Hơn 4 tháng qua, thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa...
Hơn 4 tháng qua, thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa...
Lúa cháy, cây héo...
Trước mắt chúng tôi là cánh đồng Hầm Đá thuộc thôn Suối Cau (xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh) với một màu xám xịt. Nhìn những thân lúa xác xơ, ông Nguyễn Duy Tuyên - người có ruộng gần đó - chia sẻ: “Mấy tháng nay không có một giọt mưa, cây lúa không chịu nổi nên chết đứng. Đây là cánh đồng 1 vụ, sống nhờ nước trời nên chúng tôi chẳng thể làm gì hơn”. Suốt vụ chăm bẵm, nâng niu cây lúa mong tới ngày thu hoạch nhưng giờ không có gì ngoài mấy cọng rơm khô, thiệt hại 6 sào lúa lên tới 15 triệu đồng, ông đang lo không biết lấy gì ăn khi giáp hạt. Ông Nguyễn Đình Khởi - cán bộ khuyến nông xã Khánh Đông cho biết, toàn xã có hơn 100ha lúa nước, trong đó 40ha lúa 1 vụ sống nhờ nước trời. Năm nay khô hạn nặng nên toàn bộ diện tích lúa 1 vụ gần như mất trắng.
Sáng sớm, chị H’Dôn (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh) nôn nóng ra thăm ruộng lúa mới tranh thủ bơm nước từ hôm qua. Nhìn ruộng lúa đang trổ, chị lo không biết duy trì được bao lâu, bởi lúa trổ rất cần nước nhưng chỉ có thể bơm cầm chừng...
Bà con thôn Cam Khánh phải lấy nước từ các giếng ven suối. |
Cùng ông P Căng I Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hiệp lên miệng suối Hòn Lay - nơi cung cấp nguồn nước chính cho cả cánh đồng Hòn Lay và khu vực lân cận, chúng tôi thấy tuy nước đang đọng thành vũng dưới lòng suối nhưng không còn khả năng chảy. Theo UBND xã Khánh Hiệp, toàn xã có hơn 200ha lúa nước, trong đó có 60ha lúa 1 vụ sống nhờ nước trời. Khô hạn dài ngày khiến nhiều con suối, đập dâng cạn nước. Không chỉ cây lúa mà các cây trồng khác cũng chịu chung số phận. Các bãi bồi ven suối trồng cây bắp cũng bị chết cháy.
Buổi sáng, ông Cao Đinh (Du Oai, Sơn Lâm, Khánh Sơn) hì hục bên chiếc máy nổ nhưng cũng chẳng thể giải cơn khát cho vườn cà phê đang thiếu nước. 1.700 gốc cà phê của ông, trong đó có 700 cây đang ra hoa nhưng đều sạm đen vì khô hạn. “Mạch yếu lắm, cứ 2 tiếng mới bơm 1 lần nhưng cũng chỉ tưới được vài chục gốc, tình hình này chắc cà phê mất mùa...”, ông Đinh than.
Những ngày này len lỏi qua các thôn xóm, trang trại, vườn cây tại huyện Khánh Sơn, chúng tôi thấy người dân đang kéo ống khắp vườn để cứu cây, sử dụng mọi nguồn nước, mọi phương tiện để bơm tưới. Nông dân cho biết, đây là thời điểm nhạy cảm, nhiều loại cây trồng đang thời kỳ ra hoa, đậu quả, thiếu nước sẽ giảm năng suất và sản lượng.
Nguồn nước từ suối Hòn Lay không đủ tưới cho lúa. |
Theo ông Võ Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm, hiện Sơn Lâm có hơn 300ha cây lâu năm, trong đó sầu riêng chiếm hơn 50%. Tình hình khô hạn kéo dài nhiều tháng nay khiến mực nước các khe suối, ao hồ xuống thấp, gây khó khăn cho sản xuất.
