Giữa những ngày Biển Đông "nổi sóng", có những người con Khánh Hòa trên tàu Kiểm ngư KN 22 hiên ngang nơi điểm nóng Hoàng Sa. Với các anh, tinh thần dân tộc và tình yêu Tổ quốc luôn rực cháy trong tim...
Giữa những ngày Biển Đông “nổi sóng”, có những người con Khánh Hòa trên tàu Kiểm ngư KN 22 hiên ngang nơi điểm nóng Hoàng Sa. Với các anh, tinh thần dân tộc và tình yêu Tổ quốc luôn rực cháy trong tim...
Tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu KN 22 ngày 4-6 (ảnh do lực lượng Kiểm ngư tàu KN 22 cung cấp). |
Kỳ 1: Bản lĩnh nơi đầu sóng
. Những ngày ác liệt
Biển Đà Nẵng mùa này hối hả những chuyến tàu vào ra. Tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển cập bờ với đầy rẫy vết tích móp méo, biến dạng. Vừa trở về từ điểm nóng Hoàng Sa, tàu KN 22 neo bên cầu cảng lừng lững đầy kiêu hãnh. Có một điều khá thú vị, hầu hết các cán bộ trên tàu KN 22 đều đang sinh sống ở huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Hôm chúng tôi đến thăm, nhiều kiểm ngư viên dù vết thương còn chưa lành vẫn ra tận cầu tàu đón khách.
Sau những cái nắm tay siết chặt, ai cũng vồn vã hỏi thăm về tình hình ở Khánh Hòa quê mình. Dẫn chúng tôi lên ca bin, thuyền trưởng Lê Minh Phúc kể về những phút giây căng thẳng và cả những tấm lòng quả cảm của những người con Khánh Hòa trong những lần đối mặt với tàu Trung Quốc. Chỉ tay vào những thiết bị hư hỏng vừa được sửa lại sau nhiều lần đụng độ với tàu Trung Quốc, anh kể: “36 ngày làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa (từ ngày 2-5 đến 5-6), tàu KN 22 đã 195 lần tiến sâu vào giàn khoan Hải Dương 981 để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, 8 lần bị tàu Trung Quốc phun nước, 6 lần bị đâm va. Nhiều phần, nhiều bộ phận của tàu KN 22 đã bị móp méo, biến dạng”. Chưa thể quên được lần tấn công mới nhất của tàu Trung Quốc, giọng anh Phúc chợt đanh lại: “Ngày 4-6 có lẽ là lần tàu KN 22 bị phía Trung Quốc tấn công ác liệt nhất. Khi chúng ta đang tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, 6 tàu Trung Quốc bất ngờ vây ráp. Trong đó, 2 tàu có tên Haisan và TT9 cùng nhau áp sát tàu KN 22 của Việt Nam. Khoảng 14 giờ 50 phút, khi áp sát tàu KN 22, tàu TT9 phun vòi rồng, đồng thời cùng tàu Haisan lao vào đâm va tàu KN 22. Lúc này, tàu KN 22 cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 8,2 hải lý. Cuộc rượt đuổi kéo dài 30 phút, trong phạm vi gần 3 hải lý và chỉ kết thúc sau khi tàu KN 22 tiến ra phía ngoài. Trong cuộc rượt đuổi, tàu KN 22 bị tàu Trung Quốc đâm 3 lần vào hai mạn phía thân tàu. Toàn thân tàu bị trầy xước, móp méo nhiều chỗ. Nhiều công trình bên trong bị thiệt hại nặng. Một số hệ thống máy phát điện và thông tin bị chập cháy”.
