01:04, 29/04/2014

Về căn cứ địa Đá Bàn…

Trong hai cuộc kháng chiến, Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là căn cứ địa cách mạng của quân và dân ta. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất khô cằn này đã có nhiều đổi thay, mang một diện mạo mới…

Trong hai cuộc kháng chiến, Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là căn cứ địa cách mạng của quân và dân ta. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất khô cằn này đã có nhiều đổi thay, mang một diện mạo mới…


Những trang sử hào hùng


Tháng 4, về lại Đá Bàn, chúng tôi gặp ông Phạm Hữu Trí - người từng có nhiều năm làm giao liên ở căn cứ địa cách mạng Đá Bàn thời kháng chiến chống Mỹ. Đưa chúng tôi tìm đến những địa danh như: bến Ghe, đồi Yên Ngựa, gộp Đá Đen… ông lại thấy dâng lên niềm tự hào về những ngày hoa lửa đã qua. “Năm 1965, tôi tham gia lực lượng bộ đội ở căn cứ địa Hòn Hèo. Đến năm 1972, tôi bị thương nên được tổ chức đưa về chữa trị tại bệnh xá ở căn cứ địa Đá Bàn. Sau đó, vì lý do sức khỏe nên tôi được giao nhiệm vụ làm giao liên, mang thư, công văn qua lại giữa hai khu căn cứ địa Đá Bàn - Hòn Hèo”, ông Trí kể.

 

 Bia di tích căn cứ địa cách mạng Đá Bàn.
Bia di tích căn cứ địa cách mạng Đá Bàn.


Căn cứ địa Đá Bàn được hình thành từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày ấy, căn cứ địa Hòn Hèo dễ bị cô lập, vì vậy, năm 1950 Tỉnh ủy đã chủ trương chuyển toàn bộ các cơ quan của tỉnh, của huyện Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa ngày nay) lên khu vực Đá Bàn, xây dựng nơi đây thành căn cứ của tỉnh và của hai huyện Bắc Khánh (Vạn Ninh, Ninh Hòa). Đá Bàn là một vùng thung lũng trải dài hàng chục cây số, bốn bề có núi bao bọc. Ngay sau khi được thành lập, căn cứ địa Đá Bàn còn có nhiệm vụ tăng gia sản xuất để giải quyết lương thực tại chỗ…


Ở Đá Bàn, quân, dân phải thường xuyên đối mặt với các cuộc càn quét, tập kích của kẻ địch. Một mặt, chúng tăng cường quân số, củng cố công sự phòng thủ ở các đồn giáp ranh, tạo vành đai cứ điểm mạnh để bao vây căn cứ Đá Bàn. Chúng xây dựng đồn Lạc Minh thành cứ điểm kiên cố nhất, án ngữ cửa ngõ căn cứ Đá Bàn. Mặt khác, chúng tập trung lực lượng bộ binh tấn công càn quét liên tục vào trung tâm căn cứ. Từ tháng 4 đến tháng 11-1952, địch mở liên tục 3 đợt tấn công có quy mô lớn vào căn cứ địa Đá Bàn hòng tiêu diệt, phá hủy căn cứ. Tuy nhiên, với những phương thức đánh địch linh hoạt, quân ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, đồng thời góp phần củng cố, xây dựng căn cứ địa ngày một vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào kháng chiến của tỉnh, của huyện cho đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954.

 

Hồ thủy lợi Đá Bàn - một trong những công trình được thực hiện sau ngày giải phóng.
Hồ thủy lợi Đá Bàn - một trong những công trình được thực hiện sau ngày giải phóng.


Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đá Bàn tiếp tục là nơi đứng chân của Tỉnh ủy những ngày đầu. Tiếp đến, Huyện ủy Ninh Hòa đã về đây để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân, dân trong tỉnh và ở địa phương. Từ căn cứ địa Đá Bàn, bộ đội ta đã tổ chức nhiều trận đánh ở Dục Mỹ, Ninh Thượng… gây thiệt hại lớn cho quân địch. Cùng với đó, quân và dân Đá Bàn cũng đã anh dũng, mưu trí đứng lên tổ chức các trận đánh chống lại những đợt càn quét của quân địch. Trong ký ức của nhiều người từng tham gia kháng chiến ở căn cứ địa Đá Bàn, những diễn biến của “Mùa hè đỏ lửa năm 1972” vẫn còn nguyên vẹn. Bà Đặng Thị Tiếp - y sĩ từng công tác tại Bệnh xá căn cứ Đá Bàn thời chống Mỹ nhớ lại: “Trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, bộ đội ta thường xuyên tấn công địch. Lúc đó, cánh y sĩ chúng tôi gần như theo sát các đoàn quân nên chứng kiến được những hình ảnh oai hùng của bộ đội”.


