10:06, 01/06/2014

Rộn ràng chuyến biển Hoàng Sa

Với người dân 2 phường Ninh Thủy và Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), bao đời nay, Hoàng Sa - Trường Sa đã trở thành máu thịt. Sau mỗi chuyến biển vất vả trở về, trong mắt họ lại ánh lên niềm vui, quyết tâm bám biển...

Với người dân 2 phường Ninh Thủy và Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), bao đời nay, Hoàng Sa - Trường Sa đã trở thành máu thịt. Sau mỗi chuyến biển vất vả trở về, trong mắt họ lại ánh lên niềm vui, quyết tâm bám biển...


21 ngày trong vùng “nóng”


9 giờ ngày 1-6, trời chang chang nắng. Trên cảng cá Ninh Hải, những phụ nữ miền biển vẫn đội nắng chờ chồng, nhiều người khác cũng thấp thỏm đợi chuyến tàu câu cá nhám trở về từ ngư trường Hoàng Sa. 10, 20 phút trôi qua, con tàu KH97326 từ từ rẽ nước tiến vào cảng. Khi tàu vừa cập bờ, người thân của các thuyền viên ùa lên tàu để hỏi thăm sức khỏe chồng, con của mình. Còn chưa hết lo âu, chị Đỗ Minh Hiếu (vợ anh Phan Hạnh - thuyền trưởng tàu KH97326, phường Ninh Thủy) bùi ngùi: “Mấy bữa nghe đài, báo nói nhiều đến tình hình ở Hoàng Sa mà ruột gan tôi nóng rần rật…”. Vừa nghe thấy vậy, anh Hạnh cắt ngang: “Mấy bà khéo lo. Việc mình mình làm, mình khai thác trong vùng biển của mình, sợ gì chứ!”


Đối với anh Hạnh, chuyện bị tàu Trung Quốc tấn công đã quá đỗi bình thường. Trong 21 ngày lênh đênh ở Hoàng Sa đợt này, tàu của anh cũng bị tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi. Ánh mắt anh Hạnh trở nên sắc lạnh đến lạ khi được hỏi về chuyện đối mặt với tàu Trung Quốc. “14 giờ ngày 11-5, khi tàu của chúng tôi đang ở đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ xuất hiện. Họ bắn chỉ thiên liên tục nhằm uy hiếp. Cùng với tàu của chúng tôi còn có tàu KH94969 do anh Phan Hoan làm thuyền trưởng. Thấy nguy hiểm, chúng tôi chạy về 2 hướng. Tàu tôi tiến về phía Bắc còn tàu của anh Hoan chạy về phía Nam. Dù chúng dùng súng uy hiếp, anh em trên tàu vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cho tàu chạy lòng vòng để tránh sự rượt đuổi của hải quân Trung Quốc. Sau 12 giờ vây ép, họ mới chịu buông tha...” - anh Hạnh nhớ lại.


Trong số 11 thuyền viên có mặt trên chiếc tàu vừa trở về từ Hoàng Sa, chúng tôi thật sự ấn tượng với ngư dân Hồ Lá, 48 tuổi đời nhưng có đến 35 năm bám biển. Mấy thuyền viên trẻ gọi anh là kinh ngư Hoàng Sa. Dù bị cụt một cánh tay trong một lần đi biển, bao năm nay, anh vẫn không hề có ý định từ bỏ nghề. Nhanh tay lật nắp hầm để chuẩn bị đưa cá lên bờ, anh Lá nói: “Trước khi đi chuyến này, tôi đã biết Trung Quốc đang gây hấn ở Hoàng Sa; nhưng đi là đi chứ sợ gì. 3 năm nay, chúng tôi bị tàu Trung Quốc tấn công nhiều rồi. Biển của mình thì mình phải giữ. Họ càng đuổi, mình càng phải ra khơi. Bao đời nay, ông cha ta đã ở đây, giờ mình cứ thế mà làm”.


Niềm vui sau chuyến biển đầy

 

Lênh đênh 21 ngày trên vùng biển “nóng” với bao khó nhọc, nhìn thành quả lao động với cá đầy khoang, anh Phan Hạnh vui mừng cho biết, chuyến này, tàu anh câu được hơn 70 con cá nhám với sản lượng hơn 6 tấn. Ngoài cá nhám, một số loại cá có giá bán cao như: cá hồng, cá bè cũng được mấy chục con. “Chỉ tính riêng cá nhám, tôi bán cả vây lẫn thịt được khoảng 320 triệu đồng. Trong đó, vây bán trung bình khoảng 2 triệu đồng/bộ, được 140 triệu đồng; 6 tấn thịt cá bán với giá gần 30.000 đồng/kg, được 180 triệu đồng nữa” - anh Hạnh hồ hởi nói. Được biết, chuyến biển này ngắn ngày nên tàu anh Hạnh tốn chi phí ít hơn thường lệ, chỉ khoảng 150 triệu đồng. Tính ra, tàu anh lãi khoảng 170 triệu đồng.

 

Thành quả sau một chuyến biển.
Thành quả sau một chuyến biển.

