Về Ninh Hòa những ngày này, chúng tôi vẫn thấy các lò gạch thủ công nhộn nhịp hoạt động. Khó khăn về vốn để chuyển đổi công nghệ khiến nhiều cơ sở vẫn sản xuất theo kiểu cũ, mặc dù đến tháng 6 phải chấm dứt hoạt động theo Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Khánh Hòa.…
Về Ninh Hòa những ngày này, chúng tôi vẫn thấy các lò gạch thủ công nhộn nhịp hoạt động. Khó khăn về vốn để chuyển đổi công nghệ khiến nhiều cơ sở vẫn sản xuất theo kiểu cũ, mặc dù đến tháng 6 phải chấm dứt hoạt động theo Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Khánh Hòa.…
Nuốt đất, gây ô nhiễm
Đi dọc theo Quốc lộ 26, qua địa bàn xã Ninh Phụng, Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi bắt gặp không ít ao hồ nằm xen lẫn với những ruộng lúa của người dân. Trong câu chuyện với những nông dân trên đồng, chúng tôi mới biết, các ao hồ này chính là hệ quả của việc khai thác quá mức nguồn đất sét để làm nguyên liệu cho các lò gạch thủ công. Những năm qua, để có nguồn nguyên liệu hoạt động, các lò gạch thủ công phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm nên đã nuốt khá nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các địa phương. “Trước đây, để làm gạch mộc, người dân trong xã thường khai thác đất sét ở một số cánh đồng trong xã, có những khu vực người ta khai thác sâu đến vài mét nên hầu hết diện tích không thể trồng lúa hoặc hoa màu. Hiện nay, để duy trì sản xuất, các lò gạch phải mua lại đất sét từ các “đầu nậu” đất ở một số xã lân cận với giá hơn 100.000 đồng/m3”, ông Nguyễn Công - nông dân ở xã Ninh Xuân cho hay.
Các lò gạch thủ công đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại xã Ninh Xuân. |
Tại cơ sở sản xuất (CSSX) gạch Ngọc Anh (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân), ông Võ Hùng Tín - chủ cơ sở chia sẻ: “Để sản xuất 1.000 viên gạch đất sét nung, cần khoảng 1,5m3 đất sét nguyên liệu. Một CSSX gạch như của gia đình tôi, mỗi tháng có thể sản xuất được khoảng 200.000 viên gạch, phải cần đến 300m3 đất sét nguyên liệu”. Chúng tôi thử nhẩm tính, thị xã Ninh Hòa hiện có gần 100 CSSX gạch thủ công, mỗi năm có thể cung ứng cho thị trường 100 triệu viên gạch, nếu khai thác 1m2 đất được khoảng 2m3 đất sét nguyên liệu thì địa phương này cần đến 150.000m3 đất sét/năm, tương ứng với khoảng 75ha đất canh tác bị khai thác.
Ở thủ phủ gạch thủ công Ninh Xuân, nhiều người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, gạch thủ công không chỉ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tình, người dân thôn Phước Lâm cho biết: “Ở cái xứ nắng bụi, mưa bùn này, việc người dân sống chung với ô nghiễm do các lò gạch gây ra là điều khó tránh khỏi. Nhiều người đã bị bệnh viêm đường hô hấp và dị ứng da. Nhưng ở đây, nhà nhà làm gạch, người người làm gạch, biết phải làm sao?”. Còn ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho hay, với hàng trăm vỏ lò đã tồn tại ở Ninh Xuân khoảng 30 năm nay không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, mà còn khiến năng suất nhiều loại cây ăn trái bị giảm. Đặc biệt, những CSSX gạch gần các trường học có ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của nhà trường.
Quyết tâm xóa bỏ
Trước thực trạng trên, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 22 về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục; tăng cường sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến tại khu vực các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (đặc biệt là 2 xã Ninh Phụng, Ninh Xuân) phải chấm dứt hoạt động vào tháng 6-2014, lò đứng liên tục là tháng 12-2015; thời gian thực hiện ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chậm hơn. Riêng các lò hoffmen sử dụng nguyên liệu từ các phế liệu ngành nông nghiệp (như mùn cưa, trấu) tùy điều kiện có thể cho phép tồn tại…
Sản xuất gạch thủ công tại cơ sở sản xuất gạch Huỳnh Văn An (xã Ninh Xuân). |
UBND thị xã Ninh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 22, triển khai các kế hoạch, biện pháp nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, CSSX gạch thủ công chuyển đổi nghề nghiệp, quy trình sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện phát triển chung. “Để xóa bỏ các lò gạch thủ công, bên cạnh việc quản lý chặt việc khai thác đất sét làm gạch, UBND thị xã Ninh Hòa còn tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở chấm dứt hoạt động sản xuất lò gạch nung thủ công, không cấp phép xây dựng mới cho các lò vòng, lò vòng cải tiến; đình chỉ hoạt động buộc tháo dỡ các dự án xây dựng trái phép, không phép hoặc cho phép chuyển sang xây dựng, đầu tư, phát triển lò tuynen nếu dự án đó nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, tổ chức đào tạo cho lao động đang làm việc tại các lò gạch nung thủ công trong việc chuyển đổi nghề; phối hợp với các phòng, ban tăng cường việc kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn các xã… để có cơ sở khuyến khích người dân tự tháo dỡ”, ông Nguyễn Dương Hùng - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa nói.
