60 năm đã qua, những người lính Điện Biên "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn" nay đã bạc mái đầu, nhưng chỉ cần nhắc đến những địa danh Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, đồi A1… ai cũng rưng rưng xúc động.
60 năm đã qua, những người lính Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn” nay đã bạc mái đầu, nhưng chỉ cần nhắc đến những địa danh Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, đồi A1… ai cũng rưng rưng xúc động.
Cụm tượng đài chiến thắng Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ |
Khí thế tiến công
Với những người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, bát canh rau rừng chia vội trong ngày nắng như thiêu như đốt hoặc trong đêm mưa tầm tã... đã trở thành kỷ niệm khó quên. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non”.
Ông Đặng Ngọc Chỉnh (14 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) - nguyên lính bộ binh Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 vẫn nhớ như in những ngày lịch sử ấy. Bước vào chiến dịch Điện Biên (13-3-1954), từ Lào đơn vị của ông được điều về đánh Bản Kéo. Khi những mũi hào trận địa của ta đã sát hàng rào địch, pháo đồng loạt nã đạn vào đồn, quân địch hoảng loạn phá cổng ra hàng. Đầu tháng 4-1954, bằng chiến thuật thọc sâu, chia cắt, đánh nhanh diệt gọn, đơn vị ông Chỉnh đã chiếm cứ điểm 106, sau đó tiến đánh cứ điểm 206 (những cứ điểm bảo vệ phía Tây sân bay Mường Thanh). Ông Chỉnh cho biết: “Mất 206 là mất sân bay Mường Thanh nên địch cản phá rất điên cuồng, đạn của địch bắn ra như vãi trấu. Anh em xung phong người trước ngã xuống người sau tiến lên...”. Trong tình thế khó khăn đó, bộ đội ta đã có cách đánh sáng tạo: dùng rơm quấn nhiều vòng thành những độn to; khi đào công sự, dùng độn rơm đẩy về phía trước cản đạn của địch và tổ chức đào giao thông hào theo cách đào dũi. Nhờ vậy quân ta giảm thương vong, tiến sát cứ điểm của địch. Quân ta vừa bao vây, vừa cho bộ đội bắn tỉa nên địch bị thương vong nhiều và co cụm chui xuống hầm ẩn nấp. Đêm 22-4-1954, ta nổ súng công đồn. “Để đảm bảo cho quân ta, pháo binh yêu cầu bộ binh lui ra xa khoảng 50 - 60m, nhưng chúng tôi kiên quyết không lùi, vì lúc này thời gian là xương máu, là thắng lợi. Chúng tôi đề nghị cứ cho pháo bắn và giờ G đã điểm... Khi pháo ngưng bắn, quân ta dùng bộc phá hất tung hàng rào dây thép cuối cùng của địch. Tiếng hô xung phong át cả tiếng đạn”, ông Chỉnh ghi lại trong hồi ký. Sau hơn một giờ công đồn, quân ta đã chiếm được cứ điểm 206, thu được nhiều vũ khí đạn dược.
Ngày 2-5-1954, ông Chỉnh bị thương khi đánh điểm 311B, cách hầm Đờ Cát 300m về phía Tây. “Khi xung phong đột phá khẩu, một viên đạn đã bắn qua đùi nhưng chỉ trúng phần mềm nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu và đã chiếm được điểm chốt. Khi đang ngồi trong hầm của địch, địch bất ngờ cho đại bác bắn trả nên hầm bị sập, tôi bị thương ở cánh tay, phải chuyển về tuyến sau...”, ông Chỉnh kể.
Phút nghỉ ngơi của bộ đội dưới hào giao thông. |
Có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ, ông Hoàng Diệm (tổ 4, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) từng tham gia trận đánh lịch sử ở bản Noong Nhai. Sau khi mất Him Lam và đồi Độc Lập vào tay quân ta, địch ở Hồng Cúm tiến theo cánh đồng Điện Biên nhằm lên phía Nam Mường Thanh định thọc một mũi dao hiểm độc vào lưng quân ta đang chiến đấu ở đồi A1. “Mở đầu trận tấn công lần này, pháo binh và xe tăng địch bắn dữ dội vào trận địa ta. Nhiều công sự bị phá, nhiều đoạn đường hào bị sạt... Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi lúc một gay go. Một bộ phận địch tiến được vào đường hào, ném lựu đạn vào trận địa ta. Trận chiến đấu giáp lá cà diễn ra ngay trong chiến hào. Địch ném lựu đạn xuống hào, chiến sĩ ta lượm ném trả lại. Địch nhảy vào đường hào, chiến sĩ ta dùng tiểu liên bắn quét, dùng lưỡi lê đâm, xác chúng chất đầy chiến hào...”, ông Diệm kể. Trong trận đó, quân ta đã quyết giữ đến cùng, không chịu lùi bước bởi ai cũng biết sau lưng mình là làng Noong Nhai - ngôi làng nhỏ mới hôm trước bị một trận bom san bằng, hàng trăm người đã chết. Và sau làng Noong Nhai, chỉ cách vài ki-lô-mét nữa là vị trí Mường Thanh, là đồi A1, nơi các đơn vị ta đang quần nhau với địch. Với quyết tâm đó, cán bộ và chiến sĩ ta đã chiến đấu hết sức dũng cảm, giữ vững từng đoạn chiến hào và đẩy lùi quân địch.
