"Trong kháng chiến, người dân Khánh Sơn một lòng theo Đảng, theo Bác đánh giặc ngoại xâm. Giải phóng rồi, đồng bào lại lo làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp...". Xin mượn lời già Cao Văn Nhiến để mở đầu cho bài viết của chúng tôi về căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).
“Trong kháng chiến, người dân Khánh Sơn một lòng theo Đảng, theo Bác đánh giặc ngoại xâm. Giải phóng rồi, đồng bào lại lo làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp...”. Xin mượn lời già Cao Văn Nhiến để mở đầu cho bài viết của chúng tôi về căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).
Chiến khu trung dũng
Theo hồ sơ khoa học về di tích lịch sử - văn hóa căn cứ địa cách mạng Tô Hạp, vị trí của khu căn cứ địa này được xác định nằm trong vùng rừng núi rộng lớn dọc theo lưu vực sông Tô Hạp, kéo dài từ xã Ba Cụm Nam đến xã Sơn Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các địa chỉ đỏ như: Hòn Gầm, Xóm Cỏ là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến khu V, tỉnh và huyện.
Già Cao Văn Nhiến (bên phải) trong lần đến thăm già làng Cao Sa Nhân |
Vào một chiều cuối tháng 3, già Cao Văn Nhiến - người từng có nhiều năm trực tiếp tham gia đánh Mỹ, từng làm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn đưa chúng tôi đến khu vực cầu Apa Bưởi (xã Sơn Hiệp), nơi ông đã một mình chống lại cả chục tên lính ngụy. Ở độ tuổi 72, sức khỏe có nhiều giảm sút, nhưng khi nhắc tới ký ức về cuộc đụng đầu không cân sức đó, già vẫn nhớ từng chi tiết. “Cuối năm 1970, tôi cùng đồng chí Cao Văn Huỳnh và một đồng chí khác đang trên đường từ rừng về cơ quan thì bất ngờ gặp toán biệt kích ngụy mai phục. Khi phát hiện chúng tôi, lập tức chúng nổ súng làm một đồng chí bị thương nặng, buộc đồng chí Huỳnh phải cõng đến nơi ẩn nấp. Tôi núp sau một cây cổ thụ. Khi ấy, trên tay tôi chỉ có khẩu B40 với 1 trái đạn. Sau khi định thần, tôi phát hiện chúng đang tập trung chuẩn bị lội qua sông Tô Hạp. Có cơ hội, tôi lập tức phóng trái B40 vào giữa đội hình của chúng làm cho chúng kẻ chết, người bị thương”, ông Cao Văn Nhiến kể.
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 15 tuổi, chàng trai Cao Văn Nhiến đã đi làm liên lạc cho cán bộ nằm vùng. Đến năm 18 tuổi, ông tham gia lực lượng du kích xã Sơn Trung chống địch càn, rồi sau đó xung phong vào lực lượng quân sự địa phương.
Một tấm gương khác trong kháng chiến chống Mỹ ở Khánh Sơn là Anh hùng Lực lượng vũ trang Bo Bo Tới. Đến thăm ông trong căn nhà nhỏ trên một khoảng rẫy ở xã Ba Cụm Bắc, chúng tôi được nghe kể lần ông cùng đồng đội chống âm mưu cắm cứ điểm trên núi Tà Nĩa. “Vào khoảng giữa năm 1971, tôi cùng 5 du kích khác của xã Sơn Trung nhận nhiệm vụ tập kích địch, khi chúng đang triển khai phòng thủ cứ điểm. Chúng tôi đã diệt được một tiểu đội, làm bị thương một số tên. Khoảng 10 ngày sau, địch lại đổ bộ hai đại đội thuộc Sư đoàn dù 101 Mỹ lên núi Tà Nĩa. Tôi leo lên cây cao sử dụng súng trung liên phối hợp với đồng đội ở dưới đồng loạt nổ súng vào sở chỉ huy địch, diệt được 15 tên, buộc địch phải rút quân sau đó. Theo nhận định của cấp trên, địch chưa từ bỏ âm mưu chiếm núi Tà Nĩa nên chúng ta huy động nhân dân đào hầm chông quanh sân bay dã chiến. Tôi nghĩ ra cách lấy mìn của địch gài lại để bẫy chúng và đã có hiệu quả. Cả 3 lần sau đó, địch cố gắng đổ bộ bằng trực thăng nhưng đều thất bại”, anh hùng Bo Bo Tới tâm sự.
Trong ký ức của già Nhiến, anh hùng Bo Bo Tới..., những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đời sống của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vô cùng thiếu thốn, gian khổ. Kẻ địch thường xuyên tổ chức càn quét, bắt bớ, đốt hết nhà cửa, làng xóm. Hàng ngày, từ 6 giờ đến 18 giờ, trực thăng địch thi nhau bắn xuống núi rừng, xóm làng; từ 19 giờ đến 20 giờ, máy bay phản lực ném bom; từ 20 giờ, pháo địch lại dội từ Cam Ranh lên. Chưa hết, kẻ thù lại dã tâm rải chất độc hóa học dọc dài từ xã Thành Sơn đến tận xã Ba Cụm Nam. Cứ mỗi năm 2 lần, chúng nhằm vào mùa thu hoạch bắp, mì của đồng bào để rải. Cây trồng nhiễm độc không ăn được, đồng bào phải đào củ rừng, hái rau rịa, môn dót..., có gì ăn nấy. Đói cái ăn, đến hạt muối cũng không có, đồng bào phải đốt tranh, đốt nứa để lấy vị mặn.
