11:06, 10/06/2014

Chật vật trên đất nông trường

Đời sống khá cơ cực khiến nhiều công nhân của Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lặng lẽ rời bỏ nơi mình đã một thời gắn bó...

Đời sống khá cơ cực khiến nhiều công nhân của Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lặng lẽ rời bỏ nơi mình đã một thời gắn bó...


Sản xuất gặp khó khăn


Đến khu vực sản xuất của Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung (tiền thân là Nông trường Bò giống miền Trung, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập  năm 1986), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cả mấy trăm héc-ta đất của Nông trường trồng mía bạt ngàn. Anh Nguyễn Văn Tin (thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây) cho biết, anh làm việc ở đây đã hơn 20 năm nhưng phải đi thuê lại 3ha đất (với số tiền khoảng 20 triệu đồng/năm) của Công ty để trồng mía. Hàng năm, anh còn phải tự đóng các loại bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp…) cho mình gần 20 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn so với thu nhập từ cây mía. “Tôi vào Nông trường từ năm 1992 đến nay, làm mía cũng từ năm 1992. Những năm trước, mía bán được giá khoảng 1 triệu đồng/tấn; năm nay, giá chỉ còn khoảng 700.000 - 750.000 đồng/tấn. Trong khi đó, tiền thuê đất giá cao, tiền thuê nhân công chăm sóc mía tăng nên đời sống rất khó khăn” - anh Tin than thở.

 

1
Gần đây, cây mía không còn mang lại lợi nhuận cho công nhân Công ty.


Mấy năm gần đây, thời tiết khô hạn, mía vừa giảm sản lượng, vừa mất giá nên rất nhiều công nhân mắc nợ Công ty tiền thuê đất, tiền đóng bảo hiểm. Mang tiếng là công nhân công ty bò giống nhưng lại phải đi thuê đất trồng mía, thu nhập không đủ sống. Thế nhưng, nhiều công nhân không dám bỏ việc, bởi việc làm, nhà cửa của họ đều gắn chặt với mảnh đất thuê lại của Công ty. Anh Phạm Đình Minh - công nhân của Công ty tâm sự: Nông trường chỉ biết giao đất, ra giá thuê đất, ai thấy được thì làm. Chúng tôi càng tham gia trồng mía thì càng lỗ, không đủ tiền nuôi gia đình...”.


Tiếp chúng tôi tại văn phòng Công ty đã xuống cấp nằm cạnh Quốc lộ 26, với vẻ mặt trầm ngâm, ông Trần Duy Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung thừa nhận: “Tiền công nhân thuê đất để trồng mía chính là nguồn nuôi sống bộ máy của Công ty này mấy năm qua”.

 

1
Bò giống Công ty còn nuôi rất ít, lợi nhuận không đủ khấu hao cho hệ thống chuồng trại.


Công ty được Nhà nước cho thuê gần 400ha đất để nuôi bò giống cung cấp cho các tỉnh trong khu vực. Những năm gần đây, việc sản xuất bò giống ngày càng thu hẹp. Vì thế, Công ty đã dùng 250ha cho công nhân thuê lại với giá từ 5 đến 8 triệu đồng/ha/năm, thu về gần 2 tỷ đồng/năm. Năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Thương mại đầu tư Khánh Hòa trở thành cổ đông chi phối của Công ty để triển khai dự án vỗ béo bò Úc. Tuy nhiên, dự án này bị phá sản. Tuy hệ thống chuồng trại và khu giết mổ tập trung đầu tư gần 10 tỷ đồng với dự kiến quy mô hàng ngàn con, nhưng hiện nay chỉ nuôi giữ khoảng 60 con. Số lượng bò nuôi quá ít, không đủ khấu hao chuồng trại nên tiền công nhân thuê đất đang trở thành nguồn thu chính, nuôi bộ máy văn phòng của Công ty gần 10 người. Theo ông Quang, khoản thu hàng năm như vậy cũng không thể đủ...


