06:05, 21/05/2014

Mùa sầu riêng không yên ả

Hàng trăm cây sầu riêng ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang cho thu hoạch bỗng chết đứng vì sâu bệnh. Người nông dân thêm một lần khốn đốn, xót xa…

Hàng trăm cây sầu riêng ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang cho thu hoạch bỗng chết đứng vì sâu bệnh. Người nông dân thêm một lần khốn đốn, xót xa…


Thiệt hại nặng


Những ngày này, đi đến nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, câu chuyện thường trực vẫn là loài cây đặc sản này đang chết hàng loạt vì sâu bệnh. “Gia đình tôi trồng 120 cây sầu riêng đã cho thu hoạch được 4 vụ. Từ sau Tết đến nay, dịch bệnh đã làm chết hơn 50 cây, thiệt hại ước tính hơn trăm triệu đồng”, ông Huỳnh Quang Hòa - thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình) cho biết. Nhìn cảnh tan hoang của vườn sầu riêng nhà ông Hòa, không ai có thể hình dung nơi đây từng là một vườn sầu riêng xanh tốt, mỗi vụ cho thu hoạch cả trăm triệu đồng, thay vào đó là hình ảnh những thân cây chết khô, trên một vài cây vẫn còn lủng lẳng những trái sầu riêng non bị khô đen. “Tôi trồng sầu riêng hơn chục năm nay. Vẫn biết đây là loại cây trồng khó tính, nhưng thiệt hại nặng thế này là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến”, ông Hòa tâm sự.

 

Những cây sầu riêng bị sâu đục thân, đục vỏ tấn công rất khó phục hồi.
Những cây sầu riêng bị sâu đục thân, đục vỏ tấn công rất khó phục hồi.


Đến vườn sầu riêng của gia đình ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, chúng tôi thấy ông đang thuê người chặt bỏ những cây sầu riêng bị chết. “Vườn sầu riêng nhà tôi không nhiều, nên việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc rất kỹ lưỡng, vậy mà vẫn có 15 cây chết”, ông Sáng cho biết. Theo ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình, với hơn 100ha trồng sầu riêng, Sơn Bình là xã đứng đầu toàn huyện về diện tích cây trồng này. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại trồng sầu riêng cho thu hoạch cao. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trong số 60ha sầu riêng đã cho thu hoạch, tỉ lệ cây chết vì sâu bệnh chiếm hơn 10%. Hộ bị ít, hộ bị nhiều, nhưng hầu như vườn sầu riêng nào cũng có cây chết.


Ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), hộ bà Nguyễn Thị Nhiều trồng hơn 100 cây sầu riêng đã cho thu hoạch được 6 vụ. Đến thời điểm này đã có khoảng 20 cây 10 năm tuổi bị chết. Vườn sầu riêng nhà bà Phương (thôn Dốc Gạo) mới thu hoạch được 2 vụ cũng có 15/200 cây bị chết. Nhiều người cho biết, họ đã làm theo lời khuyên của cán bộ nông nghiệp, vụ cây ra trái bói đầu tiên không thu hoạch để cây dưỡng sức. Đến 2 vụ gần đây mới thu hoạch, vậy mà không hiểu sao cây lại không thể chống được sâu bệnh.

 

Nông dân lặng nhìn những cây sầu riêng chết.
Nông dân lặng nhìn những cây sầu riêng chết.


Theo bà Phạm Thị Phượng - cán bộ tổng hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, hiện toàn huyện có khoảng 500ha sầu riêng, trong đó 300ha đã cho thu hoạch. Phòng đã nghe thông tin sầu riêng của nông dân bị chết nhiều trong thời gian qua, nhưng số liệu cụ thể là bao nhiêu và cây chết vì nguyên nhân gì đến nay vẫn chưa rõ. Còn theo một báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, đến nay diện tích sầu riêng bị chết khoảng trên 50ha, tỉ lệ lên tới 15 đến 20%. Những cây chết chủ yếu đang trong độ tuổi kinh doanh (cây đã cho thu hoạch), nên gây thiệt hại không nhỏ đến thu nhập của nông dân và làm ảnh hưởng tới sản lượng sầu riêng toàn huyện.


