09:05, 06/05/2014

Ký ức Điện Biên

60 năm đã qua kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng ký ức về những ngày "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non…" của những người lính năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần một dòng khơi gợi, những chuyện xưa lại ùa về… như mới hôm qua.

Kỳ 1: Đường lên Điện Biên


60 năm đã qua kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non…” của những người lính năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần một dòng khơi gợi, những chuyện xưa lại ùa về… như mới hôm qua.


Đi chiến dịch như trẩy hội


Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm gặp các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Qua lời kể mộc mạc của những người lính công binh, pháo binh, bộ binh, dân công hỏa tuyến năm xưa... chúng tôi như được sống lại thời khắc lịch sử cách đây hơn nửa thế kỷ.

 

Những cựu binh Điện Biên ôn lại những ngày lịch sử.
Những cựu binh Điện Biên ôn lại những ngày lịch sử.


Ngày ấy, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, cả nước ùn ùn ra trận. Ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến khí thế hết sức sục sôi. Sau khi người chồng chưa cưới lên đường nhập ngũ vào Đại đoàn 308, bà Lê Thị Lam (sinh năm 1931, hiện ở 14 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cũng ghi tên xung phong đi dân công phục vụ bộ đội chuẩn bị chiến dịch. Thân hình gầy nhỏ nên bà chỉ gánh được 20 - 25kg gạo. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, hiện ở nhà 3.9, chung cư số 7 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang) gửi 2 con cho mẹ chồng để đi dân công phục vụ chiến trường Điện Biên. “Chúng tôi chỉ đi ban đêm, người trước buộc khăn trắng để người sau trông thấy, bám theo mà đi. Suốt chặng đường chúng tôi băng rừng để đi nhằm tránh bị địch phát hiện. Khi mới tham gia vận chuyển lương thực, cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay oanh tạc tôi sợ lắm, sau rồi cũng quen. Chúng quần đảo mặc kệ, mình cứ đi, miễn sao ngụy trang cho tốt để tránh lộ đội hình là được”, bà Lam kể. Đường đi từ Thanh Hóa lên chiến trường Điện Biên ngày đó vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nhiều đoạn không chỉ có núi cao, vực thẳm, suối sâu, thác ghềnh mà những dân công hỏa tuyến còn phải đối mặt với muỗi, vắt, côn trùng. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, mặc cho bàn chân tứa máu vì đá tai mèo và gai góc, những dân công như bà Lam, bà Thanh... vẫn băng rừng lội suối, không quản hiểm nguy. Người nào bị sốt rét được đưa về tuyến sau, gạo được san ra cho những người còn khỏe gánh tiếp.


Không chỉ đường ra trận mới vui như đi hội mà ở quê nhà cũng nhộn nhịp, khẩn trương, tất cả vì Điện Biên, vì Cụ Hồ. “Người dân quê tôi tự nguyện “dốc bồ, thổ thúng”, nhiều gia đình ăn bắp non, khoai sắn thay cơm để dành gạo cho tiền tuyến. Người không có điều kiện đi dân công, đi bộ đội thì ở nhà lo tăng gia sản xuất, đảm đương việc cho người lên đường...”, bà Lam kể.


Những ngày mở đường


Nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lê Văn Thảng (sinh năm 1934, quê huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là chiến sĩ công binh ở Đại đội 72, Tiểu đoàn 417, Trung đoàn 151, Đại đoàn 351 không thể quên những ngày mở đường gian khó. Sau lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1953), đơn vị của ông Thảng được lệnh hướng lên Tây Bắc, tham gia thông tuyến từ đèo Cò Nòi đến đèo Pha Đin, mở đường cho xe, pháo vào Điện Biên Phủ. “Hồi ấy, cánh lính mở đường phải dùng búa tạ và đục để tạo lỗ tra thuốc pháo phá đá mở đường. Những buổi đầu làm đường chưa quen nên tay ai cũng tứa máu, nhưng lòng vẫn bừng bừng khí thế...”, ông Thảng kể. Đường đất, trời mưa, xe chạy suốt ngày đêm nên chẳng mấy chốc con đường trở nên lầy lội. Những người lính mở đường phải vào rừng chặt cây, xuống suối vác đá lên, đập nhỏ ra để trải đường cho xe đi qua.

 

 Kéo pháo lên Điện Biên. (Ảnh tư liệu)
Kéo pháo lên Điện Biên. (Ảnh tư liệu)


Chẳng bao lâu, địch biết con đường vận chuyển lương thực, vũ khí của ta nên tổ chức đánh phá rất ác liệt, nhất là ở đèo Pha Đin. “Để bảo vệ đường, chúng tôi phải “theo dõi” bom của địch. Thông thường, mỗi máy bay của địch sẽ thả 2 quả bom, một quả nổ ngay và một quả nổ chậm. Cứ sau mỗi loạt bom, anh em phải tìm lỗ có bom chui xuống và dùng cây cắm lên đánh dấu để sau đó đội phá bom mìn đến “giải quyết”... Có một lần trong khi san đường, bom nổ đã hất tung đất lấp cả người tôi. Đồng đội phải dùng cuốc xẻng đào đất mới cứu được”, ông Thảng nhớ lại. Lính công binh là những người đi trước (chỉ sau trinh sát) nên rất cực khổ. “Nhiều hôm dân công không kịp chuyển gạo nên phải ăn lá mì, rau tàu bay thay cơm”, ông Thảng cho biết.


