06:09, 20/09/2014

Giấc mơ rong nho

Từ một cơ duyên, cây rong nho đã đến với vùng biển Khánh Hòa. Qua thời gian, nếm không ít thất bại, cuối cùng giấc mơ về những cánh đồng rong nho vươn xa, xuất ngoại đã và đang trở thành hiện thực...

Từ một cơ duyên, cây rong nho đã đến với vùng biển Khánh Hòa. Qua thời gian, nếm không ít thất bại, cuối cùng giấc mơ về những cánh đồng rong nho vươn xa, xuất ngoại đã và đang trở thành hiện thực...


Bén duyên rong Nhật

 

Mới đây, tình cờ biết được sản phẩm Rong nho khô ViJa của Công ty TNHH Đại Dương VN được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chúng tôi đã tìm đến Công ty để tìm hiểu. Trên đường đưa chúng tôi đến tổ dân phố Đông Hà (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) - nơi đang trồng rong nho nguyên liệu, ông Lê Nhứt - Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương VN - người gắn bó với cây rong nho ngay từ những ngày nó mới “di cư” từ Nhật Bản sang Khánh Hòa trải lòng: “Không hiểu sao tôi luôn đau đáu giấc mơ về cây rong nho. Nhiều lần mơ thấy rong nho được trồng bạt ngàn ở những ô đìa ven biển. Từ nơi này, rong nho được chuyển ra thế giới và được bạn bè biết đến như một sản vật của Khánh Hòa. Và cũng trong giấc mơ đó, tôi thấy những ngư dân miền biển hãnh diện, tự tin bên những sản phẩm rong nho công nghệ cao”.

 

1
Kiểm tra sự phát triển của cây rong dưới đìa nuôi.

 

Trong hoài niệm, ông Lê Nhứt như vẫn chưa nguôi về những ngày đầu cùng anh em đem rong nho ra trồng ở Ninh Hải. Vui có, buồn có, hạnh phúc cũng lắm mà chua chát những nhiều. Ông kể, năm 2004, khi ông và anh trai là kỹ sư Lê Bền còn làm nghề kinh doanh đá granit, trong một bữa cơm thân mật, các đối tác người Nhật Bản tình cờ nhắc đến món rong nho tươi bổ dưỡng, rất được thực khách Nhật ưa chuộng mà họ không tìm thấy trong thực đơn tại các nhà hàng ở Việt Nam. Nghĩ đến những khu đìa bỏ hoang do trước đây nuôi tôm hùm thất bại, 2 anh em đã nảy ra ý tưởng mang rong nho Nhật Bản về trồng. Thế là, từ 200 gram rong nho giống mà anh em ông nhờ các đối tác mang từ Nhật Bản sang, ông đã nhân giống trong các bể gương theo tài liệu hướng dẫn. Đến khi có nguồn giống cần thiết, ông bắt đầu mang giống trồng tại các đìa nuôi tôm bỏ hoang. Bước đầu do chưa có kinh nghiệm nên công việc không thuận lợi, nhiều lúc khiến ông cảm thấy nản lòng. Cứ vài ngày thả xuống đìa, những cây rong nho giống ít ỏi cứ “không cánh mà bay”, hao hụt gần hết. Sau nhiều đêm soi đèn tìm hiểu, ông mới phát hiện các cây giống đã bị cá và một số loài động vật biển ăn hết. Lúc này, ý tưởng phát triển giống rong nho của ông gần như bị phá sản. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm tòi, thử nghiệm, cuối cùng anh em ông Nhứt đã trồng thành công giống rong Nhật nổi tiếng của vùng Okinawa tại đất Khánh Hòa.


Giờ đây, ven những con đường đất quanh co, dưới các ô đìa lúp xúp che lưới, bạt ngàn rong nho xanh vươn mình ra tận mép sóng. Trong gió biển rì rào, tiếng cười đùa của những người hái rong khiến không gian trở nên rộn rã. Nhìn nét mặt rạng ngời của ông Lê Nhứt trong khung cảnh ấy, chúng tôi hiểu, giấc mơ rong nho của ông đã và đang trở thành hiện thực.


Rong nho xuất ngoại


Để có được thành quả như ngày hôm nay, ai cũng biết, đó là sự trăn trở của những người như ông Lê Nhứt, Lê Bền và cả một số tiến sĩ, thạc sĩ của Viện Hải dương học... Đưa chúng tôi thăm xưởng sản xuất rong nho của mình ở ngay khu vực nuôi trồng, ông Lê Nhứt hồ hởi khoe: “Xưởng sản xuất này từ lâu đã trở thành mái nhà chung của mấy chục công nhân địa phương. Nhờ có nó, không ít người dần ổn định cuộc sống. Tất cả anh em từng tham gia nghiên cứu và trồng rong nho từ những ngày đầu đều mong muốn nó sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền biển”.

 

