11:05, 09/05/2014

Nguy cơ mất an toàn từ cầu treo

Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng nông thôn, miền núi. Song điều đáng nói là hiện đa số các cầu treo trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm duy tu, sửa chữa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng nông thôn, miền núi. Song điều đáng nói là hiện đa số các cầu treo trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm duy tu, sửa chữa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

 


Cầu treo xuống cấp


Chúng tôi có mặt tại cầu treo Tô Hạp (Khánh Sơn) vào một ngày đầu tháng 5, khi có rất đông người qua lại. Khi chúng tôi vừa đi trên cầu, phía bên kia cầu một chiếc mô tô lưu thông ngược chiều đã khiến chiếc cầu lắc mạnh, tiếng ván gỗ mặt cầu long xóc, kẽo kẹt, phía trên bề mặt cầu hầu hết các tấm ván, dầm ngang (bằng gỗ) đã bị mục, gãy, hư hỏng nặng. Hệ thống các trụ, lan can cầu, cáp treo, dây chằng... gỉ sét. Nguy hiểm là thế, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân địa phương, học sinh qua lại trên cầu. Ông Luân Văn Lợi ở thôn Hạp Cường, cho biết: “Việc cầu treo xuống cấp đã rõ nhưng nguy hiểm nhất là phía hố neo trên cao, sau mỗi cơn mưa, đất lại sạt lở một ít khiến mái tatuy trước đây cách hố neo khoảng 5 - 7m, nay chỉ còn hơn 1m, rất nguy hiểm”.

 

1
Hệ thống thanh dầm ngang, ốc vít, ván lót trên bề mặt cầu treo Tô Hạp bị mục nát.


Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Lợi tiến lại gần một khoảng đất trống nằm cạnh hố neo và chỉ cho chúng tôi xem vị trí căn nhà cũ của gia đình ông đã bị đất trên núi vùi lấp. Ông cho biết, trước đây, nhà của ông cách chân hố neo khoảng 10m nhưng đợt mưa lũ năm 2010, đất trên núi sạt lở suýt lấp cả nhà khiến gia đình ông phải chuyển đi chỗ khác. Mỗi lần trời mưa, ông không dám đi qua cầu vì sợ hố neo cầu bứt!


Không xuống cấp nghiêm trọng như cầu Tô Hạp do vừa được duy tu, sửa chữa trong năm 2012, nhưng cầu treo Sơn Bình cũng đã hư hỏng nhiều vị trí. Hiện ván gỗ mặt cầu, thanh lan can gỗ đã bị cong vênh; dầm dọc, dầm ngang bằng sắt bị gỉ sét; hệ thống chống sóng dọc, chống lắc ngang cầu không phát huy tác dụng khiến cầu lắc mạnh; hệ thống chốt neo và thanh neo để neo cáp chủ không an toàn... Trong khi đó, cây cầu này phục vụ việc đi lại cho người dân 2 thôn Liên Hòa, Kù Lắc và một phần người dân xã Sơn Hiệp. Mỗi ngày, cây cầu gồng mình “gánh” hàng trăm lượt người, phương tiện vận chuyển nông sản.

Cầu treo xã Diên Lạc là một trong số ít cầu đáp ứng được điều kiện lưu thông của người dân.
Cầu treo xã Diên Lạc là một trong số ít cầu đáp ứng được điều kiện lưu thông của người dân.


Huyện Diên Khánh hiện có 4 cầu treo bắc qua sông. Trên đường liên thôn của xã Diên Bình, cầu treo thôn Nghiệp Thành sau 10 năm sử dụng đã bị xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, cầu có chiều rộng khoảng 1m, chỉ đủ cho một chiếc xe mô tô đi qua, nhiều chỗ mặt cầu đã bị mục nát, các ốc vít đều đã bị gãy hoặc long tróc, chỉ cần sơ sẩy có thể lọt ngay xuống sông. Tuy đã đi qua một số cầu treo trên địa bàn tỉnh nhưng khi đi xe máy qua cây cầu này, chúng tôi không đủ can đảm nhìn xuống sông, do cầu đung đưa mạnh, cùng với tiếng kẽo kẹt của dây cáp, ván gỗ lát sàn. Ông Nguyễn Tấn Nghiêm - người dân ở đây cho biết: “Hiện các đinh ốc của mặt cầu trồi lên, sụp xuống nên mỗi lần đi qua, âm thanh phát ra từ các tấm ván, dây chằng nghe rất sợ. Vào mùa mưa lũ, nhiều người không dám đi qua cây cầu này”.  


Điều đáng nói, tuy nhiều cầu treo trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều cầu không có biển báo, biển hướng dẫn giao thông và hạn chế tải trọng khai thác.  