Khó đúng lộ trình
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa hiện có 98 CSSX gạch thủ công với hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Riêng tại xã Ninh Xuân có đến 54 cơ sở, đây là địa phương còn nhiều hộ vẫn duy trì việc sản xuất gạch thủ công nhất trên địa thị xã Ninh Hòa. Số còn lại rải rác ở các địa phương như: Ninh Phụng, Ninh Hà, Ninh Hưng, Ninh Tân, Ninh Quang, Ninh Bình. Bình quân mỗi hộ sản xuất và tiêu thụ từ 100.000 - 200.000 viên gạch, ngói/năm. Sản phẩm của các cơ sở này không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn đưa đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Hiện, chỉ có chưa đến 1/10 số cơ sở ngừng hẳn việc sản xuất, số còn lại vẫn đang hoạt động, mặc dù họ đều biết đến Chỉ thị của UBND tỉnh.
Nhiều người dân cho biết, họ đồng tình với chủ trương chung của tỉnh. Thực tế, không ít cơ sở muốn cải tiến công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi gạch làm thủ công như hiện nay chất lượng thấp nên rất khó cạnh tranh với gạch tuynen. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ gạch thủ công sang sản xuất gạch tuynen phải mất hàng tỷ đồng. Nhiều cơ sở cũng tính chuyện liên kết với nhau để chuyển đổi công nghệ nhưng rất khó. Vì thế, các hộ dân vẫn tiếp tục làm gạch thủ công. Điều khiến nhiều chủ CSSX gạch thủ công tỏ ra lo lắng là hiện nay một số cơ sở đang vay vốn của ngân hàng (khoảng 1 - 2 năm nay) để đầu tư mua nguyên vật liệu, máy móc để sản xuất gạch thủ công nhưng vẫn chưa trả được tiền vay. Chính vì vậy, họ kiến nghị lùi lộ trình thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công. Bà Trần Thị Hoài (chủ CSSX gạch Huỳnh Văn An, ở thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân) kiến nghị: “2 năm nay, gia đình tôi vay 700 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư sản xuất gạch, bây giờ mà xóa bỏ ngay thì sẽ hết sức khó khăn. Vì vậy, tôi mong lãnh đạo tỉnh cho lùi thời hạn thực hiện để gia đình tôi có thể trả nợ được khoản vay này, rồi mới tháo dỡ lò gạch cũ”.
Lao động đang mưu sinh bằng nghề làm gạch. |
Ông Võ Hương cho rằng: “Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công sẽ rất khó đảm bảo đúng lộ trình. Nếu xóa bỏ các lò gạch thủ công thì rất nhiều lao động mất việc làm, trong khi xã Ninh Xuân hiện có khoảng 1.000 lao động làm việc trực tiếp tại các lò gạch. Vì vậy, đời sống của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghệ sản xuất đòi hỏi vốn lớn mà tại địa phương có chưa đến 15% số cơ sở có điều kiện chuyển đổi công nghệ, số còn lại thiếu vốn. Nếu không giải quyết được những vấn đề này, sẽ rất khó để đảm bảo người dân không sản xuất “chui”. Vì vậy, người dân địa phương rất mong khi thực hiện việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống”.
Còn ông Nguyễn Dương Hùng cho biết: “Khó khăn nhất trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công tại thị xã Ninh Hòa hiện là vấn đề vốn cũng như công nghệ nào phù hợp trong chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch. Việc giải quyết bài toán lao động sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công cũng rất nan giải. Đối với khu vực sản xuất gạch tập trung, trước đây chủ trương chung là sẽ di dời các CSSX gạch gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp Ninh Xuân nhưng UBND tỉnh đã chính thức có thông báo dừng xây dựng cụm công nghiệp này nên nếu các cơ sở có vốn để chuyển đổi công nghệ thì không biết sẽ sản xuất tập trung ở đâu… Trong khi đó, mốc thời gian tháng 6 xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống đã trước mắt. Vì vậy, UBND thị xã đã có công văn kiến nghị tỉnh lùi thời gian thực hiện lộ trình này cũng như có chính sách hỗ trợ cho người dân”.
Chúng tôi rời Ninh Xuân khi nắng chiều đang dần tắt, không ít lò gạch thủ công đang nổi lửa. Xe chở gạch, chở nguyên liệu vẫn vào ra tấp nập. Nghĩ đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công tại thị xã Ninh Hòa, e rằng thời hạn tháng 6 chấm dứt hoạt động của các lò gạch trên sẽ rất khó thực hiện.
BÍCH LA - PHÚC HIẾU