Vùng đất tứ thôn Đại Điền (nay là 2 xã Diên Điền, Diên Sơn của huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) giàu truyền thống cách mạng năm xưa nay đã trở thành làng quê trù phú, đổi thay từng ngày. Năm tháng qua đi, nhưng những ngày tháng đấu tranh hào hùng vẫn còn trong ký ức của người dân nơi đây…
Vùng đất tứ thôn Đại Điền (nay là 2 xã Diên Điền, Diên Sơn của huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) giàu truyền thống cách mạng năm xưa nay đã trở thành làng quê trù phú, đổi thay từng ngày. Năm tháng qua đi, nhưng những ngày tháng đấu tranh hào hùng vẫn còn trong ký ức của người dân nơi đây…
Mảnh đất anh hùng
Từ UBND xã Diên Sơn đi vài trăm mét, tôi đến nhà ông Lê Văn Thành (94 tuổi, ở thôn Nam 2, xã Diên Sơn), người được xem như pho sử sống của vùng này. Trong trí nhớ của ông, vùng đất này xưa kia vốn nghèo khổ, nhưng giàu lòng yêu nước. Cách mạng tháng Tám thành công, người dân nơi đây đã đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, đấu tranh giữ chính quyền non trẻ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù bị càn quét bố ráp rất ác liệt, người dân vùng tứ thôn Đại Điền vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, trở thành địa bàn chiến lược của lực lượng kháng chiến.
Hệ thống giao thông ở Diên Điền, Diên Sơn đã được đầu tư nâng cấp |
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Diên Khánh, năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Diên Khánh, nhân dân 2 xã Diên Sơn, Diên Điền đã nổi dậy đồng khởi giành chính quyền, phá tan toàn bộ hệ thống “ấp chiến lược”. Sau ngày đồng khởi của tứ thôn Đại Điền, ta liên tục tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng lên 7 xã với hơn 20.000 dân. Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, ông Thành kể: “Thời ấy khí thế cách mạng lên cao lắm, cả một vùng rộng lớn được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở tứ thôn Đại Điền cũng đã triển khai thực hiện được một số chính sách tiến bộ như: chia ruộng đất cho nông dân, mở trường dạy học phổ thông, bổ túc cho trẻ em và người lớn, đào công sự, xây dựng làng chiến đấu… Ta giữ vùng giải phóng hơn 1 năm trời”. Nhiều người cho biết, năm 1965 khi phong trào Đồng khởi thắng lợi, người dân đã xây dựng đài liệt sĩ trong khuôn viên đình để tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Bây giờ, trên cổng tam quan đình Đại Điền Trung (Diên Điền) vẫn còn dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” như minh chứng cho nỗi khát khao độc lập, thống nhất đất nước của người dân tứ thôn Đại Điền suốt mấy chục năm trong chiến tranh.
Thời gian qua đi, dấu tích xưa không còn nhiều, với thế hệ trẻ hôm nay, những câu chuyện kể lại cũng khó hình dung. Tuy nhiên, khi bước vào mỗi gia đình ở Diên Sơn, Diên Điền, câu chuyện vùng đất cách mạng ấy lại trở nên sống động với những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng. Trong nhà ông Thành có 4 bằng liệt sĩ, 2 bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Cả gia đình tôi đều theo cách mạng. Tôi có 2 em trai và 2 con trai là liệt sĩ, mẹ và vợ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân tôi là thương binh hạng 2/4…”, ông Thành nói.
Trường THCS Mạc Đỉnh Chi (Diên Sơn) được xây mới. |
Không riêng nhà ông Thành, trên mảnh đất này đã có hàng trăm người con của tứ thôn Đại Điền hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc. Xã Diên Sơn có 208 liệt sĩ, xã Diên Điền có 198 liệt sĩ, trong đó có người hy sinh khi mới 16 tuổi. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đó không phải là câu khẩu hiệu suông mà đã phải đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt của bao người Việt, trong đó có những con người ở mảnh đất này. Ghi nhận công lao của người dân tứ thôn Đại Điền, cả 2 xã Diên Sơn, Diên Điền đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sức sống hôm nay…
Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống của người dân vùng tứ thôn Đại Điền gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Hồi (84 tuổi, xã Diên Điền) nhớ lại: Chiến tranh đã làm cho làng xóm tiêu điều xơ xác, chuyện thiếu đói xảy ra như cơm bữa, số hộ có nhà xây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một góc vùng tứ thôn Đại Điền. Ảnh: Phong Nha Trang |
