06:05, 14/05/2014

Trong thế giới vô thanh

Không nghe, không nói được, học sinh khiếm thính sống trong thế giới vô thanh. Ngôn ngữ ký hiệu tuy chưa lột tả hết ý của các em nhưng nó luôn mang theo khát vọng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng...

Không nghe, không nói được, học sinh (HS) khiếm thính sống trong thế giới vô thanh. Ngôn ngữ ký hiệu tuy chưa lột tả hết ý của các em nhưng nó luôn mang theo khát vọng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng...

 
Hát Quốc ca bằng... tay


Chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa (Khánh Hòa) vào sáng đầu tuần. Khác hẳn với những ngôi trường bình thường, không gian nơi này im ắng, ít tiếng cười đùa. Trong sự lặng lẽ ấy, thi thoảng chỉ vài tiếng ú ớ vang lên lạc lõng. Những câu chuyện, kể cả cảm xúc buồn, vui đều được thể hiện từ những đôi bàn tay nhỏ bé. HS ở đây không nói được song lại chẳng “kiệm lời”. Thấy có người lạ đến, em nào cũng vòng tay trước ngực, xòe 3 ngón tay đưa lên cằm “liến thoắng”. Chẳng biết gì về ngôn ngữ ký hiệu nhưng chúng tôi cũng mù mờ nhận ra đó là lời chào hỏi.

 

1
Lời bài Quốc ca được thể hiện bằng tay.


Như bao HS khác, ngày đầu tuần của các em trường này được bắt đầu bằng lễ chào cờ. Do độ tuổi, mức độ khuyết tật và khả năng nhận thức khác nhau nên việc ổn định hàng ngũ mất khá nhiều thời gian. Các giáo viên (GV) gần như phải đến từng hàng để điều chỉnh và nhắc nhở HS tập trung. Một GV điều khiển buổi chào cờ, một GV khác có trách nhiệm “phiên dịch” ra thành ngôn ngữ ký hiệu để các em HS hiểu và làm theo. Sau động tác chào cờ, GV điều khiển buổi lễ hô “Quốc ca”. Xen lẫn với những tiếng hát của các GV và một số HS khuyết tật vận động là “tiếng hát” bằng ngôn ngữ ký hiệu của các em khiếm thính. Lời bài Quốc ca được các em diễn tả qua đôi bàn tay. Những đôi mắt ngây thơ, những động tác tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng theo từng ca từ. Dù có sự “vênh” nhau giữa tiếng hát của các em có khả năng nghe nói và các em bị khiếm thính, khúc trầm hùng của bài Quốc ca vẫn được thể hiện một cách trọn vẹn, theo một cách rất đặc biệt. Chúng tôi nhìn thấy trong động tác cử chỉ của các em HS khiếm thính cả sự dứt khoát, mạnh mẽ của từng câu chữ bài hát. Những ánh mắt trẻ thơ ngước nhìn lên cờ Tổ quốc trang nghiêm như muốn thể hiện trọn vẹn tình yêu đất nước...


Buổi chào cờ đặc biệt dù diễn ra ngắn ngủi, song khiến chúng tôi thật sự ấn tượng và xúc động. Cô Trịnh Thị Tường Vy (GV dạy HS khiếm thính) giải thích thêm: “Ngôn ngữ cử chỉ là bản năng của các em HS khiếm thính. Để các em hát được trọn vẹn bài Quốc ca là cả một sự kỳ công của các thầy cô giáo, đặc biệt là các em mới vào trường, chưa được làm quen với thủ ngữ điệu bộ. Chúng tôi phải dạy các em từng từ, từng câu rồi ghép lại thành bài. Nếu HS bình thường chỉ mất 2 ngày để thuộc bài Quốc ca thì các em khiếm thính phải mất 15 ngày, thậm chí phải mất 2 tháng mới “hát” tốt được.


Yêu thương không lời


Theo chân cô trò Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa vào lớp học, chỉ sau 5 phút, 18 HS khiếm thính đã ngồi ngay ngắn, ổn định trật tự. Theo ký hiệu của cô, các em nhanh chóng lấy sách vở để học môn Tiếng Việt. Khi cô Trịnh Thị Tường Vy vừa ghi chữ “quả ớt” lên bảng, đồng loạt các em chụm bàn tay phải đưa lên, còn tay trái thì phẩy phẩy trước miệng.

 

Cô trò giao tiếp “không lời”.
Cô trò giao tiếp “không lời”.


Cô viết bằng chữ, trò đọc bằng tay, cứ như vậy tiết học lặng lẽ trôi qua. Lúc đầu còn có một số em diễn đạt sai, nhưng dần dần những ánh mắt học trò sáng lên theo từng lần gật đầu của GV. Chứng kiến tận mắt cách GV giúp trẻ khiếm thính giao tiếp, chúng tôi thấy được một sự nhẫn nại không giới hạn. Một, hai, ba... lần, cô vẫn kiên trì diễn đạt từ, ý nào đó trước khuôn mặt ngơ ngác của học trò. Thỉnh thoảng có em dùng hai tay múa may, liên tục đưa lên chỉ xuống, cô giáo Trịnh Thị Tường Vy bối rối không biết em muốn diễn tả điều gì. Ánh mắt cô chăm chú dõi theo học trò nhưng rồi lắc đầu tỏ vẻ bất lực. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, cô Vy thổ lộ: “Những GV dạy người khiếm thính như chúng tôi gặp tình cảnh này hoài. Những lúc như vậy, mình cảm thấy rất thương học trò, vì các em sẽ rất buồn khi cô giáo không hiểu những gì chúng muốn diễn đạt. Bởi thế, người dạy phải thật bình tĩnh, bởi đó không phải lỗi của trẻ. Nói cho cùng, không yêu thương các em thì khó mà nhẫn nại được”.