 

Chung niềm vui với chủ tàu, ngư dân Hồ Minh Trung quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi, cười nói: “Chuyến biển này anh em bạn thuyền mỗi người ít nhất cũng được chia 6, 7 triệu đồng, chưa chuyến biển nào đi ngắn ngày mà thu nhập lại cao như vậy”. Hướng ánh mắt về phía vợ và con đang đợi anh trên cảng, anh Trung tâm sự, chiều anh sẽ đưa vợ, con lên trung tâm thị xã để cho con gái nhỏ của anh vui Tết thiếu nhi, tiện thể sẽ sắm tủ lạnh để dùng trong những ngày nắng nóng này”. Cũng như anh Trung, 9 bạn tàu khác cùng ra khơi trong chuyến biển này đều tỏ ra vui mừng khi có thu nhập cao...


Về trước tàu của anh Phan Hạnh mấy ngày là tàu KH94969 của ngư dân Trần Văn Lực. Khi tàu anh Hạnh vừa cập cảng, anh Lực cũng có mặt để nắm bắt tình hình Biển Đông và chia sẻ niềm vui với bạn nghề. Anh Lực tâm sự: “Chuyến đi vừa rồi tuy gặp khó khăn, nguy hiểm khi tàu Trung Quốc ngày càng manh động, nhưng hơn chục tàu câu cá nhám của ngư dân Ninh Thủy trở về đều đầy ắp cá. Tàu chúng tôi câu được hơn 5 tấn cá nhám, tính ra chủ tàu có lãi hơn 70 triệu đồng, 10 bạn tàu mỗi người cũng được chia gần 6 triệu đồng sau chuyến biển chỉ hơn 20 ngày. Từ chủ tàu đến thuyền viên ai cũng vui mừng vì thu nhập khá cao”.

 

Không khí rộn ràng trên cảng cá Ninh Hải.
Không khí rộn ràng trên cảng cá Ninh Hải.


Trò chuyện cùng chúng tôi khi đang thu mua cá nhám của tàu anh Phan Hạnh, ông Trần Minh Lợi (quê tỉnh Bình Định, thương lái chuyên thu mua cá nhám ở vùng biển Ninh Thủy, Ninh Hải) cho hay, mấy ngày gần đây, dù Biển Đông đang “dậy sóng”, nhưng những chuyến biển của ngư dân Ninh Thủy vẫn trở về với cá nặng đầy khoang, mỗi tàu đều câu được 5, 6 tấn cá nhám, tàu nào cũng có lãi lớn. “Khoảng 1 tuần nay, tôi đã mua được hơn 15 tấn cá nhám từ 3 tàu của ngư dân Ninh Thủy. Mấy ngày tới, tôi sẽ tiếp tục trực tại Ninh Hòa để đón các tàu cá nhám từ Hoàng Sa trở về”, ông Lợi cho biết.


Tiếp tục vươn khơi


Trong câu chuyện với những ngư dân Ninh Thủy đã mấy chục năm rong ruổi tìm đàn cá nhám khắp Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi thấy trong ánh mắt họ tràn trề quyết tâm. “Dù tàu Trung Quốc có hung hăng đến đâu, chúng tôi cũng không sợ, vẫn quyết tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống. Nếu mình sợ thì họ sẽ lấn tới. Khi đó, ngư trường Hoàng Sa mà cha ông chúng tôi biết bao nhiều đời ra khai thác sẽ bị họ chiếm đoạt”, ngư dân Phan Hạnh chia sẻ. Được biết, gia đình anh Hạnh đã mấy đời gắn bó với vùng biển Hoàng Sa. Tiếp nối truyền thống nghề biển của gia đình, bây giờ, 5 anh em của anh Hạnh đều gắn bó với Hoàng Sa và nghề câu cá nhám. Mấy chục năm theo nghề, tàu anh đã đi khắp các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Hạnh nói: “Sau khi bán cá xong, chúng tôi nghỉ ngơi khoảng 5 ngày để chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm, sau đó tiếp tục ra khơi”.


Còn với ngư dân Trần Văn Lực, chỉ mấy ngày nữa thôi, tàu anh sẽ lại nhổ neo ra vùng biển Hoàng Sa. Anh quả quyết: “Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể khác được. Từ xưa, ông cha ta đã ra đây khai thác, nay thế hệ con cháu chúng tôi tiếp tục bám ngư trường này là điều hiển nhiên”. Theo chia sẻ của anh Lực, ra khơi lúc này, ngư dân có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng Việt Nam đang chấp pháp trên biển nên an tâm hơn rất nhiều.


Gặp chúng tôi khi đang chạy thử tàu vừa mới sửa chữa xong, ngư dân Trần Ngọc Mậu (chủ tàu KH9661, tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) cho biết: “Sau gần nửa tháng vào bờ để sửa chữa, nay tàu tôi chạy về Ninh Thủy để chuẩn bị ra khơi. Chỉ 2-3 ngày nữa, tàu tôi sẽ ra ngư trường Hoàng Sa”. Ông Mậu cho biết thêm, trong vòng 7 ngày tới, hơn chục tàu câu cá nhám của ngư dân Ninh Thủy sẽ đồng loạt trở lại ngư trường truyền thống Hoàng Sa.   

 
Chia tay những ngư dân Ninh Thủy vốn quen “ăn sóng, nói gió”, chúng tôi hiểu, Hoàng Sa - Trường Sa là một phần cuộc sống của họ. Vậy nên, dù các tàu Trung Quốc có hung hăng, thậm chí có những hành động vô nhân đạo khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam thì vẫn không thể lay chuyển được ý chí vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Với họ, mỗi tấc biển của cha ông, của Tổ quốc là bất khả xâm phạm.


BÍCH LA - ĐÌNH LÂM