10:04, 15/04/2014

Thấp thỏm mía cuối vụ

Niên vụ mía 2013 - 2014 dự kiến kết thúc vào cuối tháng 5. Nhưng hiện nay, hàng trăm héc-ta mía ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn đang nằm chờ trên ruộng trong nỗi âu lo, thấp thỏm của nông dân.

Niên vụ mía 2013 - 2014 dự kiến kết thúc vào cuối tháng 5. Nhưng hiện nay, hàng trăm héc-ta mía ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn đang nằm chờ trên ruộng trong nỗi âu lo, thấp thỏm của nông dân.


Mía cháy, mía khô ngọn


Xã Ninh Tây vào những ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng thiêu đốt, những thân mía như muốn lả đi. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ, những ruộng mía khô lá, khô ngọn sẽ bốc cháy dữ dội. Tại khu vực Thùng Cửa Sổ (đoạn Km 26 Quốc lộ 26), cả một vùng mía gần 10ha đã bị lửa thiêu cháy. Bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Xóm Mới 2) cho biết, nhà bà có 3ha mía ở khu vực này đã bị cháy. Bà đang thuê người khẩn trương chặt để kịp chở về nhà máy (NM). Trước đó, hơn 2ha mía tơ (mía năm đầu) của nhà bà Tuyết ở khu vực Km 21 Quốc lộ 26 gần đến ngày thu hoạch cũng bị cháy. “Mía bị cháy, để giảm thiệt hại, chúng tôi phải kịp thời chặt vận chuyển về NM. Vì vậy, tiền công chặt, tiền xe tăng bo, thậm chí tiền công đi lượm ngọn về cột mía cũng cao. Vụ mía năm nay, tính sơ bộ, nhà tôi bị lỗ vài chục triệu đồng”, bà Tuyết nói.

 

Nhiều diện tích mía đang trong tình trạng bị khô lá, ngọn.
Nhiều diện tích mía đang trong tình trạng bị khô lá, ngọn.


Gia đình bà Hồng (xã Ninh Phụng) thuê 5ha đất ở khu vực C2 xã Ninh Tây để trồng mía. Khi chuẩn bị chặt thì mía của gia đình bà và nhiều hộ khác đã bị lửa thiêu cháy toàn bộ. “Lúc đó khoảng 12 giờ, nghe tin báo mía bị cháy, cả nhà tôi cuống cuồng chạy đến ruộng mía. Nhìn mía cháy, chúng tôi chỉ còn biết khẩn trương đi thuê người để kịp chặt”. Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây: “Từ đầu tháng 3 đến nay, gần như ngày nào tôi cũng phải ký biên bản xác nhận mía bị cháy cho người dân. Ngày ít thì một vài hộ, có ngày lên đến cả chục hộ. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có 63ha mía (tương đương với 3.460 tấn) bị cháy, thiệt hại đối với người dân là rất lớn”.

 

Mía bị cháy của nhà bà Nguyễn Thị Tuyết được bốc chở về nhà máy.
Mía bị cháy của nhà bà Nguyễn Thị Tuyết được bốc chở về nhà máy.


Với tình trạng nắng nóng kéo dài, những diện tích mía càng đến cuối vụ thu hoạch càng trở nên khô xốp. Điều này dẫn đến tình trạng trọng lượng, chữ đường của cây mía bị giảm. Đến thôn Buôn Sim, chúng tôi gặp anh Y Vức đang bần thần bên ruộng mía nhà mình. “Nhà tôi trồng 1,5ha mía. Tháng trước, 7 sào mía tơ đã bị cháy, nhập vào NM và thu về được 15 triệu đồng; còn 8 sào mía trên ruộng, đến giờ vẫn chưa có lịch chặt. Với tình trạng khô ngọn như thế này, chắc chắn khi thu hoạch, trọng lượng mía sẽ giảm, ngoài ra chưa biết sẽ bị cháy lúc nào”, anh Y Vức nói. Năm ngoái, cũng với diện tích mía trên, sau khi thu hoạch, gia đình anh Y Vức bị lỗ 4 triệu đồng. Còn năm nay, sẽ lỗ khoảng 10 triệu đồng. “Ruộng rẫy ở đây không trồng mía cũng chẳng biết làm gì, mà trồng mía thì cứ lỗ nhiều hơn lãi, cũng nản. Năm nay, chờ thu hoạch mía xong, tôi lại đi làm mướn cho người ta” - anh Y Vức tâm sự.

 

Nông dân thu hoạch mía sau khi bị cháy.
Nông dân thu hoạch mía sau khi bị cháy.


Đi một lượt qua các xã Ninh Tây, Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tân..., điều dễ nhận thấy là hàng trăm héc-ta mía của nông dân đang nằm chờ thu hoạch. Với điều kiện thời tiết khô nóng, nguồn nước khan hiếm thì các ruộng mía bị khô ngọn là điều dễ hiểu. Mía càng bị khô ngọn thì nỗi lo của nông dân càng tăng; bởi càng về cuối vụ, không chỉ chất lượng của cây mía giảm, rủi ro cháy mía lớn mà chi phí thu hoạch mía cũng tăng so với đầu và giữa vụ.