Tàu KN 22 cập bờ để sửa chữa sau nhiều lần bị tàu Trung Quốc đâm va (ảnh chụp tại Đà Nẵng ngày 8-6). |
Nhìn những “vết thương” của con tàu KN 22 sau nhiều lần bị tàu Trung Quốc tấn công, chúng tôi phần nào mường tượng được những phút giây nghẹt thở khi các kiểm ngư viên phải đối mặt với tàu Trung Quốc. Giữa mênh mông sóng nước, nhìn con tàu KN 22, chúng tôi lại nghĩ về hình bóng cha ông một thuở vươn khơi. Thấp thoáng đâu đó, những đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải trên các thuyền gỗ đơn sơ vượt sóng ra đảo khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền. Lòng yêu nước của cha ông bao đời vẫn chảy trong dòng máu của con cháu Lạc Hồng, nay những kiểm ngư viên, những chiến sĩ Cảnh sát biển lại tiếp nối truyền thống ấy.
Ý chí sắt đá
36 ngày đêm trong điểm nóng Hoàng Sa, các cán bộ Kiểm ngư trên tàu KN 22 gặp không ít khó khăn, gian khổ, nhưng khi trò chuyện với các anh, tuyệt nhiên không hề thấy họ than vãn, âu lo. Trong câu chuyện với chúng tôi, các anh chủ yếu hỏi thăm tình hình ở Khánh Hòa. Anh Trần Văn Huy (nhà ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) còn bông đùa: “Nếu biết nhà báo ra đây, anh em nhờ đem giùm mấy ký xoài xanh để nhấm nháp cho vui. Giữa Hoàng Sa mà có xoài Cam Lâm ăn thì tuyệt...”. Tuy chỉ là nói vui, nhưng chúng tôi hiểu, trong thâm tâm mỗi người, hình bóng quê nhà luôn thấp thoáng…
Mạn trái tàu KN 22 bị móp méo sau những cú đâm va của tàu Trung Quốc (ảnh chụp tại Đà Nẵng ngày 8-6). |
Trong những ngày làm nhiệm vụ trên biển, đã có không ít người trên tàu KN 22 bị thương nặng. Dù bị tàu Trung Quốc tấn công nhiều lần, tất cả anh em trên tàu vẫn luôn giữ vững tinh thần, kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ trên vùng biển của Tổ quốc. Trong câu chuyện của các anh, chúng tôi biết thuyền trưởng Lê Minh Phúc là người bị thương nặng nhất. Lúc tàu Trung Quốc tấn công ngày 25-5, anh Phúc đang ở gần vị trí điều khiển tàu và ấn chuông báo động. Anh đã bị vòi rồng phun trúng và hàng chục mảnh kính vỡ găm vào đầu, cánh tay, chân. Trong phút chốc, anh Phúc bị ngất vì mất nhiều máu. Cùng lúc đó, kiểm ngư viên Hà Văn Minh (39 tuổi) đang ở vị trí điều khiển tàu cũng bị mảnh kính vỡ chém vào mặt, tay và lưng. Tuy vết thương ở mặt và tay đang chảy máu đầm đìa, anh Minh vẫn không rời vị trí. Một tay đỡ vết thương trên má, một tay anh Minh đánh tay chuông trong tình trạng khẩn cấp, đảm bảo cho tất cả máy móc hoạt động 100% công suất để đưa tàu thoát khỏi sự bao vây hung hãn của các tàu Trung Quốc. Sau khi thoát khỏi sự vây ép của tàu Trung Quốc, cả tàu mới hay thuyền trưởng phải khâu 15 mũi. Ngoài ra, các kiểm ngư viên Nguyễn Duy Trình, Cao Văn Chiến, Hà Văn Minh... cũng bị thương nhiều chổ trên cơ thể.
Tàu KN 22 đang được khẩn trương sửa chữa để kịp quay lại làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. |
Sau lần bị tấn công ngày 25-5, tổng cộng trên tàu KN 22 có tới 8 người bị thương. Nhiều người bị thương nặng, anh em trên tàu đề nghị đưa về tuyến sau điều trị, nhưng các anh không đồng ý. Tất cả đều quyết tâm ở lại thực hiện nhiệm vụ. Mặc cho vết thương chưa lành, chỉ mấy ngày sau, thuyền trưởng Lê Minh Phúc cùng các kiểm ngư viên lại tiếp tục tiến vào vùng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. “Chúng tôi không thể rời vị trí, rời Hoàng Sa vào lúc này. Cả đất nước đang đứng phía sau lưng mình, chúng tôi nguyện sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ để khẳng định chủ quyền của đất nước” - kiểm ngư viên Trần Văn Huy khẳng định.