1
Trước khi đóng gói, rong được đưa vào bể xử lý nhiều lần.


Nhặt một nắm rong nho còn tươi nguyên đưa chúng tôi xem, ông Đặng Ngọc Cảnh (cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Đại dương VN) khoe: “Các đối tác đánh giá chất lượng rong của Khánh Hòa còn tốt hơn cả vùng Okinawa của Nhật. Ở các nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Trung Quốc... rong nho rất được ưa chuộng và được sử dụng như một loại rau xanh. Nó là loại thức ăn bổ dưỡng, có tác dụng đào thải những kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Chính vì những lợi ích đó nên đến nay, 80% rong nho ở Việt Nam dành cho xuất khẩu”. Nhìn những trái rong nho xanh thẫm, li ti như trứng cá hồi được xử lý tỉ mẩn qua nhiều công đoạn cũng đủ biết mức độ phức tạp trong khâu xử lý sau thu hoạch của dòng sản phẩm này. Qua những hồi tưởng của ông Lê Nhứt về thuở ban đầu gian khó, chúng tôi hiểu được, ngay từ khi cây rong nho được trồng thành công ở Khánh Hòa, anh em ông đã mơ đến một ngày sản phẩm này sẽ vươn xa, xuất ngoại, sẽ là một thương hiệu đáng tin cậy cho người tiêu dùng Nhật Bản, Đài Loan... Đã không biết bao đêm, ông trăn trở với câu hỏi: “Làm sao để rong nho biển Việt Nam có được “giấy thông hành” ra thế giới?”. Năm 2008, cùng với ông Lê Bền, 2 anh em ông đã hợp tác, triển khai từng bước để sản phẩm rong nho có mặt ở thị trường Nhật Bản và sau đó là nhiều nước trên thế giới.


Giờ đây, mỗi ngày trên vùng biển Khánh Hòa, hàng tấn rong nho được đóng gói xuất đi thị trường các nước. Đó chính là sự đền đáp cho cả một quá trình dài tìm tòi của những người đam mê rong Nhật. Ban đầu, cả tỉnh chỉ có Công ty TNHH Trí Tín chuyên sản xuất và kinh doanh loại rong này, đến nay đã có đến 8 doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng để đưa ra thị trường.

 

Công nhân chọn từng cọng rong theo quy chuẩn xuất khẩu.
Công nhân chọn từng cọng rong theo quy chuẩn xuất khẩu.


Nối tiếp những thành công, thời gian gần đây Công ty TNHH Đại Dương VN lại tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm rong nho khô. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công nghệ bảo quản sản phẩm. Rong nho tươi chỉ để được 7 ngày, nay sử dụng công nghệ làm thành rong khô thời gian bảo quản đã lên tới 6 tháng. Một quỹ thời gian đủ lớn để rong nho có thể đi khắp thế giới bằng cả đường bộ lẫn đường thủy mà không sợ bị hư hại.


Để rong bền gốc


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ những ngày đầu “nhập cư” vào Khánh Hòa, rong nho đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học. Năm 2004, Viện Hải dương học đã tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài rong có xuất xứ từ Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu cho thấy rong nho thích nghi và phát triển tốt trên vùng biển Khánh Hòa. Đây cũng là cơ sở cho việc phát triển nuôi trồng rong nho thương phẩm hiện nay. Những nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, rong nho có thể sống quanh năm trong ao, đìa, bể xi măng, nơi vùng triều ven biển có độ mặn cao và ổn định. Trong điều kiện nhiều diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, gây thiệt hại lớn đối với nhà nông thì việc chuyển một phần diện tích nuôi tôm không hiệu quả sang trồng rong nho để đa dạng các sản phẩm nuôi trồng đang là hướng đi mới của người dân. Tuy nhiên, để cây rong nho bền gốc trên đất Khánh Hòa, thì đầu ra cho cây rong nho đang là mối quan tâm lớn nhất của người trồng lẫn doanh nghiệp.

 

Ông Lê Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa: “Bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu, để phát triển thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm từ rong nho phù hợp với khẩu vị, thói quen của người tiêu dùng Việt. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo thói quen sử dụng cho người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư cho bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm...”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 14ha rong nho, tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển rong nho nhưng chính quyền địa phương cũng rất dè dặt; toàn phường chỉ có 5 hộ trồng với diện tích 8ha. Ông Trịnh Nhơn - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết: “Rong nho đang là đối tượng nuôi trồng mang lại lợi nhuận cao cho người trồng, phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy nhiên, không thể chạy theo phong trào, ồ ạt phát triển diện tích trồng trong điều kiện đầu ra còn hạn chế”. Cũng cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, rong nho là loại thực phẩm “quý tộc”, chưa được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người Việt cũng như nhiều nước khác. Vì vậy, thị trường tiêu thụ còn khá hạn chế, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.


Có một điều thú vị, trong quá trình tìm hiểu về cây rong nho, chúng tôi vô tình gặp được chàng giám đốc trẻ Đàm Đức Khanh (Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Biển Đông VN) - người đang ấp ủ đưa sản phẩm rong nho tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong thâm tâm của mình, anh Khanh muốn người dân Việt Nam cũng được sử dụng những sản vật nội địa mà ở nước ngoài có giá 100 đô la/kg. Trò chuyện với chúng tôi, anh bộc bạch: “Để có được một khu vực sản xuất và thị trường tiêu thụ rong nho như hiện nay, công của những người đi tiên phong rất lớn. Tuy nhiên, giờ tôi lại muốn sản phẩm đó được tiêu thụ trong nước. Dù đây là việc không hề đơn giản, nhưng tôi nghĩ có quyết tâm sẽ làm được. Với giá xuất khẩu hiện nay khoảng 6 đô la/kg thì rõ ràng giá bán ở thị trường nội địa 170.000 đồng/kg lợi hơn nhiều. Vì người dân Việt không có thói quen dùng rong tươi như ở Nhật nên tôi sẽ hướng đến cách chế biến thành món ăn thông qua hệ thống nhà hàng hoặc hợp tác với những công ty nước giải khát để đưa vào sản phẩm đồ uống cho dễ sử dụng”.


Với những thế hệ đi trước như ông Lê Bền, Lê Nhứt - giấc mơ rong nho đã phần nào trở thành hiện thực. Giờ đây, khi thương hiệu rong nho Việt Nam đã được thị trường thế giới chấp nhận, thì họ và những thế hệ kế tiếp lại trăn trở với những giấc mơ khác về cây rong nho.



BÍCH LA - ĐÌNH LÂM