Không chỉ các huyện miền núi gặp khó khăn do hạn hán, vùng đồng bằng như xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) cũng đang quay quắt vì nắng hạn. Dẫn chúng tôi ra vườn xoài đang ủ rũ, anh Lê Văn Tuấn (thôn Hòa Do 7) chia sẻ: “Xoài đang độ tuổi ra hoa, không có nước chắc chắn không thể đậu quả”. 2 cái giếng trong vườn cũng trở nên vô hiệu. Lòng suối gần đó cũng cạn khô không đủ nước cứu mấy sào lúa đang ngậm sữa. Tình thế đó buộc anh Tuấn phải bỏ tiền ra mua nước cứu xoài. Cứ 5-6 ngày, anh lại thuê người chở nước tới, 1 xe (1m3) giá 40.000 đồng, cả vườn xoài cần khoảng 10 xe nhưng chẳng thấm vào đâu.
Đảo lộn cuộc sống
Khô hạn không chỉ gây thiệt hại cho cây trồng mà còn đảo lộn cuộc sống của người dân. Nhiều ngày nay, bà con dân tộc thiểu số tổ 6, thôn Suối Cau (Khánh Đông, Khánh Vĩnh) phải thức từ 3-4 giờ sáng, đi bộ hàng cây số vào núi để hứng nước đem về dùng. Chị Cao Thị Huệ cho biết: “Muốn có nước uống, nấu ăn phải dậy từ sớm khi trời còn nhá nhem. Đi bộ xa mấy cây số nhưng nếu đi trễ thì chẳng còn nước vì ai cũng chờ lấy nước mà mạch thì quá yếu...”. Được biết, thôn Suối Cau có 27 hộ, 155 nhân khẩu được Nhà nước đầu tư 3 giếng nước nhưng nay 2 cái đã cạn, bà con phải đi xa lấy nước nên mọi sinh hoạt bị đảo lộn.
Trụ sở UBND xã Khánh Hiệp và khu vực xung quanh cũng đang căng thẳng vì thiếu nước sinh hoạt do chỉ còn 1-2 giếng có thể tạm sử dụng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiên - Phó Trưởng Trạm y tế xã chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa hạn là bà con đến đây lấy nước, ngay cả UBND xã, trường mẫu giáo cũng thiếu nước. Tuy nước nhiễm phèn phải qua lọc nhưng chúng tôi phải san sẻ với bà con, riêng nước phục vụ cho trạm vẫn tạm đáp ứng...”.
Nhiều người dân thôn Cam Khánh (Sơn Lâm, Khánh Sơn) mỗi sáng cũng phải vác bình đi lấy nước bởi các giếng nằm ở khu vực cao đều đã cạn kiệt. Xách gàu nước lên từ giếng của người hàng xóm, bà Trương Thị Sanh chia sẻ: “Giếng ở nhà chỉ còn vài tấc nước nhưng đục không dùng được, mùa hạn tôi phải đi lấy nước từ những giếng nằm ven suối...”. Bà Sanh và những người dân ở khu vực này đang trông chờ vào 1-2 giếng còn lại nhưng nếu hạn kéo dài, các giếng dưới thấp cũng cạn kiệt thì bà con không biết xoay xở ra sao.
Trước tình hình hạn hán hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo: Lập phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước nhằm xử lý kịp thời khi nguồn nước thiếu hụt, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nông nghiệp; tổ chức nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, ao, giếng để khơi thông dòng chảy; duy tu bảo dưỡng hệ thống bơm, bổ sung trạm bơm dã chiến chống hạn, vận hành tiết kiệm nguồn nước; thống kê diện tích bị hạn, diện tích có khả năng xảy ra hạn để lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế thất thoát nước… |
Bà con dân tộc thôn Du Oai (Sơn Lâm, Khánh Sơn) cũng đang điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt. Chỉ tay vào giếng nước đã cạn khô, ông Mấu Văn Toàn cho biết: “Giếng nước này dùng cho khoảng 20 hộ trong vùng nhưng nay đã cạn không thể dùng được. Nước suối Kô Róa thì đục do nạn đãi thiếc, tắm cũng bị ngứa nên chúng tôi phải đào hố trên suối Đuôi Chuột, nhưng nước cũng rất ít...”.