Niềm vui thắng trận
Sau nhiều trận đánh vào các cứ điểm ở Điện Biên Phủ, ngày 6-5-1954, đơn vị của ông Diệm tiêu diệt cứ điểm 316 phía Tây sở chỉ huy của tướng Đờ-cát. Tấn bộc phá TNT đã nổ tung đồi A1 trong đêm hôm đó càng làm quân địch thêm hoang mang. Chiều 7-5, tướng Đờ-cát dẫn đầu quân địch ra hàng, tập đoàn Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn. Nhớ về sự kiện lịch sử này, ông Nguyễn Thanh Mai (49B Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên) không giấu được vẻ xúc động: “Chiều 7-5, từ trong lòng đất, từng mảnh dù trắng dần trồi lên đi về chân cầu Mường Thanh ngày càng nhiều. Từ dưới các chiến hào, mọi người nhảy lên mặt đất reo hò mừng thắng lợi. Bất chợt nghĩ đến những đồng đội thân yêu đã ngã xuống, không thấy ngày toàn thắng mà rưng rưng nước mắt... Ngay sau đó, Bác Hồ gửi thư khen chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thật không gì sung sướng hơn”!
Đến bây giờ, ông Chỉnh vẫn tiếc nuối vì không được chứng kiến cảnh chiến thắng lịch sử của Điện Biên. Tin vui thắng trận đến khi ông đang điều trị vết thương. “Đang nằm trên giường bệnh, nghe tin Điện Biên giải phóng, chúng tôi ngồi bật dậy hoan hô, reo hò ầm ĩ. Đó là giây phút vui nhất của cuộc đời tôi”, ông Chỉnh nhớ lại. Tin chiến thắng lan nhanh từ chiến trường về hậu phương. Ông Nguyễn Bá Thiệu (sinh năm 1936, hiện ở Vĩnh Nguyên, Nha Trang) nhớ lại: “Tối 7-5-1954, tôi đang dẫn dân công của tỉnh Thái Bình đi đến Nho Quan - Ninh Bình thì nghe tin Điện Biên đã được giải phóng. Ngay lúc ấy tất cả chúng tôi cùng hò reo, kéo nhau vào quán ăn mừng. Mọi người hát hò suốt đêm không ngủ...”.
Nhớ người nằm lại
Nhớ về Điện Biên không chỉ nhớ những chiến thắng oanh liệt, mà còn nhớ cả những mất mát hy sinh. Biết bao người đã nằm xuống để viết nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ông Võ Đức Thi - khi ấy là y tá phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: “Bộ đội ta chiến đấu dưới giao thông hào nên toàn thân bê bết bùn đất, nếu gặp phải ngày mưa thì toàn thân như bị nhuộm bùn. Vì thế, mỗi khi thương binh được chuyển về, đầu tiên chúng tôi phải thay áo quần, làm vệ sinh cho các đồng chí ấy. Chiến trường ác liệt nên mọi việc cứu chữa thương binh phải diễn ra ngay trong hầm, dưới anh đèn măng-sông, hoặc “đèn điện” mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay...”. Với sự tận tụy của những bác sĩ quân y, rất nhiều chiến sĩ bị thương đã được cứu sống, thế nhưng cũng có những trường hợp do thiếu thốn y cụ nên đành bó tay. “Khi đã đến cuối chiến dịch, có một chiến sĩ trẻ bị thương đứt động mạch ở chân. Do thiếu dụng cụ y tế nên các bác sĩ đành phải thắt mạch máu để cầm máu (nếu có điều kiện sẽ nối mạch máu) rồi chuyển về tuyến sau. Do máu không lưu thông được nên phần chân phía dưới bị hoại tử, phải cưa cẳng chân...” - ông Thi ngậm ngùi kể.
Nhớ về Điện Biên, ông Vũ Quang Lộc, nguyên chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 531, Đại đoàn 312 không quên những đồng đội đã nằm lại ở chiến trường. “Có đồng chí ở tiểu đội chúng tôi vừa nhận lệnh điều sang bộ binh hôm trước, hôm sau đã hy sinh”. Những người lính bộ binh như ông Chỉnh, ông Diệm... không ít lần chứng kiến cảnh đồng đội hôm trước còn ngủ cạnh nhau, đến khi hết trận thì đã không còn... Ông Lê Đình Niêm (nhà 3.9, chung cư số 7 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang) thuộc Đại đội 13, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, người từng chiến đấu bị thương rồi chuyển sang làm công tác thương binh, tử sĩ cho biết, những ngày đánh đồi A1, quân ta hy sinh và bị thương rất nhiều. “Hồi ấy, ai ra trận trong túi cũng có mảnh giấy ghi lại tên tuổi, quê quán, đơn vị và địa chỉ cần báo tin. Tôi đi lục túi anh em chiến sĩ đã hy sinh mà lòng quặn thắt, bởi nhiều người còn quá trẻ, nhiều người thân thể không còn nguyên vẹn...”, ông Niệm nhớ lại.
Trong câu chuyện của mình, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống, chiến đấu rất cao đẹp. Với họ, được góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự, một niềm tự hào, bởi vậy sau này, dù tiếp tục ở trong quân đội hay chuyển sang dân sự họ vẫn luôn giữ đúng phẩm chất người lính Cụ Hồ.
Gặp các chiến sĩ Điện Biên, tôi chợt nhớ đến câu nói của Pavel Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy (N.A.Ostrovsky): “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận...”. Chính những con người bình dị mà anh dũng ấy đã làm nên những trang sử chói lòa, mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi. Tự hào thay Điện Biên, tự hào thay Việt Nam!
XUÂN THÀNH - MẠNH HÙNG