. Vì vậy, trời vừa lặng gió, ông lại vội vã ra đầm.

 

1
Chiều nào ông Bửu cũng ra đầm để kiểm tra các cây ngập mặn.


Để bảo vệ rừng ngập mặn, ông Bửu phải thức cùng con nước và có mặt thường xuyên tại đầm, đặc biệt là vào lúc thủy triều xuống. Đây là thời điểm nước rút, cây mắm, cây đước nhô lên khỏi mặt nước, người dân xung quanh đầm bắt đầu đào bới để bắt các loại hải sản dưới mặt đất. Trong quá trình khai thác, nhiều người đã đào sâu vào gốc khiến cây bị nghiêng đổ, đứt rễ và chết. Vì vậy, ông Bửu thường có mặt để nhắc nhở người dân. Người hiểu việc làm của ông thì lặng lẽ đào tránh gốc cây, người không hiểu thì tỏ vẻ khó chịu, thậm chí nói những lời không thiện cảm. Ông Nguyễn Quốc Hùng (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc) cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra đây bắt con hến, con trai nên cũng biết việc làm tự nguyện của ông Bửu. Nhưng nhiều người khác không hiểu, nghĩ là ông ấy gây khó dễ cho việc làm ăn của họ nên tỏ vẻ khó chịu”. Cũng đã nhiều lần, chiếc xe đạp cọc cạch của ông bị phá xì hơi, đâm thủng bánh, phải dắt bộ về nhà. Mặc cho những lời nói ác ý, ông vẫn kiên trì làm công việc giữ gìn nguồn lợi cho thế hệ sau. Và khi người dân khai thác, đào bới xong, ông lại mò mẫm để vun lại gốc cây, đắp thêm đất giữ rễ cây...


Cần sự chung tay của cộng đồng


Tháng 7-2012, Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học làm chủ nhiệm đề tài. Tại xã Cam Thành Bắc, nhóm thực hiện đề tài đã phục hồi được gần 2ha rừng ngập mặn. Có được thành quả đó là nhờ ông Bửu đã cung cấp miễn phí hàng ngàn trái đước, mắm cho nhóm. Ngoài ra, ông còn tự nguyện đứng ra bảo vệ diện tích đã được phục hồi mà không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Tiến sĩ Thủy nhận xét: “Ông Bửu nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn nên đã tự nguyện phối hợp với chúng tôi thực hiện đề tài. Ông tìm giống, nhặt rác quanh gốc cây, nhắc nhở người dân cùng bảo vệ rừng ngập mặn... Công việc đó tuy đơn giản nhưng không phải người nào cũng làm được. Ông đã góp phần rất lớn vào sự thành công của đề tài. Những công việc ý nghĩa của ông Bửu cần được ghi nhận để nhiều người làm theo”.


Sự nỗ lực của một vài cá nhân như ông Bửu chưa đủ để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Khi sức khỏe yếu, ông Bửu không thể lặn lội hết nơi này đến nơi khác để tìm trái đước, trái mắm và ngày 2 buổi đạp xe ra đầm. Có những chiều trầm ngâm nhìn về phía đầm Thủy Triều, ông Bửu chỉ mong mỗi người dân biết trân trọng giá trị mà thiên nhiên mang lại, cùng nhau bảo vệ các khu rừng ngập mặn để các thế hệ con cháu được hưởng thụ. Ông Nguyễn Văn Khương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết: “Địa phương đã tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. Tuy nhiên, để việc bảo vệ rừng được lâu dài thì cần có chủ trương, chính sách cụ thể hơn từ các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia”.


Rừng ngập mặn không chỉ có ích cho hiện tại, mà thế hệ mai sau cũng sẽ được hưởng thụ môi trường sống trong lành; cá, tôm sinh nở nhiều hơn sẽ giúp cuộc sống của người dân thêm no ấm. Mong những người dân đang mưu sinh trên đầm Thủy Triều hãy bảo vệ kế sinh nhai của mình, của các thế hệ sau bằng những việc làm thiết thực như ông Trần Xuân Bửu.


MAI HOÀNG