4 tháng qua nắng hạn kéo dài, tuy địa bàn có mưa nhưng không đáng kể. Hơn 70% giếng nước trong xã đều đã cạn, người dân phải lấy nước nhờ những giếng dưới thấp hay mang can lên suối Kô Róa đem nước về dùng. Tuy nhiên, dòng suối này hiện cũng bị ô nhiễm do nạn khai thác khoáng sản đầu nguồn. Hệ thống nước tự chảy đã hỏng từ mùa mưa năm 2010 đến nay vẫn chưa có kinh phí sửa chữa. Nguyện vọng của người dân là Nhà nước khẩn trương tu sửa các hệ thống nước bị hư hỏng, đồng thời xây mới hệ thống đập dâng ở khu vực La - uy (thôn Hanit) nhằm đảm bảo cung cấp nước ngay cả mùa khô hạn.
Thị trấn Tô Hạp cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Theo Ban quản lý các công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Sơn, vùng cấp nước sinh hoạt của nhà máy hiện đã lên đến 700 hộ, nhưng lượng nước vào mùa khô tại đầu nguồn đang xuống thấp, nên việc cung cấp đủ 1.000m3 nước/ngày đêm cho người dân rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trạm cấp nước cũng đang xuống cấp, không đảm bảo chất lượng nước.
Chỉ là biện pháp tình thế
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, tình hình khô hạn đã lên tới đỉnh điểm. Toàn huyện có hơn 450ha lúa 2 vụ được tưới bởi các công trình thủy lợi và đập bổi (đập đất) và 70ha lúa 1 vụ sử dụng nguồn nước từ các khe suối, ven sông. Khô hạn kéo dài mấy tháng qua đã làm cho nước tại các đập dâng, khe suối giảm mạnh, uy hiếp nhiều diện tích sản xuất. Hiện đã có gần 20ha lúa 1 vụ tại các xã: Giang Ly, Sơn Thái, Khánh Hiệp, Khánh Đông mất trắng. Công việc chống hạn lúc này chỉ dựa vào việc chủ động của các xã như nạo vét, bơm tưới nhưng nhiều nơi nguồn nước cạn kiệt nên rất khó để thực hiện. Khô hạn ngày càng bất thường đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy, phương pháp chống hạn. Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: “Tình hình khô hạn rất căng thẳng, nhiều khu vực lúa bị cháy, người dân thiếu nước sinh hoạt... Giải pháp trước mắt là vận động người dân chủ động chống hạn, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sử dụng nước tiết kiệm, chính quyền hỗ trợ người dân kinh phí bơm tưới, nạo vét... Về lâu dài, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật nên đòi hỏi phải có cái nhìn mới trong việc đầu tư xây dựng thủy lợi, đập dâng, kênh mương, đặc biệt ở khu vực miền núi...”.
Huyện Khánh Sơn cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hệ thống thủy lợi, tiến hành nạo vét kênh mương, tập trung chống hạn, ưu tiên cứu cây lúa trước, cây công nghiệp sau. Song, với đặc điểm sản xuất nông nghiệp miền núi, địa hình phức tạp nên rất khó đưa được nước lên đồi, trong khi các mạch nước ngầm cũng dần cạn kiệt. Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Giải pháp trước mắt vẫn là vận động người dân tự xoay xở, tìm kiếm nguồn nước để bơm tưới, cứu lúa, cứu cây trồng. Việc đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi hay các công trình nước sinh hoạt đòi hỏi nhiều kinh phí nên cần rà soát cái nào làm trước, cái nào làm sau. Tuy nhiên, cách quản lý cũng phải đổi mới, công trình phải được giao trách nhiệm, có người quản lý mới phát huy hiệu quả...”.
Tình hình này đòi hỏi tỉnh cần chỉ đạo kịp thời, khẩn cấp, giúp các địa phương chủ động tìm kiếm giải pháp, kinh phí chống hạn. Về lâu dài, việc xây dựng các công trình thủy lợi hay nước sinh hoạt cần tính đến diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư các đập dâng tại miền núi cũng cần được nghiên cứu, xem xét...
Phú Lâm