Mò mẫm cứu cây


Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới việc sầu riêng chết hàng loạt: Do bệnh khô cành, khô quả, xì mủ và do sâu đục vỏ, đục thân. Bệnh khô cành, khô quả, xì mủ trên cây sầu riêng đã diễn ra nhiều năm trước, người nông dân không lạ với bệnh này. Vì thế, khi bệnh này diễn ra trên cây, hầu hết các hộ đều có biện pháp trị bệnh hiệu quả. Chính vì thế, tỉ lệ sầu riêng chết vì bệnh này thấp. Còn với loại sâu đục vỏ, đục thân, đây là năm đầu tiên có sự bùng phát của loại sâu này, gây bất ngờ cho nông dân cũng như cán bộ phụ trách kỹ thuật nông nghiệp. “Những năm trước, cây sầu riêng bị nấm, bị bệnh đã có phương pháp chữa trị nên tôi không lo. Còn năm nay, xuất hiện loại sâu này tôi không biết xoay xở thế nào. Chỉ cần một vài hôm không thăm vườn là sâu đã ăn trọn đường kính vỏ cây hoặc đục sâu vào thân cây”, ông Huỳnh Quang Hòa cho biết.

 

Để phòng tránh sâu bệnh, người nông dân cần thường xuyên chăm sóc, thăm vườn.
Để phòng tránh sâu bệnh, người nông dân cần thường xuyên chăm sóc, thăm vườn.


Được biết, đến thời điểm này, huyện cũng như cơ quan chức năng chưa hướng dẫn cách thức, biện pháp cụ thể giúp nông dân phòng trừ loại sâu đục vỏ, đục thân này. Theo quan sát của chúng tôi, ở những vườn sầu riêng bị sâu bệnh tấn công, nông dân chỉ biết rạch vỏ cây hoặc chặt sâu vào thân cây để tìm sâu tiêu diệt. Cách làm này có thể diệt được sâu, nhưng khả năng phục hồi cây rất thấp. Đa số các cây được áp dụng phương pháp này đều đã chết. Người nông dân Khánh Sơn đang mò mẫm tìm cách cứu vườn sầu riêng của mình.

Theo thông báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, tình hình sâu bệnh trên cây sầu riêng đến nay đã được kiểm soát, mức độ gây hại không tăng thêm, nhưng khả năng phục hồi của những cây bị hại là rất khó. Tuy nhiên, việc sâu bệnh tấn công cây sầu riêng hiện không còn bùng phát, một phần do chu kỳ vòng đời của sâu bệnh đã có sự thay đổi. Không ai dám chắc thời gian tới sẽ không tiếp tục có những đợt tấn công khác của loại sâu bệnh này.


Theo ông Tô Thái Nê - Phó Trạm phụ trách Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, hàng năm, huyện cũng như trạm mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây sầu riêng. Tuy nhiên, có thể do cách làm, phương pháp áp dụng của nông dân chưa đúng nên hiệu quả không cao. Việc phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây sầu riêng như hiện nay có nhiều cách, có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng có thể sử dụng biện pháp thủ công là chặt thân, rạch vỏ. Cách làm nào cũng có thể tiêu diệt được sâu bệnh, nhưng việc sử dụng cách nào, hiệu quả ra sao là do mỗi nông dân tự quyết định. Biện pháp tốt nhất là người dân nên đảm bảo cho vườn sầu riêng được thông thoáng, thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện những cây mới chớm bị sâu bệnh tấn công. Khi cây nhiễm bệnh, bị sâu ăn, cần sớm cắt bỏ và tiêu hủy cành, thân để diệt mầm bệnh.


Rời Khánh Sơn, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi hình ảnh những cây sầu riêng chết đang bị chặt bỏ. Lại một mùa sầu riêng không yên ả đối với nông dân Khánh Sơn.


NHÂN TÂM