07:06, 04/06/2014

Vụ muối 2014: Lại điệp khúc được mùa... mất giá

Điệp khúc "được mùa mất giá - được giá mất mùa" lại một lần nữa ám ảnh bà con diêm dân. Chưa kịp mừng với sản lượng thu hoạch cao, nhiều diêm dân đã lo lắng khi giá muối hạ, sức mua chậm.

Điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa” lại một lần nữa ám ảnh bà con diêm dân. Chưa kịp mừng với sản lượng thu hoạch cao, nhiều diêm dân đã lo lắng khi giá muối hạ, sức mua chậm.


Vừa được mùa...

 

Về phường Ninh Hải, Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi thấy những ụ muối trắng xóa vừa mới thu hoạch được chất đầy trên các khoảng đất trống ở các đồng muối. Vào đầu giờ chiều, dưới cái nắng như đổ lửa, các diêm dân tỏa ra đồng muối, người cào, người gánh tất bật cho việc thu hoạch muối đang vào mùa vụ. Trên những gương mặt sạm đen vì nắng, gió ánh lên niềm vui khi sản lượng muối thu hoạch cao gần gấp đôi so với năm ngoái.

 

1
Diêm dân cho nước mặn vào bạt để làm muối.


Nghỉ tay nhấp ngụm nước, anh Nguyễn Quyền - tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm cho biết: “Nhà tôi có 2ha ruộng muối, năm ngoái khoảng 5 ngày muối mới kết tinh và cho sản lượng khoảng 4 tấn/lần cào, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, ít có mưa trái mùa, nắng gắt nên mới 3 ngày muối đã kết tinh, sản lượng thu hoạch được gần 6 tấn/lần cào. Mới nửa vụ nhưng sản lượng muối gia đình tôi thu hoạch gần bằng năm ngoái”. Tranh thủ phủ tranh che mưa cho các ụ muối vừa mới thu hoạch, ông Lê Quang Hữu - tổ dân phố 1 Đông Hải, Ninh Hải nói: “Năm nay muối cho thu hoạch khá cao, mới nửa vụ 10 ô muối (khoảng 1ha) của gia đình tôi đã cho thu hoạch gần 100 tấn, gần bằng sản lượng năm ngoái. Để thu hoạch cho kịp, tôi phải mướn thêm nhân công. Không riêng ruộng muối của gia đình tôi, tất cả các ruộng muối ở đây đều cho sản lượng tăng gần gấp đôi”.


Theo số liệu từ Hợp tác xã (HTX) 1.5 Ninh Diêm, đến thời điểm này, HTX đã thu hoạch gần 3.700 tấn muối, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.


... đã mất giá

 

Tuy được mùa nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn nên niên vụ muối năm nay, niềm vui của diêm dân vẫn không được trọn vẹn do phải đối mặt với nhiều sức ép: giá muối giảm hơn 40%, trong khi giá mướn nhân công tăng lên 20%, cộng thêm sức ép từ cước phí vận chuyển tăng khiến lượng muối bán ra chậm, ứ đọng ngày càng nhiều.

 

Tranh thủ những ngày chờ muối kết tinh, anh Nguyễn Văn Chi - tổ dân phố Phú Thọ 2, Ninh Diêm, đi mua bạt về che các ụ muối mới thu hoạch. Chỉ cho chúng tôi xem 2 ụ muối khoảng 15 tấn đã thu hoạch hơn nửa tháng nay đang để trên khoảng đất trống cạnh ruộng muối của gia đình, anh Chi ngao ngán: “Giá muối đất năm nay, đầu vụ thương lái mua 900.000 đồng, sau đó xuống 800.000 đồng/tấn, tuy thấp hơn giá năm ngoái gần 200.000 đồng/tấn nhưng vẫn có lời. Hiện nay do đang vào vụ, lượng muối nhiều nên giá tụt xuống còn 650.000 đồng/tấn. Với giá thu mua này, nếu trừ chi phí nhân công, thu nhập còn lại trên 7 sào ruộng muối của gia đình tôi chỉ khoảng gần 2 triệu đồng/tháng. Giá quá thấp nên gia đình tôi phải giữ lại, đợi được giá mới bán”. Theo ông Đặng Thọ Phúc - Phó Chủ nhiệm HTX 1.5 Ninh Diêm, tháng trước, giá thu mua muối khoảng 800.000 đồng/tấn, đến nay hạ xuống còn 700.000 đồng. Tuy biết bán với giá này thì không có lãi nhưng để có tiền chia cho các xã viên, HTX vẫn phải bán. Với giá bán trên, cộng với giá mướn nhân công tăng từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/ngày nên tuy năng suất tăng gấp đôi nhưng thu nhập bình quân của mỗi xã viên hiện chỉ ở mức 800.000 đồng/tháng, tăng hơn 100.000 đồng so với năm trước.

 

Ông Hữu phủ tranh che muối.
Ông Hữu phủ tranh che muối.