Bia di tích lịch sử cách mạng Xóm Cỏ. |
Tuy đói ăn, nhạt muối, không có đủ cái mặc, nhưng người dân Khánh Sơn vẫn luôn một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác. Những cái tên như: Bo Bo Tới, Mấu Vũ, Cao Điềm, 2 bố con em Xê, cụ A Dú, các nữ du kích Cao Định, Bo Bo Bảng... từng một thời là nỗi khiếp sợ của Mỹ, ngụy. Năm 1963, quân và dân Khánh Sơn đã đánh bại cuộc càn quét có quy mô lớn của kẻ địch với tên gọi “Chiến dịch Thiềm đầu thủy”, để lại nỗi kinh hoàng cho giặc. Chúng đã gọi thung lũng Tô Hạp là “Thung lũng tử thần”. Tinh thần anh hùng bất khuất đó của quân và dân Khánh Sơn góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ trong toàn tỉnh.
Đổi thay từng ngày
Đến Khánh Sơn hôm nay, thăm lại vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa, với màu xanh mơn mởn của những ruộng lúa nước, rẫy mì, rẫy bắp. Đặc biệt, với lợi thế của khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Khánh Sơn đang chú trọng phát triển các loại cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao. Đi trên các tuyến đường được trải nhựa, bê tông hóa, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những vườn sầu riêng xanh tốt đang mùa đơm bông, ruộng mía tím mướt mát, rẫy cà phê hoa nở trắng phau... Trên đường vào di tích lịch sử cách mạng Xóm Cỏ (xã Sơn Bình), chúng tôi gặp ông Cao Xuân Đảm - một tấm gương làm kinh tế giỏi. “Bây giờ, đồng bào mình được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để làm kinh tế, nên mình phải cố gắng thôi”, ông Đảm tâm sự. Với hơn 1ha cà phê, 2 sào ruộng nước, 1 ao cá, gia đình ông thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Ở xã Sơn Bình bây giờ, có rất nhiều hộ người dân tộc thiểu số biết làm ăn, mức sống ổn định với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/tháng/người.
Toàn huyện đã không còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 25% vào năm 2010 đã giảm còn 18% năm 2013; dự kiến năm 2015 giảm còn 15%. Hệ thống điện sinh hoạt được kéo về tận những khu vực vùng sâu, vùng xa nhất nên không còn tình trạng có vùng lõm về điện. Với nhiều cách làm khác nhau, nước sạch sinh hoạt đã cơ bản cung cấp đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Trường học được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao, huyện đã phổ cập xong giáo dục tiểu học và đang tiến hành phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi... trên địa bàn huyện được tu bổ, nâng cấp thường xuyên. Từ năm 2013, Tỉnh lộ 9 đã chính thức thoát cảnh chia cắt vì mưa lũ nhờ hệ thống cầu được xây dựng kiên cố. Đồng thời, kể từ khi cây cầu Hàm Leo (xã Thành Sơn) hoàn thành đã phá thế ngõ cụt của huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế... |
“Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Sơn Bình còn 12%, hộ cận nghèo hơn 22%. Xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới ở Khánh Sơn. Đến nay, xã đã đạt được 11/19 tiêu chí”, ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết. Đến di tích Xóm Cỏ bây giờ, ngoài tấm bia ghi dấu sự kiện Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 8-1959, thì những dấu tích hoang tàn từ chiến tranh đã dần được thay thế bằng những rừng keo, ruộng mía, ao nuôi cá...
Theo chân ông Cao Văn Nhiến đến nhà già làng Cao Sa Nhân (xã Sơn Hiệp) - 1 trong 31 hội viên Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước huyện Khánh Sơn làm kinh tế giỏi, chúng tôi cảm phục trước tấm gương của già. Năm nay, tuy đã bước sang tuổi 78, nhưng già làng Cao Sa Nhân vẫn cần mẫn với rẫy cà phê, vườn sầu riêng, vườn tiêu của gia đình. Hàng ngày, ông vẫn trực tiếp chăm bón, tưới nước cho từng gốc cây. Ông tâm sự: “Trong chiến tranh, mình đánh đuổi kẻ thù để bảo vệ quê hương, đất nước. Giải phóng rồi mình phải gắng sức lao động, xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu đẹp”. Ở Khánh Sơn, những người như già làng Cao Sa Nhân có khá nhiều, như: già Cao Lê Dân (xã Sơn Hiệp), Cao Văn Nhiệp (thị trấn Tô Hạp), Cao Hồ Thân (xã Sơn Lâm), Mấu Xuân Lợi (xã Ba Cụm Nam)...
Trao đổi với ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, đối với kinh tế nông nghiệp, hiện nay, huyện đã xác định được giá trị cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, các vùng đồi núi bỏ hoang đã được cải tạo để trồng keo cho năng suất cao. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả như: cấp phát giống cây trồng, hỗ trợ vốn đầu tư, phân bón, xây dựng các mô hình kinh tế, làm đường vào khu sản xuất..., tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế gia đình. “Mong muốn của chúng tôi là xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Có như vậy, thành quả cách mạng của cha ông chiến đấu năm xưa để lại mới thực sự có ý nghĩa”, ông Trần Mạnh Dũng chia sẻ.
Rời Khánh Sơn, chúng tôi mang theo niềm tin về một tương lai tươi sáng của vùng đất anh hùng này. Tương lai ấy có lẽ sẽ đến từ những ánh mắt tròn xoe, trong veo của các em nhỏ người Raglai mà chúng tôi đã gặp. Các em đang nhận được những sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước để tạo dựng hành trang bước vào đời. Dù rằng, trước mắt, huyện Khánh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết một lòng sẽ luôn là nguồn động lực để Khánh Sơn vững bước đi lên.
N.T