Từ giữa năm 1973 đến đầu năm 1974, địch liên tiếp mở 6 cuộc càn quét quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn vào trung tâm căn cứ Đá Bàn. Nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, đồng thời làm tốt công tác bố phòng nên các trận càn của địch đều sớm thất bại. “Hầu hết các lực lượng, cơ quan của ta khi đó ở Đá Bàn đều thường xuyên được đặt trong tình trạng sẵn sàng chống càn. Vì vậy, khi biết tin có địch đi càn, bệnh xá đều khẩn trương di chuyển thương binh đến nơi an toàn”, bà Đặng Thị Tiếp cho biết.


Với những thành quả đạt được, quân và dân ở Đá Bàn tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng vào Tháng 4-1975.


Diện mạo mới


Đến Đá Bàn hôm nay, những ruộng lúa nước, ruộng mía như càng xanh thêm nhờ được tưới mát bởi dòng nước từ hồ thủy lợi Đá Bàn. Trong kháng chiến, Đá Bàn là căn cứ địa anh dũng. Trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, Đá Bàn cũng là nơi ghi dấu ấn về những thành tựu đến từ lòng quyết tâm đổi thay một vùng đất khó. Gặp lại những nhân chứng có mặt tại Đá Bàn thời kỳ sau giải phóng, nghe kể về hiện trạng khu vực Đá Bàn ngày ấy mới thấy sự đổi thay rõ nét. Ông Nguyễn Văn Tâm - thanh niên xung phong có mặt tại Đá Bàn những ngày đầu giải phóng cho biết: “Đầu năm 1977, tôi đến Đá Bàn theo sự điều động của Ban Kinh tế mới. Khi ấy, khu vực này bốn bề là rừng rậm cổ thụ. Đêm đêm, từ khu vực lán trại bước ra khoảng vài trăm mét là có thể bắt gặp cọp, beo. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là khai hoang đất rừng để sản xuất”.

 

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Ninh Sơn.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Ninh Sơn.


Sau ngày giải phóng, Đá Bàn đúng nghĩa là một đại công trường với nhiều công trình, dự án được triển khai. Năm 1978, Đá Bàn được thành lập Khu Kinh tế mới Hòa Sơn. Đến năm 1980, Nông trường bông Đá Bàn thuộc Công ty Bông Trung ương hình thành. Cũng trong những năm đầu giải phóng, hồ thủy lợi Đá Bàn được xây dựng, góp phần đưa nguồn nước về sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các địa phương ở khu vực đồng bằng của thị xã Ninh Hòa. Theo ông Bùi Đình Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn: “Đá Bàn là xã miền núi còn khó khăn, dân cư từ nhiều vùng miền trong cả nước đến định cư làm ăn, sinh sống. Đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp. Nhưng với đôi bàn tay cần cù lao động cùng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền nên đến nay, xã Ninh Sơn đã có nhiều đổi thay”.


Đá Bàn hôm nay, hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm) cơ bản đã được đầu tư xây dựng. Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, tình hình kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Hiện tại, diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã đạt và vượt kế hoạch đề ra, định mức bình quân lương thực đạt 785kg thóc/người/năm. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi và các tổ liên kết được ra đời. Ngoài cây lúa, nhân dân địa phương đã chủ động mở rộng diện tích cây trồng hàng năm như: cây bắp, mía, rau củ quả. Riêng cây mía có 1.073ha, sản lượng 50.765 tấn. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 11/19 tiêu chí. Trong đó có nhiều cá nhân, hộ gia đình đóng góp xây dựng cho phong trào như: hiến đất, hiến kế và góp tiền. Chẳng hạn, người dân đã tự nguyện đóng góp xây dựng cầu Ba Lý với số tiền 299 triệu đồng; hiến 880m2 đất để làm đường cấp phối đập tràn ở thôn 5. Nhiều hộ đã tự giác tháo gỡ tài sản trên đất để xã làm đường; đóng góp kinh phí lắp hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường chính trong xã. Qua đó, mang lại nếp sống văn minh, phong trào xây dựng nông thôn mới khởi sắc và có sự tham gia hưởng ứng của cả cộng đồng.


Nhìn nhận về những thành quả cách mạng hôm nay, những người đã tham gia kháng chiến như: ông Phạm Hữu Trí, bà Đặng Thị Tiếp không giấu nổi niềm vui. “Nhìn thấy quê hương đổi mới, chúng tôi thấy công lao của những năm tháng kháng chiến gian khổ đã thực sự cho hoa thơm quả ngọt. Đất và người Đá Bàn hôm nay tuy vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự đổi thay, phát triển của vùng quê này trong một tương lai gần”, ông Phạm Hữu Trí tâm sự.


Rời Đá Bàn, trên những con đường làng, chúng tôi thấy các em học sinh vui đến trường trên những con đường trải nhựa phẳng lì. Và chúng tôi tin, tương lai của căn cứ địa Đá Bàn sẽ tiếp tục đổi thay, phát triển.


Giang Đình - Bích La