Thông thường, trẻ khiếm thính bắt đầu đến trường khi đã lớn. Trước đó, các em đã có thời gian giao tiếp với người thân bằng ngôn ngữ, ký hiệu riêng. Nhưng thật ra, những ký hiệu đó chỉ là dấu hiệu, không theo quy chuẩn nào. Do vậy, khi đến trường, các em thường lúng túng trong giao tiếp với thầy cô. Để các em có thể sớm hòa nhập và giao tiếp được với cộng đồng, tất cả GV, nhân viên đều nhẫn nại, chân thành để chỉ bảo, kèm cặp HS. Từ Giám đốc trung tâm đến nhân viên bảo vệ, ai cũng phải biết ngôn ngữ ký hiệu để có thể trò chuyện với các em HS của mình. Ngoài dạy chữ, các cô còn lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Đối với những em đến tuổi dậy thì, GV luôn phải tâm sự, nắm bắt sự thay đổi và cả ý nghĩ thầm kín của học trò. Từng nhiều năm dạy HS khiếm thính, cô Nguyễn Thị Thủy tâm sự: “Ở Nha Trang nhưng tôi về đây dạy học đã 5 năm. Cảnh con nhỏ, ở nhà thuê khiến cuộc sống của tôi khá vất vả. Song mỗi ngày lên lớp, nhìn những học trò không may mắn, tôi lại cảm thấy yêu nghề hơn...” Gia đình cô Thủy có tới 7 anh, chị em đều là GV dạy HS khiếm thính. Chính lòng yêu thương và sự đồng cảm với những người khuyết tật đã giúp họ gắn bó với nghề. 

 
Ước mơ tự lập


Có một điều kỳ lạ, dù khó khăn trong giao tiếp, phần lớn các em khiếm thính là những HS khá thông minh và khéo tay. Trong giờ ra chơi, cô bé Bùi Thị Thu Thủy (14 tuổi, quê ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) đem một lô khoảng 30 bức tranh ra khoe với chúng tôi. Những phong cảnh quê hương, những sinh hoạt đời thường đều được Thủy đưa vào trong tranh của mình một cách sinh động. Đường nét, bố cục và màu sắc, tất cả đều rất hoàn hảo. Không chỉ vẽ tốt, Thủy còn là một HS có chữ viết rất đẹp. Nhìn vào những nét chữ mềm mại, bay bướm, người xem không khỏi trầm trồ thán phục.

 

1
Giáo viên chăm sóc cho các em trong bữa ăn


Quan sát học trò của mình giao tiếp với khách, cô Trịnh Thị Tường Vy cười: “Trong lớp này còn có rất nhiều em vẽ giỏi, viết đẹp như thế. Em Trần Văn Hoan mới 13 tuổi đã đạt Giải bạc cuộc thi vẽ dành cho thiếu nhi của tỉnh đấy anh ạ. Với khả năng thiên phú của tụi nhỏ, tôi tin sau này lớn lên các em nhất định sẽ làm được nhiều việc có ích cho xã hội”. Khi chúng tôi vừa viết ra giấy “sau này con ước mơ làm gì”, Bùi Thị Thu Thủy nhanh nhảu múa tay liên hồi trả lời. Nhờ sự “phiên dịch” của GV, chúng tôi biết được ước mơ của Thủy là thiết kế thời trang hoặc có thể mở một tiệm may để phụ giúp mẹ và tự nuôi bản thân. Còn Ngô Quang Lâm (14 tuổi đến từ huyện Vạn Ninh) lại có một ước mơ giản dị hơn: “Con học để biết đọc, biết viết, biết tính toán rồi về quê theo ba đi làm nghề cửa sắt. Đi làm để có tiền phụ ba, mẹ”.


Những đứa trẻ mới 14 tuổi nhưng đã có suy nghĩ đĩnh đạc và ước mơ phù hợp với khả năng của mình. Qua GV chủ nhiệm, chúng tôi biết Thủy và Lâm có hoàn cảnh rất đặc biệt. Mới 8 tuổi Thủy đã mồ côi cha, còn gia đình Lâm có 4 anh em thì có 3 người bị câm, điếc bẩm sinh. Phải chăng xuất phát từ những hoàn cảnh đặc biệt ấy, các em đã sớm có ý thức về bản thân, sớm hình thành những khao khát khẳng định mình.


Nói về những trẻ em đang được nuôi, dạy ở đây, ông Lê Đình Thu - Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa cho biết: “Hiện Trung tâm đang nuôi dạy, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho 37 trẻ em khuyết tật trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Hầu hết các em rất ngoan, lễ phép, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hàng năm, 70% trẻ được xếp loại học tập khá giỏi, 30% loại trung bình; 100% trẻ đạt hạnh kiểm khá, tốt. Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm đã nuôi dạy, hướng nghiệp, phục hồi chức năng cho 49 trẻ em khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, có 2 em đang học trung cấp chuyên nghiệp; 18 em đang học nghề may, hàn, làm hoa đất, trang điểm; 20 em đã có việc làm, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng”.


Chia tay các HS khiếm thính giữa lúc chiều chạng vạng, tiễn chúng tôi là những cái vẫy tay tạm biệt và và ngôn ngữ “không lời” qua từng bàn tay nhỏ bé. Nhìn khẩu hình ngọng nghịu, biết rằng cuộc sống phía trước của các em sẽ còn lắm gian nan. Song với tình yêu thương của các GV và nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa cũng như toàn xã hội, mong rằng đường vào đời của các em sẽ bớt gập ghềnh và tươi sáng hơn...


Đình Lâm