 

Bên cạnh giá muối thấp, giá nhân công tăng, hiện nay do sức ép từ cước vận tải tăng nên các thương lái cũng rất dè chừng trong việc thu mua muối, chính điều này đã làm cho lượng muối tồn đọng khá nhiều. Có thâm niên làm và thu mua muối hơn 10 năm nay, ông Đặng Hữu Tiến - tổ dân phố Phú Thọ 3, Ninh Diêm cho biết, đây là năm đầu tiên gia đình ông phải dè dặt trong việc thu mua muối. “Những năm trước, đến mùa vụ, mỗi tháng gia đình tôi thu mua và vận chuyển lên Đắk Lắk 6 - 7 chuyến, năm nay do giá cước vận tải tăng gấp đôi (từ 300.000 tăng lên 600.000 đồng/tấn) nên tôi hạn chế thu mua, mỗi tháng chỉ đi 2 - 3 chuyến để giữ bạn hàng”. Theo tính toán của nhiều thương lái ở Ninh Hòa, với giá thu mua, giá cước vận chuyển như hiện nay, 1 tấn muối khi vào đến TP. Hồ Chí Minh hoặc lên Đắk Lắk giá đã đội lên gần 1,3 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán ra cũng chỉ ở mức trên nên họ rất hạn chế việc thu mua muối. Chị Nguyễn Thị Năm - Tổ dân phố Phú Thọ 2, Ninh Diêm đứng ngồi không yên khi hơn 20 tấn muối của gia đình chị đến nay vẫn chưa có người mua. “Tôi chủ động gọi cho mấy thương lái đến mua nhưng họ đều từ chối. Nếu cứ đà này, tôi lấy tiền đâu để trả cho nhân công? Mưa xuống thì coi như gia đình tôi mắt trắng”.


Giải pháp nào cho nghề muối?


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.189ha; trong đó Khánh Hòa 973ha, chiếm khoảng 6,5%. Hàng năm, vào vụ thu hoạch muối, câu chuyện về sản lượng và giá cả chưa bao giờ bớt nóng. Bởi lẽ, năm nào trước vụ thu hoạch, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng đều tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp sản xuất - tiêu thụ muối và có rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng... đâu lại vào đấy.


Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối trên địa bàn tỉnh đạt cao: gần 28.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do giá cước vận chuyển bằng đường bộ tăng nên việc tiêu thụ muối khó khăn. Do đó, để giảm bớt nỗi lo “được mùa mất giá” đối với diêm dân, mới đây, tại Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ muối” cho niên vụ 2014. Và giải pháp hữu hiệu nhất mà các đại biểu đưa ra là phải thay đổi tập quán sản xuất của người làm muối. Dùng các phương pháp sản xuất mới như kết tinh muối trên bạt thay cho nền đất để nâng cao chất lượng muối. Bởi, theo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến muối, nếu như muối sản xuất trong nước đảm bảo đủ yêu cầu về chất lượng và số lượng thì họ “chẳng dại gì” mua muối của nước ngoài vì vừa phải xin hạn ngạch thuế quan lại vừa phải chờ đợi, trong khi các dây chuyền sản xuất lại luôn phải hoạt động trong tình trạng cầm chừng vì... thiếu muối.

 

Thu hoạch muối trên nền đất.
Thu hoạch muối trên nền đất.


Theo khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, chi phí giá thành thực tế để sản xuất ra 1 tấn muối thô bằng phương pháp sản xuất trên nền đất tại HTX 1.5 Ninh Diêm là hơn 600.000 đồng, năng suất khoảng 50 tấn/ha/vụ, lợi nhuận gần 7 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí giá thành sản xuất 1 tấn muối thô bằng phương pháp kết tinh muối trên bạt nhựa HDPE tại HTX Muối Ninh Thủy hơn 700.000 đồng, năng suất khoảng 84 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thực tế đạt hơn 24 triệu đồng/ha/vụ, gấp 3,5 lần phương pháp thủ công.


Tuy nhiên qua tìm hiểu, các diêm dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa cho hay, tuy lợi nhuận, chất lượng muối kết tinh trên bạt cao hơn, nhưng do chi phí đầu tư ban đầu cao nên diêm dân không mặn mà. “Chúng tôi vẫn biết làm muối kết tinh trên bạt chất lượng cao, lợi nhuận hơn hẳn làm muối trên nền đất nhưng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng/ha, nên có muốn chuyển đổi cũng rất khó nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước” - ông Lê Quang Hữu, phường Ninh Hải nói. Tại hội thảo, ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chỉ ra sự bất cập khi cho thấy tín dụng cho vay đầu tư phát triển sản xuất muối đối với HTX và hộ diêm dân còn nhiều hạn chế. Cụ thể, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho vay đầu tư nghề muối hơn 55 tỷ đồng; trong đó chỉ có 1 hộ diêm dân được vay 150 triệu đồng, còn lại thuộc về các doanh nghiệp.


Để không còn điệp khúc “được mùa mất giá”, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho diêm dân để họ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất; đồng thời, phải có cơ chế điều tiết hợp lý giữa việc nhập khẩu với việc thu mua muối dự trữ. Có như vậy, người làm muối mới có thể sống được với nghề.


LY VÂN