Nhà máy thu mua chậm


Thời điểm hiện tại, những nông dân có diện tích mía chưa được thu hoạch đều rất lo lắng. Nhiều người cho rằng, so với những vụ mía trước, năm nay, việc thu mua của NM đường chậm hơn. “Năm ngoái, đến cuối tháng 3, tất cả diện tích mía của gia đình tôi đã thu hoạch xong; năm nay, mãi đến đầu tháng 4 mới có lịch chặt”, bà Tuyết cho biết. Một số người dân còn cho rằng, theo hợp đồng với NM, lịch chặt mía của họ cũng bị trễ so với những gì NM đã thỏa thuận. Những năm trước, NM thường có lịch chặt mía đối với các ruộng mía lưu gốc năm thứ 3, 4 trước do dễ khô, cháy; mía tơ chặt sau. Nhưng năm nay, NM lại chạy theo sản lượng, thậm chí mía tơ khó khô, cháy lại được thu hoạch trước, mía lưu gốc thu hoạch sau...


Qua trao đổi với lãnh đạo xã Ninh Tây, chúng tôi được biết, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh về tình hình thu mua mía chậm gây thiệt hại cho người dân. UBND xã chỉ biết ghi nhận và phản ánh với NM chứ không thể can thiệp được. Hiện nay, toàn xã Ninh Tây có hơn 2.170ha mía, trong đó có 70% diện tích thuộc vùng nguyên liệu mía của NM Đường Ninh Hòa. Ninh Tây cũng là xã có nhiều diện tích mía bị cháy nhất thị xã Ninh Hòa, nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân các vụ cháy mía.

 

Nhập mía vào Nhà máy Đường Ninh Hòa.
Nhập mía vào Nhà máy Đường Ninh Hòa.

 

Để biết thêm việc thu mua mía của nông hộ tại thị xã Ninh Hòa, chúng tôi đã gặp ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu NM Đường Ninh Hòa. Theo ông Dũng, đến thời điểm hiện tại, NM đã thu được 65% diện tích mía (tương đương 12.000ha) thuộc vùng nguyên liệu của NM ở Khánh Hòa và Đắk Lắk. Mỗi ngày, NM ép được khoảng 5.200 tấn, tuy đã vận hành hết công suất nhưng cũng chỉ mới ép được 440.000 tấn trên tổng số 670.000 tấn mía nguyên liệu theo dự kiến. “Theo kế hoạch, việc thu mua mía của NM sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Chúng tôi đảm bảo sẽ thu mua hết số mía đã ký hợp đồng với nông dân. Để chia sẻ phần nào những khó khăn với nông dân có mía thu hoạch cuối vụ, NM đã áp dụng một số giải pháp hỗ trợ”, ông Dũng cho biết.

 

Ông Huỳnh Nhớ - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa:


Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 11.500ha mía được nông dân trồng, bán cho 2 NM đường Ninh Hòa và Khánh Hòa. Đến thời điểm này, việc thu hoạch của các NM khá chậm, diện tích thu hoạch xong chỉ khoảng 60%. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng cây mía mà còn có nguy cơ cháy cao do thời tiết khô hanh kéo dài. Năm nay, hiệu quả cây mía rất thấp. Hầu hết nông hộ đều bị thua lỗ, trồng càng nhiều càng lỗ nặng…

Chúng tôi được biết, đối với những diện tích mía thu hoạch từ sau ngày 10-5, NM Đường Ninh Hòa sẽ hỗ trợ thêm 70.000 đồng/tấn và áp dụng chế độ bảo hiểm chữ đường là 9,5 CCS. Còn hiện tại, đối với những diện tích mía bị cháy, NM ưu tiên bố trí xe chở mía về NM cho nông dân. Mía cháy chở về NM trong vòng 24 giờ sau khi cháy sẽ được NM tính giá thành như mía bình thường; còn sau đó, cứ chậm thêm 24 giờ sẽ bị NM trừ 4% khối lượng mía. “Sở dĩ chúng tôi áp dụng việc trừ phần trăm là để nông dân nhanh chóng thu hoạch mía cháy nhập về NM. Qua đó, hạn chế được những thiệt hại cho người dân”, ông Dũng chia sẻ.


Rời xã Ninh Tây, chúng tôi lại nghĩ đến niên vụ mía 2013 - 2014 đầy trắc trở đối với nông dân thị xã Ninh Hòa. Bước vào thu hoạch, người trồng mía đã xác định vụ mía này bị thua lỗ nặng do giá thấp, chữ đường không cao. Đến giữa vụ, mía không chở được do tài xế chặn xe. Còn cuối vụ, nông dân lại thấp thỏm lo mía cháy, giảm chất lượng. Bao giờ nông dân mới thực sự yên tâm với cây mía - cây trồng đã gắn bó với họ nhiều năm qua?


NHÂN TÂM - BÍCH LA