Bây giờ, đời sống của người dân Diên Điền, Diên Sơn đã thay đổi nhiều. Tỉnh lộ 8 đoạn ngang qua Diên Điền, Diên Sơn được đổi tên thành đường Đồng Khởi. 2 bên đường, hàng quán, nhà cửa khang trang. Đi vào phía trong, làng xóm trù phú với mái ngói đỏ tươi, xen lẫn nhà cao tầng, màu xanh ruộng lúa, vườn tược chạy dài ngút từ đường cái vào đến tận chân núi. Hơn 10 năm trước, khi lần đầu tiên về Diên Sơn, Diên Điền, tôi vẫn bắt gặp nhiều đường đất, mưa là lầy lội, còn bây giờ đường liên xã, liên thôn, liên xóm đã được cứng hóa (tráng nhựa, bê tông) gần như 100%. Khoảng 2 năm nay, hưởng ứng phong trào “Thắp sáng đường quê”, các con đường liên thôn, liên xóm của 2 xã đều đã được thắp sáng. “Bây giờ chạy xe trong làng, nhìn đèn điện sáng choang mà đôi khi cứ ngỡ như trên phố”, anh Bùi Quốc Phi (ở Diên Sơn) nói. Càng vui hơn, lần này về tứ thôn Đại Điền, chúng tôi nhìn thấy các Trường THCS Mạc Đỉnh Chi (Diên Sơn), THCS Trần Quang Khải (Diên Điền), các trạm y tế được xây dựng mới khang trang. Lãnh đạo 2 xã Diên Sơn, Diên Điền cho biết: Vấn đề điện, đường, trường, trạm đều đã hoàn thành. Xã Diên Điền đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Diên Sơn đạt 13/19 tiêu chí; cả 2 xã đang phấn đấu chậm nhất năm 2016 sẽ đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới…
Hỏi chuyện làm ăn, người dân 2 xã đều cho biết, cảnh “con trâu đi trước cái cày đi sau” giờ chỉ là dĩ vãng. Sau khi dồn điền đổi thửa, việc sản xuất nông nghiệp ở đây đã được cơ giới hóa rất nhiều. Riêng xã Diên Điền đã được chọn là nơi đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cả cánh đồng 56ha được xây dựng theo chuẩn với hệ thống kênh mương dài gần 4,6km, đường vào ruộng lúa dài hơn 3,2km được kiên cố hóa. Sản lượng lương thực của 2 xã hiện nay đã đạt hơn 6.000 tấn/năm với năng suất hơn 6 tấn/ha. Xã Diên Sơn đã xây dựng được khu chăn nuôi tập trung rộng gần 3ha ở Gò Tre, thôn Nam 3. Môi trường vệ sinh nông thôn nhờ vậy được đảm bảo hơn, rác thải đã được thu gom. Nỗi lo thiếu nước sạch cũng được giải quyết khi Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh đang xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch Diên Sơn - Diên Diền (dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2014). “Bao nhiêu năm nay mong có nước sạch để dùng, bây giờ giấc mơ ấy sắp thành hiện thực”, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Nam 2, xã Diên Sơn) hồ hởi cho biết.
Không chỉ thay đổi bộ mặt bên ngoài, đời sống kinh tế của người dân Diên Sơn, Diên Điền cũng đi lên rõ rệt. Bên cạnh nghề nông, người dân vùng này còn tham gia nghề xây dựng, nghề mộc… nên có thu nhập rất khá. Xã Diên Sơn có 2.258 hộ, chỉ còn 48 hộ nghèo, xã Diên Điền có 2.475 hộ, chỉ còn 44 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người ở 2 xã gần 19 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Xuân Đức - Bí thư Đảng ủy xã Diên Điền cho biết: “Số hộ gia đình trong xã có tiền mở công ty xây dựng, thu tiền tỷ không còn hiếm; người làm trang trại trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm thu lời 150 - 200 triệu đồng cũng khá nhiều”. Ông Bùi Phơ - Chủ tịch UBND xã Diên Sơn chia sẻ “Đời sống đi lên, việc học hành của lớp trẻ vùng tứ thôn Đại Điền năm xưa cũng tấn tới. Năm 2013, toàn xã có 68 học sinh đỗ đại học, cao đẳng, năm nay chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo thông tin ghi nhận được thì lượng học sinh đỗ đại học khá nhiều, trong đó có em Nguyễn Tự Cường đỗ thủ khoa đại học Y khoa Huế”.
Sự đổi thay của một vùng đất không dễ gì nói hết, chỉ có những người cao tuổi sống qua nhiều thời kỳ là thấu hiểu rõ nhất. Ông Lê Văn Thành bày tỏ: “Hồi xưa, chúng tôi đi làm cách mạng với ước muốn nước nhà thống nhất, đời sống đổi thay. Thế nhưng, mình cũng khó hình dung ra quê hương đổi thay nhanh đến vậy. Bây giờ, đường bê tông vào tận các ngõ xóm, những ngôi nhà khang trang, nhiều người còn mua được xe hơi…”.
Đi trên những nẻo đường quê, chúng tôi cảm nhận sức sống mới đang lan tỏa trong từng thôn xóm của vùng tứ thôn Đại Điền. Với truyền thống anh hùng cách mạng, với sự nỗ lực dựng xây quê hương của người dân, hy vọng mảnh đất này sẽ ngày càng phát triển vững mạnh…
NHẬT LỆ