Thiếu kinh phí đại tu


Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cầu treo dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của bà con vùng nông thôn, miền núi; trong đó Khánh Vĩnh 16 cầu, Diên Khánh 4 cầu, Khánh Sơn 5 cầu.


Vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh và các huyện tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, hiện nay hầu hết các cầu treo trên địa bàn tỉnh đều cần phải sửa chữa, gia cố để đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, đối với 4 cầu treo của huyện Diên Khánh, qua kiểm tra đoàn đề nghị tạm ngừng hoạt động cầu treo trong Khu du lịch Nhân Tâm do xây dựng không đảm bảo thiết kế. Các cầu treo còn lại đã xuống cấp cần sửa chữa, hoặc đầu tư làm mới.

 

Cầu treo xã Diên Bình hiện chỉ được sử dụng cho nhu cầu đi lại, việc vận chuyển nông sản hàng hóa phải đi qua suối.
Cầu treo xã Diên Bình hiện chỉ được sử dụng cho nhu cầu đi lại, việc vận chuyển nông sản hàng hóa phải đi qua suối.


Ở huyện Khánh Sơn, trong số 5 cầu treo dân sinh đang hoạt động, hệ thống lan can dọc, mặt sàn của một số cầu đã hư hỏng nặng, đặc biệt hệ thống chống lắc dọc và lắc ngang của tất cả các cầu đều không còn tác dụng. Một số cầu chưa có hệ thống thoát nước cho trụ cầu và người dân canh tác ngay trên mố cáp neo hoặc cầu có móc neo cáp mố cầu quá ngắn, không có chụp neo cáp trụ... làm ảnh hưởng đến an toàn của cầu. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tô Hạp cho biết: “Cầu treo thị trấn Tô Hạp từ khi xây dựng (năm 2004) đến nay chưa được bảo dưỡng. Cầu được phân cấp quản lý cho địa phương nhưng mọi hồ sơ thiết kế địa phương không nắm được nên không biết quy định về định kỳ, quy trình để đề xuất bảo dưỡng. Hàng năm, địa phương chỉ sửa chữa nhỏ như thay ván bị vỡ, đóng lại đinh bị lỏng... chứ không có kinh phí sửa chữa lớn. Chúng tôi mong muốn huyện, tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí đại tu toàn bộ cầu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là phần hố neo cầu phía Bắc”.

 

Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT: Hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy trình bảo dưỡng cầu treo. Sau khi Bộ ban hành, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy trình bảo dưỡng cầu phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí kinh phí hợp lý để đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo tuổi thọ và độ an toàn tuyệt đối của cầu treo trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Việc quản lý, duy tu sửa chữa được phân cấp cho các xã, thị trấn. Do kinh phí eo hẹp nên chỉ thực hiện sửa chữa nhỏ như vá lại các miếng ván mặt cầu, sơn phết lại thành cầu... Đối với sửa chữa lớn thì đề xuất lên huyện. Tuy nhiên, hiện huyện cũng rất khó khăn do kinh phí để sửa chữa cầu rất lớn. Huyện kiến nghị tỉnh, Sở GTVT quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa toàn bộ cầu trên địa bàn”.


Riêng huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, UBND huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng và thực hiện công tác sửa chữa hệ thống cầu treo trên địa bàn huyện khá hoàn chỉnh. Hầu hết các cầu, hệ thống dầm dọc, dầm ngang, lan can, mặt cầu đều được thay thế bằng thép tương đối tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số cầu thanh neo, chốt neo liên kết với các cáp chủ không đảm bảo an toàn; một số cầu hiện bắt đầu bị gỉ sét, hư hỏng làm giảm tuổi thọ của cầu.


Theo ông Nguyễn Tuấn Giang - Trưởng phòng Giao thông Sở GTVT, sau khi kiểm tra, Sở đã có kiến nghị, tư vấn giúp UBND các huyện lên phương án, kế hoạch tổ chức duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là nguồn kinh phí sửa chữa. Vì vậy, Sở đã báo cáo tỉnh về thực trạng các cầu treo trên địa bàn tỉnh; đồng thời nêu cụ thể phương án sửa chữa. “Trong khi chờ nguồn kinh phí để sửa chữa lớn, các địa phương cần bổ sung đầy đủ các biển báo, biển quy định tải trọng khai thác và biển hướng dẫn chi tiết giao thông tại các cầu...” - ông Giang nói.


Ở miền núi, cầu treo gắn liền với đời sống của người dân. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra sự cố tương tự như vụ sập cầu treo ở Lai Châu vừa qua, tỉnh cần hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các địa phương để sớm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của hệ thống cầu treo.


Cẩm Vân - Phúc Hiếu