Người dân lo lắng


Ông Quang cho rằng, việc cho công nhân thuê đất đã có từ lâu, mức giá cũng không cao. Gần đây, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa đã trở thành nhà đầu tư mới của Công ty. Sắp tới, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa có kế hoạch đầu tư chuyển đổi một phần vùng đất của Công ty thành vùng trồng mía tập trung. Công nhân sẽ quay lại thời kỳ sản xuất tập trung. Toàn bộ nhà cửa của công nhân xây dựng trên vùng đất họ đã thuê khoán hàng chục năm nay sẽ phải di dời, trả lại đất cho Công ty. Vì vậy, công nhân đang lo lắng khi mảnh vườn, nhà cửa, đất sản xuất họ đã bỏ biết bao công sức cải tạo sẽ trở thành tài sản của người khác...

 

1
Một số công nhân nghỉ việc buồn bã vì không biết rồi đây sẽ làm gì để sống.


Quyết định về hưu sớm đã mấy tháng nay, nhưng anh Nguyễn Văn Tin vẫn còn bần thần. “Hầu hết công nhân đã gắn bó với nông trường hơn 20 năm nay, từ những ngày đầu gian khó, chưa có điện, đường. Lúc đó, mảnh đất này còn dày đặc cây rừng. Công nhân đã bỏ nhiều công sức khai hoang để có những ruộng mía như hôm nay. Cơ giới hóa, lao động tập trung cũng tốt, nhưng làm mía không phải như những nghề khác bởi nó rất nặng nhọc. Hiện nay, tôi đã gần 50 tuổi, 29 năm lăn lộn với ruộng mía, không còn đủ sức khỏe để làm tiếp nên làm đơn xin nghỉ việc, mặc dù tôi chưa biết phải làm gì để nuôi con”.

 

1
Người dân ngậm ngùi tiếc cây trái được vun trồng mấy chục năm qua sẽ không còn nữa nếu phải di dời nơi ở.


Được biết, Công ty có 39 công nhân, nhưng rất nhiều công nhân đã xin nghỉ hưu sớm. Anh Nguyễn Văn Quỳnh - hàng xóm của anh Tin bức xúc: “Gia đình tôi cũng chẳng thiết tha gì với công việc làm mía theo kiểu tập trung sẽ triển khai trong thời gian tới, vì cái thời làm thuê theo hình thức giao khoán đã quá ngán ngẩm. Do không nỡ bỏ mấy chục năm đóng tiền bảo hiểm nên tôi buộc phải làm thêm vài năm nữa”. Số công nhân nghỉ hưu sớm thì lo lắng chưa biết sẽ làm gì; còn số công nhân tiếp tục làm cho Công ty lại hoang mang không biết rồi đây, bản thân họ có đủ sức khỏe để theo tiếp công việc sản xuất mía hay không. Nhưng hiện nay, nỗi lo lớn nhất của công nhân chính là việc trả lại nhà cửa, đất đai, hoa màu cho Công ty có được đền bù thỏa đáng hay không. Theo phản ánh của một số công nhân, Công ty đưa ra giá hỗ trợ hoa màu cho các gia đình chỉ 8 triệu đồng/ha mía gốc vụ thứ 2; 14 triệu đồng/ha đất khai hoang. Trong khi đó, Nhà nước hỗ trợ đền bù cho một dự án kênh mương gần đó với giá 35 triệu đồng/ha hoa màu trên đất, 70 triệu đồng/ha đất khai hoang. Cho rằng giá của Công ty đưa ra chưa sát với thực tế nên nhiều công nhân chưa đồng ý với mức hỗ trợ này. “Chúng tôi chỉ mong Công ty đền bù với giá thỏa đáng để còn có vốn kiếm kế sinh nhai” - một công nhân nói.


Được biết, hiện nay Công ty đang xem xét giá hỗ trợ đền bù và hứa sẽ giải quyết dứt điểm vào ngày 30-6.


LƯU KHÁNH

 



Theo ông Y Hy, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, do Công ty Cổ phần Bò giống miền Trung tiến hành trồng mía tập trung nên sẽ thu hồi một số diện tích đất đã giao cho nông trường viên, công nhân. Những người này cũng đồng thời là những hộ dân đang sinh sống tại địa phương, đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước giao lại đất của Nông trường và cấp quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định. Tuy vậy, hiện nay, Nông trường đã thành công ty cổ phần, đất và tài sản trên đất là một phần tài sản của các cổ đông thì không thể giao lại cho các hộ dân được. Hiện nay và sắp tới, Công ty gom đất lập khu sản xuất tập trung, quy mô lớn, cơ giới hóa sẽ giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Tuy vậy, các hộ dân không còn đất để sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.