Vừa lần giở cuốn album ảnh ghi dấu những lần họp mặt chiến sĩ Điện Biên ở Khánh Hòa, ông Nguyễn Thanh Mai (49B Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang) - Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên chậm rãi kể: “Sau khi đánh địch ở Lai Châu, Đại đoàn 316 tiếp tục tiến về Điện Biên. Lúc ấy tôi là khẩu đội trưởng khẩu 12 ly 8, Tiểu đoàn 536 (làm nhiệm vụ trợ chiến). Suốt đoạn đường hành quân, anh em phải tháo rời nòng, bệ để khiêng; đèo cao suối sâu nên rất vất vả, nặng nhọc. Tiểu đoàn được lệnh bảo vệ đèo Pha Đin để đội hình xe pháo của Đại đoàn tiến quân, đồng thời giúp dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên... Chiều hôm ấy, sau khi đẩy lui mấy đợt quần thảo của máy bay địch, tôi phân công trực chiến, cho anh em luân phiên đi tắm giặt. Sau khi trực kíp 1, tôi cùng với mấy anh em xuống suối tắm. Khi đang ngâm mình dưới dòng suối mát lạnh, tôi nghe có tiếng máy bay ầm ào trên đèo. Tiếng súng 12 ly 8 bắn trả rất rát, bỗng tiếng bom nổ rung đất, khói cuộn mù mịt. Khi chạy lên đèo, khẩu 12 ly 8 của khẩu đội bị hất tung khỏi trận địa. 5 pháo thủ trực chiến hy sinh hết. Trong phút giây ấy, tôi choáng váng vì đau đớn và căm giận quân thù… Chiều hôm ấy, Tiểu đoàn lập tức di chuyển trận địa, riêng tôi ở lại cùng bộ phận khác đưa các chiến sĩ hy sinh về bản phía bên kia đỉnh đèo làm lễ truy điệu. Nhìn những đồng đội thân yêu ra đi khi tuổi còn rất trẻ, lòng tôi quặn đau không thể nào tả được”, ông Mai nhớ lại, giọng chùng xuống…

 

1
Dân công hỏa tuyến tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên.


Hướng lên Điện Biên


Đường lên Điện Biên được mở cũng là lúc các đội quân của ta hướng về lòng chảo Mường Thanh. Ngày ấy, việc hành quân lên Điện Biên Phủ hết sức bí mật. Ông Hoàng Diệm (Tổ 4, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang), nguyên lính bộ binh Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 nhớ lại, sau thời gian học nhiệm vụ “Trần Đình” (mật danh ám chỉ Điện Biên), từ Thanh Hóa chúng tôi được lệnh lên đường. Không ai biết đi đâu, đến đâu nhưng ai cũng háo hức chờ đợi ngày ra trận... “Hôm ấy đã là 30 Tết Giáp Ngọ (đầu năm 1954), sau khi nhận thêm mỗi người một túi lương khô, cả đơn vị tập hợp chỉnh tề dưới tán lá nứa nghe đại đội trưởng phổ biến mệnh lệnh, nghe chính trị viên chúc Tết, chúc hoàn thành nhiệm vụ rồi lên đường. Tôi xung phong đọc bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu đã học thuộc từ ngày còn đi học. Mọi người hát vang bài hát “Vì nhân dân quên mình” rồi cất bước, nhiều đồng chí mắt rưng rưng ngấn lệ vì xúc động”, ông Diệm kể. Ròng rã hàng tháng trời, đêm đi ngày nghỉ, trên lưng mỗi người cõng khoảng 30kg bao gồm ba lô quần áo, gạo, súng đạn... Ấn tượng mà ông Diệm nhớ mãi là khi vừa qua suối Rút (Hòa Bình), mỗi người được phát một đôi giày vải, một bát sắt tráng men, ca Việt - Trung - Xô (hàng viện trợ của Trung Quốc). Dọc đường hành quân, niềm vui như được nhân lên khi gặp những đoàn xe vận tải Monotoba (Liên Xô) nối đuôi nhau chở hàng ra chiến dịch, rồi dân công hỏa tuyến từ mọi miền đất nước hướng lên Điện Biên... “Tất cả ra tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, lòng chúng tôi thêm hào hứng, phấn khởi hướng lên Điện Biên Phủ”, ông Diệm nói.


60 năm đã qua, những cựu binh vẫn chưa quên những ngày tháng lịch sử ở chiến dịch Điên Biên Phủ. Những kỷ niệm hào hùng của một thời son trẻ, những mất mát hy sinh của đồng đội... đã trở thành ký ức không thể nào quên.


Xuân Thành - Mạnh Hùng

 


Kỳ 2: Sống mãi với Điện Biên