Gác lại những riêng tư
Ngồi với các anh, nhìn những ánh mắt cương nghị, ít ai biết rằng, sau lưng họ cũng nhiều nỗi riêng tư. Mỗi người có một hoàn cảnh, song với các anh, chưa bao giờ có ý nghĩ xin về bờ. Tranh thủ những ngày tàu cập cảng sửa chữa, từ Đà Nẵng các anh ríu ran điện thoại vào Khánh Hòa cho vợ con. Cho chúng tôi xem hình con, kiểm ngư viên Hoàng Văn Tùng (ở thị trấn Cam Đức, Cam Lâm) tâm sự: “Ngày tôi ra Hoàng Sa cũng là ngày vợ sinh đứa thứ 2. Cả 2 lần vợ sinh, chưa lần nào có mặt chồng ở bên. Tôi muốn tự tay đi khai sinh cho con nhưng vì nhiệm vụ nên tất cả công việc đó phải nhờ vợ”. Với Hoàng Văn Tùng, làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa luôn được anh xem như nghĩa vụ thiêng liêng. Trong ầm ầm sóng biển, anh nói từng câu chắc nịch: “Tuy mỗi người có khó khăn riêng, song không gì quan trọng bằng nhiệm vụ ở Hoàng Sa lúc này. Khi Tổ quốc gọi, tất cả chúng tôi lên đường. Dù Trung Quốc có hung hăng, dùng nhiều thủ đoạn, kể cả sức mạnh quân sự, chúng tôi không hề run sợ, kiên quyết đấu tranh đến cùng, đấu tranh vì lẽ phải, vì chính nghĩa...”.
Tàu KN 22 đang được khẩn trương sửa chữa để kịp quay lại làm nhiệm vụ chấp pháp. |
Còn với kiểm ngư viên Trần Văn Huy, miệt mài với những chuyến đi biển, sau lưng anh là cha mẹ già đã bước sang tuổi 85. Một mình vợ anh vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ ở Cam Lâm. Vợ chồng lấy nhau 9 năm nhưng những ngày ở bên nhau chỉ tính trên đầu ngón tay. Đứa con nhỏ đầu lòng gần 2 tuổi, song mỗi lần ba về thăm quá ngắn ngủi nên con cũng chưa kịp “quen hơi, bén tiếng”.
Thuyền trưởng Lê Minh Phúc (cầm bộ đàm) và kiểm ngư viên Trần Văn Huy trên ca bin điều khiển tàu KN 22 trở lại Hoàng Sa sau khi tàu được sửa chữa xong. |
Buồn hơn, ngày tàu KN 22 chuẩn bị rời cảng để tiếp tục ra Hoàng Sa, anh Huy lại nhận được tin anh trai qua đời. Nén đau thương, anh tâm sự: “Vẫn biết nỗi đau mất người thân khó khỏa lấp, nhưng giờ phút này, nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu. Hơn lúc nào hết, cả dân tộc đang cần những người như chúng tôi có mặt ở Hoàng Sa. Chúng tôi không thể để chuyện riêng làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ lớn lao”.
Chúng tôi chia tay tàu Kiểm ngư KN 22 khi những người con của Khánh Hòa lại chuẩn bị thẳng tiến ra Hoàng Sa. Tổ quốc và chủ quyền biển, đảo hiện hữu từ lá cờ đang phần phật bay trong gió; từ những gương mặt cương nghị, những con người rắn rỏi giữa biển trời sóng gió. Cả nước đang dõi theo từng bước các anh đi.
ĐÌNH LÂM - BÍCH LA